Biển Đông: TRUNG QUỐC ĐE DỌA CẢ PHILIPPINES, MALAYSIA LẪN VN
Malaysia lẫn Việt Nam'
Quốc Phương
15.8.2019
Manila vừa yêu cầu Bắc Kinh giải thích việc Trung Quốc điều các tàu của nước này vào vùng biển mà Philippines tuyên bố chủ quyền mà không được phép trong suốt thời gian từ tháng Hai đến tháng Bảy, theo hãng tin AP hôm 14/8/2019.
Manila vừa yêu cầu Bắc Kinh giải thích việc Trung Quốc điều các tàu của nước này vào vùng biển mà Philippines tuyên bố chủ quyền mà không được phép trong suốt thời gian từ tháng Hai đến tháng Bảy, theo hãng tin AP hôm 14/8/2019.
Động thái này được đưa ra ngay trước thềm chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Rodriogo Duterte, tại đó lãnh đạo Philippines cam kết sẽ nhắc lại phán quyết của tòa PCA mà Philippines đã thắng kiện trước Trung Quốc tháng 7/2016.
Bộ trưởng Lorenzana nói hôm thứ Sáu tuần trước rằng Trung Quốc đã không xin phép khi phái một số tàu chiến qua eo biển Sibutu ở mũi phía Nam của quần đảo Philippines tất cả bốn lần trong thời gian trên, và ông cũng nói hai tàu khảo sát của Trung Quốc cũng đã hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.
"Hai tàu chiến Trung Quốc bị phát hiện ở dọc eo biển Sibutu ở tỉnh Tawi-Tawi của Philippines trong tháng Bảy và ba chiếc khác bị phát hiện trong tháng Tám", Trung tướng Cirilito Sobejana, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Tây Mindanao của Philippines được truyền thông nước này dẫn lời, hôm 14/8 tuyên bố thêm.
"Trung Quốc từ lâu đã có các hành động đơn phương trái luật, khiêu khích, dọa nạt 3 trong 4 nước có tuyên bố chủ quyền ở biển Đông, gồm Việt Nam, Malaysia, Philippines..." một nhà nghiên cứu Đông Nam Á và chính trị khu vực bình luận với BBC News Tiếng Việt hôm thứ Năm về động thái trên.
"Chiến lược của Trung Quốc được tính toán kỹ, có những lúc Trung Quốc đã liều lĩnh, và sẽ còn liều lĩnh," Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp nêu quan điểm trong cuộc phỏng vấn qua bút đàm hôm 15/8 sau đây, trong đó ông cũng bình luận về sự kiện Trung Quốc điều tàu trở lại khu vực bãi Tư Chính lần thứ hai trong mùa Hè này.
BBC: Tiến sỹ bình luận thế nào về việc Trung Quốc được cho là điều nhiều tàu vào vùng biển mà Philippines tuyên bố chủ quyền trong tháng Bảy và tháng Tám này, cùng thời gian với sự kiện đối đầu với Việt Nam diễn ra ở khu vực Bãi Tư Chính?
TS Hà Hoàng Hợp: Số tàu chiến (của hải quân) Trung Quốc đi vào vùng biển thuộc chủ quyền của Philippines mà không báo trước, là hành động vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế.
.
Manila để đến nay mới phản ứng. Manila muốn có bằng chứng đầy đủ về hành vi xâm phạm chủ quyền này của Trung Quốc.
Cách thức phản ứng
BBC: Cách thức phản ứng của phía Philippines có gì đáng nói? Có gì khác biệt không với cách thức mà Việt Nam đã đang phản ứng đợt này?
TSHà Hoàng Hợp: Tất cả các tàu hải cảnh của Trung Quốc đều là tàu thuộc lực lượng vũ trang Trung Quốc. Các tàu đó đi kèm để bảo vệ tàu thăm dò, hoặc đi vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trong tháng 5 và tháng 6 để quấy rối hoạt động khai thác dầu khí của liên doanh dầu khí VN-Rosneft chính là hành động xâm phạm phi pháp.
Từ ngày 16 tháng Bảy, Việt Nam đã phản đối và sau đó đã nhiều lần yêu cầu các tàu đó rời vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Cụ thể hơn về luật pháp quốc tế, tàu cảnh sát biển của bất kỳ nước nào, trước khi vào vùng biển thuộc chủ quyền của một nước khác, cũng phải thông báo trước.
Tuy nhiên, quy chế thông báo trước áp dụng chặt chẽ hơn đối với tàu chiến (tức là tàu hải quân). Phản ứng của Manila hoàn toàn phù hợp. Phản ứng của Việt Nam vừa qua, cũng hoàn toàn phù hợp.
BBC: Dường như Trung Quốc đang có một tính toán để xuất hiện không chỉ riêng ở một quốc gia đơn lẻ ở vùng Biển và khu vực này, kế hoạch và tính toán của Trung Quốc là gì? Kế hoạch này có khả thi không và có gì mạo hiểm không?
TSHà Hoàng Hợp: Trung Quốc từ lâu đã có các hành động đơn phương trái luật, khiêu khích, dọa nạt 3 trong 4 nước có tuyên bố chủ quyền ở biển Đông, gồm Việt Nam, Malaysia, Philippines. Nghiêm trọng nhất, là vụ Trung Quốc dùng tàu chiến chiếm Scarborough của Philippines năm 2012.
Xin nhắc lại năm 1974, Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm Hoàng Sa của Việt Nam; năm 1988, Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm Gạc Ma. Chiến lược của Trung Quốc được tính toán kỹ, có những lúc Trung Quốc đã liều lĩnh, và sẽ còn liều lĩnh.
BBC: Ngày 13/8/2019 diễn ra cuộc gặp giữa ông Dương Khiết Trì, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Ngoại sự Trung ương của Đảng Cộng sản Trung Quốc và ông Mike Pompeo, Ngoại trưởng Mỹ, tại Hoa Kỳ, cuộc gặp này có thể có ý nghĩa ra sao với an ninh ở Biển Đông và khu vực?
TS Hà Hoàng Hợp: Theo tôi được biết, cuộc gặp Dương Khiết Trì - Mike Pompeo tại Mỹ có các nội dung: quan hệ Trung - Mỹ (chiến tranh thương mại, Đài Loan, Hong Kong).
Mở rộng các khu vực quan hệ, hai ông đó đã thảo luận các vấn đề: phi hạt nhân hóa Triều Tiên và hành xử của Bình Nhưỡng, vấn đề Hoa Đông, vấn đề biển Đông, Tân Cương, Trung-Ấn.
Riêng về vấn đề Biển Đông, có nguồn tin đáng tin cậy cho biết ông Pompeo cảnh báo nghiêm khắc các hành động của Trung Quốc ở biển Đông, nhấn mạnh vụ bãi Tư Chính, vụ quấy phá trong vùng đặc quyền kinh tế Malaysia, và các quấy phá ở vùng biển Philippines.
Mỹ nhắc Trung Quốc rằng Mỹ và các nước phương Tây đang theo tôn trọng trật tự quốc tế dựa trên các quy tắc. Trung Quốc không thể bất chấp luật pháp quốc tế, và không được phép tiếp tục không coi luật pháp quốc tế ra gì! Đấy là thông điệp rõ rệt nhất.
Sau cuộc gặp kể trên, chúng ta thấy tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng Mỹ chỉ ký thỏa thuận thương mại với Trung Quốc khi Trung Quốc cư xử tử tế với Hong Kong.
Hải quân Nga hiện diện?
BBC: Có tin nói hải quân Nga đang có sự hiện diện ở khu vực gần Bãi Tư Chính, nếu tin này là có cơ sở, thì việc này có ý nghĩa gì?
TS Hà Hoàng Hợp: Về thông tin có các tàu hải quân Nga ở gần bãi Tư Chính, tôi có thể nói như sau. Nga là một cường quốc biển. Hải quân Nga là hải quân mạnh mẽ hàng đầu trên thế giới.
Vì thế sự có mặt của tàu hải quân, của các máy bay ném bom chiến lược của Nga ở hải phận quốc tế, kể cả vừng hải phận quốc tế gần với Trường Sa, gần với bãi Tư Chính... là việc rất bình thường.
Nếu có tàu hải quân Nga ở gần bãi Tư Chính, thì đó là một minh chứng rõ rệt thể hiện sự nhất quán của Nga trong việc bảo vệ các lợi ích của Nga. Việc tháng trước, tàu hải cảnh Trung Quốc quấy việc khoan của liên doanh Nga - Việt, là trực tiếp đe dọa đến lợi ích của Nga.
Hiện nay việc tàu thăm dò Trung Quốc tiếp tục có mặt ở vũng bãi Tư Chính, là hành vi đe dọa gián tiếp đến lợi ích của Nga, nếu chỉ nói đến Nga. Không có bất kỳ thỏa thuận nào giữa Trung Quốc và Nga có thể làm thay đổi bản chất của hành vi này của Trung Quốc.
BBC: Ông so sánh ra sao các phản ứng giữa một số cường quốc và khối quốc gia ở khu vực liên quan tới các sự kiện ở Bãi Tư Chính trong hai tháng nay, trong đó có Úc, Ấn Độ, Asean so với Mỹ và Nhật Bản?
TS.Hà Hoàng Hợp: Tôi xin nói luôn rằng ở đây mà so sánh thì nó hơi khập khiễng. Mỗi nước đều có cách phản ứng của mình, nước phản ứng sớm, nước phản ứng muộn.
Tuy vậy, mọi phản ứng, đều có bản chất lên án các hành động bất tuân thủ luật pháp quốc tế, lên án những việc làm gây ra sự mất niềm tin chiến lược trong khu vực, lên án các hành động làm căng thẳng, ảnh hưởng xấu đến an ninh khu vực....
Về nội dung dự thảo COC, Trung Quốc có 3 đòi hỏi vô lý: 1) Không đưa nội dung UNCLOS 1982 vào COC; 2) Không được tập trận chung với bất kỳ nước nào bên ngoài Asean (cộng Trung Quốc) nếu không được dự đồng ý trước của tất cả các nước Asean + Trung Quốc; và 3) Không được tiến hành các hoạt động kinh tế với bất kỳ nước nào bên ngoài mà không được sự đồng ý của tất cả các nước Asean và Trung Quốc.
Chắc chắn các nước có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông không chấp nhận 3 đòi hỏi này. Việt Nam đã nhiều lần nói rằng Việt Nam không để bị động hay bất ngờ. Việc sử dụng các biện pháp hòa bình, chứng tỏ Việt Nam không mong muốn xảy ra xung đột vũ trang.
Mất niềm tin chiến lược?
BBC: Cuối cùng, có người nói sự kiện Dàn khoan HD-981 năm 2014 và Bãi Tư Chính mùa Hè 2019 là hai cuộc khủng hoảng ở Biển Đông đối với Việt Nam và hai cuộc khủng hoảng này có thể sẽ chỉ đẩy Việt Nam lại gần hơn với Hoa Kỳ và sẽ bất lợi với Trung Quốc và do đó Trung Quốc nên nhận thức điều đó, ông có đồng ý không?TS Hà Hoàng Hợp: Nói chính xác hơn, thì hành xử vô lối của Trung Quốc đang làm Việt Nam xa Trung Quốc nhiều hơn. Năm 2014, Trung Quốc đã làm mất niềm tin chiến lược đối với Việt Nam.
Từ đó đến vụ bãi Tư Chính năm nay, mọi nỗ lực để làm cho "canh ngọt'' trở lại, nước trà "ngon, đậm trở lại"", đều đã gần như vô ích! Hành xử của Trung Quốc như lúc này, làm cho Việt Nam nhận thức rõ hơn, tích cực hơn về việc Mỹ, trong khi bảo vệ lợi ích của Mỹ ở khu vực này, thì cũng hợp tác và ủng hộ Việt Nam nhiều hơn, khi mà lợi ích của Mỹ và của Việt Nam có các phần chung.
Việt Nam luôn chủ động, đúng như người ta vẫn nói, thì đương nhiên, không ai "đẩy" Việt Nam gần lại với Mỹ.
Nhân đây, tôi cũng muốn nói đến Sách trắng Quốc phòng Trung Quốc công bố ngày 24/7/2019, trong đó coi Biển Đông là bộ phận lãnh thổ "không thể bị tách rời" của Trung Quốc. Trung Quốc tuyên bố bảo vệ "chủ quyền" của Trung Quốc ở Biển Đông bằng mọi giá, thì chắc chắn Trung Quốc đã tính toán đến các hành động không hòa bình.
Dọa nạt, đe dọa sử dụng vũ lực... là các chỉ dấu màu xám báo hiệu các hành động không hòa bình! Việt Nam đang theo đuổi chính sách thực tiễn (realist), tức là chủ động tránh xung đột, trong khi vẫn giữ được lợi ích quốc gia của Việt Nam.
Hy vọng rằng sẽ không có bất cứ nước nào dồn Việt Nam vào thế phải áp dụng chính sách thực dụng (realpolitik) để giáng trả đích đáng. Nói như vậy, ngoài lợi ích quốc gia là bất biến, mọi chính sách đều phải thay đổi sao cho lợi ích quốc gia được bảo đảm!
Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp, mà phần trả lời ở trên là quan điểm cá nhân, đồng thời là thành viên nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) có trụ sở tại London, Anh quốc, ông có nhiều nghiên cứu và phân tích về chính trị, chiến lược và địa chính trị liên quan Việt Nam, quốc tế và khu vực.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét