Vài nhời về chuyện nói tục
24-8-2019
Chả cứ người Việt Nam, dân tộc nào trên thế giới mà chả có người nói tục. Nhưng ai nói mới là điều khiến người ta ngạc nhiên hay không ngạc nhiên. Và nói tục trong hoàn cảnh nào cũng là một yếu tố quan trọng để “phán xét”.
Ví dụ nghe ông Nguyễn Văn Túc chửi “Đ…T MẸ TÒA” ở ngay chốn công đường, ngay cả những người không thích chửi tục, cũng thấy hả dạ, vì cái hệ thống tư pháp này quá khốn nạn, không chửi không chịu được.
Hoặc nghe cô Tâm Dương Nội chửi đám sai nha cướp đất, tục thôi rồi mà có ai thấy kinh sợ gì đâu? Tục nhưng không độc địa, chỉ cảnh báo chứ không nguyền rủa “đối phương”.
Nhưng nghe một ca sĩ nói chuyện với các fan hâm mộ mà văng tục như một thú tiêu khiển, thì người ta thấy kinh sợ cho văn hóa của cả người của công chúng và khán giả.
Ở nơi công cộng, có đủ các thành phần trong xã hội, mọi ứng xử chuẩn mực hay không chuẩn mực cho dù đó là ai, nó đều gây ảnh hưởng tới cả một cộng đồng. Sự tử tế sẽ được tôn vinh vì nó có lợi cho cộng đồng. Nhưng sự ích kỷ, hoặc sàm sỡ, quấy rối, sử dụng vũ lực để giải quyết mâu thuẫn cá nhân…. đương nhiên phải bị lên án, vì nó có hại cho cộng đồng. Nếu thủ phạm là công chức trong bộ máy nhà nước, bị lên án gay gắt hơn dù hành vi xấu không xảy ra ở công sở, cũng chẳng phải là chuyện bất công gì. Thái độ sống và làm việc phải có sự nhất quán nhất định, chứ không thể nơi công sở thì đạo mạo, ra ngoài thì nói tục như ranh, thì cái sự đạo mạo kia chỉ là giả tạo.
Vài trường hợp về chuyện chửi tục.
Thằng em cùng cơ quan cũ kể, khi đi thực tập ở đội thi công cầu, mỗi khi hò kéo cáp, đội trưởng hô những câu tục kinh hoàng luôn, nhưng lại khiến người ta bật cười, quên cả mệt.
Cụ nhà tôi kể, hồi mới về hưu, ông bạn đèo đi chơi bằng xe máy. Hai ông già đang đi bon bon, chuyện trò như pháo rang thì một bà đi xe đạp tạt qua đầu xe. Ông bạn cụ nhà tôi phanh dúi dụi, chửi toáng lên: Đ…t mẹ mày, đi thế à? Bà kia trố mắt nhìn 2 ông già, nhưng chẳng chửi lại, chỉ bỏ đi. Cụ nhà tôi bảo nghe một ông già quan chức nghỉ hưu chửi tục, thấy buồn cười lắm – không quen!
Chung cư cũ nhà tôi ở, người ta mua đi bán lại nhiều. Có một cô từ Thường Tín lên, mua có vài mét vuông ở tầng 1, bày ra quán bánh cuốn để mưu sinh. Công an, trật tự phường đi dẹp, đổ xô nước vào cái lò than cô này chưa kịp chạy. Mất nồi cơm, cô ta ba máu sáu cơn, tốc váy lên chửi: Ối làng nước ơi, tôi làm ăn lương thiện để nuôi con mà cũng không yên. Không có tiền, chồng tôi đi với gái, tôi phải buôn heroin để nuôi con ăn học à? Quay ra 2 thằng con, cô ả gào: Đ…t mẹ chúng mày, cố mà ăn học, để làm ông to bà nhớn, để tham nhũng cho mẹ mày đỡ khổ như thế này. Ối làng nước ơi, ối cán bộ ơi… Tôi kể lại cho các cụ nhà tôi nghe, các cụ bật cười, bảo mặc dù nhiều khi chửi đúng, nhưng có phải ai cũng chửi được đâu? Bao nhiêu uẩn ức không dám chửi, thấy có người chửi được cứ như họ chửi hộ mình, nên đa phần những người không chửi được thấy rất “khoái”.
Kết lại, dám làm dám chịu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét