Sang Mỹ để làm gì?
29-8-2019
Chuyến bay Cathay Pacific gần 17 tiếng từ Hongkong tới Washington DC tưởng như dài vô tận. Chơi cờ vua giết thời gian với máy tính ván nào mình cũng thắng do chương trình luôn ở mức dế. Các hãng khác cài phần mềm Kasparov, chỉ cần mức trên trung bình chút là mình thua toé khói. Không xem phim, không nghe nhạc, ngủ ít, 16 tiếng trên trời quả là tra tấn.
Tới sân bay, cô biên phòng da mầu có một câu hỏi chuẩn “Anh đến Mỹ để làm gì?” làm mình nhớ hồi bé, các bác, các cô chú ra chơi nhà, mình toàn hỏi “Ơ, bác ra nhà tôi làm gì”, thực ra là câu chào của bọn trẻ con ở quê. Ông già toàn quát, ra chơi chứ còn làm gì, hỏi thế là láo. 24 năm trước cũng câu hỏi ấy, nghe lao láo thế nào ý.
Sang Mỹ trong hoang mang
Nhớ chuyến bay từ Hongkong sang Los Angeles tháng 9-1995 khi mình còn sung sức, ngồi business class, ăn ngủ như tiên, hồi hộp đến Mỹ, giờ già lụ khụ U70 đi economy, Mỹ mẽo với mình như về quê.
Năm ấy nghe tin mình đi Washington DC một tháng, anh bạn từng đi lính, ghét Mỹ, mời đi cafe như giao nhiệm vụ, sang đó phải tìm hiểu Mỹ muốn phá gì tiếp ở Vietnam, tại sao cho World Bank, một công cụ của CNTB, mở VP taị Hà Nội và cử nhiều người Việt sang Mỹ học tập là có ý gì đây. Chiến tranh lạnh vừa xong, Liên Xô sụp đổ, XHCN thu hẹp, những câu hỏi đó không phải không có lý.
Mình à ừ cho xong chuyện, cỡ anh IT chuyên chui gầm bàn đi dây mạng, tìm ổ L cho các chân dài, thì thăm dò tình báo cái con khỉ. Tuy vậy, tình yêu tổ quốc là trên hết, nếu thấy gì không có lợi cho VN, chắc chắn mình coi quyền lợi quốc gia là số 1.
Mình học hệ điều hành mạng Banyan (cây đa) khoảng 1 tuần, tuần sau đó học hệ thống điện thoại Norstar Key. Ở Los Angeles hai tuần nên mình khá quen thành phố, thích đi bộ. Từ khách sạn tới chỗ học có xe đưa đón nhưng chiều 5 giờ mà mặt trời vẫn sáng trưng, mình chọn đi bộ. Ở sa mạc trông thì gần nhưng đi hơn một tiếng mới về ks Embassy Suite đối với tay trẻ trâu kiêm IT thì đẹp như cung điện.
Mình cố tìm hiểu xem bọn Mỹ làm ăn thế nào, chống phá cách mạng Việt Nam ra sao, nhưng tịnh không thấy biểu hiện nào. Những người Mỹ mình gặp đều thân thiện và dễ gần, họ chỉ bảo tận tình, từ trong lớp học tới hỏi đường. Dù ở sa mạc nhưng nhà cửa rất đẹp, có cây xanh, hồ nước, công viên, không khí trong lành. Mình đã nghĩ bụng, cái bả của CNTB là đây chăng?
Có lần ăn trong khách sạn, mình thích gà nên goị món gà quay. Cô chạy bàn hỏi, anh thích whole chicken or half (một con gà hay nửa con). Ăn thế chó nào một con gà và bảo, tôi thích 1/4 thôi, cái đùi ý. Cô ý lắc đầu. Đành chọn nửa con. 15 phút sau cô bưng một đĩa to như đĩa hoa quả ngày Tết bên ta, giữa là 1/2 con gà to đùng và một đống khoai chiên, ít salad. Đang đói mà nhìn toát mồ hôi.
Đánh vật nửa tiếng hết mỗi cái đùi và cố cái phao câu, còn lại lắc đầu. Cô chạy bàn vẻ băn khoăn, ông ăn không ngon? Ngon ạ, chỉ là nhiều quá. Ông mang về nhé. Lần đầu tiên (1995) mình biết là nước Mỹ ăn thừa có thể gói mang về và phục vụ thì tuyệt vời như mình là thượng đế.
Đi ăn cùng, học cùng, đi chơi Disney Land thấy dân Mỹ hiền hoà, một số còn tỏ ra ghét chiến tranh Việt Nam mà người Mỹ dính líu vào. Hai tuần đầu đã thấy hoang mang.
Còn 3 tuần nữa mình về Washington DC trong khách sạn Concordia cho gần World Bank, nghe nói là ổ gián điệp CIA, chuyên cho vay nặng lãi và nhân thể hoạt động chống phá thế giới. Vào tổng hành dinh mới biết toàn dân quốc tế làm việc, dường như độc lập với Nhà Trắng cách đó đúng một phố. Bên cạnh là IMF, IFC, toàn các ông lắm tiền.
Mình được học về vốn vay của World Bank như hard loan, soft loan (loan tiếng Anh đọc như lôn không có dấu huyền trong tiếng Việt), risk loan, long loan và short loan (lon nặng, lon nhẹ, lon rủi ro, lon dài, lon ngắn…), nghe rất buồn cười và hơi thích. Mình nghĩ, bọn tư bản kinh, cho vay cả lon miễn là lợi nhuận.
Khi hiểu cách WB hoạt động và cơ chế cho vay thì mình biết ý định của họ cũng tốt, sao cứ gán cho họ cái mác chống phá. Việt Nam được cơ chế IBRD không lấy lãi vì lúc đó 90% dân nghèo, không vay sao phát triển.
Học đủ thứ trên đời, từ đạo đức cách mạng trong WB, không lấy bút chì hay giấy của văn phòng, không có chuyện xung đột lợi ích, mang họ hàng hang hốc vào đây. Chả bù cho cơ quan cũ, chồng làm sếp, bổ nhiệm vợ làm trưởng phòng, đưa con cháu thoải mái vào.
Thấy cách người ta ra vào WB, nơi làm việc, mạng máy tính hiện đại, cách đối nhân xử thế rất chuyên nghiệp, mình lờ mờ thấy tư bản khác nước ta, lại hoang mang thêm. CIA hoạt động chỗ nào thì chịu, chắc WB không có, hay có rệp gắn tường mà mình không biết.
Cuối tuần các đồng nghiệp tổ chức cho đi thăm Nhà Trắng, Kho bạc, Lầu Năm Góc và đồi Capitol. Vào Nhà Trắng được giới thiệu xem phòng bầu dục, vườn hồng chi đó, đaị loại như một cái villa to hơn villa 53 Trần Phú (Hà Nội) một chút. Các bạn còn nói, nếu gặp TT trong hành lang còn được bắt tay, chụp ảnh. Vào Pentagon hay kho bạc cũng thế, cứ như xem bảo tàng. Hồi đó chỉ có máy chụp phim nên ảnh rất hạn chế. Đi vào toàn nơi bí mật mà cứ như chỗ không người.
Thăm mấy nơi này xong thì hoang mang tột độ. Nước Mỹ thế này thì hỏng, dân được chõ mũi vào cả nơi làm việc của TT. Sau vụ khủng bố 11-9 vào những nơi này khó hơn nhưng vẫn được vào.
Khi về Hà Nội, alo anh bạn đi nói chuyện, mình thật thà kể lại những gì thấy (fact) và cảm nhận (opinion). Chả hiểu anh có bị thuyết phục gì không. Vài chuyến đi Mỹ sau vẫn tiếp tục cafe, nhưng rồi từ năm 1998 trở đi dường như Mỹ không còn là kẻ thù không đợi trời chung với anh, dù anh bảo, cậu nên để ý đến diễn biến hoà bình. Mà xin visa đi Mỹ có khó không?
Vĩ thanh
Kể từ ngày ấy tới nay đã 1/4 thế kỷ lần đầu tới Mỹ, tôi định gọi 1/4 con gà quay, 4 cuốn hộ chiếu đã thay chứa đầy các trang visa vào Mỹ và chi chít con dấu biên phòng. Vẫn câu hỏi ấy “Anh đến Mỹ làm gì?”.
Dù câu trả lời của tôi khác nhau, ngừoi bạn cũng không băn khoăn người Việt được sang Mỹ là có ý gì vì anh đã gửi con du học bên Mỹ. Mới hay, sự thay đổi trong nhận thức là một quá trình.
Còn tôi từ khi về hưu, nếu không vì mấy ông con đang học, Tổng Cua cũng chẳng biết sang Mỹ để làm gì.
Nếu được trả lời vui với cô biên phòng thì tôi sẽ nói, tôi nhớ đùi gà và các kiểu loan của WB.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét