Đã bao giờ chính quyền lắng nghe dân Đồng Tâm một cách thực lòng?
28-8-2019
Câu trả lời ngay: Chưa bao giờ!
Sự kiện người dân Đồng Tâm và chính quyền thành phố Hà Nội “ngồi lại bên nhau” để bàn chuyện trao trả các chiến sỹ cảnh sát cơ động bị người dân nơi đây giữ lại một cách ôn hoà có thể được xem là sự đối thoại của chính quyền với dân Đồng Tâm khi họ rơi vào thế “không còn cách nào khác” và đó là lần duy nhất cho tới nay. Những lời hứa như đinh đóng cột, những văn bản viết tay và những chữ ký của những yếu nhân trong thời khắc ấy đã tan theo mây khói khi mà mục đích của họ đã đạt được. Không mấy người còn nhớ những lời hứa ấy – chỉ còn những người dân Đồng Tâm nhớ và trông đợi sự chân thành của chính quyền thành phố Hà Nội; còn người quan trọng nhất trong buổi làm việc hôm ấy cũng nhớ lời hứa ấy nhưng nhớ để đi làm ngược lại điều ấy…
Chưa một lần người dân Đồng Tâm được đối thoại đúng nghĩa với chính quyền một cách thực sự. Trong các buổi làm việc hay công bố thông tin tới các nội dung mà họ khiếu nại mấy năm nay, chưa một lần họ được mời tham dự. Họ không được biết điều mà họ được quyền biết, phải được giải thích, chứng minh, phản biện theo luật định. Tất cả những gì mà người dân Đồng Tâm nhận được sau những đơn thư là một sự im lặng đến kinh người. Trong khi đó, kết luận thanh tra, thông báo về việc kiểm tra, xác mình nội dung kết luận thanh tra rồi họp báo công bố thông tin liên quan tới vấn đề này vẫn được người ta tổ chức rình rang để đưa tin một chiều. Là luật sư được mời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho một số người dân Đồng Tâm, tôi động viên họ hãy kiên trì để chúng chúng tôi đề nghị Thanh tra Chính phủ tổ chức đối thoại với người dân; chúng tôi cũng đã thay mặt người dân gửi đơn đề nghị này đi rất nhiều lần và đã có người nhận nhưng chưa một lần được phản hồi.
Đối thoại với dân, phải chăng là một việc khó khăn tới như vậy sao? Nếu những văn bản của phía UBND thành phố Hà Nội và các cơ quan có thẩm quyền khác là đúng đắn thì việc gì không dám đối thoại công khai với người dân chứ? Hãy chứng minh cho họ thấy những đề xuất, yêu cầu, đề nghị của người dân là không đúng, không phù hợp, họ sẽ tự khắc chấp nhận – nếu họ sai mà vẫn cố tình tiếp diễn cái sai thì các cơ quan có thẩm quyền có quyền xử lý theo luật định. Tuy nhiên, họ vẫn giữ quyền im lặng, vô cảm trước yêu cầu của người dân và điều ấy đồng nghĩa với việc, bản thân họ cũng chấp nhận rủi ro từ sự phản kháng một cách bột phát từ người dân…
Một số bạn an ninh thi thoảng có hỏi tôi về tình hình dân Đồng Tâm và gửi lời nhắn động viên dân nên ứng xử đúng mực, thậm chí gián tiếp như trao gửi cho tôi nhiệm vụ an dân nhưng tôi nói thẳng, gỡ rối được hay không không chỉ nằm ở phía người dân mà còn phải từ phía chính quyền nữa. Cần phải có sự thẳng thắn từ cả hai phía thì mới tháo gỡ được mâu thuẫn. Chính quyền hiện tại kém hiện nhiều so với thời cụ Hồ, ít nhất là trong vấn đề an dân. Sai thì ai cũng mắc phải và thời nào cũng có nhưng sửa sai là một điều không phải ai cũng làm tốt được. Tôi chỉ là luật sư, tôi có thể động viên một vài lần và họ nghe nhưng nói mãi những lời như chính quyền nói mà không thấy biến chuyển gì thì nói thêm dân họ cũng chẳng thèm nghe tôi…
Vậy nên, cho tới khi nào chính quyền thực sự cầu thị, khách quan thì khi đó ngòi nổ Đồng Tâm mới thực sự được tháo gỡ. Còn, một khi dựa vào mệnh lệnh quyền uy một chiều để ném vào họ những lời miệt thị, vu khống cay nghiệt thì đừng bao giờ nghĩ tới chuyện hoá giải được hận thù. Tôi có là Thánh nhân cũng không khuyên bảo được người dân là hãy nhẫn nhịn, nhún nhường để chờ đợi những thứ mà họ chẳng bao giờ với tới được, lương tâm và đạo đức hành nghề luật cũng không cho phép tôi làm điều đó, thậm chí không còn giữ được thẻ hành nghề, tôi cũng không làm vậy.
Tôi chưa và không bao giờ đồng loã, kích động bạo lực, tôi chỉ có kiến thức và lương tri nhưng khi người dân yếu thế, tôi đứng về phía họ!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét