Những tác phẩm nghệ thuật trôi trong vũ trụ
Trong dòng chảy lịch sử của nhân loại, chúng ta đã khám phá không gian trong thời gian mới chỉ vài thập niên gần đây.
Thế nhưng từ rất lâu trước khi con người phóng được vệ tinh ra khỏi bầu khí quyển, các nghệ sĩ đã tưởng tượng đến việc thoát ly khỏi hành tinh khiêm tốn này để thỏa khao khát hướng tới thiên đường.
Chi tiêu quốc phòng và khoa học đã dẫn lối cho khám phá của con người, nhưng các nghệ sĩ tiếp tục là chất xúc tác góp phần vào nhiệm vụ chinh phục những địa hạt chưa biết, bởi họ đã tưởng tượng ra tương lai trước khi nó xảy ra.
Ngày nay, các nghệ sĩ cũng đang tham gia cuộc chạy đua vào không gian, tưởng tượng ra những vùng chân không bí ẩn bên ngoài bầu khí quyển của ta và biến đó trở thành bảo tàng và không gian trưng bày nghệ thuật kế tiếp.
Nghệ sĩ Nahum chống lại ý tưởng rằng không gian là nơi để ta chinh phục. Ông tranh luận rằng nghệ sĩ phải được tham gia vào đối thoại về cách thức ta chinh phục không gian, nếu không con người - ám chỉ những quốc gia giàu có với chương trình không gian được tài trợ nhiều kinh phí - sẽ có nguy cơ gây ra lỗi lầm tương tự như thời đế quốc gây ra trong quá khứ.
Ai sở hữu bề mặt Mặt Trăng hay một sao chổi nào đó? Ai có quyền khai thác khoáng sản hay kim loại quý ở đó? Những khía cạnh căn bản trong nền văn hóa của chúng ta, như quyền sở hữu đất đai và vấn đề biên giới, là những vấn đề được đặt ra ngay từ khi con người rời Trái Đất, ông nói.
"Nếu [nghệ sĩ] có kỹ năng và các hiểu thế giới khác hơn, chúng ta có thể làm giàu thêm cuộc đối thoại," ông trao đổi với BBC Culture.
Các nghệ sĩ, lần đầu tiên kể từ khi các nhà khoa học vượt qua lực hút của trọng lực để vượt thoát khỏi bầu khí quyển Trái Đất, đang bắt đầu mường tượng tới việc lấy vũ trụ làm nơi trình diễn nghệ thuật.
Nghệ thuật trông sẽ ra sao ở bên ngoài Trái Đất?
Vào ngày 29/6/2018, sau nhiều năm chuẩn bị, giấc mơ từ lâu của Nahum trở thành hiện thực khi ông phóng tượng điêu khắc có khả năng tương tác, là tác phẩm duy nhất trong thể loại này, vào quỹ đạo bằng tên lửa SpaceX Falcon 9, để đến Trạm không gian Quốc tế (ISS).
Từ Trái Đất, ông đã phối hợp những màn trình diễn, theo đó các khán giả tương tác với tượng điêu khắc trên Trạm ISS, đem khán giả từ Trái Đất lại gần hơn với không gian, Nahum nói.
Vũ trụ có phải là nơi dành cho nghệ thuật?
Vũ trụ nên được coi là phòng thí nghiệm văn hóa, Nahum nói, và đó là lý do vì sao dự án của ông đặc biệt thiết kế theo ý tưởng tương tác với không gian.
Bằng cách tương tác với tượng điêu khắc trên Trạm ISS, khán giả từ Trái Đất sẽ cảm thấy như vũ trụ dễ tiếp cận hơn, ông nói.
Tác phẩm nhằm thể hiện sự kết nối tương tác giữa tất cả mọi thứ với nhau, trên quy mô vũ trụ và cả ở ngay trên Trái Đất.
Những gì ta chưa biết đến, chưa lý giải được thì được diễn giải đó là một phần những gì ta không nhìn thấy nhưng lại là phần không thể thiếu đối với sự tồn tại của chúng ta. "Đôi khi tôi nghĩ về không gian như một bức màn đen," ông nói.
Những nghệ sĩ khác như Trevor Paglen, Tavares Strachan và Makoto Azuma cũng thực hiện những dự án đặc thù về vũ trụ.
Vào ngày 3/12/2018, tác phẩm Orbital Reflector (Người soi chiếu Quỹ đạo) của Paglen được thực hiện hợp tác với Bảo tàng Nghệ thuật Nevada, và tác phẩm Enoch của Strachan, hợp tác với Bảo tàng Nghệ thuật Hạt Los Angeles (LACMA), đã được phóng vào không gian sau nhiều nỗ lực thất bại.
Hai tác phẩm này cũng theo tên lửa SpaceX bay vào không gian.
Ban đầu, tác phẩm điêu khắc của Paglen trông giống như một vệ tinh khoa học, nhưng thực ra nó hoàn toàn mang tính thẩm mỹ và sáng tạo.
Dự án làm nảy sinh cuộc phản đối giữa những phi hành gia cho rằng vật thể có tính phản chiếu cao sẽ cản trở quan sát của giới khoa học.
Nahum bác bỏ ý kiến này, tuy dự án là một trong những chương trình đầu tiên đặt câu hỏi ai là người có quyền hợp pháp trong không gian, hay ai là người sở hữu quỹ đạo Trái Đất. Tại sao các nhà khoa học lại có quyền thống trị vô hạn? Tại sao nghệ sĩ hay bất kỳ ai khác lại không thể có quyền đó, hay có quyền tương đương với mặt trận mới này?
Tác phẩm không gian của Strachan trông giống như tác phẩm mà bạn sẽ thấy trong bảo tàng - một tượng bán thân Robert Henry Lawrence Jr, người Mỹ gốc Phi đầu tiên được chọn lựa tham gia chương trình không gian của Hoa Kỳ.
Lawrence tử nạn trong một vụ rơi máy bay khi ông vẫn còn đang trong kỳ huấn luyện để trở thành phi hành gia. Ông đã không bao giờ biến giấc mơ bay vào không gian của mình thành hiện thực, cho đến khi tác phẩm điêu khắc của Strachan đưa ông vào không gian sau đó.
Việc phóng tác phẩm điêu khắc của Nahum, Paglen và Strachan vào không gian đánh dấu bước ngoặt với tác phẩm nghệ thuật ngoài không gian, với ba tác phẩm do ba nghệ sĩ khác nhau thực hiện bay quanh quỹ đạo Trái Đất trong thời điểm này.
Paglen nói ông thiết kế tác phẩm điêu khắc không gian để khích lệ những ai đang bị tác động bởi lực hút Trái Đất dám nhìn lên, tìm kiếm cảm giác tuyệt diệu mới mẻ.
"Điều tôi thích về khám phá không gian, là hầu hết thời gian nó đề cập đến Trái Đất," Nahum nói.
Nói cách khác, những dự án như vậy dù nằm xa Trái Đất về mặt bản chất, nhưng lại có ý nghĩa đưa chúng ta lại gần nhau.
Gần như mỗi vệ tinh đều có những điểm hướng về Trái Đất. Trong thực tế, máy ảnh đầu tiên được phóng vào không gian không chụp bức ảnh đầu tiên về các ngôi sao, mà là chụp ảnh Trái Đất.
Sự di cư và chủ nghĩa quốc gia bị phá vỡ khi ta tưởng tượng về tương lai nơi ta đơn giản nói rằng "Tôi đến từ Trái Đất," Nahum nhận định.
Vượt qua đường biên khoa học và thậm chí khoa học viễn tưởng, nghệ thuật có thể khơi gợi cách nhìn mới hướng về thiên đường và cái nhìn hướng vào sự tỉnh thức của giống loài chúng ta.
Nghệ thuật không gian: Lịch sử 50 năm
Nahum là người gốc từ thành phố Mexico City nhưng hiện đang làm việc ở Berlin. Ông lấy việc khám phá không gian làm chủ đề và mục tiêu sáng tác của mình trong gần một thập niên.
"Là nghệ sĩ, chúng tôi có trách nhiệm tương tác với bất kỳ thứ gì có liên quan tới chủ đề mình muốn sáng tác," ông nói.
Trong triển lãm ở Mexico City năm 2015 có tên "Vấn đề Trọng lực", Nahum cùng với một nhóm nhỏ nghệ sĩ đã đến Nga để trải nghiệm cảm giác gần với tình trạng không trọng lực: đó là bay trong chuyến bay parabol.
Được coi như một phần trong đào tạo phi hành gia và nghiên cứu khoa học, chuyến bay parabol đem lại trải nghiệm 30 giây ở tình trạng gần như không trọng lực, thông qua một loạt các màn thao diễn trên khoang máy bay được thiết kế đặc biệt.
Nahum và các nghệ sĩ khác là những người đầu tiên trải nghiệm nghệ thuật trong môi trường không trọng lực. Kết quả được trình diễn tại Bảo tàng Palacio de Bellas Artes dưới dạng âm thanh, video và tác phẩm điêu khắc.
Năm 2017, Azuma khiến không gian gần gũi hơn bằng cách tái tạo lại chuẩn mực lịch sử nghệ thuật dưới dạng tĩnh vật với một bó hoa bay lượn bên ngoài rìa bầu khí quyển.
Tác phẩm của ông hẳn nhiên không tồn tại vĩnh viễn, như thể nó gợi nhắc tính chất mong manh và tạm thời của mọi sự sống và hữu cơ trong vũ trụ vĩ đại, ngay cả với hành tinh mà ta gọi là nhà.
Vì vậy, một lần nữa, khám phá của nghệ sĩ về không gian đưa ta trở lại với đời sống trên Trái Đất.
Cách tiếp cận của Azuma để chạm vào vũ trụ rõ ràng là có tính chất "tự làm tại nhà" (DIY - Do it yourself). Thay vì phóng bó hoa vào không gian trên khoang tên lửa, quá trình được thực hiện bởi một khí cầu khổng lồ, bay cao đến 100.000 bộ (tương đương 30.480m) trên sa mạc Nevada.
Ở nhiệt độ -60 độ C, bó hoa bắt đầu vỡ tan vào bầu khí quyển trước khi rơi trở lại Trái Đất như đám bông giấy sặc sỡ.
Việc ghi lại quá trình này bằng hình ảnh là chứng cứ duy nhất về cuộc phiêu lưu ở vùng xám, nơi Trái Đất kết thúc và vũ trụ mở ra.
Dự án EXOBIOTANICA là cách khám phá không gian thơ mộng, như thể nói rằng chúng ta chỉ nên tiến sâu vào vùng chưa được biết đến khi ta mang theo cái đẹp bên mình.
Tuy nhiên, lịch sử nghệ thuật trong không gian tiếp tục trải dài xa hơn trong vài năm vừa rồi.
Hai trong số những sứ mệnh khám phá không gian nổi tiếng nhất là Voyager 1 và 2, với hai con tàu vũ trụ được thiết kế giống hệt nhau để đi tới rìa bên ngoài dải thiên hà chúng ta, trên tàu mang theo hai đĩa vàng chứa đầy tác phẩm nghệ thuật.
Sau đợt phóng tàu năm 1977, các tàu này tiếp tục đi xa hơn vào khu vực chưa biết. Mỗi giây trôi qua, chúng lại trở thành vật thể của con người đi xa Trái Đất nhất.
Vào tháng 12/2018, tàu Voyager 2 rời khỏi Thái Dương Hệ, cách xa Trái Đất gần 18 tỷ km, đi theo tàu Voyager 1 vốn đã rời khỏi Thái Dương Hệ từ 2012.
Là dự án duy nhất khám phá vũ trụ theo cách này, Voyager là ví dụ hoàn hảo cho tinh thần vươn tới của con người hướng tới thế giới bên ngoài với thông điệp về cái đẹp và sự sáng tạo của nhân loại.
Mỗi chiếc đĩa vàng chứa thông điệp dành cho nền văn minh ngoài Trái Đất có thể đang tồn tại ở đâu đó mà biết đâu có thể sẽ phát hiện ra chiếc tàu vũ trụ của chúng ta: những thông điệp bằng hình ảnh, âm nhạc và lời chào bằng rất nhiều ngôn ngữ trên khắp thế giới.
Carl Sagan nhận nhiệm vụ bất khả thi là thực hiện nội dung cho chiếc đĩa vàng để thể hiện toàn bộ nền văn minh nhân loại.
Ông đã gọi chiếc đĩa là "Album hay nhất mọi thời đại của Trái Đất (Earth's greatest hits), một món quà băng qua đại dương vũ trụ từ một ốc đảo có nền văn minh tới một hòn đảo khác."
Trong bốn thập niên sau đó, vẫn chưa có thêm dự án nào đưa nghệ thuật vào không gian.
Khám phá của ta về vũ trụ, dù là đầy tính nghệ thuật hay mang tính thô bạo, cuối cùng đều là khám phá về tâm hồn và sự kết nối liên tiếp với vũ trụ này.
Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Culture.
Tin liên quan
- Đưa người lên Mặt Trăng: canh bạc đầy rủi ro của Mỹ
- Ông già Noel bí mật tặng quà trong không gian
- Cuộc tập trận suýt dẫn tới Thế Chiến III
- Nhân loại sẽ không tránh khỏi đại dịch cúm chết chóc?
- Những nhà tắm lộng lẫy nhất thế giới
- Carmen, cô nàng di-gan phóng túng xưa và nay
- 100 phim tiếng nước ngoài hay nhất mọi thời đại
- 6 'khuôn vàng thước ngọc' cho mọi tác phẩm văn học
- Những bức ảnh làm thay đổi phận người
- Bắc Sơn Thành và cuộc chiến âm thanh Trung-Đài
- Hình tượng người điên trong phim ảnh
- Cảnh điêu tàn trong thế giới Ả-rập xưa và nay
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét