Con đường “Vòng trôn ốc” và quyền lực tuyệt đối
Kỳ Duyên
25-8-2019
Bạn đọc mách cho stt của Nguyễn Như Phong, nguyên Phó TBT Báo CAND. Đọc bài viết với 3 câu hỏi, thấy rất thú vị. Cũng may, ông NNP là quan chức của báo CAND, chứ nếu tác giả không phải là người của ngành CA, “có sừng có mỏ” một thời, hẳn tha hồ được đội những cái mũ chả dễ chịu tí nào.
Với ba câu hỏi đó, chứng tỏ NNP rất chịu nghĩ, quan sát thời cuộc và thấm thía những hưng thịnh, suy vong… của một thể chế mà ông là người từng đóng góp tích cực.
Mình thích bài này, nên muốn trả lời cho ông NNP, dù không kết bạn với NNP trên FB, và không hề có í chỉ giáo. Chỉ là nhận thức cá nhân của một kẻ cầm bút, từ rất trẻ, đã biết đau nỗi đau Đời, cô đơn đi trên hành trình nghề báo gian truân nhiều, may mắn ít. Nhưng ở tuổi này, lại cảm giác bình thản, và mỉm cười. Vì đơn giản, những gì mình cảm nhận, thấu cảm từ rất sớm, giờ đã thành hiện thực sinh động, dù đáng buồn cho đất nước này.
Về câu hỏi thứ nhất:
Dường như ở các nước theo hệ thống CS, tư duy “chính trị là thống soái” là rất sâu đậm, và nó chi phối rất nhiều trong các chính sách, đặc biệt chính sách sử dụng nhân lực, nhân tài. “Trí phú địa hào, đào tận gốc, trốc tận rễ”. Với tư duy đậm mùi ý thức hệ chính trị kiểu đó, liệu nhân tài (trong đó có không ít con nhà giầu có, tư sản, trí thức được học hành) có được sử dụng không? Ở thời hiện đại này, thì “con cháu các cụ cả”, đi theo “đúng quy trình” của các lợi ích nhóm.
Một quốc gia mà các ngành, các quan chức đều làm chính trị, để leo lên quyền lực cao hơn, sử dụng “tay chân” (dốt nát, dù bằng cấp đầy mình nhưng dễ sai bảo), coi rẻ “đầu óc” (người có trí tuệ, có tư duy độc lập, nói thẳng, nói thật) và không tuyển dụng được nhân tài, “sợ” nhân tài, trí thức (vì sợ sự hơn mình), không nghe nhân tài, trí thức. Đất nước đó phát triển kinh tế được mới là điều lạ.
Câu hỏi thứ hai:
Đúng là đi lên “thiên đường” Chủ nghĩa Cộng sản – cứ cho là có – tận cùng phát triển cực thịnh của TBCN có nhiều con đường. Tại sao VN lại không chọn con đường “khác”- (NNP cũng chỉ dám nói chữ “khác”) mà lại chọn con đường “hiện nay”? Chữ “hiện nay” thật… ý nhị.
Một câu hỏi thú vị! Lẽ ra câu hỏi này chính các bậc lãnh đạo cao cấp của quốc gia từ quá khứ phải trả lời cho NNP. Nhưng từ thực tiễn, có thể thấy một cách nông cạn thế này chăng: Đó là sự ấu trĩ và sơ lược trong nhận thức, trong tư duy, và vẫn mang nặng ý thức hệ chính trị tư tưởng của “hai phe” khi đó – sau khi miền bắc hòa bình – và sau này, thống nhất đất nước.
Ý thức hệ chính trị cứng nhắc, giáo điều và bảo thủ, cố chấp đến nỗi, ngay cả khi hệ thống XHCN đã sụp đổ, bắt đầu từ sự tan rã của Liên bang Sô viết, các nước Đông Âu, thì Việt Nam vẫn kiêu hãnh gương cao ngọn cờ định hướng XHCN – kể cả khi chuyển đổi cơ chế thị trường. Và “cái đuôi” XHCN luôn định hướng “cái đầu” kinh tế thị trường. Trong khi nền tảng lý luận vốn mỏng manh, non kém, mù mờ, nên cứ mày mò một mình một hành trình, bất chấp quy luật thực tiễn của kinh tế thị trường mà nhân loại đã khai sơn phá thạch 5-6 thế kỷ nay. Dẫn đến dở khóc dở cười mà sự “sửa sai” chỉ là đi lại những bước đầu tiên để hội nhâp kinh tế, bị tác động mạnh mẽ bởi những Hiệp ước kinh tế của thế giới hiện đại.
Đó là con đường “vòng trôn ốc” đáng buồn, đáng tiếc. Mất bao thời gian, công sức của một dân tộc vốn phải đổ nhiều xương máu để bảo vệ độc lập, chủ quyền đất nước. Quá buồn!
Câu hỏi thứ ba:
Ngắn gọn hơn, vì sử gia Anh Lord Acton đã dự báo và tổng kết sâu sắc, mà Việt Nam chỉ là thích … dẫm chân vào “vết xe đổ” mà thôi – Đó là “Quyền lực làm con người tha hóa. Quyền lực tuyệt đối sẽ dẫn đến tha hóa tuyệt đối”. Sự mất niềm tin của người dân bao giờ cũng trực giác và cụ thể, trước hiện tượng “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên” suy thoái, tha hóa, trước thảm trạng tham nhũng, lợi ích nhóm giằng xé, trong khi Pháp luật chỉ là anh hài mang tên Công lý.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét