Công an có buộc phải tuân lệnh cấp trên trong tất cả các tình huống?
10-1-2020
Vào khoảng 3h sáng 09/01/2020, hàng ngàn công an đã tấn công vào làng Đồng Tâm – Hà Nội, xông vào từng nhà, ném bộc phá, lựu đạn cay… để trấn áp người dân, bắt đầu một cuộc cưỡng chiếm đất bài bản với mức độ bạo lực chưa từng có.
Cuộc tấn công này đã gây ra cái chết của ít nhất một người dân, và làm bị thương nhiều người. Có khả năng nó cũng đã gây ra cái chết của một em bé mới 3 tháng tuổi và một cụ già đã ngoài 80. Truyền thông quốc doanh cũng vội vã đưa tin rằng có 3-4 “chiến sĩ” “hy sinh khi làm nhiệm vụ”.
Quy mô và mức độ tàn bạo của cách mà công an đối xử với dân làm cho bất kỳ ai có lương tri cũng phải bàng hoàng.
Nhưng mỗi khi công an Việt Nam tham gia vào các vụ cưỡng chế dân như cướp đất hoặc đàn áp biểu tình, họ đều có một luận điệu chung để tự biện minh là “làm vì nhiệm vụ được giao”. Họ mặc nhiên quan niệm rằng đã là công an thì bắt buộc phải thực hiện mệnh lệch cấp trên ban xuống.
Ngay cả những người đấu tranh dân chủ-nhân quyền, cũng nhiều người bảo nhau rằng nên tha thứ cho công an vì “công an chỉ làm theo lệnh trên giao”, “nhiệm vụ cả thôi mà”.
Có đúng như vậy không? Có đúng là công an, quân đội nhất nhất phải tuân thủ mệnh lệnh của cấp trên, ngay cả khi đó là mệnh lệnh sai trái không?
Để trả lời câu hỏi này, Nhà xuất bản Tự Do xin trích đăng một bài viết trong tác phẩm “Chính trị bình dân” của tác giả Phạm Đoan Trang. Bài viết được tác giả lược dịch từ các tài liệu “Human Rights Standards and Practice for the Police” và “International Human Rights Standards for Law Enforcement – A Pocket Book on Human Rights for the Police”.
***
NGHỀ CÔNG AN TRONG CHẾ ĐỘ DÂN CHỦ
Công an phải bảo vệ sự an toàn của cộng đồng và quyền của tất cả mọi người.
Công an phải là một cơ quan độc lập trong nhánh hành pháp, chịu sự hướng dẫn, chỉ đạo của tòa án và bị ràng buộc bởi các mệnh lệnh của tòa án.
Mọi cơ quan hành pháp đều phải đại diện cho toàn thể cộng đồng, phải minh bạch và chịu trách nhiệm trước toàn thể cộng đồng.
Tất cả quan chức/ cán bộ công an đều thuộc về cộng đồng và có nghĩa vụ phục vụ cộng đồng.
Tất cả công an phải thực thi chức năng, quyền hạn và nhiệm vụ như những đầy tớ tận tụy, không thiên vị, của toàn thể cộng đồng.
Bất kỳ công an nào cũng không được phép tham gia trực tiếp vào hoạt động chính trị.
Bất kỳ công an nào cũng không thể được lệnh hoặc bị ép buộc phải thực thi chức năng, quyền hạn và nhiệm vụ hay huy động nguồn lực công an để hỗ trợ hay phá hoại bất kỳ đảng phái/ nhóm lợi ích nào cũng như thành viên của đảng phái/ nhóm lợi ích đó.
Công an có nghĩa vụ bảo vệ quyền của tất cả các đảng phái, cá nhân và tổ chức, cũng như bảo vệ tất cả các đảng phái, cá nhân và tổ chức đó, một cách bình đẳng, không gây sợ hãi, không tạo đặc quyền đặc lợi.
***
TẤT CẢ CÔNG AN ĐỀU PHẢI:
Giữ tính độc lập về chính trị và tính công bằng, vô tư, ở mọi lúc mọi nơi.
Thực thi tất cả nhiệm vụ một cách công bằng, vô tư, và không phân biệt đối xử về sắc tộc, chủng tộc, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo hay chính kiến.
Bảo vệ và tôn trọng nhân quyền của tất cả mọi người, gồm cả những quyền thiết yếu trong chính trị.
Giữ gìn và bảo vệ trật tự xã hội sao cho nền chính trị dân chủ có thể vận hành một cách hợp hiến và hợp pháp.
LÃNH ĐẠO CÔNG AN PHẢI:
Đảm bảo rằng mọi chính sách và đường lối của ngành công an đều trên tinh thần tôn trọng dân chủ.
Có biện pháp để xác định nhu cầu của cộng đồng và đáp ứng các nhu cầu đó.
***
SỬ DỤNG VŨ LỰC VÀ VŨ KHÍ TRONG NGÀNH CÔNG AN
Mọi người đều có quyền sống, quyền được an toàn, quyền không bị tra tấn hay phải chịu các cách đối xử và trừng phạt tàn nhẫn, vô nhân đạo, xúc phạm nhân phẩm.
Công an luôn luôn phải sử dụng các biện pháp phi bạo lực trước tiên.
Chỉ được sử dụng vũ lực khi cực kỳ cần thiết.
Chỉ được sử dụng vũ lực cho các mục đích hành pháp đúng luật.
Việc sử dụng vũ lực phải luôn tương xứng với các mục tiêu hợp pháp.
Sử dụng vũ lực luôn phải có sự kiềm chế.
Phải giảm thiểu thiệt hại vật chất và thương vong.
***
TRÁCH NHIỆM GIẢI TRÌNH TRONG VIỆC SỬ DỤNG VŨ LỰC VÀ VŨ KHÍ:
Cán bộ, nhân viên từ chối tuân theo những mệnh lệnh vi phạm pháp luật sẽ được miễn trách.
Cán bộ, nhân viên lạm quyền không thể nại lý do tuân lệnh cấp trên để được miễn trừ trách nhiệm.
CÁC TÌNH HUỐNG CHO PHÉP DÙNG VŨ KHÍ
Công an chỉ được sử dụng vũ khí trong các tình huống cực đoan.
Công an chỉ được sử dụng vũ khí để tự vệ hoặc để bảo vệ người khác khỏi nguy cơ sắp bị giết hoặc bị thương nặng, hoặc để ngăn chặn một tội ác đặc biệt nghiêm trọng, kéo theo nguy cơ đe dọa mạng sống, hoặc để bắt giữ hoặc ngăn chặn việc bỏ trốn của một cá nhân đang gây ra một mối đe dọa hoặc đang chống lại các nỗ lực ngăn chặn mối đe dọa đó, và
việc cố ý sử dụng vũ lực và vũ khí chỉ được cho phép khi đó là việc thật sự không thể tránh khỏi để có thể bảo vệ sinh mạng con người.
việc cố ý sử dụng vũ lực và vũ khí chỉ được cho phép khi đó là việc thật sự không thể tránh khỏi để có thể bảo vệ sinh mạng con người.
***
Như vậy, chúng ta có thể thấy, người công an hoàn toàn có QUYỀN TỪ CHỐI TUÂN LỆNH cấp trên, nếu mệnh lệnh đó vi phạm pháp luật và sử dụng bạo lực quá mức cần thiết. Công an không được nại lý do tuân lệnh cấp trên để mong được miễn trừ trách nhiệm.
Vũ khí chỉ để dùng để chống lại những kẻ phạm tội nguy hiểm, những kẻ là kẻ thù của dân tộc. Vũ khí không phải là thứ để sử dụng bừa bãi vào việc chống lại người dân.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét