Luật sư Schlagenhauf yêu cầu Chính phủ Đức can thiệp, trả tự do cho Trịnh Xuân Thanh
Hiếu Bá Linh
28-1-2020
Hôm 28/1/2020, bà Schlagenhauf, luật sư của Trịnh Xuân Thanh tại Đức, đã ra một thông cáo báo chí, trong đó bà yêu cầu Chính phủ Đức tiếp tục can thiệp với phía Việt Nam để trả tự do cho thân chủ của bà là Trịnh Xuân Thanh.
Thông cáo báo chí mở đầu bằng Quyết định của Tòa án Tối cao CHLB Đức, bác bỏ đơn kháng án của Nguyễn Hải Long mà bà vừa nhận được hôm 28/1/2020.
Với Quyết định này (ra ngày 7.8.2019), Tòa án Tối cao CHLB Đức xác định rằng, trong vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, “bị cáo Nguyễn Hải Long đã bị buộc tội đúng theo luật pháp về hoạt động tình báo như là một điệp viên, cũng như tiếp tay cưỡng đoạt tự do của 2 trường hợp (Trịnh Xuân Thanh và người tình Đỗ Thị Minh Phương), và bản án 3 năm 10 tháng tù đối với bị cáo Nguyễn Hải Long đã được xác nhận”. (Trích nguyên văn từ thông cáo báo chí).
Như vậy Nguyễn Hải Long bị y án 3 năm 10 tháng tù. Đây là tòa án cao nhất nước Đức, không còn tòa án nào nữa để chống án. Nguyễn Hải Long bị bắt giam từ ngày 13.8.2017, tính đến nay đã ngồi tù gần 2 năm rưỡi, tức gần 2/3 bản án, đủ điều kiện thời gian mà luật Đức quy định để có thể được trả tự do trước thời hạn, luật sư Stephan Bonell của Nguyễn Hải Long cho biết như thế.
Ông sẽ làm đơn xin trong thời gian tới và tin rằng thân chủ của ông sẽ được trở về với gia đình ở Séc.
Trong Thông cáo báo chí, luật sư Schlagenhauf nhấn mạnh, Tòa án Tối cao cũng đưa ra dẫn giải rằng “trong suốt quá trình vụ án, việc giam giữ bởi một nhà-nước-bắt-cóc không thể nào được coi là chính đáng trong mọi trường hợp. Do đó, việc giam giữ sau vụ bắt cóc vi phạm Công pháp quốc tế và căn cứ vào vụ án hình sự này, đã chứng tỏ đó là việc giam giữ bất hợp pháp …” (Trích nguyên văn từ Quyết định của Tòa án Tối cao).
Cuối cùng trong thông cáo báo chí, luật sư Schlagenhauf kết luận: “Như vậy, Tòa án hình sự cao nhất nước Đức một lần nữa xác định rằng, vụ bắt cóc thân chủ tôi là một hành vi vi phạm Công pháp quốc tế của Nhà nước Việt Nam, cũng như thế, việc giam giữ thân chủ tôi tại Việt Nam kéo dài cho đến nay là bất hợp pháp từ quan điểm của nước Đức”.
Bản thông cáo báo chí kết thúc bằng lời yêu cầu Chính phủ Đức “không giảm bớt nỗ lực để thân chủ tôi được trả tự do, ra khỏi nhà tù Việt Nam“.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét