Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Bảy, 31 tháng 8, 2019

Muốn thành rồng, thành hổ phải thay đổi quan niệm về chữ Đức

Muốn thành rồng, thành hổ phải thay đổi quan niệm về chữ Đức

Đặng Văn Sinh
Đạo đức là hệ thống quy tắc chuẩn mực xã hội mà nhờ đó con người tự nguyện điều chỉnh hành vi của mình cho phù hợp với lợi ích của cộng đồng, xã hội. Đạo đức bao gồm một số phạm trù mà LƯƠNG TÂM, NGHĨA VỤ, THIỆN VÀ ÁC là những yếu tố cơ bản.
“Đạo đức” là một từ ghép gồm hai thành tố Hán Việt, trong đó “đạo” là đường đi, hướng đi, lối làm việc, kỹ năng sống, còn “đức”, theo Khổng Tử là, sống theo đúng luân thường (tam cương, ngũ thường) là có “đức”.
Lão Tử quan niệm, hành “đạo” tu thân tới mức hợp nhất với trời đất, an hoà với mọi người là có “đức”.
Đạo đức được xem là khái niệm luân thường đạo lý của con người, nó thuộc về vấn đề tốt, xấu, hơn nữa xem như là đúng, sai, được sử dụng trong 3 phạm vi: lương tâm con người, hệ thống phép tắc đạo đức và trừng phạt đôi lúc còn được gọi giá trị đạo đức; nó gắn với nền văn hoá, tôn giáo, chủ nghĩa nhân văn, triết học và những luật lệ của một xã hội về cách đối xử từ hệ thống này.
Nói cách khác, ĐẠO ĐỨC THUỘC HÌNH THÁI Ý THỨC XÃ HỘI, LÀ TẬP HỢP NHỮNG NGUYÊN TẮC, QUY TẮC NHẰM ĐIỀU CHỈNH VÀ ĐÁNH GIÁ CÁCH ỨNG XỬ CỦA CON NGƯỜI TRONG QUAN HỆ VỚI NHAU, VỚI XÃ HỘI,VỚI TỰ NHIÊN TRONG HIỆN TẠI HOẶC QUÁ KHỨ CŨNG NHƯ TƯƠNG LAI CHÚNG ĐƯỢC THỰC HIỆN BỞI NIỀM TIN CÁ NHÂN, BỞI TRUYỀN THỐNG VÀ SỨC MẠNH CỦA DƯ LUẬN XÃ HỘI.
Còn nếu tham chiếu “Dịch Kinh” thì, “đạo” 道 theo quan niệm của người xưa là con đường, là năng lực phổ biến điều hành mọi sự vận động và biến hóa không ngừng của vạn vật và sự việc quanh ta. “Đạo” trong Kinh Dịch đặt trên nền tảng tam tài: Thiên, Địa, Nhân. Trật tự xã hội phản ánh trật tự vũ trụ. Không có một đấng tối cao nào có thể tùy tiện ban phúc giáng họa mà chỉ còn các nguyên lý vô ngã Âm Dương, ngã 我 = tôi, vô ngã = không có cái tôi, mà theo ngôn ngữ hiện đại được hiểu là quy luật khách quan. Nói một cách khác theo ngôn ngữ của chúng ta ngày nay thì “đạo” là quy luật xảy ra xung quanh ta không tùy thuộc vào ý nguyện cá nhân của bất cứ ai.
Đức 德 là HIỂU ĐẠO. Đức là mức độ tập trung của Đạo ở một con người. Nói theo ngôn từ ngày nay “Đức” là trình độ năng lực nắm vững và vận dụng quy luật. Trình độ cao bao nhiêu thì Đức dày bấy nhiêu.
Thánh nhân là người có đức. Theo cách hiểu ngày nay thánh nhân đơn giản chỉ là "người có trình độ" nắm vững được sự vận động khách quan của quy luật, kể cả quy luật tự nhiên lẫn quy luật xã hội.
Karl Marx, ông chủ của học thuyết đấu tranh giai cấp quan niệm, “đạo đức chính là một hình thái ý thức xã hội, nó phản ánh và bị quy định bởi tồn tại xã hội. Điều đó có nghĩa là, các quan niệm, quan điểm, các nguyên tắc, các chuẩn mực, các lý tưởng, niềm tin và tình cảm đạo đức,… tức toàn bộ ý thức đạo đức, xét đến cùng, đều là biểu hiện của một trạng thái, một trình độ phát triển nhất định những điều kiện sinh hoạt vật chất của xã hội. Như vậy, đạo đức có bản chất xã hội”. Từ đó suy ra, đạo đức là một phương thức điều chỉnh hành vi của con người. Loài người đã sáng tạo ra nhiều phương thức điều chỉnh hành vi: phong tục, tập quán, tôn giáo, pháp luật, đạo đức… Đối với đạo đức, sự đánh giá hành vi con người theo khuôn khép chuẩn mực và qui tắc đạo đức biểu hiện thành những khái niệm về thiện và ác, vinh và nhục, chính nghĩa và phi nghĩa. Bất kỳ trong thời đại lịch sử nào, người ta cũng đều được đánh giá như vậy.
Trong khi ấy, ngài Tổng Bí thư, nhân cuộc gặp mặt các đảng viên trẻ là “cháu ngoan Bác Hồ” gần đây, lại có cách lý giải rất khác biệt về chữ ĐỨC khi ông DẠY DỖ thế hệ tương lai: “ĐỨC LÀ SỰ TRUNG THÀNH VỚI ĐẢNG, VỚI TỔ QUỐC, VỚI NHÂN DÂN, ĐẶT LỢI ÍCH QUỐC GIA, DÂN TỘC LÊN TỐI CAO, LÀM VIỆC GÌ CŨNG PHẢI NGHĨ VỀ ĐẤT NƯỚC, VÌ TỔ QUỐC, ĐỪNG NGHĨ ĐẾN MÌNH”.
Như vậy, tất cả những cách lý giải về chữ ĐỨC dưới giác độ triết học hay xã hội học của các bậc tiền nhân trong lịch sử, kể cả Karl Marx, đều sai toét. Vì thế, tôi đề nghị, Việt Nam ta phải triệt để loại bỏ tất cả những định nghĩa vớ vẩn về ĐẠO ĐỨC ấy, cho dù đó là “Từ điển Bách khoa” hay các công trình nghiên cứu chuyên sâu của Viện Hàn lâm khoa học xã hội. Từ nay chỉ nên dùng định nghĩa về chữ ĐỨC duy nhất đúng của ông Tổng Bí thư làm phương châm hành động trong mọi ứng xử xã hội. Tôi tin rằng, với nội hàm mới của chữ ĐỨC này, DÂN TRÍ sẽ cao ngất ngưởng, DÂN KHÍ sẽ mạnh có thể nuốt sao Ngưu, sao Đẩu, và, chỉ trong khoảnh khắc, nước ta sẽ trở thành RỒNG thành HỔ, sánh vai với các cường quốc năm châu. Lúc bấy giờ thì chẳng sợ bố con thằng nào mang tàu chiến đến quấy nhiễu bãi Tư Chính nếu bãi biển này vẫn còn là của Việt Nam...
Đ.V.S.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét