Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Sáu, 24 tháng 1, 2020

Những cuộc trưng cầu dân ý không chính thức

Những cuộc trưng cầu dân ý không chính thức

Trịnh Hữu Long
19-1-2020
Nước ta tuy có Luật Bầu cử và Luật Trưng cầu ý dân nhưng một cái thì có dùng cũng như không, một cái thì có mà không dùng. Thành thử ra người ta chỉ biết “ý Đảng” chứ ít khi nào đo được “lòng dân” thông qua những thủ tục chính thức ấy.
Nhưng không khó để trưng cầu được dân ý một cách không chính thức. Vụ góp tiền phúng điếu ông Lê Đình Kình và ủng hộ người dân Đồng Tâm gần đây là một ví dụ sinh động.
Vốn dĩ, chính quyền, báo chí chính thống và các trang mạng/Facebooker thân chính quyền đã khắc họa rõ ông Lê Đình Kình và người dân Đồng Tâm là một lực lượng khủng bố, tàng trữ vũ khí trái pháp, đã gây ra cái chết của ba viên công an trong vụ việc sáng ngày 9/1/2020. Với súng và loa trong tay, chính quyền vừa có thể định hướng được người dân theo ý mình, vừa gieo được nỗi sợ hãi trong công chúng. Lẽ thường, ít ai dám nói trái “ý Đảng”, chứ đừng nói là làm trái “ý Đảng”.
Nhưng vụ tổ chức quyên tiền phúng điếu do bà Nguyễn Thúy Hạnh tiến hành đã chứng minh điều ngược lại.
Chỉ trong vòng hai ngày (13-14/1), tài khoản cá nhân của bà Hạnh tại Vietcombank đã nhận được tới hơn 528 triệu đồng từ gần 700 người trong nước. Việc chuyển khoản trực tiếp này đương nhiên gắn với rủi ro bị công an truy hỏi, bởi thông tin cá nhân của những người gửi tiền đều nằm trong tầm tay công an.
Gần 700 người này dĩ nhiên không bao gồm những người muốn gửi tiền phúng điếu nhưng không gửi được vì nhiều lý do: không có tài khoản, có tài khoản mà không biết dùng, hay có khi đơn giản là không có tiền.
Đó là một cuộc trưng cầu dân ý không chính thức. Ở đây, ta thấy người dân không những có thái độ khác với “ý Đảng”, mà còn dám chấp nhận rủi ro cá nhân để làm trái “ý Đảng”, và dùng tiền tươi thóc thật để bày tỏ quan điểm của mình.
Khi tài khoản của bà Hạnh bị công an yêu cầu Vietcombank phong tỏa, một nhóm người dân lại mở một chiến dịch quyên góp cho người dân Đồng Tâm trên một trang gây quỹ nước ngoài là GoFundMe. Và cũng chỉ mất hơn 24 giờ đồng hồ, họ đã gây được hơn 23 nghìn USD, tương đương với số tiền 528 triệu đồng đang bị công an phong tỏa trong tài khoản Vietcombank của bà Nguyễn Thúy Hạnh. Tổng cộng gần 500 người đã tham gia đóng góp vào chiến dịch này.
Gần 500 người này dĩ nhiên không tính những người muốn đóng góp nhưng không có thẻ Visa/Master, hoặc có mà không biết dùng, hoặc đơn giản là biết dùng nhưng website GoFundMe lại bị chặn truy cập ở Việt Nam. Số người đóng góp trên GoFundMe, khác với cuộc đóng góp trên Vietcombank, bao gồm cả người Việt Nam ở nước ngoài, và công an khó mà biết được danh tính những người đóng góp.
Đó lại là một cuộc trưng cầu dân ý nữa. Nó thách thức không những nỗ lực truy cứu người dân Đồng Tâm của chính quyền, mà còn thách thức thêm việc chính quyền phong tỏa tài khoản của bà Hạnh ở Vietcombank.
Những cuộc trưng cầu dân ý mini này nói lên điều gì?
Có thể không gì cả. Sau cùng, chỉ có vài trăm người tham gia những cuộc trưng cầu này, so với dân số gần 100 triệu dân, nó chỉ là hạt cát trên sa mạc.
Nhưng có thể nó nói lên rất nhiều điều. Các cuộc biểu tình, ở nước nào cũng vậy, cũng chỉ có một tỉ lệ cực nhỏ dân số tham gia, nhưng lại có khả năng thay đổi thời vận. Vì sao lại như vậy? Vì nó là một chiếc nhiệt kế đo lường phản ứng của xã hội. Những người đóng góp tiền hay tham gia biểu tình có thái độ của họ, và họ chọn việc bỏ thời gian, công sức, tiền bạc để tham gia. Điều đó có nghĩa là số người có thái độ phản kháng trong xã hội nhiều hơn nhiều, nhưng họ không có đủ điều kiện hoặc chưa dám làm như những người góp tiền hay đi biểu tình. Những người tham gia, vì vậy, có giá trị đại diện cho thái độ chính trị của một phần dân số đáng kể trong xã hội. Phần đó nhiều hay ít thì cần những nghiên cứu hay khảo sát cụ thể, nhưng luôn tồn tại khả năng họ đại diện cho phần đông trong xã hội.
Ta hãy lấy cuộc bầu cử ở Hong Kong vừa rồi làm ví dụ.
Số người tham gia biểu tình ở Hong Kong năm 2019 cao lắm là hai triệu người trên tổng dân số bảy triệu người. Thông thường, chỉ có vài nghìn đến vài chục nghìn người tham gia cùng lúc. Một số rất nhỏ trong đó đã quyết định “tách đoàn”, không biểu tình ôn hòa nữa mà trực tiếp sử dụng bạo lực tấn công/tự vệ trước cảnh sát. Tất cả những người biểu tình và đập phá ròng rã nửa năm trời đó, gây ra cực kỳ nhiều thiệt hại về kinh tế cho đặc khu Hong Kong đó, có đại diện được cho ý chí của đa số người Hong Kong hay không?
Cuộc bầu cử tháng 11/2019 đã trả lời cho câu hỏi đó. Phe dân chủ, từ chỗ chỉ có 116/431 ghế, đã giành được thắng lợi vang dội ở hầu hết các hội đồng lập pháp địa phương với 392/452 ghế.
Câu trả lời của cử tri Hong Kong là rõ ràng: Họ ủng hộ phong trào biểu tình, bất chấp làn sóng bạo lực và những thiệt hại kinh tế mà chính họ phải gánh chịu.
Người Việt Nam ta, rất tiếc, mới chỉ có những cuộc trưng cầu dân ý không chính thức và khó đo lường. Nhưng bấy nhiêu thôi cũng đủ để ta nhận ra những chuyển động trong “lòng dân”.
“Lòng dân”, nghe thì to tát và dân túy, nhưng không ai hiểu sức mạnh của nó hơn đảng Cộng sản Việt Nam. Họ sẽ phải quyết định là họ cần bao nhiêu cuộc trưng cầu dân ý không chính thức nữa, trước khi mọi thứ vượt ra ngoài tầm kiểm soát của họ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét