Đức nhắm đến việc thiết lập lại quan hệ với Việt Nam sau vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh
RFA
2019-02-21
2019-02-21
Ngoại trưởng Cộng hòa liên bang Đức Heiko Maas hôm thứ tư 20 tháng 2 năm 2019 cho biết ông sẽ nhân buổi họp với người đồng cấp phía Việt Nam để thảo luận về việc nối lại quan hệ giữa 2 nước sau những khác biệt trong quá khứ vì vụ bắt cóc cựu quan chức dầu khí Trịnh Xuân Thanh ở Berlin.
Hãng tin Reuters hôm 21/1 dẫn lời quan chức của phía Đức cho biết như trên nhân chuyến thăm nước Đức của Phó Thủ tướng, kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh.
Ông Heiko Maas nói rằng Việt Nam là một đối tác chiến lược của Đức ở Đông Nam Á và ca ngợi Hà Nội đã đạt được tiến bộ quan trọng trong việc mở cửa nền kinh tế và ban hành các cải cách khác trong những năm gần đây. Đức là đối tác hàng đầu về thương mại của Việt Nam tại Liên minh Châu Âu.
Trong một tuyên bố được đưa ra Ngoại trưởng Đức nêu rõ: “Trong quá khứ đã có những khác biệt đáng chú ý giữa Đức và Việt Nam, trên hết là vụ bắt cóc công dân Việt Nam Trịnh Xuân Thanh ở Berlin.
Hôm nay chúng tôi muốn đạt được một thỏa thuận về việc thiết lập lại đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Đức và vun đắp bằng chất liệu mới,”
Quan hệ giữa Đức và Việt Nam trở nên tệ hơn vào năm 2017 khi nước này cáo buộc Việt Nam đã dùng mật vụ để bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh khi đang xin quy chế tị nạn tại Berlin.
Ông Trịnh Xuân Thanh, cựu quan chức dầu khí Việt Nam, sau đó đột nhiên xuất hiện trên truyền thông Việt Nam và nói mình tự về Hà Nội để đầu thú, các phiên tòa sau đó tuyên ông này 2 án tù chung thân với cáo buộc tham ô tài sản và cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng.
Trong một tuyên bố trước cuộc gặp ở Berlin với Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh, ông Maas nhấn mạnh tầm quan trọng của quyền con người và các giá trị phổ quát trong bất kỳ quan hệ đối tác chiến lược nào. Hai quan chức đã không tổ chức một cuộc họp báo nào.
“Việt Nam, giống như Đức, cam kết tự do thương mại và đa phương. Việt Nam đã đảm nhận trách nhiệm toàn cầu ngày càng tăng và tham gia bảo vệ khí hậu.
Đây là tất cả các lĩnh vực mà Đức và Việt Nam có thể hợp tác chặt chẽ hơn trong tương lai,” ông Maas cho hay.
Ngoại trưởng Heiko Maas cũng tiết lộ, Đức ủng hộ một thỏa thuận nhanh chóng về hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam.
Hai nước bắt đầu quan hệ ngoại giao vào năm 1975 và nâng mối quan hệ của họ lên quan hệ đối tác chiến lược vào năm 2011 nhưng quan hệ này bị tạm hoãn vào năm 2017 khi Đức trục xuất 2 quan chức của Đại sứ quán Việt Nam về nước vì cho rằng họ có liên quan trong vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh và một cô gái từ đường phố Berlin về nước.
Báo chí nhà nước Việt Nam khi tường thuật về chuyến thăm Đức của ông Phạm Bình Minh không nhắc gì đến tuyên bố liên quan đến Trịnh Xuân Thanh của Ngoại trưởng Đức Heiko Maas.
Theo tường thuật của TTXVN, trong khuôn khổ chuyến thăm làm việc trong 2 ngày 20 và 21/2, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có cuộc gặp với các lãnh đạo cấp cao của Đức như Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Heiko Maas, Phó Chủ tịch Quốc hội Liên bang Đức Hans-Peter Friedrich và Bộ trưởng Kinh tế và Năng lượng Liên bang Đức Peter Altmaier.
Theo cơ quan thông tin chính thức của Nhà nước Việt Nam, sau cuộc gặp với Phó Chủ tịch Quốc hội Liên bang Đức Hans-Peter Friedrich, hai bên đã nhất trí tầm quan trọng của Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), và cho rằng cần thúc đẩy EU sớm ký và phê chuẩn EVFTA vì lợi ích của cộng đồng doanh nghiệp hai nước; đồng thời chia sẻ vai trò quan trọng của các cơ chế đa phương và tôn trọng luật pháp quốc tế trong việc duy trì hoà bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới.
Trong các cuộc gặp, Phó Thủ tướng Việt Nam cũng đánh giá cao các dự án ODA (hỗ trợ phát triển chính thức) của phía Đức và đề nghị Quốc hội Liên bang Đức tiếp tục ủng hộ cung cấp ODA cho Việt Nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét