Bảo kê từ địa phương đến Trung ương
Đinh Hồ Tiên Sa
21-4-2020
Nhân câu chuyện Đường Nhuệ bảo kê ở Thái Bình, thử tìm hiểu về chuyện “bảo kê” ở Việt Nam. Bảo kê xuất hiện ở miền Nam, ban đầu có nghĩa đẹp, là giữ gìn, chăm sóc chu toàn. Trong Từ điển Việt Nam của Thanh Nghị, xuất bản tại Sài Gòn năm 1955-1958 có giải nghĩa, “bảo kê” là “Phòng giữ sự nguy hiểm”, “bảo hiểm” cho mọi tình huống bất trắc, một công việc cần thiết, rất có ích trong cuộc sống.
Ngày 30/4/1975, khi Cộng sản Bắc Việt tràn ngập khắp miền Nam, “Bên thắng cuộc” đã hoàn toàn nắm trong tay quyền sinh sát, hình thức “bảo kê” chuyển qua nghĩa tiêu cực, bắt đầu hình thành. Sĩ quan, binh sĩ, viên chức, cùng những ai cộng tác cho chế độ VNCH bị cầm tù, nhẹ thì vài tháng, nặng lên đến… 15 năm. Để sớm có ngày về với gia đình, thân nhân họ phải cậy nhờ họ hàng “làm to” phía bên kia, bảo lãnh giúp, tất nhiên phải chung tiền.
Có sự bảo kê của hai đảng viên cùng thời, người phe “quốc gia” sẽ quay ngược thành “Việt cộng nằm vùng”, kẻ bị tai nạn sẽ trở nên “thương binh”, phụ nữ hoang thai được công nhận “vợ liệt sĩ”. Bi hài hơn, không đánh trận vẫn nhận tiền cựu binh “nhiễm chất độc da cam”, bị VNCH bắt giam vì ăn trộm, lại hưởng trợ cấp dành cho “tù yêu nước”…
Những chuyện cười ra nước mắt ấy, đầy dẫy trên đất nước này. Chưa từng được kết nạp đảng, nhưng Lê Đức Anh vẫn lên đến chức chủ tịch nước và Hồ Xuân Mãn có chân trong Trung ương hai khoá, giữ chức Bí thư Tỉnh uỷ Thừa Thiên – Huế.
***
Sau năm 1986, với nền “kinh tế thị trường định hướng XHCN”, nạn bảo kê càng phát triển kinh hoàng hơn. Bảo kê được dịp tác oai, tác quái, chia ra nhiều tầng nấc. Tầng cao nhất, tất nhiên là “cung đình”.
Nhân danh lực lượng chấp pháp, bảo vệ công lý, thực thi công vụ… nhiều kẻ hành xử kiểu giang hồ trấn lột, sặc mùi xã hội đen. Sao vạch lấp lánh trên cầu vai càng nhiều, chức vụ và quyền hạn càng lớn, sự “bảo kê” càng ghê gớm, công khai.
Một thể chế độc đảng, nói không với “tam quyền phân lập”, là mảnh đất màu mở cho “bảo kê” phát triển. Các thuật ngữ “tiếp tay”, “chống lưng” không hề được quy định trong Bộ luật Hình sự.
Tội phạm ở đây, không chỉ dừng ở công an, quân đội, mà lấn sang chính quyền, trường học và bệnh viện. Học dốt đặc, có “bảo kê”, xong. Ghi danh, không học, có “bảo kê”, cán bộ cứ cầm bằng tốt nghiệp đỏ chót về nộp cho tổ chức để tiến thân. Bác sĩ cấp giấy chứng nhận tâm thần cho những kẻ “giết người” và cả các quan chức “nhúng chàm” để được miễn truy tố.
Nếu như trong thập niên 1990, bảo kê xem là thuộc tính của giới giang hồ, xã hội đen, hoạt động bảo kê bị đặt ra khỏi vòng pháp luật, thì nay, công chức nhà nước, phục vụ chế độ, lại công khai bảo kê.
Hiện tượng này gọi là chủ nghĩa bảo trợ. Đó là sự trao đổi phiếu bầu và ủng hộ chính trị để đổi lấy lợi ích cá nhân. Nghĩa là kiểu quan hệ, trong đó những người có thế lực bảo trợ cho những người dưới quyền hoặc thân thuộc, phe nhóm. Để có được ủng hộ chính trị, phải nôn tiền ra. Đổi lại, người được bảo kê sẽ nhận được lợi ích cho bản thân, như chức tước, bổng lộc, ân huệ, phi vụ, vật chất.
Đảng CSVN lúc nào cũng cho rằng đã “bịt’ lỗ hổng này. Họ cứ yên tâm bằng việc ban hành và thực hiện các quyết định định liên quan đến quy trình kỷ luật và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử…
Mỗi năm Đảng cho ra đời không biết bao nhiêu đề án về tổ chức, xây dựng đảng, quy hoạch cán bộ, cải cách bộ máy… nhưng đâu lại vào đó. Chỉ thị, quy định, hướng dẫn, những văn bản của Đảng thật sự “to” hơn cả của cơ quan hành pháp và lập pháp, nhưng kỳ thật, lại trống rỗng với các “đại quan” đã dày dạn bảo kê và chai lỳ.
Nỗ lực ”nhốt quyền lực” trong ”lồng pháp luật, cơ chế” mà Đảng đang chủ trương, nhằm ổn định chính trị, xã hội, trở thành lý thuyết suông, mơ hồ. Có cái, đâm ra phản tác dụng.
Chỉ thị 15 do Bộ Chính trị ban hành ngày 7/7/2007 “Về sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan quan bảo vệ luật pháp trong công tác điều tra, xử lý các vụ án và công tác bảo vệ Đảng” là một ví dụ.
Văn bản này yêu cầu “Các cơ quan bảo vệ pháp luật khi phát hiện có dấu hiệu đảng viên vi phạm đều phải báo cáo bằng văn bản với tổ chức đảng, cấp uỷ đảng quản lý trực tiếp đảng viên đó, khi được tổ chức đảng, cấp uỷ đảng xem xét đồng ý cho điều tra, khởi tố, bắt… thì cơ quan bảo vệ pháp luật mới được tiến hành các biện pháp tố tụng“.
Vì thế “công an không được quyền tổ chức trinh sát đảng viên” khi “tổ chức đảng” chưa cho phép. Tội phạm là cán bộ đảng viên cấp cao, xem đây là tấm bùa hộ mệnh.
***
Giang hồ bàn tán, nếu như bảo kê ở cơ sở, tạo nên những trùm “mafia”, giang hồ Năm Cam, Vũ “nhôm”, Út “trọc”, Đường Dương … Thì bảo kê ở thượng tầng có thể giúp doanh nhân “nở mày nở mặt” với tấm vé ngồi trong hội trường Quốc hội. Bảo kê sẽ lo được “danh sách quy hoạch”, vé vào Ủy viên Trung ương, thậm chí vào Bộ Chính trị. Tất cả đều có “giá” của nó cả.
Một đại gia tỉnh thành, bết nhất cũng phải có Bí thư hoặc chủ tịch UBND chống lưng. Nếu công ty làm ăn liên tỉnh, phải có Bộ trưởng, Ủy viên Trung ương bảo kê. Nâng lên tập đoàn, muốn thu tóm đất vàng, dự án, đấu thầu quốc gia… chắc chắn phải có “bờ vai đủ rộng” của một ông anh ở “bộ ít người”.
Không có ông Phan Văn Khải bảo kê, bà Tư Hường, xuất thân ở đợ, thợ may, làm sao có thể tạo ra “đế chế Hoàn Cầu”, để hôm nay chồng và các con tố cáo, thưa kiện tranh giành tài sản lên đến 30.000 tỷ.
Cũng bà Tư Hường và cựu bí thư thành Hồ, Lê Thanh Hải đã giúp bà Nguyễn Thị Lâm, thu tóm bất động sản, cho ra Tập đoàn kinh doanh đa ngành Hoa Lâm ngàn tỷ.
Nguyễn Tấn Dũng bảo kê cho Trầm Bê, Nguyễn Đăng Quang, Hồ Hùng Anh, Đoàn Nguyên Đức, Bầu Kiên, Nguyễn Phú Cường…
Trương Tấn Sang đỡ đầu cho chị em nhà Đặng Thành Tâm. Nguyễn Sinh Hùng gắn với Hà Văn Thắm, bà Thái Hương.
Nhiều cựu Uỷ viên Bộ Chính trị hùn vốn ở SunGroup, VinGroup.
Các cựu tướng lĩnh ba, bốn sao ở Bộ Quốc phòng có cổ phần trong Tập đoàn Mường Thanh, Him Lam…
Hoàng Trung Hải luôn ưu ái cho công ty Đức Giang của anh trai Hoàng Vệ Dũng, cùng cậu “em con dì” Lê Hồng Thái.
Lê Hồng Thái sinh năm 1974, quê Thái Bình. Từ chủ vựa bán vật liệu xây dựng, Lê Hồng Thái trở thành chủ tịch HĐQT một công ty thuộc Tập đoàn Dầu khí, rồi làm ông chủ của CTCP Đầu tư và Khoáng sản Hợp Thành, thu tóm tới hơn 86% vốn của Cảng Quy Nhơn với giá ‘bèo bọt’.
Gần đây, Nguyễn Văn Hậu, sinh năm 1981, quê tỉnh Vĩnh Phúc, xuất thân từ một kẻ chăn vịt, thành lập công ty Phúc Sơn năm 2004, tại thôn Phúc Lập, xã Tam Phúc. Ngày đẹp trời, Hậu cho nâng lên thành Tập đoàn Phúc Sơn.
Phúc Sơn không những trúng thầu các dự án lớn tại tỉnh Vĩnh Phúc, mà còn ở tận Khánh Hoà. Tỉnh Khánh Hoà giao cho Phúc Sơn các dự án lên đến 3.562 tỷ, giao luôn sân bay Nha Trang diện tích 62 hecta cho Phúc Sơn “xẻ thịt” phân lô bán nền.
Dư luận Vĩnh Phúc “to nhỏ”, Phúc Sơn là sân sau của đương kim Phó Thủ tướng Trịnh Đình Phúc. Thì ra là thế!
Nhật Cường, công ty đình đám bị truy tố tội “buôn lậu, rửa tiền, trốn thuế”, liên luỵ dẫn đến Chánh văn phòng Thành uỷ Hà Nội, cùng một số quan chức bị bắt giam, bị đồn đoán nhờ vợ chồng Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Nguyễn Đức Chung, tức Chung “con” bảo kê.
***
Quay trở lại câu chuyện Đường Nhuệ. Rất nhiều tờ báo quốc doanh loan tin, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Bình Nguyễn Hồng Diên và Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Trọng Thăng đã yêu cầu xử lý nghiêm, làm rõ ai đã chống lưng cho vợ chồng Đường Nhuệ.
Nực cười! Băng nhóm Đường Nhuệ lộng hành với những hoạt động phạm pháp, từ cho vay nặng lãi, bảo kê, thu tóm đất vàng, lấy “xâu” trên cả xác chết… trong hàng chục năm qua, chứ có phải mới mẻ gì.
Ông Nguyễn Hồng Diên có 13 năm ngồi trong Thường vụ Tỉnh uỷ Thái Bình. Trước khi là bí thư, ông giữ trọng trách Phó bí thư, Chủ tịch HĐND tỉnh. Ông Thăng cũng từng là Bí thư Thành uỷ Thái Bình.
Nhân dân cả nước xôn xao, vậy vai trò giám sát, chỉ đạo lãnh đạo của hai ông ở đâu?
Theo “quy hoạch” của đại hội XIII, ông Nguyễn Hồng Diên sẽ thay Chung “con” để giữ chức Chủ tịch UBND TP Hà Nội. Có lẽ, Đường Nhuệ sẽ biến đường về thủ đô của ông Diên, càng trở nên xa xôi hơn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét