Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Hai, 20 tháng 4, 2020

Những cuộc khủng bố không còn ai nhớ

Những cuộc khủng bố không còn ai nhớ

Võ Văn Quản
19-4-2020
Hiện trường vụ đánh bom khách sạn Brinks ở Sài Gòn ngày 24/12/1964. Ảnh: Chưa rõ nguồn
Chủ nghĩa khủng bố” (Terrorism) bao gồm những hành vi vi phạm pháp luật hình sự, nhưng được tính toán hoặc có chủ đích nhắm đến việc làm hoang mang, khủng hoảng tinh thần của công chúng, của một nhóm dân cư hoặc của một nhóm các cá nhân nhất định vì các mục tiêu chính trị. 
Các hành vi khủng bố đều không thể biện hộ ở bất kỳ ngữ cảnh chính trị, triết học, tư tưởng, sắc tộc, chủng tộc hay tôn giáo nào. 
Nghị quyết 49/60, Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc, 1994
***
Gần 20 năm sau khi Chiến tranh Việt Nam kết thúc, pháp luật và tư duy pháp luật quốc tế mới dần quan tâm đến việc kiểm soát, khống chế và từ đó là loại trừ hoàn toàn những hành vi mang tính chất khủng bố khỏi nền chính trị thế giới, thứ mà một thế lực ở Việt Nam đã dùng nó như là công cụ duy nhất để vận hành toàn bộ cuộc kháng chiến của mình ở vùng đất xấu số này.
Khi nhắc đến chiến tranh Việt Nam (bắt đầu từ 1964 – 1975) và cả giai đoạn kèn cựa trước đó (từ 1954 – đến 1963), người phương Tây lẫn người Việt Nam đều có định kiến tự động rằng Hoa Kỳ và chính quyền Việt Nam Cộng hòa là bên thực hiện nhiều hành vi quân sự phi pháp nhắm đến thường dân nhiều hơn, hay sẽ là chủ thể thực hiện nhiều tội ác chiến tranh… Luật Khoa từng có rất nhiều bài viết liên quan đến những tội ác này, mà cụ thể là loạt bài về Thảm sát Mỹ Lai.
Song rất nhiều người đọc, nhà nghiên cứu có vẻ hơi “hồn nhiên” khi bỏ qua khi những nguồn tư liệu khoa học, lịch sử dồi dào liên quan đến những hành vi khủng bố có tổ chức, nhắm đến một số lượng lớn thường dân và gây ra những đau thương lớn của Mặt trận Giải phóng Dân tộc miền Nam Việt Nam (thường được biết đến dưới tên gọi Việt Cộng), được đỡ đầu và vận hành dưới trướng chính quyền nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng hòa ở phía Bắc.
Giai đoạn 1954 – 1960: Khủng bố công chức, giết hại không xét xử giáo viên và “kẻ thù giai cấp”
Điều đáng buồn cười là dù rất mạnh miệng lên án Bộ luật 10-59 của Ngô Đình Diệm (ban hành tháng 10 năm 1959) về việc thành lập một tòa án quân sự đặc biệt để xét xử các tội danh liên quan đến phản quốc và thân cộng sản, rằng bộ luật khủng bố, đàn áp và tàn bạo vì không có các quyền kháng cáo tư pháp.v.v. (cho đến nay sự thật lịch sử “lê máy chém đi khắp miền Nam” vẫn còn gây tranh cãi), các nhóm Cộng sản – Việt Minh (lúc này Mặt trận Giải phóng Dân tộc Miền Nam Việt Nam vẫn chưa được thành lập) quên đi rằng nguyên nhân dẫn đến sự hình thành và ban hành của Bộ luật này chính là các hoạt động khủng bố của họ kéo dài từ suốt năm 1954 đến thời điểm luật ban hành.
Một góc Sài Gòn những năm 1950. Ảnh: Flickr/Chưa rõ nguồn.
Một góc Sài Gòn những năm 1950. Ảnh: Flickr/Chưa rõ nguồn.
Sau năm 1954, để “tuân thủ” Hiệp định Geneva, các lực lượng Việt Minh ở miền Nam Việt Nam tập kết ra Bắc, song đồng thời để lại một mạng lưới tổ chức ngầm có ban bệ, có lực lượng vũ trang và hệ thống vũ khí quân dụng tương đối hoàn chỉnh. Vì vậy, chính quyền Bắc Việt có thể tạm thời hạn chế ủng hộ tài chính và vật lực cho nhóm ngầm ở miền Nam Việt Nam vì còn lo ngại Hoa Kỳ sẽ trực tiếp tham chiến ở Việt Nam, nhưng định hướng thực hiện các hoạt động vũ trang mang tính chất khủng bố, gây hoang mang và tạo áp lực không nhỏ lên hệ thống an ninh quốc gia, đặc biệt trong thời điểm nhà nước miền Nam Việt Nam và sự phát triển của hạ tầng, làng mạc, hệ thống xã hội tại đây vẫn chưa đến mức lâu đời như phía Bắc.
Nghiên cứu của Tiến sĩ Robert G. Scigliano, có tựa đề Political Parties in South Vietnam Under the Republic, có thể cho chúng ta một vài lát cắt rất nhỏ về thực trạng khủng bố tại vùng đất này.
Trong đó, ông ghi nhận lại các sự kiện phá hoại và khủng bố mang tính cá thể mà các sử gia thường lãng quên. Từ việc đe dọa giết bằng thư nặc danh, bắt cóc người trong gia đình tạo sức ép, cho đến ám sát các quan chức địa phương, trưởng thôn, người có ảnh hưởng tại địa phương… tất cả những hành vi khủng bố tồi tệ nhất đều đã được thực hiện.
Không chỉ vậy,  nhiều hoạt động bình thường của chính quyền miền Nam như thu thập thông tin dân cư, cải cách ruộng đất và thậm chí là tuyên truyền cho trẻ em đến trường tại các vùng nông thôn cũng bị những nhóm Việt Minh – Cộng sản phá hoại. Những cuộc vận động đơn giản, phi bạo lực luôn có thể kết thúc bằng cái chết của những công chức vô tội, các nhân viên xã hội của chính quyền miền Nam Việt Nam. Scigliano ước tính, chỉ trong giai đoạn 1955 – 1959, trung bình cứ mỗi ngày có một nhân viên công quyền bị phiến quân cộng sản giết hại.
Điều này cũng được khẳng định trong các mẩu Tin tức thường nhật Sài Gòn (Saigon Daily News Round-up) được United States Operation Missions ghi chép và báo cáo, hiện đang được lưu trữ bởi một dự án bảo tồn các loại tài liệu trong thời chiến tranh Việt Nam của Đại học công lập bang Michigan.
Theo đó, chỉ cần đọc qua vài bản tin hằng ngày, ví dụ như Bản tin ngày 27 tháng 7 năm 1956, tin như việc một chủ đất 65 tuổi tên Võ Văn Mẹo bị Việt Cộng chặt đầu ở Cần Thơ, một sĩ quan ở Sóc Trăng bị quân Việt Cộng giết khi ông đang trong giờ tuần tra… dần trở thành những tin tức “thường ngày ở huyện”.
Hiển nhiên, sẽ có những người ủng hộ hành vi này cho rằng Việt Minh chỉ giết “cường hào, ác bá”. Nhưng rồi ai là cường hào? Ai là ác bá? Ai xét xử? Các nhóm Việt Minh?
Ở tầm vĩ mô, thực tế thống kê chứng minh những nhóm Việt Minh giai đoạn này không có khái niệm phân biệt giết người tốt hay giết người xấu, bởi bản chất khủng bố của những hoạt động này không hề thay đổi.
Trong một nghiên cứu khác rất công phu của Giáo sư Chính trị học Anthony James Joes của trường Đại học Saint Joseph (Mỹ), vốn tập trung vào chiến tranh du kích và hệ quả chính trị của nó, đã dành một chương lớn bàn về sự tàn bạo và thiệt hại kinh hoàng không chỉ về người, tài sản, mà còn là các chương trình phúc lợi mà chính quyền Việt Nam Cộng hòa cố gắng áp dụng tại nông thôn khi phải đối mặt với những chiến dịch khủng bố mà phe cộng sản địa phương tiến hành.
Một ngôi làng gần Khe Sanh trước năm 1975. Ảnh: awm.gov.au.
Một ngôi làng gần Khe Sanh trước năm 1975. Ảnh: awm.gov.au.
Trước tiên phải kể đến nhóm nạn nhân là những công chức làng, xã ở vùng nông thôn. Theo thống kê và đánh giá của vị giáo sư, các nhóm vũ trang Việt Cộng gần như không chọn lọc gì khi bắt cóc và giết hại công chức địa phương hay trưởng thôn, trưởng làng.
Ông bình luận rằng, những người cộng sản giết những công chức lạm quyền và tham nhũng để lấy tiếng vang và sự ủng hộ của quần chúng; song họ cũng giết cả những công chức mẫn cán và trong sạch, những lãnh đạo cộng đồng tài năng, để gửi đi thông điệp rằng chính quyền Sài Gòn sẽ không thể bảo vệ ai cả. Từ đó, họ đồng thời cắt đứt năng lực quản trị địa phương, khiến các cộng động không còn người lãnh đạo. Theo HistoryNet, các chiến thuật này ban đầu chủ yếu để loại trừ bất kỳ ai dám chống đối hay ngăn cản những thành viên Việt Cộng xâm nhập làng mạc để thu “thuế”.
Nhanh chóng, nhóm đối tượng trở thành mục tiêu khủng bố mở rộng bao gồm cả một nhóm các giai tầng trung lưu sinh sống ở miền Nam Việt Nam, từ nhân viên y tế, nhân viên hoạt động xã hội cho đến giáo viên – giảng viên, những người hoàn toàn vô can và vô hại trong cuộc “đấu tranh giành độc lập” của họ.
James Joes nhận định giáo viên là một trong những đối tượng bị nhắm đến nhiều nhất bởi họ thường là các nhà dân tộc chủ nghĩa, có kiến thức, không tin tưởng chủ nghĩa cộng sản và thường sẽ có ảnh hưởng nhất định lên cộng đồng nơi mình đang sinh sống.
Tính chỉ đến năm 1958, vị giáo sư ghi nhận đã có đến 25.000 ngàn nhân viên công vụ, giáo viên và các trưởng thôn, trưởng làng bị giết hại bởi phe Việt Cộng – chưa tính số thương vong do ảnh hưởng của các chiến dịch quân sự chính thức. Một số tài liệu khác cho rằng chiến thuật này tước đi hoàn toàn sức sống và năng lực tự cường của các cộng đồng địa phương miền Nam Việt Nam mà phải nhiều thế hệ mới có thể có hy vọng phục hồi.
Đôi khi các nhóm Việt Cộng còn thảm sát cả gia đình của một công chức hay một giáo viên chỉ để chứng minh họ nói là làm, và thông điệp của họ “rõ ràng” hơn, “đi xa” hơn.
Vụ thảm sát 17 người già, trẻ, lớn, bé của một gia đình công chức tại Châu Đốc vào năm 1957 là minh chứng khá rõ cho cuộc khủng bố vô minh này. Thêm vào đó là vô vàn những hành vi tàn ác khác mà Giáo sư James Joes cho rằng người đọc sẽ phải hối hận khi tìm hiểu nếu muốn thỏa mãn trí tò mò của họ (Ông vẫn viện đến tác phẩm rất nổi tiếng của Bác sĩ Tom Dooley, Deliver us from Evil, nếu bạn đọc thật sự cần).
Xóa nhòa ranh giới giữa “người tham chiến” (combatant) và “người không tham chiến” (non-combatant), phe cộng sản mang đến miền Nam Việt Nam một cuộc chiến bất tận. Các chương trình dân sự mang lợi ích công cộng chung như chương trình chống sốt rét quốc gia, chương trình xóa đói giảm nghèo, xóa mù chữ cho trẻ em… đều đi đến bế tắc khi các nhân viên hoạt động xã hội, người Việt Nam, và hoàn toàn vô tội, bị giết hại vô cớ.
Giai đoạn 1960- 1968: Vô diện
Có nhiều người cho rằng chiến tranh thì phải thế, nhưng họ chưa bao giờ tự trả lời câu hỏi tại sao chiến tranh cứ phải thế? Pháp luật quốc tế ngay từ thế kỷ thứ 17 – 18 đã bắt đầu đưa ra những giới hạn về các loại vũ khí sát thương mang lại những đau đớn thể xác không cần thiết, hoặc có thể bị áp dụng một cách không phân biệt đối tượng như đạn chùm, thuốc độc, vũ khí sinh học, vũ khí hóa học, mìn và các loại bẫy chết người…
Đấy là còn chưa kể đến thực tế tại miền Nam Việt Nam, xung đột giữa Việt Cộng và chính quyền Việt Nam Cộng hòa vẫn được xếp theo dạng là phiến quân, nổi loạn (insurgency) chứ không thể được gọi là một cuộc xung đột vũ trang đúng nghĩa (armed conflict), việc áp dụng các biện pháp khủng bố, mà theo ngôn ngữ của Mặt trận Giải phóng Dân tộc miền Nam Việt Nam là các “đối tượng mềm” (soft-targets) khó có thể được lý giải bằng bất kỳ công cụ pháp lý hay chính trị nào.
Hiện trường vụ đánh bom khủng bố Tòa Đô Chánh tại Sài Gòn ngày 26/10/1962. Ảnh: Chưa rõ nguồn.
Hiện trường vụ đánh bom khủng bố Tòa Đô Chánh tại Sài Gòn ngày 26/10/1962. Ảnh: Chưa rõ nguồn.
Năm 1960, sau khi Mặt trận Giải phóng Dân tộc miền Nam Việt Nam được thành lập, tần suất và quy mô của những vụ khủng bố ngày càng được tăng cường.
Đặc biệt nhất phải kể đến sự thành lập của nhóm “Biệt động Sài Gòn – Gia Định” (Saigon–Gia Dinh Military Region Special Action Group – Tên mật F100), với “đặc sản” bao gồm bom gắn với xe đạp dựng trước các tòa nhà, lựu đạn vung giữa chợ, và các vụ khủng bố diện rộng tại các quán bar, nhà hàng, rạp chiếu bóng hay khách sạn. Đến đây, công cuộc khủng bố tại miền Nam Việt Nam của Việt Cộng có thể gọi là vô diện, vì họ không cần xác định người hay đối tượng cần phải nhắm đến. Nếu mục tiêu của giai đoạn 1954 – 1960 là cắt kết nối quản trị nhà nước giữa thành thị và phần nông thôn tại miền Nam Việt Nam, các cuộc khủng bố sau 1960 đơn thuần để tạo ra một không khí hỗn loạn, hoang mang và mất niềm tin vào năng lực bảo vệ an ninh của Quân lực Việt Nam Cộng hòa. Theo ngôn ngữ của nghiên cứu “Viet-Cong Strategy of Terror”, quân Việt Cộng tại miền Nam Việt Nam biến thành những “quân nhân khủng bố toàn thời gian”.
Tác phẩm Viet Cong Terror Tactics in South Viet-Nam làm rõ cáo buộc này ở nhiều mức độ.
Nói đến hoạt động khủng bố của Việt Cộng đối với báo chí, hai nhân vật quan trọng của tờ Chính Luận có lẽ là một ví dụ điển hình. Chính Luận vốn là một tờ báo phản chiến và mong muốn đưa sự thật đến với bạn đọc của miền Nam Việt Nam. Vì vậy, các nhà quan sát Hoa Kỳ gọi đây là một tờ độc lập, vì nó vừa phản biện chính quyền Việt Nam Cộng hòa, vừa chỉ trích các hoạt động của phe Việt Cộng.
Song chỉ duy nhất có nhóm Việt Cộng gửi thư dọa giết hai lãnh đạo của tờ báo là chủ bút Đặng Văn Sung và biên tập viên Từ Chung.
Đầu tháng 12/1965, một bức thư ký tên Võ Công Minh, Chi đội trưởng Chi đội 618, Quân đội Giải phóng miền Nam Việt Nam khu vực Sài Gòn – Gia Định, được gửi đến hai nhân vật trên như là tối hậu thư cuối cùng nếu họ dám chỉ trích Việt Cộng thêm lần nào nữa. Bức thư được đăng tải ngay sau đó lên Chính Luận, cùng với thư phúc đáp của hai người này, nhất quyết không chịu bó tay trước vũ lực.
Ngày 30 tháng 12 năm 1965, khi Từ Chung bước xuống xe ngay trước nhà mình, hai kẻ khủng bố bắn bốn viên đạn vào người ông ở cự ly gần, giết chết ông ngay tại chỗ.
Hiện trường vụ đánh bom khủng bố tòa đại sứ Mỹ ở Sài Gòn năm 1965. Ảnh: Chưa rõ nguồn.
Hiện trường vụ đánh bom khủng bố tòa đại sứ Mỹ ở Sài Gòn năm 1965. Ảnh: Chưa rõ nguồn.
Trong những vụ khủng bố không phân biệt đối tượng khác (non-selective terrorism), có thể kể đến vài vụ trong hằng hà sa số các vụ khủng bố như:
Việc hai nhân viên tên Phan Văn Hải và Nguyễn Văn Thạch, phục vụ trong dự án chống sốt xuất huyết quốc gia, bị chém chết tại Biên Hòa, năm 1962.
Vụ ném lựu đạn vào một rạp chiếu bóng tại Cần Thơ, cũng diễn ra vào năm 1962 khiến 108 người chết, với 24 phụ nữ và trẻ em.
Năm 1964, Rạp chiếu bóng Kinh Đô bị đánh bom khiến cho 32 người Việt Nam thương vong (cùng với 3 người Mỹ bị chết).
Năm 1965, sân vận động quốc gia Cộng hòa bị tấn công khủng bố bằng bom, khiến cho 11 người Việt Nam chết và 42 người khác bị thương.
Và còn rất nhiều sự kiện khủng bố khác diễn ra, dù là pháo kích vào chợ, khu vực đông người hay phá hủy cả một trường học.
Ngay cả tờ New York Times, một trong những tờ phản chiến cứng đầu nhất của báo chí Hoa Kỳ, cũng phải thừa nhận rằng Việt Cộng không chính nghĩa gì cho cam.
Ngày 5 tháng 12 năm 1967, phiến quân Việt Cộng kết hợp với quân đội chính quy Bắc Việt tấn công loạn xạ vào một làng người Thượng lúc rạng sáng, dùng súng, lựu đạn và kể cả súng phun lửa giết chết bất kỳ ai tháo chạy. Kết quả có hơn 200 dân làng bị giết và hàng chục người khác mất tích.
Hoạt động khủng bố của lực lượng Việt Cộng đã được dựng thành phim "Biệt động Sài Gòn". Ảnh: Người Đưa Tin.
Hoạt động khủng bố của lực lượng Việt Cộng đã được dựng thành phim “Biệt động Sài Gòn”. Ảnh: Người Đưa Tin.
***
Năm 1968, Chiến dịch Mậu Thân nổ ra với kỳ vọng “giải phóng” toàn bộ các tỉnh thành, huyện lị lớn ở miền Nam Việt Nam, chính thức đánh dấu việc chuyển đổi từ chiến thuật khủng bố sang việc sử dụng những đơn vị quân đội và các trận đánh trực diện, chính quy.
Hiển nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc họ từ bỏ hoàn toàn các biện pháp khủng bố của mình nếu cảm thấy cần thiết. Nói cho cùng, bản thân trận Mậu Thân cũng chỉ là một trận khủng bố trên diện rộng mà thôi.
Những cái chết do hoạt động khủng bố của Việt Cộng, với sự hậu thuẫn của chính quyền Bắc Việt, rất thường hay bị các sử gia và những nhà quan sát của Việt Nam và của thế giới lãng quên. Tác giả hy vọng các thông tin đầy đủ dẫn chứng nói trên có thể giúp bạn đọc lưu trữ và suy xét cho những thảo luận tương lai về chiến tranh Việt Nam, cũng như cách mà chúng ta phân tích về tính chính danh của chính quyền ngày nay.
Không phải không có lý do mà các băng nhóm khủng bố ngày nay như Al Qaeda vẫn nhìn sự tồn tại của chính quyền Việt Nam với lòng tôn kính và ngưỡng mộ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét