Phản hồi tác giả Lê Văn Bảy về thảm kịch Đồng Tâm
Nguyễn Tiến Trung
23-1-2020
Vừa qua tác giả Lê Văn Bảy có gửi BBC Tiếng Việt bài viết bày tỏ quan điểm của ông về thảm kịch Đồng Tâm với tựa đề “Cụ Kình và những mạng người đánh đổi đất ở Đồng Tâm, ai thắng, ai thua?” Trong đó ông Bảy đã bỏ công ra nghe lại những video clip, cho thấy cảnh cụ Lê Đình Kình, con của cụ là anh Lê Đình Công, và nhiều người nữa chủ trì các phiên họp của dân xã Đồng Tâm với nội dung thề hy sinh để giữ đất, trong đó có rất nhiều lời lẽ đe dọa bạo lực đã được đưa ra.
Tôi đồng ý với tác giả Lê Văn Bảy là không nên sử dụng bạo lực và cũng không nên đe dọa sử dụng bạo lực. Việc phải dùng đến bạo lực mà không có lý do chính đáng đều là vi phạm đạo lý và pháp luật.
Ở đây tôi nhấn mạnh thêm chữ “đạo lý” vì “pháp luật” do nhà cầm quyền đưa ra có rất nhiều chỗ không phù hợp với “đạo lý”, mà bất công, thiên vị. Chỉ cần xem lại những bài viết trên báo chí chính thống về việc cướp đất ở Thủ Thiêm là rõ cả. Hàng vạn dân Thủ Thiêm bị lâm vào cảnh màn trời chiếu đất, ròng rã khiếu kiện “đúng pháp luật” hơn 20 năm trời nhưng vô ích. Họ đã sử dụng mọi phương cách mà “pháp luật” của nhà cầm quyền cho phép nhưng đến bây giờ công lý vẫn chưa đến với họ. Những kẻ thủ ác vẫn chưa phải ra trước vành móng ngựa.
Có thật dân Đồng Tâm “hung hăng”, “hung tợn”?
Nếu không hiểu rõ ngọn nguồn sự việc thì người đọc sẽ rất dễ đi đến kết luận như ông Lê Văn Bảy là người dân Đồng Tâm “hung tợn” khi đe dọa tấn công, giết bất kỳ ai dám xâm phạm đất nông nghiệp cày cấy của họ. Một tiếng đồng hồ trước khi cuộc tấn công của cảnh sát cơ động vào thôn Hoành, xã Đồng Tâm, nghĩa là vào khoảng 3h sáng 9/1/2020, người dân Đồng Tâm đã quay clip truyền trực tiếp trên mạng, thề quyết tử giữ đất.
Khi nhìn những hình ảnh đó, thật sự tôi không hề nhìn thấy trong đó sự “hung tợn”, mà tôi chỉ thấy sự tuyệt vọng. Việc đổ quân về xã Đồng Tâm của cảnh sát cơ động đã diễn ra rầm rộ trước đó và người dân cũng đã đưa ra những hình ảnh cho thấy có cả xe bọc thép có thể bắn đạn phòng không 12 ly 7, xe có đại bác âm thanh để giải tán đám đông,…
Tôi tuyệt vọng vì tôi biết người dân Đồng Tâm sẽ không có cơ hội nào chiến thắng để giữ gìn mảnh đất cày cấy của họ. Nhưng tôi vẫn tin rằng những người trong tổ Đồng Thuận sẽ bị bắt và bị đem ra tòa để xét xử chứ không đến nỗi cụ Lê Đình Kình bị giết, còn ba chiến sỹ cảnh sát cơ động chết một cách kỳ quặc là cả ba cùng rơi xuống hố, và bị người dân, dù trong hoàn cảnh bị truy đuổi, vẫn có đủ thời gian, ung dung quay lại tưới một lượng xăng rất lớn xuống để đốt cháy. Có lẽ dân được trang bị áo chống đạn nên đạn của cảnh sát cơ động bắn trong lúc truy kích không làm gì được họ?
Nếu nhớ lại khủng hoảng Đồng Tâm hồi tháng 4/2017, những người lính cảnh sát cơ động khi được dân thả ra đã vái lạy cảm ơn dân, có thể nói người dân Đồng Tâm lương thiện, tử tế như thế nào. Dân Đồng Tâm khi đó đã làm mọi cách để tiếng kêu của họ thấu tới Bộ Chính trị, thấu tới trung ương, họ vẫn cho rằng việc cướp đất cày cấy của họ chỉ do lòng tham của các quan chức địa phương.
Từ đó mới thấy việc vu vạ cho dân Đồng Tâm và Tổ Đồng Thuận là “khủng bố”, “hung tợn” thật sự không thuyết phục nổi tôi. Những lời đe dọa sử dụng bạo lực của họ được quay và phát trực tiếp trên Facebook, Youtube, những lời cầu xin của họ xin cộng đồng mạng chia sẻ để người dân cả nước hiểu rõ hoàn cảnh của họ, để cộng đồng quốc tế chú ý tới họ, cho thấy họ luôn muốn công luận lên tiếng bênh vực họ, và họ cũng mong muốn nhà cầm quyền khi thấy công luận đã chú ý quá nhiều thì sẽ không dám sử dụng bạo lực trái pháp luật. Nếu thật sự họ có ý sử dụng bạo lực hay có “âm mưu” gì, thì chẳng việc gì họ phải công khai lên mạng xã hội vì chắc chắn công luận sẽ lên án họ.
Người dân Đồng Tâm đã tuyệt vọng cầu cứu trên mạng xã hội, họ cũng ráng lên gân đe dọa bạo lực mong nhà cầm quyền nghĩ lại, nhưng tôi và nhiều người dân Việt Nam khác cũng tuyệt vọng không kém khi chỉ biết chia sẻ lại những lời cầu cứu của họ và gửi đến càng đông người biết hoàn cảnh của họ càng tốt.
Công an là người dối trá trước
Ông Lê Văn Bảy cũng viết: “Thời này không thể dùng bạo lực. Người dân lại càng không thể thách thức dùng bạo lực với chính quyền. Dân Việt Nam, mới được yên tiếng súng và máu đổ vài mươi năm, đến tận giờ vẫn ngày ngày rao tin đi tìm xương cốt của người thân chết trong cuộc chiến, càng không ưa gì bạo lực”.
Những lập luận ông Bảy đưa ra trong bài viết nhằm mục đích cho dư luận thấy chính người dân Đồng Tâm là người kích động bạo lực nhưng thật ra thì ngược lại. Chính nhà cầm quyền đã dối trá và sử dụng bạo lực trước với cụ Lê Đình Kình vào ngày 17/4/2017 khi họ lừa cụ ra đồng Sênh để chỉ mốc giới nhưng rồi cụ bị họ đập gãy chân, và mất ba ngày họ mới cho bác sĩ cấp cứu. Cụ Kình đã làm đơn tố cáo nhưng không ai giải quyết.
Chính từ thời điểm nhà cầm quyền quyết định sử dụng bạo lực với dân đã khiến người dân không còn tin nhà cầm quyền. Đừng vu vạ cho dân sử dụng bạo lực trước mà người sử dụng bạo lực trước là nhà cầm quyền.
Sự thật là dân Đồng Tâm làm ăn yên ổn hàng ngàn năm nay ở đồng Sênh, tại sao từ khi có chuyện nhà cầm quyền đòi cưỡng chế đồng Sênh thì họ mới phản ứng dữ dội như vậy? Cần phải nói rõ nguyên nhân khiến người nông dân hiền lành chân chất phải viện đến bạo lực khi bị bức bách tới đường cùng là từ nhà cầm quyền muốn lấy đất của họ, và đã sử dụng bạo lực với họ trước.
Một xã hội “dân chủ, công bằng, văn minh” sẽ không có chuyện nhà cầm quyền được phép sử dụng bạo lực với người dân ngoài các quy định của pháp luật. Tuy nhiên, dân có quyền chống trả những người dù thuộc nhà nước nhưng đi tấn công dân, không hề theo quy định pháp luật gì.
Thật vậy, chính Bộ Công an cũng xác nhận rằng, việc tấn công vào nhà cụ Lê Đình Kình hoàn toàn không có lệnh bắt giữ, không có quyết định khởi tố vụ án, không có lệnh lục soát, mà là phạm tội quả tang. Nếu thật sự Tổ Đồng Thuận có tội thì công an đã phải khởi tố vụ án ngay khi có lời đe dọa sử dụng bạo lực, ra quyết định khám xét nhà để tìm kiếm hung khí, hoặc thật sự bắt quả tang những người dân Đồng Tâm chống đối lại việc xây tường bao sân bay Miếu Môn. Đó là những việc tối thiểu theo đúng quy định pháp luật mà Bộ Công an phải làm.
Vậy phải chăng ở đây nên khởi tố chính quyền Hà Nội, công an Hà Nội hay Bộ Công an về tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” và ra tay sử dụng bạo lực với dân trước?
Điều khôi hài nhất là chính Bộ Công an trong vòng 5 ngày đã đưa ra 3 lời kể khác nhau về thảm kịch Đồng Tâm. Từ đó khiến tất cả những lời giải thích, những lời vu vạ cho người dân Đồng Tâm của Bộ Công an và hệ thống báo chí nhà nước trở nên vô nghĩa. Ông bà ta đã nói “một sự bất tín, vạn sự bất tin”.
Kịch bản 1: Sáng 9/1/2020, Bộ Công an thông báo: “Trong quá trình xây dựng, sáng 9-1-2020, một số đối tượng có hành vi chống đối, sử dụng lựu đạn, bom xăng, dao phóng… tấn công lực lượng chức năng, chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng, dẫn đến hậu quả 3 cán bộ chiến sĩ Công an hy sinh, 1 đối tượng chống đối chết, 1 đối tượng bị thương”.
Kịch bản 2: Ngày 11/1/2020, Thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh văn phòng Bộ Công an, cho biết: “Sáng 9/1, tổ công tác đi vào cổng làng Hoành đã bị ‘một số người sử dụng lựu đạn, bom xăng, dao phóng… tấn công’, dẫn đến thương vong và hàng chục người bị bắt”. Như vậy là kịch bản 2 phủ nhận kịch bản 1 ở chỗ là dân không hề kéo ra chống đối những người đang xây tường bao sân bay Miếu Môn mà dân tấn công vào một “tổ công tác” đang đi vào cổng thôn Hoành.
Kịch bản 3: Sáng 14/1/2020, Trung tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an, kể rằng có rất nhiều chốt cảnh sát xung quanh thôn Hoành và chốt thứ 16 ở cổng thôn Hoành bị tấn công. Do bị bắt quả tang phạm tội nên cảnh sát cơ động có quyền đuổi theo những người dân phạm tội và tiêu diệt họ. Cũng có nghĩa là không hề có “tổ công tác” nào đi vào thôn Hoành lúc rạng sáng mà dân đã tấn công một chốt cảnh sát cố định đóng ở đầu thôn.
Từ việc Bộ Công an đưa ra ba kịch bản khác nhau, nên người dân có quyền nghi ngờ và không tin chính Bộ Công an nói riêng và nhà cầm quyền nói chung, chứ không phải do dân tự lan truyền thông tin thất thiệt trên mạng xã hội Facebook như nhà cầm quyền cáo buộc.
Khuất tất về những cái chết ở Đồng Tâm
Về cái chết của cụ Lê Đình Kình, ở kịch bản 2, tướng Tô Ân Xô cho biết: “qua khám nghiệm, trên tay ông Kình cầm một trái lựu đạn”. Việc một xác chết còn có thể “cầm” lựu đạn là chuyện phi logic, phản khoa học. Ông bà ta từng nói “nhắm mắt xuôi tay”. Làm sao một người chết có thể cầm nắm vật gì nữa?
Và giả sử chuyện hoang đường này có thật thì lực lượng cảnh sát cơ động đã phải gỡ lựu đạn ra khỏi tay cụ Kình ngay lập tức và vô hiệu hóa nó, bảo đảm nó không có khả năng phát nổ, chứ không thể “hồn nhiên” khiêng một cái xác đang “cầm lựu đạn” đến cho các bác sĩ khám nghiệm tử thi. Và nếu điều đó có thật, tại sao Bộ Công an không đưa ra bất kỳ tấm ảnh nào cụ Kình khi chết vẫn cầm lựu đạn để các nhà khoa học pháp y tham khảo? Tôi thách thức Bộ Công an có thể chứng minh một người khi chết mà trong tay có thể cầm nắm bất cứ vật gì.
Lực lượng cảnh sát cơ động có thể dễ dàng khống chế, bắt giữ những người trẻ khỏe, nghĩa là nguy hiểm hơn cụ Kình rất nhiều nhưng lại phải nổ súng bắn chết cụ Kình, cho thấy một điều khuất tất nữa là tại sao cảnh sát cơ động phải làm như vậy? Ai đã ra lệnh hành quyết cụ Lê Đình Kình? Và ai là người trực tiếp bắn cụ Kình?
Chánh Văn phòng UBND huyện Mỹ Đức, ông Trịnh Xuân Viết, cho biết, ở kịch bản 2: “Ông Kình bị ngạt khói, sau đó được đưa đi viện và 7h sáng nay, thi thể ông được bàn giao cho gia đình“. Tuy nhiên, hình ảnh và video clip trên mạng xã hội cho thấy cụ Lê Đình Kình đã bị bắn nhiều phát đạn vào chân, vào tim và vào đầu. Hoàn toàn không có chuyện cụ chết vì ngạt khói.
Tức là, nhà cầm quyền đã nói dối hoàn toàn về cái chết của cụ Lê Đình Kình.
Tôi cũng cực kỳ băn khoăn về cái chết của ba chiến sĩ cảnh sát cơ động. Tôi đã từng đi lính ở Trung đoàn Gia Định và được huấn luyện về cách di chuyển chiếm mục tiêu trong quân sự. Theo đó, khi hành quân hay khi đánh trận, các chiến sĩ luôn giữ khoảng cách xa nhau để tránh “chết chùm”. Khi chiếm trận địa thì chiến sĩ đi đầu chiếm vị trí an toàn thì chiến sĩ phía cuối đội hình mới tiến lên vượt qua chiến sĩ đi đầu để chiếm vị trí an toàn tiếp theo. Người băng lên chiếm vị trí trên trận địa luôn được các đồng đội bắn yểm trợ.
Không bao giờ có chuyện cả ba chiến sĩ cùng đi một lúc để cùng chết một lúc tại cùng một địa điểm. Không cần phải được huấn luyện về quân sự mới nhận ra sự vô lý trong câu chuyện kể của tướng Lương Tam Quang ở kịch bản 3. Các bạn chỉ cần xem các phim hành động của Mỹ thì cũng thấy được như vậy.
Hơn nữa, tướng Lương Tam Quang còn kể rõ là “Tổ công tác gồm 3 cán bộ là đại tá Nguyễn Huy Thịnh (Phó trung đoàn trưởng Trung đoàn CSCĐ Thủ đô), thượng úy Dương Đức Hoàng Quân (cán bộ Trung đoàn CSCĐ Thủ đô) và đại úy Phạm Công Huy (cán bộ Đội Chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ số 3 TP Hà Nội) khi đuổi bắt nhóm chống đối trên trần tầng 1 đã bị ngã xuống hố kỹ thuật sâu gần 4 m… Lập tức các đối tượng đã sử dụng bom xăng, đổ xăng ra can, tưới xuống và đốt…”
Tôi chắc chắn một điều là những người dân đang bị truy đuổi, nghĩa là họ đang tìm cách trốn chạy, không thể có đủ thời gian quay lại để tưới một lượng xăng rất lớn xuống hố rồi châm lửa đốt. Làm sao họ có thể làm điều đó giữa cơn mưa đạn của cảnh sát đang cứu nguy cho đồng đội của mình? Và tại sao có đội chữa cháy ở ngay đó mà lại để đồng đội mình chết cháy? Để thiêu chết ba người cần một lượng xăng rất lớn và thời gian dài.
Là một người Việt Nam và đã từng đi lính nghĩa vụ quân sự, tôi coi các chiến sĩ cũng là đồng bào, là đồng đội của tôi. Việc Bộ Công an đưa ra thông tin về cái chết của ba chiến sĩ trên hết sức sơ sài và vô lý, khiến tôi cũng hết sức bức xúc.
Cái chết của họ cần phải được làm rõ chứ không thể nhanh chóng tặng huân chương Chiến công rồi phát động toàn quân học tập tấm gương của họ để khỏa lấp sự vô lý trong cái chết của họ. Chắc chắn họ cũng không thể nhắm mắt thanh thản khi cái chết của họ không được minh bạch hoặc có những người lợi dụng nó để vu vạ cho những người còn đang sống.
Mạng sống của bất kỳ người Việt nào cũng đều quý giá. Trong vụ án giết người ở Đồng Tâm này, Bộ Công an cần tiến hành phục dựng hiện trường một cách công khai, minh bạch, trước sự chứng kiến của các chuyên gia, nhà báo độc lập, và cả các cơ quan quốc tế độc lập như Liên Hiệp Quốc, Liên minh châu Âu. Có như vậy mới giải tỏa được thắc mắc trong dư luận về cái chết của những người Việt tại Đồng Tâm trong thảm kịch rạng sáng 9/1/2020.
Tư pháp Việt Nam còn quá nhiều bất cập
Trong thảm kịch này, chính lực lượng cảnh sát cơ động thuộc Bộ Công an đã gây ra cái chết của cụ Lê Đình Kình. Tuy nhiên, chính công an lại là người điều tra vụ án, và cũng chính công an độc quyền cung cấp thông tin cho báo chí. Điều này rõ ràng không thể bảo đảm một cuộc điều tra và xét xử công bằng.
Hình ảnh video cụ Dư Thị Thành, vợ cụ Lê Đình Kình, tố cáo công an đã đánh đập cụ bắt cụ phải khai nhận là “ở nhà cầm lựu đạn”, cho thấy rõ rằng không thể có công lý khi công an độc quyền điều tra vụ án.
Không phải đến giờ này những bất cập của ngành tư pháp, tòa án Việt Nam mới lộ ra, ở đây tôi chỉ nêu trường hợp bị cướp đất tương tự của người dân Thủ Thiêm. Họ đã ròng rã kêu oan hơn 20 năm nhưng đến giờ này không có tòa án nào xử cho họ, các cơ chế gọi là đại diện cho dân như Hội đồng nhân dân, Hội phụ nữ,… hoàn toàn không có tác dụng gì.
Khoản 2, điều 103, Hiến pháp 2013, quy định rõ: “Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của Thẩm phán, Hội thẩm”.
Thế nhưng, ngày 28/12/2012, Bộ Chính trị, một cơ quan không hề được điều khoản nào của Hiến pháp thừa nhận), đã ra quyết định số 158-QĐ/TW thành lập Ban Nội chính Trung ương. Theo đó, Ban Nội chính có nhiệm vụ “Phối hợp với các cơ quan liên quan chỉ đạo, hướng dẫn xử lý một số vụ việc, vụ án được Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng giao”.
Tức là Ban Nội chính, một cơ quan cũng không hề tồn tại trong Hiến pháp và pháp luật, lại có quyền “chỉ đạo, hướng dẫn xử lý” các “vụ án”. Nghĩa là các lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam vi phạm Hiến pháp và pháp luật một cách công khai.
Như thế thì tôi nghĩ ông Lê Văn Bảy cũng không nên trách móc tại sao người dân Đồng Tâm nói riêng, người dân Việt Nam nói chung, mất lòng tin về pháp luật, công lý và tòa án ở Việt Nam. Khi người dân đã mất niềm tin vào công lý, thì họ phải tự “thế thiên hành đạo”. Đó là điều rất nguy hiểm cho ổn định xã hội.
Thảm kịch Đồng Tâm còn nguy hiểm ở chỗ, nó tạo tiền lệ xấu, theo đó bất kỳ người dân Việt Nam nào cũng có thể bị nhà cầm quyền bắn chết rồi vu vạ cho họ là “khủng bố”. Thông tin điều tra vụ án thế nào chỉ có nhà cầm quyền độc quyền cung cấp cho báo chí. Điều này rõ ràng là không tốt cho việc xây dựng một nhà nước pháp quyền, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư quốc tế, rằng Việt Nam là điểm đến an toàn.
Lời kết
Tôi còn rất nhiều điều muốn viết nhưng bài viết đã quá dài. Để tóm tắt, tôi chỉ muốn nói rằng, trong cả quá trình từ tháng 4/2017, người dân Đồng Tâm đã chứng tỏ họ rất lương thiện, tử tế khi đối xử tốt với lực lượng cảnh sát cơ động bị bắt giữ, họ chỉ mong trung ương đảng cộng sản quan tâm giải quyết vụ việc cho họ. Rất tiếc là những lời kêu gọi của họ đã không được lắng nghe. Chính việc các sĩ quan quân đội lừa cụ Lê Đình Kình ra đồng Sênh để đạp gãy chân cụ, khiến người dân không còn tin vào chính quyền nữa.
Việc người dân Đồng Tâm phải đưa ra những lời đe dọa mang tính chất bạo lực thì đáng lẽ Bộ Công an có thể khởi tố, khám xét nhà đàng hoàng, có sự chứng kiến của dân địa phương để tìm ra tang chứng, vật chứng, sẽ đúng thẩm quyền, đúng quy trình, nhưng công an đã không làm điều đó mà đưa ra tới 3 kịch bản khác nhau cho việc tấn công vào nhà cụ Lê Đình Kình. Chỉ riêng việc phải đưa ra 3 kịch bản trong 5 ngày đã khiến người dân không còn có thể tin vào kết luận điều tra của Bộ công an đưa ra nữa, chưa nói tới những khuất tất trong cái chết của cả 4 người Việt trong thảm kịch này.
***
Có một sự trùng hợp tình cờ là khi tôi đọc tên tác giả “Lê Văn Bảy” thì tôi nghĩ ngay đến “Lê Văn Tám”. Tôi không biết giữa tác giả Lê Văn Bảy và Lê Văn Tám có bà con họ hàng gì không. Trong câu chuyện lịch sử tuyên truyền cho người Việt Nam bao lâu nay đã kể rằng, cậu bé Lê Văn Tám tự tẩm xăng vào người đốt rồi chạy vào kho xăng.
Sau tiết lộ của giáo sư sử học Phan Huy Lê, rằng Lê Văn Tám do Trần Huy Liệu bịa ra thì ông Trần Trọng Tân phải đính chính lại là cậu bé Lê Văn Tám đã đột nhập vào kho xăng để đốt nhưng vô tình để bắt xăng và bị chết cháy chứ không có chuyện cậu tự tẩm xăng rồi châm lửa đốt chính mình, rồi có thể chạy hàng chục mét để đi đốt cả kho xăng.
Từ năm 1945 là năm cậu bé Lê Văn Tám đánh kho xăng cho đến năm 2008, ông Trần Trọng Tân mới chịu thừa nhận lời tuyên truyền kia là sai, dù vẫn cố vớt vát rằng nhân vật Lê Văn Tám có thật. Mất 63 năm để cuối cùng đảng cộng sản phải thừa nhận họ đã nói dối ra sao.
***
Tôi mong rằng những khuất tất trong thảm kịch Đồng Tâm sẽ nhanh chóng được điều tra rõ ràng, minh bạch chứ không phải mất thêm 63 năm nữa. Lê Văn Tám chết cháy vì xăng và ba chiến sĩ cảnh sát cơ động cũng chết cháy về xăng. Nhà cầm quyền cần tạo điều kiện cho các luật sư bảo vệ cho dân Đồng Tâm và để phiên tòa diễn ra thật sự công khai, minh bạch, trước mắt người dân và cộng đồng quốc tế, để xóa bỏ hoàn toàn nghi ngờ trong dân. Điều này chắc tác giả Lê Văn Bảy cũng đồng ý với tôi?
Ở một quốc gia nơi người dân thật sự có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, bài viết này của tôi có thể đăng trên báo chí trong nước và Bộ Công an phải trả lời những thắc mắc của người dân như tôi. Nhưng ở Việt Nam thì điều này là không thể. Thậm chí tôi có thể bị bắt như anh Chung Hoàng Chương ở Cần Thơ vì tôi viết rõ ràng trên mạng xã hội là tôi không tin thông tin do Bộ Công an cung cấp về thảm kịch Đồng Tâm.
Tôi mong tác giả Lê Văn Bảy nên có thêm những bài viết kêu gọi nhà cầm quyền phải bảo vệ quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của người dân Việt Nam như Hiến pháp quy định, để tôi và tác giả Lê Văn Bảy có thể cùng nhau tranh luận trên báo chí trong nước chứ không phải ở trên diễn đàn của BBC và báo không lề nữa.
Tham khảo
Bộ Công an thông tin về tình hình ở xã Đồng Tâm: https://tuoitre.vn/bo-cong-an-thong-tin-ve-tinh-hinh-o-xa-dong-tam-20200109083527395.htm
Bộ Công an thông tin chi tiết về vụ Đồng Tâm: https://plo.vn/thoi-su/bo-cong-an-thong-tin-chi-tiet-ve-vu-dong-tam-883694.html
Điều tra tội “giết người” trong vụ án tại Đồng Tâm: http://baoquangninh.com.vn/phap-luat/202001/dieu-tra-toi-giet-nguoi-trong-vu-an-tai-dong-tam-2467400/
Nhiệm vụ ban nội chính trung ương: http://noichinh.vn/gioi-thieu/ban-noi-chinh-trung-uong/
Về cây đuốc sống Lê Văn Tám: https://www.sggp.org.vn/ve-cay-duoc-song-le-van-tam-200784.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét