Nghị quyết 50-NQ/TW là gì?
An Viên
Báo Tuổi Trẻ 22.08 đưa tin về Nghị quyết số 50-NQ/TW, và trích dẫn yêu cầu “Xây dựng cơ chế đánh giá an ninh và tiến hành rà soát an ninh đối với các dự án, hoạt động đầu tư nước ngoài có hoặc có thể ảnh hưởng đến an ninh quốc gia”.
Đánh giá về điều này, Facebooker Nguyễn Ngọc Chu cho rằng, Nghị quyết 50-NQ/TW là một tín hiệu rất đáng mừng. Bởi lẽ, an ninh Việt Nam từ năm 1987, theo ông Chu, đã bị “lũng đoạn bởi hàng xóm phương Bắc”.
Ba điểm đáng lưu ý của Nghị quyết mà Facebooker Nguyễn Ngọc Chu dẫn lại từ Nghị quyết 50-NQ/TW bao gồm:
– Đề cao an ninh quốc gia thông qua rà soát an ninh với các dự án, hoạt động đầu tư nước ngoài có hoặc có thể ảnh hưởng đến an ninh quốc gia;
– Đề cao tiêu chí chống ô nhiễm môi trường, ưu tiên công nghệ qua chọn lọc, lấy chống lượng, hiệu quả, công nghệ, bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu;
– Chống đầu tư chui, núp bóng.
Nếu xét chỉ ở phương diện mà báo Tuổi trẻ chỉ ra, thì Facebooker Nguyễn Ngọc Chu có quyền hy vọng rằng, mục tiêu cấp thiết nhất có thể hướng tới là: không giao dự án đường sắc cao tốc Bắc - Nam cho Trung Quốc; không cho hàng hóa Trung Quốc tràn qua Việt Nam, núp bóng hàng hóa Việt Nam xuất đi các nước; không triển khai các dự án có công nghệ lạc hậu đến từ Trung Quốc.
Thế nhưng, Nghị quyết 50-NQ/TW có thể làm cho ông Chu thất vọng hơn, bởi nhiều lý do.
Thứ nhất, đây là Nghị quyết định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.
Nghĩa là nó tập trung vào việc cải thiện cơ chế để nâng cao sự thu hút đầu tư (thu hút vốn đầu tư, nâng cao tay nghề lao động, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa) hơn là một chính sách nhằm siết lại các tiêu chuẩn về mặt đầu tư (liên quan đến an ninh quốc gia hay môi trường). Do đó, tại phần mục tiêu cụ thể, thì những con số về vốn đăng ký giai đoạn đầu trong giai đoạn 2021 – 2030 chiếm hai hàng đầu tiên. Sau đó, là đề cập đến tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao (quản trị hiện đại môi trường và bảo vệ môi trường) chiếm dòng tiếp theo. Và hai hàng cuối cùng là tập trung tăng nội địa hóa, cũng như tỷ trọng lao động qua đào tạo.
Còn tại phần mục tiêu tổng quát, đã đề cập rõ ràng hơn, theo đó, xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thực hiện thể chế, chính sách về hợp tác đầu tư nước ngoài; tạo lập môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh thuộc nhóm ASEAN 4 và ASEAN 3 trước năm 2030.
Thứ hai, yếu tố an ninh mà báo Tuổi trẻ dẫn ra từ Nghị quyết 50-NQ/TW là chỉ là một phần trong toàn bộ cụm câu. Theo đó, “xây dựng các tiêu chí về đầu tư để lựa chọn, ưu tiên thu hút đầu tư phù hợp với quy hoạch, định hướng phát triển ngành, lĩnh vực, địa bàn. Xây dựng cơ chế đánh giá an ninh và tiến hành rà soát an ninh đối với các dự án, hoạt động đầu tư nước ngoài có hoặc có thể ảnh hưởng đến an ninh quốc gia”.
Nếu xét trên ngữ cảnh của câu này, thì xây dựng cơ chế đánh giá an nình và tiến hành rà soát an ninh là giai đoạn tiền đầu tư, liên quan trực tiếp đến “chọn, ưu tiên thu hút đầu tư phù hợp quy hoạch”. Thuật ngữ đánh giá/ rà soát là không hề lạ theo Luật đầu tư, Luật Đầu tư công. Bởi các dự án có nguồn vốn và thời gian theo một quy định nhất định thì cần phải đánh giá các tác động môi trường.
Tuy nhiên, khâu đánh giá được coi là nhằm “bảo vệ môi trường” này lại thường được tiến hành một cách sơ sài và thiếu hiệu quả, thậm chí, trong phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội vào tháng 7.2018, khâu này được cho là “gây khó khăn trong quá trình triển khai các dự án đầu tư nói chung và đầu tư công nói riêng, mà còn kìm hãm tốc độ giải ngân vốn đầu tư công”.
Thực tế cho thấy, khâu đánh giá này có mục đích tốt, nhưng thường được bỏ rơi hoặc hình thức hóa trong báo cáo. Do vậy, khả năng rất cao nếu “đánh giá, rà soát an ninh” không đem lại hiệu quả đầu tư thì nó cũng sẽ rơi vào thực trạng sơ sài hóa như đánh giá tác động môi trường.
Cuối cùng, tổng thể của Nghị quyết 50-NQ/TW đó chính là hỗ trợ cho Bộ Kế hoạch & Đầu tư trong chiến lược thu hút FDI thế hệ mới, một trong những nội dung chính mà Bộ đã trình với Chính phủ Việt Nam trong thời gian gần đây. Trong đó chủ yếu từ chối dự án công nghệ thấp, lạc hậu và chấm dứt đầu tư chui, núp bóng, chuyển giá vốn gây thất thoát chủ yếu về khâu thu thuế và một số thì gây bất ổn trong vấn đề an ninh quốc gia ở một số địa phương.
Nếu dựa trên yếu tố chính yếu này thì, trong ba đề xuất cụ thể mà Facebooker Nguyễn Ngọc Chu đề ra, thì 2 đề xuất liên quan đến không cho hàng hóa Trung Quốc núp bóng hàng hóa Việt Nam để xuất đi sang các nước (chủ yếu Mỹ) và không triển khai các dự án có công nghệ lạc hậu đến từ Trung Quốc là chịu ảnh hưởng, tác động của Nghị quyết 50-NQ/TW.
Tuy nhiên, cả hai đề xuất này cũng đã làm trước đó, thậm chí riêng không triển khai công nghệ lạc hậu cũng có trong các văn bản pháp luật và chỉ đạo cấp quốc gia, cũng như cảnh báo trên báo chí chính thống [3]. Thế nhưng, quan hệ chính trị và giá bỏ thầu, cũng như tệ tham nhũng đã giúp Trung Quốc lần lượt trúng thầu ở các nhà máy nhiệt điện, dự án gang thép Thái Nguyên, đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông. Ngay cả đối với trường hợp đường cao tốc Bắc Nam, giả thuyết như nhà thầu Trung Quốc sử dụng công nghệ lạc hậu thì điều này không thể xử lý, ngăn chặn bằng cách sử dụng Nghị quyết chính trị, mà phải nằm trong hợp đồng thông qua các điều khoản ràng buộc để xử phạt, thay thế nhà thầu đó, như cách mà TS. Nguyễn Xuân Thủy đề cập trong bài viết trên báo Thương hiệu Công luận ngày 6.8.2019.
Rõ ràng, nếu không giải quyết khâu tham nhũng thông qua tình trạng “thông thầu”, hay xác lập lại chính sách thu hút đầu tư thông qua loại bỏ các phương thức bỏ thầu thấp đối với các dự án quan trọng, cũng như tính thực tế và nghiêm túc khi làm các báo cáo về đánh giá, rà soát ảnh hưởng dự án đối với an ninh quốc gia thì Nghị quyết NQ-50/TW sẽ khó làm tròn vai trò “bảo vệ an ninh quốc gia” như nhiều người kỳ vọng. Thậm chí, nếu căn cứ vào kỳ vọng của Facebooker Nguyễn Ngọc Chu, thì một nhà máy Formosa sẽ không có cơ hội xuất hiện tại Việt Nam, tuy nhiên, điều này nhìn chung là khó.
Tham khảo
A.V.
VNTB gửi BVN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét