Lãnh đạo, Luật Khẩn cấp và trò chơi chính trị
Một khi đời thực bị biến thành trò chơi, người dân lương thiện không bao giờ chiến thắng.
Nguồn: https://www.luatkhoa.org/2019/08/lanh-dao-luat-khan-cap-va-tro-choi-chinh-tri/?fbclid=IwAR0Kg7XzcTsoAy4Z-oUv4R3jvmDkoLB0dqUfgn9WSZFEb4lvo3j0yomSIzY
Y Chan
Một người biểu tình Hong Kong dùng vợt tennis chống trả bom hơi cay của cảnh sát, ngày 25/8/2019. Ảnh: SCMP.
Mùa hè không yên ả của Hong Kong lại được thổi thêm sóng gió trong 48 giờ qua.
Tính đến 12h đêm 30/8, trong hai ngày, cảnh sát Hong Kong đã tiến hành bố ráp hàng loạt, bắt giữ ít nhất tám nhân vật có trọng lượng trong phong trào dân chủ nơi đây.
Trong số này truyền thông nước ngoài đặc biệt quan tâm đến Hoàng Chi Phong (Joshua Wong) và Châu Đình (Agnes Chow) của đảng Demosisto, những người trẻ tuổi được thế giới biết đến từ Phong trào Dù vàng 5 năm trước. Thông tin về vụ bắt giữ hai người chỉ trong vài giờ lập tức xuất hiện trên khắp trang nhất của những tờ báo lớn trên thế giới, cho thấy ảnh hưởng lớn của họ.
Lãnh đạo hay không lãnh đạo?
Trên thực tế, trong phong trào phản kháng chống lại Dự luật Dẫn độ này, vai trò của đảng Demosisto cùng Hoàng Chi Phong rất hạn chế.
Với đặc điểm phi-lãnh-đạo của cuộc vận động, không ai có thể tự xưng vỗ ngực cầm đầu hàng triệu người, và cũng chưa có ai được chấp thuận để làm lãnh đạo đại diện họ.
Hoàng Chi Phong chỉ mới được ra tù vào vào ngày 17/6 vừa rồi, khi trước đó hàng triệu người đã xuống đường yêu cầu lãnh đạo đặc khu Carrie Lam từ chức, lại càng không có nhiều cơ hội gây ảnh hưởng đến phong trào.
Vào ngày 21/6, khi người biểu tình bao vây tòa nhà Tổng cục Cảnh sát suốt từ sáng đến đêm, việc Hoàng Chi Phong xuất hiện tham gia cũng không hoàn toàn nhận được phản hồi tích cực. Có những người biểu tình bày tỏ sự khó chịu, cho rằng sự có mặt của Chi Phong chỉ làm cho chính quyền nghĩ rằng đây là hành động có xúi giục, không phải tự phát.
Có lẽ hiểu rõ điều đó, chính Chi Phong nhiều lần khẳng định, phong trào lần này của người dân Hong Kong là hoàn toàn tự phát, bản thân anh và đảng của mình không đóng vai trò lãnh đạo nào.
Hoàng Chi Phong không phải người duy nhất tránh né chiếc ghế lãnh đạo phong trào. Tất cả những gương mặt có tiếng tăm trong giới đấu tranh, thuộc các đảng dân chủ, đều nhiều lần khẳng định giống vậy. Kể cả Mặt trận Dân chủ (Civil Human Rights Front), đơn vị đứng ra kêu gọi tổ chức các cuộc biểu tình lớn hàng triệu người, cũng không dám nhận mình là lãnh đạo.
Có phải tất cả họ đều không có tham vọng chính trị?
Đó là câu hỏi sai, vì trong phong trào này, không có chỗ cho tham vọng chính trị, ít nhất theo kiểu thông thường.
Không tồn tại chiếc ghế lãnh đạo nào để giành giật.
Phải nói rõ điều này mới hiểu được sự phẫn nộ lẫn kinh ngạc của người dân Hong Kong những ngày qua.
Họ phẫn nộ khi chính quyền một lần nữa thể hiện sự “cầu thị” và “chân thành” của mình bằng cách dùng vũ lực trấn áp, đe dọa những ai “không chịu nghe lời”.
Khắp các diễn đàn, tuyệt đại đa số người dân Hong Kong đều bày tỏ sự kinh ngạc, không hiểu nổi những người cầm quyền “đang làm trò gì vậy?”.
Tranh biếm họa về thái độ đối thoại “chân thành” của chính quyền, minh họa việc trưởng đặc khu Hong Kong Carrie Lam miệng nói với người dân “Chúng ta nên dừng lại, đừng chống nhau nữa…” và tay thì cầm súng chĩa vào họ, “Giờ thì, chúng ta đối thoại nhé?”. Nguồn: Twitter của Jiejiehk.
Có lẽ cho tới tận giờ này, chính quyền trung ương lẫn đặc khu Hong Kong đều thật sự không tin đây là phong trào tự phát của người dân, mà phải có “băng nhóm cầm đầu” hoặc “lực lượng xúi giục” nào đó.
Có lẽ họ tin rằng chỉ việc bắt hết những kẻ “cầm đầu” thì sẽ dập tắt được phong trào như Dù vàng trước kia, hoặc ít nhất cũng đủ dọa nạt khiến những người còn lại sợ hãi.
Có lẽ vì bản thân họ, từ xưa đến nay, luôn phải làm quân cờ, luồn cúi trước cấp trên, răm rắp “tuyệt đối trung thành”, hoàn toàn “nghe theo chỉ đạo”, nên không bao giờ tin rằng trên đời có những người có thể tự chủ, tự quyết cuộc đời mình?
Lý giải đó cho thấy một thứ tư duy ấu trĩ đến cùng cực, tách rời hoàn toàn khỏi thực tế. Có người không thể tin đây là sự thật, rằng những người đầy quyền lực kia, ăn vận sang trọng, trông thông minh sáng sủa, nói tiếng người rõ ràng, lại có thể tài đến mức không hiểu được thế giới thực mà mình đang sống.
Nhiều người không tin chính quyền có thể ấu trĩ đến vậy. Họ nghĩ đến một “thuyết âm mưu” khác, rằng đây thực chất là đòn kích động thêm sự phẫn nộ của người dân, cố tình tạo ra thêm nhiều sự hỗn loạn.
Vào ngày 31/8/2014, chính quyền Bắc Kinh đã đưa ra kế hoạch bầu cử theo kiểu “dân chủ có giới hạn” cho Hong Kong, “cho” người dân được bầu, nhưng bầu “ai” thì phải do Bắc Kinh quyết định.
Người Hong Kong gạt bỏ đề xuất không nạc chẳng mỡ này. Phong trào Dù vàng nổi tiếng xuất hiện ngay sau đó.
Đúng 5 năm sau, Mặt trận Dân chủ lên kế hoạch biểu tình lớn vào ngày 31/8 để “kỷ niệm” sự phản kháng, đồng thời cũng nhắc nhở chính quyền về đòi hỏi cơ bản nhất của họ. Nhưng phía cảnh sát đã ra lệnh cấm sự kiện trên với lý do xung đột bạo lực có thể xuất hiện.
Cùng với lệnh cấm là chiến dịch bố ráp bắt giữ hàng loạt những nhà hoạt động dân chủ trong 48 giờ qua.
Ngoài những cái tên như Hoàng Chi Phong và Châu Đình, tuy nổi tiếng quốc tế nhưng không đóng vai trò nổi trội trong phong trào lần này, nằm trong số bị cảnh sát bắt giữ còn có những nhà hoạt động gây tiếng vang và ảnh hưởng lớn đối với cư dân địa phương.
Đó là Đàm Văn Hào (Jeremy Tam), nghị sĩ quốc hội thuộc đảng Công dân (Civic Party), người hơn một tuần trước đã đăng tâm thư thông báo việc rời bỏ chức vụ phi công ở Cathay Pacific sau gần 20 năm làm việc. Anh không muốn những hoạt động đấu tranh dân chủ của mình bị chính quyền Bắc Kinh dùng làm cớ để đàn áp các đồng nghiệp và công ty. Tâm thư của Đàm Văn Hào nhận được hơn 120 ngàn lượt tương tác trên trang cá nhân của anh.
Đó là nghị viên Âu Nặc Hiên (Au Nok-hin), người cùng với Đàm Văn Hào đã xuất hiện đồng hành cùng người biểu tình, giám sát và chất vấn các hành động bạo lực trấn áp của cảnh sát.
Nghị viên Trịnh Tông Thái (Cheng Chung-tai) cùng cựu chủ tịch Hiệp hội Sinh viên của Đại học Hong Kong Tôn Hiểu Lam (Althea Suen) cũng bị bắt giữ vì liên quan đến sự kiện người biểu tình chiếm tòa nhà Lập pháp vào ngày 1/7.
Nhiều người nghi ngờ, việc bắt giữ (chưa có dấu hiệu dừng lại) những cái tên đều thuộc nhóm “được lòng dân” này, ngay trước ngày nhạy cảm 31/8, cộng thêm lệnh cấm biểu tình, liệu có phải nước cờ kích động sự phẫn nộ, khiến xung đột bùng nổ, từ đó tạo cái cớ hoàn hảo để chính quyền đặc khu thi hành “Luật về tình trạng khẩn cấp” (Emergency Regulations Ordinance)?
Bức tượng Dân chủ xuất hiện lần đầu tiên ngày 31/8/2019 tại Đại học Trung Văn. Ảnh: SCMP.
Vì khẩn cấp, hay muốn khẩn cấp?
“Khẩn cấp luật” này là một “sáng kiến” khác của chính quyền Carrie Lam, được bắn tiếng từ đầu tuần nhằm mục đích giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị tồi tệ nhất của Hong Kong, vốn dĩ khởi sự cũng từ “sáng kiến” Dự luật Dẫn độ của chính quyền, kích động sự phẫn nộ của hàng triệu người mà ra.
Có lẽ thêm vài thập niên nữa cũng không có mấy người Hong Kong biết đến sự tồn tại của đạo luật này, nếu nó không được chính quyền đặc khu tài tình “đào mộ” bới lên.
Luật Khẩn cấp được lập ra từ cách nay gần đúng một thế kỷ, vào năm 1922, thời kỳ Hong Kong vẫn còn là thuộc địa của Anh.
Đạo luật được thông qua chỉ trong một ngày, nhằm mục đích đối phó với cuộc bãi công lan rộng của 120.000 người (hơn 1/6 dân số vào thời điểm đó), đòi hỏi đảm bảo mức sống tối thiểu cho họ.
Thời kỳ đó, dù là thuộc địa, chính quyền Hong Kong vẫn phải vận hành theo cơ chế ràng buộc kiểm soát cân bằng quyền lực, nhánh hành pháp không thể vượt mặt nhánh lập pháp để tự tiện ra luật, tùy tiện quản lý theo ý mình.
Luật Khẩn cấp là cách để chính quyền “nhảy cóc” khỏi sự kiểm soát này.
Tuy được ra đời vào năm 1922 để đối phó bãi công, nhưng chính quyền Hong Kong đã không dùng đến luật này, mà thay vào đó đối thoại thành công với người dân, chấm dứt bãi công.
Đến năm 1967, trong cuộc bạo loạn của những người cộng sản khiến hàng chục người chết, hàng trăm người bị thương, chính quyền mới áp dụng luật trên lần đầu tiên và cũng là duy nhất cho đến nay.
Giống như hầu hết các đạo luật khẩn cấp ở các nước và khu vực trên thế giới, cũng như ý nghĩa cái tên gọi của nó, luật được đặt ra chỉ để sử dụng trong trường hợp “khẩn cấp”.
Với đạo luật của Hong Kong, nó quy định người đứng đầu chính quyền được phép “ban hành bất kỳ luật lệ nào mà họ thấy cần thiết cho lợi ích chung” nếu họ nhận định rằng trường hợp hiện tại là “khẩn cấp hoặc nguy hiểm cho cộng đồng” (emergency or public danger).
Nghĩa là, nếu áp dụng đạo luật trên, chính quyền đặc khu Hong Kong hiện tại hoàn toàn có quyền bắt bất kỳ ai mà không cần trát tòa, giam giữ vô thời hạn, trục xuất không cần xét xử, kiểm soát toàn bộ hệ thống cơ sở hạ tầng, trưng thu tài sản, cho phép cảnh sát tự do ra vào bất kỳ khu vực công tư nào, kiểm duyệt toàn bộ thông tin, cấm xuất bản, thậm chí cắt bỏ hệ thống internet, v.v.
Nói cách khác, đó là cánh cửa mở toang để đẩy Hong Kong ra khỏi ngôi nhà pháp trị, bước ra cánh đồng hoang của công an trị.
Việc chính quyền đặc khu công khai xác nhận khai quật xem xét sử dụng đạo luật trăm tuổi này khiến tất cả các giới đều phẫn nộ.
Liệu Đặc khu trưởng Hong Kong Carrie Lam có kích hoạt tình trạng khẩn cấp? Ảnh: Miguel Candela/SOPA Images/LightRocket via Getty Images.
Những tiếng nói ủng hộ từ chính quyền thì cho rằng đạo luật cổ mộ này “an toàn” hơn so với hai quả “bom hạt nhân” khác.
Họ muốn so sánh với Điều 18 của Luật Cơ bản, cho phép Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc tuyên bố tình trạng chiến tranh hoặc tình trạng khẩn cấp ở Hong Kong, từ đó áp dụng luật toàn quốc lên lãnh thổ này, chấm dứt (cho dù là tạm thời) mô hình “một quốc gia, hai chế độ”, và Điều 14 trong đó quy định chính quyền đặc khu có thể yêu cầu Quân đội Trung Quốc đồn trú tại Hong Kong hỗ trợ trấn áp biểu tình.
Với chính quyền của bà Carrie Lam, đó có thể là giải pháp an toàn, vì nó cho phép chính quyền của bà tùy nghi quyết định sẽ ra luật gì, giới hạn quyền nào của người dân, thay vì phó mặc mọi thứ cho chính quyền trung ương.
Nhưng với người dân Hong Kong, đó đều là những cánh cửa như nhau xuống địa ngục.
Chính trị, theo nghĩa đơn giản nhất, là thỏa thuận giữa tất cả các bên nhằm vận hành xã hội.
Luật pháp là sợi chỉ xuyên suốt để đảm bảo sự vận hành ổn định đó.
“Luật Khẩn cấp”, dù ở bất kỳ dạng thức nào, cũng đều chỉ là dành cho những trường hợp ngoại lệ, khi mà các bên đồng ý gác lại thỏa thuận ban đầu để giải quyết ngoại lệ đó.
Nó có thể là thiên tai, chiến tranh, dịch bệnh hoặc những tình huống tương tự, khi người ta không thể dựa vào cơ chế hiện tại để giải quyết.
Khái niệm “khẩn cấp” vì vậy phải được sự đồng thuận, nếu không phải của tất cả, thì cũng phải của số đông.
Nó không thể do một nhóm người quyết định rồi tự cho mình quyền “xí mê”, không chơi theo luật nữa.
Sẽ là thảm họa một khi họ có thể tùy nghi chụp chiếc mũ “khẩn cấp” bất kỳ khi nào không đạt được ý đồ chính trị của mình.
Adolf Hitler vào năm 1933 đã dùng chính “Luật Khẩn cấp” này để bắt giữ phe đối lập, sau đó tiến hành bầu cử lại Quốc hội, giành đủ đa số để sửa tiếp luật, cho phép mình được ban hành bất kỳ đạo luật nào mà không cần Quốc hội phê chuẩn. Đó là mở màn cho những sự kiện bi thảm bậc nhất trong lịch sử hiện đại của nhân loại.
Bài học của Đức quốc xã năm xưa có lẽ đã dần phai nhạt, khi nhiều chính quyền ngày nay vẫn còn lạm dụng, muốn tạo ra “khẩn cấp” mỗi khi họ thất bại trong việc thuyết phục số đông.
Nhiều người vẫn chưa quên việc Donald Trump đã tùy tiện dùng khái niệm “khẩn cấp quốc gia” (National Emergencies) để giành cho bằng được số tiền xây tường biên giới vào tháng 2/2019. Cũng như việc Trump tiếp tục đòi dùng đến một thứ quyền “khẩn cấp” khác, “Quyền khẩn cấp quốc tế về kinh tế” (International Emergency Economic Powers), để ra lệnh cho tất cả doanh nghiệp Mỹ làm theo ý mình trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc.
Người ta có thể tùy ý chọn phe, dùng bất kỳ lý do gì để ủng hộ, bào chữa cho mọi hành động “khẩn cấp” kiểu đạp đổ bàn cờ khi đang thua cuộc.
Nhưng cho dù là phe nào, với ý thức chính trị ra sao, việc ủng hộ những hành động tùy tiện như vậy, từ bất kỳ ai, đồng nghĩa với việc biến chính trị từ một thỏa thuận xã hội cần phải cân nhắc cẩn trọng, trở thành một kiểu “trò chơi vương quyền” như phim ảnh.
Một khi đời thực bị biến thành trò chơi theo ý thích của một nhóm người, những người dân lương thiện không bao giờ chiến thắng.
Y.C.Nguồn: https://www.luatkhoa.org/2019/08/lanh-dao-luat-khan-cap-va-tro-choi-chinh-tri/?fbclid=IwAR0Kg7XzcTsoAy4Z-oUv4R3jvmDkoLB0dqUfgn9WSZFEb4lvo3j0yomSIzY
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét