Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Hai, 27 tháng 4, 2020

Bài học từ Covid-19 ở Mỹ: “Điều hành đất nước, cần một nhà chính trị chuyên nghiệp hơn là một doanh nhân tài ba”

Bài học từ Covid-19 ở Mỹ: “Điều hành đất nước, cần một nhà chính trị chuyên nghiệp hơn là một doanh nhân tài ba”

Trong gần 4 năm cầm quyền, tổng thống Donald Trump và chính phủ của ông đã đạt được những thành công nhất định trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, đằng sau bức màn của sự tăng trưởng đó là một hình ảnh nước Mỹ mỏng manh, dễ bị tổn thương hơn bao giờ hết khi đứng trước các thảm hoạ bất ngờ.
Khó có thể tin được rằng, một quốc gia là siêu cường về kinh tế, khoa học, và một hệ thống y tế cộng đồng hàng đầu thế giới lại trở thành một quốc gia đội sổ, đứng đầu bảng tử thần trong đại dịch viêm phổi. Covid-19 đã đánh gục đi niềm kiêu hãnh vốn có của người Mỹ, nó cho thấy khả năng ứng phó của quốc gia này trước các tình huống đe dọa bất ngờ giờ đây là thật sự tồi tệ. Đây cũng là sự cảnh tỉnh cho những ai có ý tưởng xây dựng “quốc gia vĩ đại” bằng cách đi tắt đón đầu, phá vỡ các nguyên tắc và chuẩn mực nền tảng trong quản trị quốc gia.

Biếm họa: Tượng Nữ Thần Tự Do đã bị bịt mắt. Photo: YGRECK

Nước Mỹ vì đâu nên nỗi? Nguyên nhân cốt lõi nào đã dẫn đến tình trạng thảm hoạ này? Dù bạn cố gắng lý giải nguyên do từ đâu đi nữa thì cũng không thể phủ nhận một điều, nguyên nhân cốt lõi của nó bắt nguồn từ việc quản trị quốc gia mà ra. Và người phải chịu trách nhiệm chính trị cao nhất trước thảm cảnh này, không ai khác chính là người điều hành đất nước, tổng thống Donald Trump.
Sai lầm của tổng thống Trump trong việc đề ra chính sách phòng ngừa, ứng phó đại dịch xuất phát từ lối suy nghĩ hẹp của một doanh nhân chứ không phải là một tư duy mở theo cách của một người làm chính trị chuyên nghiệp.
Để làm rõ cho nhận định này, tôi bắt đầu câu chuyện từ phạm vi doanh nghiệp và sau đó mở rộng ra phạm vi quốc gia. Đơn giản hoá vấn đề bằng câu chuyện “phòng cháy, chữa cháy”.
Bất kỳ một doanh nghiệp nào khi hoạt động cũng đều bắt buộc phải có hệ thống hoặc công cụ phòng và chữa cháy. Tuy nhiên rất nhiều doanh nghiệp lại vi phạm vào vấn đề này. Bởi lẽ đầu tư vào hệ thống phòng cháy-chữa cháy ban đầu là rất tốn kém, và còn phải bảo dưỡng liên tục định kỳ… Nhưng thật sự là nhiều doanh nghiệp từ lúc thành lập cho đến khi phá sản chẳng bao giờ sử dụng đến. Đứng trước vấn đề chi tiêu tài chính, nhiều doanh nghiệp quyết định cắt giảm chi tiêu cho phòng cháy-chữa cháy, không tuân thủ các quy định về phòng cháy chữa cháy, thậm chí là rất thiếu ý thức trong công tác này. Đến khi “bà hỏa” vô tình bất ngờ ghé thăm, thì doanh nghiệp nào lơ là trong việc phòng cháy- chữa cháy, thiếu phương tiện chữa cháy kịp thời, rất dễ bị “toang”.
Từ đây nhìn vào các chính sách y tế của Trump khi ứng phó với Covid-19, dễ nhận ra tổng thống Trump đã đi vào vết xe đổ của các doanh nghiệp đã bị “toang” vì không tuân thủ nguyên tắc phòng và chữa cháy.
Cụ thể, khi Trump bước vào Nhà trắng nhưng ông ấy vẫn giữ lối tư duy và hành động như một ông chủ doanh nghiệp. Bằng mọi giá ông ta phải thúc đẩy kinh tế nước Mỹ đi lên như doanh nghiệp đặt mục tiêu lợi nhuận lên trên hết. Ông ta thực hiện nhiều chính sách và đòn bẩy nhằm đạt cho được mục tiêu này, mà một trong số đó là thực thi chính sách “cắt giảm chi tiêu của chính phủ nhằm giảm thâm hụt ngân sách.”
Trump đã cắt giảm chi tiêu một cách cực đoan và vô nguyên tắc, nhắm vào hàng loạt các cơ quan phòng vệ y tế, mà đáng chú ý là Trump đã giải tán đi “Tiểu ban An ninh Y tế và Sinh học của Hội đồng An ninh quốc gia Nhà trắng” vào năm 2018 – một cơ quan được lập ra dưới thời của Obama để tham vấn cho tổng thống ứng phó nhanh với các đại dịch bất ngờ.
Khi suy nghĩ theo cách của một doanh nhân thì cơ quan này rất dễ bị loại bỏ, vì nó thuộc dạng “ăn không ngồi rồi, tới tháng lãnh lương”, có khi cả đời tổng thống cũng không sử dụng đến nếu quốc gia không xảy ra đại dịch. Và Trump đã đi một bước mạo hiểm, giải tán cơ quan tham mưu chủ lực đầu não giúp tổng thống ra quyết định ứng phó nhanh chóng một khi chẳng may xảy ra đại dịch. Trump đã loại bỏ cơ quan này theo tư duy như các chủ doanh nghiệp đã loại bỏ hệ thống phòng và chữa cháy nhằm giải quyết cho bài toán ngân sách.
Tổng thống Trump đã đưa ra quyết định quá mạo hiểm và phiêu lưu. Và điều không may đã đến, bệnh dịch Covid-19 lan tới Mỹ, quá nhanh và quá mạnh, trong khi Trump lại thiếu sự tham mưu và chuẩn bị kịp thời, cộng với tâm lý xem thường dịch bệnh như là “cúm mùa”, hậu quả là nước Mỹ dính đòn trở tay không kịp. Từ một quốc gia có nền y tế tiên tiến bậc nhất, lại trở thành quốc gia có số người nhiễm bệnh và chết cao nhất thế giới trong đại dịch.
Câu chuyện Covid-19 ở Mỹ phơi bày rõ các chính sách sai lầm của tổng thống Trump lẫn năng lực điều hành quốc gia trước các mối đe doạ. Tổng thống Trump chú ý quá nhiều vào lợi ích kinh tế nhỏ lẻ trước mắt mà thiếu cái nhìn đại cục lâu dài. Tổng thống Trump đã đặt nặng kinh tế cao hơn nhân quyền, chấp nhận mạo hiểm quyền sức khỏe và quyền sống của người dân Mỹ để đổi lấy thành tích kinh tế trước mắt, đã khiến hàng chục ngàn người Mỹ phải trả giá bằng chính mạng sống của mình bởi lối suy nghĩ và hành động của “doanh nhân Trump”.
Các nhà hoạt động nhân quyền thông thái đã nhiều lần cảnh báo cho các nhà quản trị quốc gia rằng, hãy hết sức lưu ý về mối quan hệ nhân quả giữa “Kinh doanh và Nhân quyền”. Khi đặt mục tiêu kinh tế lên trên hết mà lơ là trong việc thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền, sớm muộn gì việc phát triển kinh tế sẽ nhanh chóng sụp đổ biến thành thảm hoạ cho quốc gia.
Nếu như Trump ưu tiên quan tâm đến việc bảo vệ quyền sức khoẻ và quyền được sống trong một môi trường an toàn, bằng cách chỉ cần kế thừa lại những gì có sẵn từ cơ chế phòng vệ-ứng phó đại dịch quốc gia, thì có lẽ nước Mỹ đã không rơi vào thảm cảnh này. Đáng tiếc, Trump đã đảo ngược cơ chế này, phá vỡ nó, thu hẹp khả năng ứng phó của nó chỉ vì muốn cắt giảm chi tiêu nhằm chống thâm hụt ngân sách theo cách của một doanh nhân.
Trump đang chơi một canh bạc đầy tính may rủi trong chính sách y tế của mình. Điều mà một nhà chính trị chuyên nghiệp khi hoạch định chính sách không bao giờ được phép làm khi liên quan trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng của dân chúng.
Và câu chuyện của nước Mỹ ngày hôm nay đã cho chúng ta một bài học: Trao quyền điều hành đất nước, cần một nhà chính trị chuyên nghiệp chứ không phải là một doanh nhân tài ba.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét