Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Tư, 28 tháng 8, 2019

Bản tin ngày 28-8-2019

Bản tin ngày 28-8-2019

Tổng – Chủ Trọng kêu gọi đảng viên trẻ tiên phong, gương mẫu
Báo Tiền Phong dẫn lời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: Vào Ban Chấp hành Trung ương không phải để kiếm chức, kiếm quyền. Ông Trọng đã nói như vậy trong Chương trình gặp gỡ đảng viên trẻ năm 2019 vào sáng 27/8: “Mình là đảng viên trẻ, nguồn dự bị động viên hùng hậu của đảng, cũng là nguồn bổ sung với tiềm năng lớn và trách nhiệm nặng nề. Đã là đảng viên, trước hết phải tiên phong, gương mẫu”.
Nếu muốn làm gương về sự tiên phong, tối thiểu ông Trọng cũng nên lên tiếng một lần về vụ Trung Quốc quấy phá lãnh hải Việt Nam ở khu vực Nam Biển Đông. Trong khi chủ quyền lãnh hải đang bị Trung Quốc xâm phạm liên tục gần hai tháng qua, là người đứng đầu đảng và nhà nước, ông Trọng chưa từng mở miệng phản đối kẻ thù xâm lược.
Ở nhà hô khẩu hiệu, vỗ tay như ông Trọng, người nào làm cũng được. Ảnh: Ông Trọng và Lê Quốc Phong (trái), Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư thứ Nhất Trung ương Đoàn TNCS HCM. Nguồn: NĐT
Ngược lại, các ngư dân Việt Nam chẳng phải là đảng viên, nhưng họ đã mạo hiểm ra nơi đầu sóng ngọn gió để quay được video clip, cho thấy tàu Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam, dù không hề được hải quân hay cảnh sát biển VN đi theo bảo vệ họ. Người dân cần nhìn thấy hành động của người đứng đầu đảng, thay vì những lời nói suông. Hay ông Trọng chỉ kêu gọi đảng viên trẻ tiên phong, còn đảng viên già như ông không cần?
Vụ Mobifone mua AVG
Trang Bảo Vệ Pháp Luật có bài: Sửng sốt với những chữ ký khống trong thương vụ Mobifone mua cổ phần AVG. Bài báo cho biết, ông Nguyễn Đăng Nguyên, một trong các lãnh đạo Mobifone vừa bị bắt và khởi tố, đã từng tham gia, trực tiếp đàm phán và chỉ đạo đàm phán với các cổ đông AVG. Ông Nguyên cũng ký khống biên bản họp ban Tổng giám đốc để thống nhất trình HĐTV dự thảo thỏa thuận và hợp đồng chuyển nhượng cổ phần với các cổ đông AVG.
Còn ông Nguyễn Mạnh Hùng, cấp phó của ông Nguyên, thiếu trách nhiệm trong việc tham mưu cho Bộ TT&TT và MobiFone sử dụng kết quả thẩm định giá của Cty AMAX; không kiểm tra tư cách pháp nhân của AVG, tính pháp lý của các cổ đông và cổ phần AVG; ký khống biên bản họp Ban TGĐ.
Báo Pháp Luật TP HCM có đồ họa về thương vụ MobiFone – AVG: 14 bị can bị khởi tố là ai?
Sai phạm ở thành Hồ
Cơ quan CSĐT Bộ Công an vừa tống đạt quyết định khởi tố nguyên Phó giám đốc Sở Kế hoạch- Đầu tư TP.HCM trong vụ ‘đất vàng’ Sabeco, báo Thanh Niên đưa tin. Vụ sai phạm liên quan lô đất vàng tại số 2-4-6 Hai Bà Trưng, TP HCM, công an ra quyết định khởi tố bổ sung đối với ông Nguyễn Quang Minh, cựu Trưởng phòng hạ tầng, Sở KH-ĐT TP HCM, ông Lâm Nguyên Khôi, cựu PGĐ Sở KH-ĐT TP HCM và bà Nguyễn Lan Châu, chuyên viên Phòng Quản lý đất, Sở TN-MT TP HCM.
Các bị can này bị khởi tố về hành vi vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí, liên quan đến vụ Sabeco bán toàn bộ cổ phần tại Sabeco Pearl cho Công ty CP Attland với giá rẻ mạt. 
Bên cạnh đó, công an còn đề nghị truy tố nguyên Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín, theo VTC. Ngoài ông Tín, các bị can Đào Anh Kiệt, Trương Văn Út, Nguyễn Thanh Chương và Lê Văn Thanh cũng bị đề nghị truy tố hành vi “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí“.
Cần nhắc lại, ngày 13/10/2014, Hãng phim Giải Phóng đã nhượng quyền thuê nhà 15 Thi Sách cho CTCP Xây dựng Bắc Nam 79 của Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ “nhôm”) với tổng giá trị 29,19 tỉ đồng. Ngày 1/6/2015, ông Kiệt đã ký văn bản đề xuất UBND TP.HCM xem xét quyết định cho CTCP Xây dựng Bắc Nam 79 thuê đất tại số 15 Thi Sách, thời hạn thuê 50 năm. Sau đó ông Tín ký quyết định chấp thuận đề xuất trên.
Dân Đồng Tâm vs chính quyền TP Hà Nội
Chiều 27/8/2019, TTCP cùng với UBND thành phố Hà Nội tổ chức họp báo công bố kết luận thanh tra toàn diện về quản lý, sử dụng và quá trình xử lý từ trước đến nay đối với diện tích đất khu sân bay Miếu Môn thuộc địa giới hành chính xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức và thông báo kết quả rà soát, kiểm tra tính chính xác, hợp pháp của Kết luận thanh tra của Thanh tra TP Hà Nội.
VOV dẫn lời Thanh tra Chính phủ kết luận vụ Đồng Tâm: Toàn bộ đất sân bay Miếu Môn là đất quốc phòng. TTCP cho rằng toàn bộ đất sân bay Miếu Môn là đất quốc phòng, được các đơn vị quân đội sử dụng vào mục đích quốc phòng. Tổng diện tích sử dụng là 236,7 ha, trong đó 28,7 ha diện tích tăng thêm nằm trong quy hoạch giai đoạn 2 xây dựng sân bay Miếu Môn do nông trường quốc doanh Lương Mỹ đã bàn giao cho Bộ Tư lệnh công binh.
Báo Người Lao Động dẫn lời Chủ tịch Hà Nội: Ông Lê Đình Kình có mục đích xấu, nhằm trục lợi trên đất Đồng Tâm. Ông Nguyễn Đức Chung nói: “Tôi khẳng định rằng có một bộ phận đối tượng có mục tiêu lợi dụng, trục lợi để lấn chiếm đất hoặc để có thể hy vọng được bồi thường. Bản thân ông Lê Đình Kình (82 tuổi, trú tại thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội; là 1 trong 4 người bị bắt giữ ngày 15-4-2017) cũng nhằm mục tiêu như vậy, ông Kình đã từng làm nhiều vị trí trong chính quyền ở xã Đồng Tâm nhiều năm trước”.
RFA có bài: Chủ tịch Hà Nội công khai bôi nhọ người đại diện của dân Đồng Tâm. Trong bài có lời chia sẻ cụ Kinh tối ngày 27/8: “Ông Nguyễn Đức Chung nói như thế là hoàn toàn là sai, ổng nói tôi có ý đồ xấu thì đúng ra ông Nguyễn Đức Chung phải tự nhận người có ý đồ xấu là ông Nguyễn Đức Chung, chủ tịch UBND TP Hà Nội mới đúng… Toàn bộ đất nông nghiệp và đất quốc phòng ở đâu tôi biết rõ và nói rõ đến đó”.
Buổi tối cùng ngày, một người dân Đồng Tâm cho biết: “Người dân Đồng Tâm sẽ đấu tranh đến cùng để giữ mảnh đất do ông cha để lại. Người dân Đồng Tâm sẽ không bao giờ để cho Nguyễn Đức Chung vào để lấy đất, chúng tôi sẽ giữ mảnh đất 59 ha này đến cùng, cho dù người dân Đồng Tâm phải chết một nửa”.
Lãnh đạo TP Hà Nội và quan chức TTCP còn cho rằng, họ đã đối thoại, giải quyết đúng quy định pháp luật, 14 hộ dân có đất trong vùng sân bay Miếu Môn đồng thuận bàn giao mặt bằng, theo An Ninh Thủ Đô. Ông Thanh nói: “Công tác đối thoại với người dân đã được tiến hành nhiều lần, nhiều cấp độ. Thời gian tới, nếu xét thấy cần thiết, cơ quan chức năng sẽ tiếp tục đối thoại để tất cả người dân hiểu vấn đề một cách đúng đắn”.
Cần nhắc lại, ngày 15/4/2017, chính quyền TP Hà Nội huy động một nhóm cảnh sát cơ động về đàn áp người dân Đồng Tâm, kết quả có 38 CSCĐ bị người dân bắt giữ. Trong quá trình thương lượng, một số cán bộ được thả. Đến ngày 22/4, đích thân ông Nguyễn Đức Chung phải về Đồng Tâm đối thoại với người dân, để dân thả 19 CSCĐ còn lại.
Để đạt được kết quả như vậy, ông Chung đã viết bản cam kết không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với toàn thể nhân dân xã Đồng Tâm, đồng thời làm rõ trách nhiệm người bắt ông Lê Đình Kình. Ông Kình và gia đình đã dẫn dắt người dân Đồng Tâm đối đầu với âm mưu cướp đất của chính quyền từ đó đến nay.
Bản cam kết của Chủ tịch UBND TP Hà Nội với người dân. Nguồn: PLTP
Lúc đó, màn kịch của ông Chung đã tạm thời lừa được ông Kình, người dân Đồng Tâm và một số đảng viên vẫn còn muốn níu kéo niềm tin của họ vào đảng CSVN. Nay, với cuộc họp báo vừa diễn ra, ông Chung đã tự lột bỏ mặt nạ, thể hiện bản chất thật của mình, cũng như ý định cướp đất của người dân Đồng Tâm.
Có điều, ông Chung và các “đồng chí” của ông đã quên một nguyên tắc mà các thế hệ tiền nhiệm của ông nắm rõ: Được dựng lên hay bị đạp đổ đều do dân. Nếu ông Kình không còn được dân Đồng Tâm tin tưởng thì không cần ai ra lệnh, tự khắc gia đình ông sẽ bị cô lập. Ngược lại, những hành động đàn áp chỉ đẩy người dân Đồng Tâm đến chỗ không còn giải pháp nào, trừ việc dùng vũ lực để tự vệ. Khoảng 4 tháng trước, chính dân Đồng Tâm đã tuyên bố sẵn sàng đổ máu để bảo vệ đất.
Nhà báo bị chồng là võ sư đánh dã man
Báo Phụ nữ TPHCM đưa tin: Chuyển tivi không xin phép, nữ nhà báo bế con nhỏ bị chồng võ sư bạo hành dã man. Chị gái nạn nhân đăng tải video clip trên mạng, cho biết, nạn nhân là cô Vũ Thị Thu L., nhà báo của Đài Tiếng nói Việt Nam, bị chồng là võ sư Nguyễn Xuân Vinh đánh đập dã man, khi đang bế con mới sinh được hai tháng.
Clip của cô Vũ Thu Huyền, chị của nạn nhân đăng tải trên mạng, cho thấy, em gái cô bị người chồng đánh đập dã man:
Ông Vũ Mạnh Nghĩa, anh Trai cô L. viết: “Em gái ruột của tôi bị chồng đánh đập và hành hạ dã man trong khi mới sinh vẫn đang ôm con đỏ hỏn mới 2 tháng tuổi… Gia đình tôi đã đón được em và cháu về nhà nhưng vẫn còn bị hắn nhắn tin hăm dọa giết cả gia đình. Bạn bè, đồng nghiệp nhà báo hãy giúp chia sẻ cùng tôi và gia đình để công lý vào cuộc giúp em tôi thoát khỏi bạo lực gia đình, thoát khỏi con thú đội lốt người này“.
Ông Nghĩa cho biết, em gái mình bị chồng đánh dã man là do cô em muốn chuyển chiếc tivi từ phòng khách vào phòng ngủ để cho đứa con lớn đang học lớp 1, không sử dụng nhiều. Thấy vợ chuyển tivi, người chồng chửi và cho rằng vợ không xin phép nên đánh vợ. Video clip cho thấy, người chồng lao vào đánh vợ đang ôm con nhỏ không thương tiếc, nhiều lần người vợ ngã lăn ra đất nhưng hung thủ vẫn không dừng tay.
Cô L., nữ nhà báo bị chồng võ sư bạo hành: ‘Đây không phải lần đầu tiên tôi bị đánh’, theo báo Phụ nữ TPHCM. Cô L nói: “Trong suốt nhiều năm chung sống, có vô vàn những chuyện mà tôi không thể kể hết được. Nhưng bản chất của anh ấy là hung hãn. Tôi là người phải nhịn nhục, những lần khác đánh không tệ nhưng tôi cũng bỏ qua vì không muốn xấu mặt, cũng vì con cái nữa“.
Vụ cháu bé trường Gateway tử vong: Bà Nguyễn Bích Quy bị bắt
Về nguyên nhân cháu Lê Hoàng Long, học sinh lớp 1 trường Gateway, tử vong hôm 6/8, báo chí dẫn lời Đại tá Nguyễn Thanh Tùng, Phó giám đốc Công an Hà Nội, cho biết: “Theo giám định pháp y chính thức, cháu Lê Hoàng Long chết do suy hô hấp, tuần hoàn sốc nhiệt trong không gian giới hạn“.
Kết luận này trùng với thông tin báo chí đưa ra ban đầu, ngay khi vụ việc vừa xảy ra, đó là cháu bé bị bỏ quên trên xe, dẫn đến tử vong. Bà Nguyễn Bích Quy, người đưa đón học sinh trường Gateway, bị khởi tố và bị bắt tạm giam, tội “vô ý làm chết người”.
Thế nhưng, theo lời kể của bà Nguyễn Bích Quy, người đưa đón trẻ và bàn giao cho cô giáo ở trường Gateway, hôm xảy ra vụ việc có 13 cháu. Khi đưa các cháu ra xe về nhà, có 3 cháu đã được phụ huynh đến đón về, nên bà Quy chỉ đón 10 cháu. Khi thấy thiếu 1 cháu, bà Quy hỏi cô The ở trường. Cô The bảo bà Quy, rằng cứ đưa 9 cháu ra xe trước, sẽ tìm cháu Long sau, nên bà dẫn 9 cháu ra xe. Rõ ràng là, nếu cháu Long bị bỏ quên trên xe, không thể nào đến cuối ngày cô giáo cũng không phát hiện.
Cũng theo cơ quan công an công bố kết quả khám nghiệm tử thi sáng 7/8, ngay sau khi vụ việc xảy ra, cho biết: Cháu bé bị tụ máu đầu, cơ tim tổn thương. “Theo kết quả khám nghiêm, phần đầu trẹo phải của nạn nhân có tụ máu dưới da, kích thước 3×2 cm tương đương với vết bầm tụ máu bên ngoài bị tổn thương… lòng phế quản hai bên có nhiều dịch bọt xuất huyết; các cơ tim có tổn thương, bề mặt tim có nhiều dịch vàng chảy máu, trong dạ dày có 50ml dịch vàng sẫm“.
Asanzo tới bờ vực?
Chủ tịch Asanzo lo lắng công ty phá sản nếu tiếp tục ‘lay lắt chờ đợi kết quả điều tra’, VTC đưa tin. Ông Phạm Văn Tam, Chủ tịch Công ty Cổ phần Tập đoàn Asanzo xác nhận, đã gửi kiến nghị tới Thủ tướng Chính phủ và các Bộ ngành liên quan, khiếu nại về vấn đề hiện vẫn chưa có bất kỳ kết luận thanh tra, kiểm tra hoạt động, quản lý, thương hiệu và một số sản phẩm mang thương hiệu Asanzo.
Ông Tam cho rằng, kể từ sau ngày 21/6, với sự kiện báo Tuổi trẻ đăng tải nhiều bài báo cáo buộc sản phẩm của Asanzo là “hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt”, “lừa người tiêu dùng” khiến công ty này lâm vào đường cùng: “Chúng tôi đã mất hơn 80% doanh số so với bình thường, con số thiệt hại ước tính lên đến hàng ngàn tỷ đồng”. Nếu ngày 30/8 sắp tới vẫn chưa có kết luận về vụ Asanzo thì kịch bản phá sản đã không còn xa với doanh nghiệp này. 
Sai phạm ở Ngân hàng Phương Nam
Cơ quan CSĐT Bộ Công an vừa khởi tố thêm 4 nguyên cán bộ ngân hàng của Trầm Bê, báo Tuổi Trẻ đưa tin. Nhóm 4 cựu cán bộ, lãnh đạo của Ngân hàng TMCP Phương Nam (nay là Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín) bị khởi tố để điều tra về tội “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng”, gồm Ngô Văn Huổi, cựu PGĐ, Phan Thị Hồng Vân, cựu cán bộ pháp chế, Trịnh Bích Nga, cựu trưởng phòng kinh doanh và Nguyễn Văn Công, cựu PGĐ.
Phía cơ quan điều tra cho biết,  4 người này đã ký biên bản họp Hội đồng tín dụng Sở giao dịch, hợp đồng tín dụng, hợp đồng thế chấp cho Công ty cổ phần xây dựng thương mại Bình Phát của “siêu lừa” Dương Thanh Cường vay 130 tỉ đồng và 5.000 lượng vàng. Đến lượt ông Cường đã dùng tài sản thế chấp là 23 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. 
Lâm tặc và “cát tặc” hoành hành
Báo Dân Việt đưa tin: Lâm tặc lũ lượt đưa tiền rồi chở gỗ qua trạm bảo vệ rừng. Tác giả bài báo đóng vai người thu hoạch lan rừng để quan sát tình hình khu vực rừng phòng hộ xã Ia Rmok, huyện Krông Pa, Gia Lai, do Ban quản lý rừng phòng hộ Nam Sông Ba quản lý, rồi phát hiện “hàng chục cây gỗ có đường kính từ 40 – 60cm đã bị cưa hạ nằm ngổn ngang, bìa gỗ và mùn cưa vương vãi khắp nơi”
Sau khi vận chuyển gỗ trên đường rừng, đoàn xe của lâm tặc tập trung tại khu vực cách trạm Quản lý bảo vệ rừng Ia Dreh khoảng 300m. “Lúc này, một thanh niên đi bộ vào trạm để ‘nói chuyện’ với các cán bộ trực tại trạm này. 10 phút sau, thanh niên này đi ra khỏi trạm và ra hiệu cho đoàn xe chở gỗ chạy qua trạm một cách ngang nhiên như chốn không người”
***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét