Nghĩ về lời chúc mừng năm mới
Trịnh Khả Nguyên
22-1-2020
Vào những ngày đầu năm người ta thường chúc nhau, chúc mừng năm mới, hầu hết là chúc được bình an.
Thật ra, không chỉ vào năm mới mới chúc bình an. Bình an là mong ước của mọi người, mọi lúc. Ai cũng mong bản thân, gia đình được an lành, được sống trong một môi trường không ô nhiễm, trong một xã hội có công lý, không chịu những tai ương, bất công. Ai cũng mong muốn đất nước bình an, không phải là “phó bản” của nước khác, không bị nước khác đe dọa.
Thế nhưng, mới đầu năm 2020, cuối năm Kỷ Hợi, một bất an lớn gây ra những cái chết rất đáng tiếc lẽ ra không đáng có. Còn trong năm thì đầy những bất an. Bất an trong những nhóm băng đảng, trong giới giang hồ thì không nói. Bất an cũng xảy ra trong những nơi, những giới tượng trưng cho đạo đức, văn hóa, quyền thế.
Ông “tòa” lại mắc tội ấu dâm. Đoàn thanh tra tham nhũng mà lại bị bắt vì nhũng nhiễu. Giáo dục, y tế đầy tiếng tăm: Bằng cấp giả, sửa điểm thi, bán thuốc giả. Một số cơ sở tôn giáo, một số người hành đạo, lợi dụng đạo, làm những việc vô đạo. Những công trình nghìn tỷ, chục nghìn tỷ là nỗi bất an cho đất nước. Những người từng là đồng chiếu, đồng mâm lại sát hại nhau, gây ra những vụ “bất đắc kỳ tử”.
Tiếng “hiền như đất” bây giờ không còn đúng. Vì đất mà có nhiều cảnh ngang trái dẫn đến những bản án, những cái chết bất minh.
Năm nào vào giờ phút giao thừa thiêng liêng, trước thềm năm mới lãnh đạo cũng có thông điệp gởi đồng bào trong, ngoài nước. Những thông điệp nầy thường có ba phần. Một, nhìn lại năm qua (đạt và vượt chỉ tiêu đề ra, thắng lợi về mọi mặt, tuy nhiên vẫn còn…). Hai là, kế hoạch cho năm tới, thực ra là năm hiện tại, sẽ thế nầy, thế nọ. Sau hết, là những lời chúc mừng năm mới, chúc mọi người ăn tết vui tươi, tiết kiệm, phấn khởi, đoàn kết.
Dù thực lòng hay chiếu lệ, các vị cũng chúc an khang thịnh vượng, tức chúc nhân dân bình an, đất nước thịnh vượng.
Đến đây, nhớ mấy câu trong một bài thơ chào năm mới:
“… Chào 61! Đỉnh cao muôn trượng
Ta đứng đây, mắt nhìn bốn hướng
Trông lại nghìn xưa, trông tới mai sau
Trông Bắc trông Nam, trông cả địa cầu!
Trải qua một cuộc bể dâu
Câu thơ còn đọng nỗi đau nhân tình”… (Chào Xuân 61 – Tố Hữu)
Những câu thơ phản ảnh tư thế đứng ở tầm cao muôn trượng, ngạo nghễ nhìn quanh bốn hướng, trông về quá khứ, trông đến tương lai. Không biết nhìn xa trông rộng như thế tác giả thấy những gì. Nhưng “câu thơ còn đọng nỗi đau nhân tình”. Nhân tình là nhân tình nào? Cứ theo chữ nghĩa mà suy thì nhân tình là tình người, tình đồng bào.
Cụ Nguyễn Trãi, sau khi giúp Lê Lợi đánh thắng quân Minh đã viết “Bình Ngô đại cáo” có câu mở đầu “việc nhân nghĩa cốt ở an dân”. Một nhân tài như cụ (học cao biết rộng), tài ba, mưu trí như cụ (quân sư cho Lê Lợi) và quyền uy như cụ (chỉ đứng sau vua) đã cho rằng, “an dân” làm chính sách “trị nước”.
Mỗi chính quyền có một phương thức “trị nước”, nhưng chung qui có hai cách. Một, lấyan dân làm gốc, hay khuất phục dân bằng mọi cách để ổn định.
Sắp sang năm mới, xin mượn mấy câu trong bài “Ly rượu mừng” của cố nhạc sĩ Phạm Đình Chương thay lời chúc mừng năm mới.
“Nhấc cao ly này
Hãy chúc ngày mai sáng trời tự do
Nước non thanh bình
Muôn người hạnh phúc chan hoà…”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét