Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Chủ Nhật, 19 tháng 4, 2020

VIỆT NAM HOÃN ĐẠI HỘI ĐẢNG TỪ CẤP CƠ SỞ

VIỆT NAM HOÃN ĐẠI HỘI ĐẢNG TỪ CẤP CƠ SỞ



VN: Hoãn đại hội Đảng từ cấp cơ sở, 

chống tham nhũng tiếp thế nào?

BBC
10.04.2020


Mặc dù cần tập trung chống đại dịch Covid-19, Việt Nam cần tiếp tục công việc chống tham nhũng, với những canh tân, đổi mới trong thời gian tới đây, theo một số nhà phân tích.

Hôm 09/4/2020, các ý kiến từ Hà Nội và Sài Gòn bình luận với BBC News Tiêng Việt trước hết về việc ‘hoãn’ các đại hội cấp cơ sở và hệ lụy nếu xảy ra thế nào.


Tiến sỹ Lê Đăng Doanh (nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương): Theo Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị, ban hành hồi tháng 5-2019 về Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, thời gian tiến hành đại hội đảng viên hoặc Đại hội đại biểu đảng bộ cơ sở sẽ bắt đầu từ tháng 4 này và hoàn thành trước ngày 30-6.

Trước tình hình dịch COVID 19 diễn biến phức tạp, nhằm tập trung mọi nguồn lực vào việc kiểm soát dịch bệnh và tránh tập hợp đông người, Ban Bí thư TW Đảng CSVN đã có chỉ thị tạm hoãn đại hội cấp cơ sở.

Nếu dịch COVID-19 tới đây được kiểm soát tốt, thì đại hội cấp cơ sở vẫn hoàn toàn thực hiện được trong khung kế hoạch như Chỉ thị 35 đã đề ra. Và như thế sẽ không ảnh hưởng nhiều tới Đại hội đảng bộ cấp huyện cũng như đại hội cấp tỉnh.

Như vậy, việc tạm hoãn Đại hội cấp cơ sở chỉ có tính kỹ thuật về thời gian, không ảnh hưởng gì đến tiến trình chuẩn bị cũng như nội dung Đại hội Đảng CSVN lần thứ XIII, hy vọng sẽ diễn ra đúng kế hoạch trong năm 2021.

Nhà nghiên cứu Lê Văn Sinh (cựu giảng viên Khoa Lịch sử, ĐHQG Hà Nội): Tôi cho rằng, hoãn Đại hội ĐCSVN cấp cơ sở là đúng.

Khi chính quyền cấm dân chúng không tụ tập đông người để chống dịch Covid - 19 lây lan, không lý do gì Đảng vẫn hội họp. 

Nhưng hoãn hoặc lùi thời gian Đại hội Đảng cơ sở tất sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các Đại hội Đảng cấp tỉnh, thành và toàn quốc. 

Có hai kịch bản là: 

Thứ nhất, Đại hội Đảng cấp cơ sở họp chậm so với kế hoạch ban đầu, hệ lụy là chất lượng soạn và thảo luận văn kiện, cũng như công tác tuyển chọn bộ khung lãnh đạo tại các Đảng bộ cơ sở sẽ không tốt như người ta mong đợi. Các Đại hội Đảng cấp trên cũng sẽ gặp các vấn đề như thế.

Và thứ hai, hoãn Đại hội Đảng cấp cơ sở sẽ kéo theo việc hoãn các Đại hội Đảng tỉnh - thành và toàn quốc. Lịch sử ĐCSVN đã từng xảy ra chuyện này. 

Đại hội sẽ diễn ra thế nào, tốt hay không thì chúng ta phải chờ xem.

Blogger Nguyễn Hữu Vinh (cựu Thiếu tá An ninh): Ngày 7/4/2020 Ban bí thư mới có chỉ đạo các tỉnh, thành ủy hoãn tổ chức đại hội cấp cơ sở. Trước hết, có thể thấy chỉ đạo này khá muộn, vì trước đó một tuần, theo tin từ trang web Đảng CSVN, thì đã có rất nhiều địa phương (chủ động) hoãn đại hội cấp cơ sở rồi.

Tuy nhiên, theo chỉ đạo của Ban bí thư, “nguồn tin từ trung ương đánh giá nếu COVID-19 tới đây được kiểm soát tốt, thì đại hội cấp cơ sở vẫn hoàn toàn thực hiện được trong khung kế hoạch như Chỉ thị 35 đã đề ra. Và như thế sẽ không ảnh hưởng nhiều tới Đại hội đảng bộ cấp huyện.”

Vậy có thể thấy mọi sự đều tùy thuộc vào tình hình diễn biến dịch bệnh, khó có thể đoán trước được điều gì, vì nếu đại hội cấp cơ sở phải chậm lại, không xong được trước tháng 6, thì đại hội cấp huyện sẽ không kịp trước tháng 8, cấp tỉnh thành không kịp trước tháng 10.

Đó là chưa nói tới rất nhiều thay đổi tình hình kinh tế, xã hội, chính trị trong nước, quốc tế trong thời gian này, nếu không được cập nhật cho đại hội các cấp thì không thể có được kết quả như tính toán ban đầu. Giải pháp tốt nhất vẫn là phải chuẩn bị kịch bản lùi thời gian Đại hội 13. 

Ảnh hưởng tới chống tham nhũng?

BBC:Sự kiện trên đi liền với việc tập trung vào chống dịch có thể ảnh hưởng gì không tới cuộc đấu tranh chống tham nhũng trong nội bộ ĐCS và chính quyền?

Tiến sỹ Lê Đăng Doanh: Ủy ban Kiểm tra Trung Ương cũng có hướng dẫn số 08-HD/UBKTTW ngày 14.02.2020 về kiểm tra tại Đại Hội Đảng bộ các cấp và như vậy, việc hoãn này không ảnh hưởng gì đến cuộc chống tham nhũng.

Luật sư Lê Công Định: Cuộc đấu tranh chống tham những do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khởi xướng và chỉ đạo trực tiếp, nên chỉ sức khoẻ của ông mới có thể tác động đến nó, còn việc hoãn đại hội cấp cơ sở của ĐCSVN hoặc hoạt động chống dịch viêm phổi do virus Corona có lẽ không ảnh hưởng nhiều.

Lê Văn Sinh: Nhất định sẽ bị ảnh hưởng, không nhiều thì ít. 

Cá nhân hay tổ chức cũng vậy, không thể cùng lúc làm tốt nhất có thể hai hay ba việc. 

Có thể cuộc đẩu tranh nội bộ Đảng để xếp đặt nhân sự lãnh đạo mới được hay bị đẩy lên cao. 

Chống tham nhũng chỉ là cái tên gọi che đi cuộc đấu giữa các nhóm quyền lợi trong Đảng mà thôi.

Nguyễn Hữu Vinh: Rõ ràng không khí nói chung toàn xã hội trong mấy tháng nay tập trung rất nhiều vào việc chống dịch bệnh. Theo dõi báo chí, nội dung chống dịch chiếm phần lớn các trang báo. Từ tháng 3, Tòa án tối cao cũng đã có chỉ thị gửi tòa toàn quốc tạm ngừng xét xử các vụ án đang trong thời gian giải quyết. Tiếp đó lại có chỉ thị ngừng tiếp đến 15/4.
Dễ thấy là trước tình hình này, khó có thể có nguồn lực và sự quan tâm của công luận cho công cuộc chống tham nhũng. 

Như vậy, cách khôn ngoan nhất là tạm thời giãn tiến độ kết thúc các vụ án quan trọng mà Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng đặt ra.

Ví như trong cuộc họp thứ 17, tháng 1/2020, có đặt ra mục tiêu năm 2020 kết thúc điều tra 21 vụ án,… truy tố 23 vụ án … Bên cạnh đó là 5 nhiệm vụ trọng tâm khác nữa, khó mà thực hiện được tốt.

Một khi không đạt được thành tích đã đặt ra trước đại hội 13, thì không khó để nhận thấy tác động của nó tới những khâu quan trọng nhất của đại hội sẽ tới đâu, trong đó có vấn đề nhân sự. 

Tạm hình dung, như vụ Thủ Thiêm, nếu không làm kịp, tương đối triệt để trước đại hội, thì không khéo sẽ có những vị dính chàm nặng, chưa bị phanh phui, mà vẫn bước chân vào trung ương, để rồi chỉ thời gian ngắn sau lại ra tòa, vào tù. 

Can thiệp hay không can thiệp? 

BBCCó ý kiến cho rằng trong hai nhiệm kỳ Đại hội Đảng trở lại đây, các chỉ thị của ban lãnh đạo cao cấp của ĐCS về 'củi lửa, đốt lò' có thể làm ảnh hưởng tới tính độc lập của chức năng tư pháp và việc này có thể để lại tiền lệ, hệ lụy xấu, hệt như việc Đảng can thiệp sâu vào công việc của chính quyền, ý kiến của quý vị thế nào?

Lê Đăng Doanh: Hiện nay chưa ban hành Luật về sự lãnh đạo của Đảng CSVN đối với các cơ quan nhà nước nhưng nói chung giữa các cơ quan Đảng và cơ quan nhà nước có sự phối hợp chặt chẽ với nhau. 

Vai trò của lãnh đạo cá nhân là quan trọng, không thể phủ nhận. 

Dưới thời Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, lãnh đạo Đảng đã giành nhiều quyền chủ động cho Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng, bên cạnh những mặt thuận lợi cho Chính phủ như tăng tính năng động của Chính phủ trong thành lập các tập đoàn kinh tế nhà nước cũng để lại những hệ lụy không nhỏ mà công luận rất quan tâm.

Lãnh đạo kế tiếp sau đó đã co sự điều chỉnh thích hợp.

Đặc biệt, dư luận hoan nghênh công cuộc chống tham nhũng do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khởi xướng và chỉ đạo và hy vọng công cuộc đó sẽ được tiếp tục đẩy mạnh trong thời gian tới, được luật hóa, xác định rõ quyền hạn, trách nhiệm giải trình của cán bộ lãnh đạo các cấp trước nhân dân và công luận.

Lê Công Định: Thật ra, hệ thống toà án Việt Nam từ ngày ĐCSVN cầm quyền cho đến nay chưa bao giờ độc lập trong xét xử. Lý luận về “nhà nước pháp quyền” mà ĐCSVN đưa ra từ khi các nước thuộc khối xã hội chủ nghĩa chuyển đổi dân chủ, cũng không thừa nhận quan niệm tam quyền phân lập. 

Xưa nay ĐCSVN luôn tập trung mọi quyền lực nhà nước trong tay, can thiệp vào mọi hoạt động của bộ máy nhà nước, kể cả chức năng tư pháp. 

Tiền lệ xấu đó thực ra đã trở thành tập quán bất biến từ lâu, chứ không phải chỉ mới từ hai nghiệm kỳ Đại hội Đảng gần đây. 

Vì vậy, các chỉ đạo của ban lãnh đạo cao cấp của ĐCSVN về “đốt lò” chẳng qua đều được thực hiện theo tập quán vốn dĩ trong lề lối cai trị đó của họ. 

Lê Văn Sinh: Tôi đồng ý với nhận định này. Chỉ thị không phải là luật pháp. 

Khi người ta dùng chỉ thị thay luật thì tính độc lập của tư pháp bị phương hại. 'Án bỏ túi' là cách diễn đạt một cách hình tượng về tình trạng này. 

Ngày nay, bất kỳ ở đâu, xã hội không được cấu trúc bởi hệ thống kiểm soát lẫn nhau - tam quyền phân lập, báo chí tự do và xã hội dân sự đúng nghĩa - thì không thể có xã hội pháp quyền được. 

Việc đảng cầm quyền can thiệp trực tiếp vào công việc của hành pháp và tư pháp phản ảnh rõ rệt nhất tính chất của một xã hội có nền dân chủ thực sự hay không.

Nguyễn Hữu Vinh: Trước hết, phải nói cái câu ngạn ngữ thời nay, rằng “án bỏ túi” nó cứ đeo đẳng dai dẳng hệ thống tư pháp Việt Nam, mà hiếm khi nào được báo chí nhà nước đem ra mổ xẻ xem tại sao. 

Còn người dân, trên mạng có thể cho nhau thấy, đó là do “chính trị là thống soái”, tất tật phải đặt yêu cầu phục vụ chính trị lên hàng đầu (chưa nói tới chuyện tham nhũng, chạy án).
Cụ thể hơn, là khi thực hiện một vụ án, cuối cùng là xét xử, thì các cơ quan tư pháp phải được quán triệt là làm sao hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho uy tín của đảng, sự ổn định tư tưởng của dân. Bắt, bỏ tù một ông bộ trưởng, chắc là dân hoan hô.

Nhưng nếu không dừng ở đó, để ông ta khai ra mấy ông nữa, ông to hơn nữa, hoặc rõ ra ông ta phạm tội phải đến mức tử hình cơ, thì nó lại hơi nguy hiểm cho chế độ, “dứt dây đồng rừng”, hay là làm nửa vời.

Còn trong mấy năm nay, cuộc chống tham nhũng được đẩy lên, đem lại một số kết quả bằng những vụ án lớn. 

Như vậy, dễ thấy là các cơ quan tư pháp phải cố thực hiện những mục tiêu được đặt ra, phải gồng mình lên, trong khi trình độ, nhân lực có hạn; hệ thống pháp luật còn hổng, chồng chéo; chính trị nội bộ phức tạp với những mối quan hệ mờ ám, che đỡ cho nhau, v.v.. Và thế là, rất dễ dẫn đến kết quả là những phiên xử, những bản án thiếu công minh, hoặc oan, hoặc để lọt. 

Hậu quả lâu dài khó lường hết, ví như một ngày nào đó, lại phát hiện những oan sai, lại phải xin lỗi, bồi thường, tốn kém ngân sách, mất uy tín. 

Đơn cử mới đây, ông cựu bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, thừa nhận nhận hối lộ 3 triệu đô, báo chí hớn hở, không ít người mừng, cho là sự kiện lịch sử, thành tích lớn cho cơ quan tư pháp … Nhưng kỳ thực, khoản đưa/nhận hối lộ đó hoàn toàn do hỏi cung mà ra, chứ không phải cơ quan điều tra có được chứng cứ. 

Như vậy có thể thấy cái hiện tượng “án bỏ túi” dễ được khuyến khích hơn trong chiến dịch chống tham nhũng này.

Suy cho cùng, nó nhắm tới mục tiêu giúp khôi phục uy tín của đảng trong dân, tăng quyền lực của đảng, nhưng ngược lại, việc xây dựng một nhà nước pháp quyền lại bị khó khăn thêm nữa, thụt lùi. 

Thượng tôn có chủ quan?

BBC: Nếu Đảng đề cao vai trò thượng tôn lãnh đạo, liệu có làm giảm vai trò của giám sát, đốc thúc, tổ chức chống tham nhũng của người dân?

Lê Đăng Doanh: Người dân hưởng ứng công cuộc chống tham nhũng một cách tích cực, cung cấp thông tin cho các cơ quan chống tham nhũng. 

Trong Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng có đầy đủ các cơ quan Đảng và Nhà nước tham gia thảo luận từng vụ việc. 

Đích thân Tổng Bí thư chủ trì Ban Chỉ đạo và trực tiếp cho ý kiến chỉ đạo, lần đầu tiên trong lịch sử ĐCSVN có các Ủy viên Bộ Chính trị bị kỷ luật, được công luận quan tâm ủng hộ.

Hy vọng quá trình đó sẽ tiếp tục được hoàn thiện, công khai, minh bạch, huy động sự tham gia rộng rãi của các cơ quan liên quan và quần chúng nhân dân, cơ quan báo chí.

Luật sư Lê Công Định: Khi hô hào chống tham nhũng, ĐCSVN luôn kêu gọi sự tham gia của quần chúng nhân dân vào công cuộc chung này, nhưng đó chỉ là lời nói suông.

Trên thực tế, họ không bao giờ cho phép người dân chống tham nhũng một cách chủ động, và luôn nhấn mạnh vai trò lãnh đạo của đảng đối với công cuộc chống tham những, mà thực chất là chống tham nhũng theo định hướng và mang màu sắc đấu đá phe phái nội bộ. 
Sự lãnh đạo của ĐCSVN trong mọi lĩnh vực và mọi vấn đề đều tuỳ tiện, đơn phương và chủ quan, không riêng trong việc chống tham những. 

Vai trò giám sát của quần chúng trong mọi quyết sách về quốc kế dân sinh chỉ mang tính chất hình thức, chưa bao giờ có thực chất.

Lê Văn Sinh: Đúng thế. Vai trò thượng tôn của Đảng trong việc chống tham nhũng cả trong Đảng và Chính quyền tất sẽ làm suy giảm vai trò chống tham nhũng của người dân, làm gia tăng vị trí độc tôn của Đảng, tính chủ quan, đơn phương và tùy tiện của ban lãnh đạo, của cá nhân khiến họ tự đặt mình lên trên cả luật pháp. 

Người ta sáng tạo ra thuật ngữ "nhốt quyền lực" thì cái gì có thể làm nổi việc đó nếu không phải là siêu quyền lực.

Nguyễn Hữu Vinh: Từ rất lâu rồi, vai trò của người dân trong việc đóng góp ý kiến xây dựng đất nước nói chung, chống tham nhũng nói riêng, đã không được coi trọng. Những ngôn từ có tính tuyên truyền quá nhiều, nhưng trên thực tế thì quá ít. Lý do dễ thấy là đảng không muốn “vạch áo cho người xem lưng”, luôn lo sợ không kiểm soát được tình hình, một khi trao quyền cho dân giám sát đảng.

Người dân thì nơm nớp lo sợ bị trả thù khi muốn tố cáo hiện tượng tham nhũng cho cơ quan có trách nhiệm. Nếu họ muốn thông qua tổ chức, đoàn thể để an toàn hơn, có sức mạnh hơn, thì cũng không thể vì họ quá biết các tổ chức này cũng chỉ là cánh tay nối dài của đảng, cũng đầy kẻ tham nhũng. Thế là tham nhũng ngày càng lộng hành, uy tín của đảng với dân đi xuống, nguy cơ tồn vong càng lớn.

Khi mối nguy quá lớn, đảng vội vàng tăng cường chống tham nhũng, bằng cách nắm trọn vai trò chống tham nhũng, chống lại lực lượng đen tối ngay trong chính mình. Nhưng đảng dẫu có “trăm tay nghìn mắt” cũng không thể làm xuể (nếu như đúng là cả bộ máy thống nhất, khốn nỗi hoàn toàn không phải, và thực tế thì năng lực các cấp trong đảng rất thấp).

Đến đây còn nẩy sinh thêm hệ lụy là rất có thể đảng lấn sân chính quyền, các nhà quản lý nhà nước làm việc trong nỗi lo sợ rình rập, mắc sai lầm hoặc đi chệch quy định pháp luật (dày đặc rối rắm như rừng), nên họ phải dè chừng, không làm hết mình, hoặc ngược lại, mua chuộc bên đảng.

Thế là lại tạo thuận lợi cho các thế lực tham nhũng hoành hành, nỗi bất mãn tích tụ trong dân tiếp tục nóng lên chực chờ bùng nổ. Một vòng luẩn quẩn liên tu bất tận. 

Công khai, dân chủ, đa dạng hóa?

BBC: Cũng có ý kiến đặt vấn đề không nên gom hết quyền lực đó vào một cá nhân (kể cả một Tổng Bí thư hay Chủ tịch nước nào) hoặc một nhóm nào đó có ảnh hưởng trong ban lãnh đạo và cơ cấu quyền lực hiện nay?

Lê Công Định: Yêu cầu công khai hoá, thậm chí dân chủ hoá công cuộc chống tham nhũng đã được đặt ra từ lâu và ngày càng được xã hội đồng lòng kêu gọi nhiều hơn, nhưng chưa bao giờ được lắng nghe. Nguyên tắc lãnh đạo của ĐCSVN là tập trung dân chủ, nhưng trên thực tế chỉ là tập trung độc đoán và loại trừ dân chủ. 

Do đó, như tôi đã nói ở trên, công cuộc chống tham nhũng hiện nay được lèo lái theo định hướng có chủ đích và mang màu sắc đấu đá phe phái nội bộ nhiều hơn là một phong trào của toàn xã hội. 

Mọi quyết định tối hậu chỉ tập trung vào một người, nên việc tổ chức thực hiện hoàn toàn tuỳ thuộc vào sức khoẻ của vị đó mà thôi. 

Lâu lâu báo chí nhà nước đăng tải thông tin xử lý người này người nọ vì những khuyết điểm nào đó, thì người dân mới biết, còn không thì chẳng ai biết việc gì đang xảy ra.

Mọi tiến trình xử lý đều thiếu minh bạch. 

Nhiều khi người dân muốn kết quả xử lý kỷ luật quan tham nào đó như thế này, nhưng rồi kết quả công bố lại như thế khác, hoàn toàn trái mong đợi của mọi người. Do vậy, nguyện vọng của toàn dân trong công cuộc chống tham những hiện nay chưa bao giờ được đáp ứng.

Nguyễn Hữu Vinh: Những ý kiến tương tự như vậy từ lâu đã có, nhưng nó hoàn toàn xa lạ với bản chất của một hệ thống nhà nước cộng sản. Những người cộng sản thừa biết nếu họ chấp nhận như vậy, chẳng khác gì tự sát, hoặc họ sẽ phải “thay máu”, biến mình thành một đảng khác, như “dân chủ xã hội”, chẳng hạn.

Bởi vì đơn giản không thể đặt công việc gọi là “chống tham nhũng” một cách riêng lẻ, mà thực tế, nó liên quan tới toàn bộ thiết chế chính trị, kinh tế, pháp luật của một nhà nước.

Không thể “công khai hóa việc chống tham nhũng” mà lại không động tới việc phải công khai hóa nhiều vấn đề khác của nhà nước, từ quy hoạch thành phố, đấu thầu dự án, … cho tới đánh giá cán bộ v.v... 

Không thể “dân chủ hóa” chỉ riêng việc “chống tham nhũng” mà không có dân chủ trong việc đóng góp ý kiến xây dựng pháp luật, củng cố thanh lọc bộ máy tư pháp, … thậm chí là cả đường lối chủ trương của đảng.

Nên một khi chống tham nhũng theo cách (lãnh đạo) đảng làm, dân ngồi xem, hoặc hoan hô, thì kết quả chắc chắn sẽ chẳng bao nhiêu, lại dễ bị nghi ngờ là tận dụng cuộc chống tham nhũng chủ yếu để giải quyết vấn đề nội bộ (Trung Quốc đã khá rõ chuyện này).

Phải trả lại những quyền căn bản của nhân dân, trong đó đặc biệt các quyền tự do báo chí, ngôn luật, tự do lập hội, tự do tư tưởng, tự do biểu tình. Phải thực sự thượng tôn pháp luật, chứ không phải thượng tôn “chính trị”/đảng.

Khi đó, người dân mới được phát huy hết sức mạnh, tinh thần với truyền thống quý báu hàng ngàn năm của mình, đứng lên tiêu diệt “giặc nội xâm”.

Lê Văn Sinh: Nếu làm được điều này, xã hội Việt Nam đã là một xã hội dân chủ, pháp quyền đích thực rồi. Sẽ không còn những vấn đề được đặt ra ở trên.

Lê Đăng Doanh: Cải cách thể chế ở Việt Nam đã được thực hiện từng bước, hy vọng sẽ được tiếp tục thực hiện, thí dụ như Quốc Hội đóng góp vai trò quan trọng,thực chất hơn với các hoạt động giám sát, chất vấn được truyền hình trực tiếp được công luận hoan nghênh. 

Việc vận dụng công nghệ thông tin, Chính phủ điện tử, sự tham gia của người dân thông qua các trang mạng xã hội v.v. đã đem lại những tiến bộ nhất định không thể phủ nhận.

Đại dịch COVID 19 hiện nay là một thử thách lớn đối với các thể chế nhà nước, với mô hình kinh tế-xã hội của mỗi nước cũng như đối với quá trình toàn cầu hóa. 

Thí dụ như không thể trông cậy vào nguồn cung ứng khẩu trang, máy thở và thiết bị y tế từ một nước khác. 

Tôi nghĩ rằng chắc chắn Việt Nam sẽ phân tích và rút ra những bài học cần thiết cho quá trình phát triển của đất nước trong thời gian tới./.

2 nhận xét :

  1. Sao lại hoãn đại hội đảng khi cứ đại hội càng nhiều, càng nhiều văn kiện, nghị quyết là mọi chuyện lại ngon ơ. Chỉ có điều kinh tế thì èo uột sống nhờ vào vay nợ, bán đất, bán sức lao động, bán môi trường, thu thuế doanh nghiệp nước ngoài ...còn lãnh thổ lãnh hải thì cứ mất dần.
    Trả lời
  2. Hoãn là đúng các đại hội vô bổ này, tập trung chống dịch và khi hết dịch là tập trung vực lại nền kinh tế và cuộc sống người dân. Làm được 2 việc này ít nhất cũng mất 2 năm, sau đó mới xem có nên đại hội đảng không? Căn cứ trên kết quả của 2 việc trên xem đảng đã làm được gì? hay là chỉ hô hào theo đuôi chính phủ và người dân thôi!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét