Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Sáu, 1 tháng 2, 2019

Như dịch một bài thơ

Như dịch một bài thơ

Lê Tất Điều
31-1-2019
Giữa năm 2006, bị lạc một cú kinh hồn, muốn tàn đời luôn – thực sự là đã tiêu tùng gần hết những tháng năm vàng an hưởng tuổi già.
Suốt hơn một thập niên cứ lững lờ phiêu dạt từ những vi thể cực nhỏ, nhỏ hơn nguyên tử, đến những khoảng không vô tận, kích thước bao trùm vũ trụ. Tâm trí bồng bềnh, lúc cực kỳ sáng suốt, tỉnh táo, lúc lơ mơ, ngây ngất, giữa hai cõi vô cùng. Đường về vẫn nhớ, cũng ngắn thôi, mà không thể quay gót. Miên man bị hút về phía trước, trí tuệ cố mở to hơn mắt, miệt mài tìm cho được một chân dung kỳ bí đã thấy chập chờn, nửa kín nửa hở, ở cuối chân trời.
Chuyện khởi đầu rất tầm phào, vớ vẩn, thật không đáng kể lại làm rờm tai bà con cô bác. Nhưng nó là nguyên nhân chính gây ra cuộc “đổi đời” – từ thi sĩ thứ thiệt biến thành khoa học gia dởm – đành xin vắn tắt:
Xế trưa hôm đó, sau khi dự đám tang một anh bạn, người bần thần, mệt mỏi, lòng buồn bã, hoang mang, về nhà là tìm ngay cái võng ở vườn sau. Nằm nhìn trời xanh, mây trắng, bồi hồi lưu luyến đoán tìm xem những đợt khói trắng đem thân xác bạn, bay lên từ ống khói lò thiêu, giờ này đã nhập vào đám mây nào.
Rồi mơ tưởng một phi thuyền vượt thời gian, bay ngược về quá khứ, gặp lại bạn hiền.
Thoạt đầu cũng viển vông sơ sơ, vừa phải thôi, chỉ rụt rè khiêm tốn tính nhờ bác tài lái phi thuyền đi rước mấy ông “cố” bạn đồng môn, ghé Little Saigon cà phê cà pháo, ồn ào nhắc chuyện xưa. Rồi bốc hứng, nhớ ra mình đang có cái phi thuyền quý hóa như thế mà chỉ dùng để tìm lại một cuộc hội ngộ ăn nhậu tầm thường thì ngu quá. Hèn nhất cũng phải bay vào tương lai khi đám nhân loại hậu sinh đã tìm ra những phương thuốc trị tuyệt nọc bệnh nan y của các bạn, đem thần dược về cứu cấp từng ông, dời lại vô hạn định ngày các ngài phải trình diện nhà quàn.
Nhưng chỉ lo cứu bạn thôi thì vẫn phí của, vẫn còn ngu dại, lại can thêm tội ích kỷ. Thế là leo thang, tính chuyện làm ăn lớn, tạo sự nghiệp lẫy lừng.
Phi thuyền du lịch xuyên thời gian có tốc độ nhanh hơn ánh sáng, sự viển vông của anh chàng du khách tốt bụng và đầy tinh thần trách nhiệm với xã hội này còn bay nhanh hơn. Trong chớp mắt, kế hoạch cứu bạn bị hạ xuống hàng thứ yếu, ưu tiên một dành cho chiến dịch phục vụ nhân loại. Trước hết, phải khẩn trương dẹp Đệ Nhị Thế Chiến, cứu nhiều triệu mạng người.
Cũng dễ thôi, chỉ cần hại đời tư Hitler – làm cho ông ấy không có một… đời tư – bằng cách bay về quá khứ tuyển một toán nữ điệp viên thật kiều diễm ra tay quyến rũ thân phụ ông ấy từ năm 1887. Đồng thời mở chiến dịch loan tin đồn thất thiệt, phổ biến fake news, làm bà thân mẫu Hitler ế chồng, có chổng mông mà gào vẫn ế xưng ế xỉa, ế thiu ế chảy, ế không thể nào còn ế hơn được nữa, thế là hết hòng hạ sinh quý tử Hitler.
Loại được bà má Hitler ra ngoài vòng chiến là mới thành công một nửa. Tiến hành song song với chiến dịch “hại má Hitler” là cuộc hành quân “Tiêu diệt tận gốc rễ” nhắm vào ông bố. Cũng dễ ợt. Chỉ cần sai toán điệp viên kiều diễm ấy quyến rũ, bắt cóc ông về, thiến phăng đi là xong. Quả thực hơi hung bạo và bất công, nhưng có thế mới chắc ăn chứ biết làm sao!
Chỉ trong khoảnh khắc mà trí tưởng viển vông bắt phi thuyền đang đi đón bạn phải  tức khắc đổi hướng, bay về nước Việt năm xưa, rước cho được cố Thủ tướng Đỗ Mười thuở hàn vi, nhờ ông trổ tay nghề tuyệt kỹ, bứng hết gốc rễ của Hitler! Ui cha! Đi nhanh, đi xa đến thế là hết cỡ, lại đạt thắng lợi vẻ vang, hả hê lắm rồi, bèn cho cố tật viển vông tạm nghỉ xả hơi, bắt đầu suy nghĩ nghiêm chỉnh.
Nghiêm chỉnh nghĩ ngay đến thuyết Tương Đối Đặc Biệt – thường được gọi nôm na, giản dị là thuyết Thời Gian giãn nở – của Einstein.
Thuyết là nền tảng nguồn hy vọng lớn của nhân loại: một mai sẽ cưỡi phi thuyền du lịch xuyên thời gian, nhào tới tương lai, lộn về quá khứ ào ào, dễ như đi chợ. Chỉ cần khoa học tiến bộ, và thuyết đúng.
Chuyện khoa học tiến bộ thì xong rồi, khỏi lo. Từ cái phôn quay số xoành xoạch tới cái Iphone thâu gọn thế giới trong lòng bàn tay, đâu có lâu la gì. Cứ cái đà này, quân ta đóng phi thuyền vượt tốc độ ánh sáng mấy hồi.
Ngay chiều hôm đó, ngồi nghiên cứu lại thuyết, vừa đỡ buồn mất bạn, vừa tăng cường hy vọng một ngày trong tương lai, nhờ công đức cụ Einstein, ít nhất lại được dịp cùng bạn tay bắt mặt mừng, ăn tục nói phét.
Thế là vất vả cuộc đời.
Nhớ lại những lý luận, vẽ lại các biểu đồ lập thuyết của Einstein, chợt thấy một chỗ bất ổn. Trong cái thí nghiệm bằng trí tưởng (thought experiment) của cụ có một chi tiết bị bỏ quên. Một điểm trên sàn tàu – nằm cuối tia sáng chiếu xuống từ ngọn đèn trên trần – đã di chuyển theo con tàu, nhưng Einstein tưởng là nó bất động.
Loay hoay tính toán, vẽ tới vẽ lui, vẫn thấy cái điểm bướng bỉnh đó khi tàu chạy là phóng theo liền. Nếu nó không chịu đứng một chỗ theo lệnh Einstein, cứ nhất định di động, thì tánh mạng lý thuyết của cụ lâm nguy.
Xin thú thực lúc đó có hoảng hồn và hơi teo.
Sự lo sợ kéo dài cả tháng. Không lo cho số phận cái thuyết của Einstein mà lo trí óc mình bị lão hóa quá nhanh. Thuyết là quý tử của một khoa học gia vĩ đại nhất trong lịch sử loài người, đã ngự trị thế giới cả trăm năm, được hầu hết vật lý gia coi là tuyệt tác, là “chân lý”, vậy mà mình cứ thấy nó sai thì rõ ràng là mình ngu ngốc, tối tăm quá. Hồi đó, tuổi ta – tuổi thật – mới 66 chứ mấy. Thân thể còn tráng kiện, chưa đến nỗi nào, vậy mà trí tuệ đã suy thoái đến mức này thì nguy to.
Vội vàng ghi lại những chỗ bất ổn, gửi tới các bậc cao minh xin chỉ giáo. Đồng thời, tự mình nghiên cứu tìm hiểu thêm. Nhất quyết dùi mài kinh sử, tầm sư học đạo, cho đến chỗ đắc đạo – nghĩa là hiểu được chỗ kỳ diệu của Einstein như mọi người, nâng cấp trí óc mình lên mức vẫn đáng tin, còn xài được, mới thôi.
Thế rồi, sau này, khi biết chắc thuyết của Einstein sai thật – ngay từ giây phút khởi đầu lập thuyết – vững bụng rồi, thì lại hì hục lo viết bài phản bác thuyết và cả những luận án ca tụng, bênh vực nó sáng giá nhất. Cái ách Einstein giữa đàng lỡ quàng vào cổ vẫn co kéo nhì nhằng, chưa cởi được.
Đã vậy, cái xẩy nẩy cái ung! Vì lỡ chăm học, nghiên cứu kỹ quá nên quàng thêm dăm cái ách nữa. Chưa xong vụ “thời gian giãn nở” đã đụng ngay thuyết “Big Bang” phi vật lý, ngây ngô, huyền hoặc, của Georges Lemaître. Rồi điều luật Thứ Ba trong đạo luật về chuyển động của Newton cũng có “vấn đề” lớn, cần điều chỉnh, chữa chạy. Và ngay cả thuyết về “Hấp Lực” tuyệt vời của Einstein cũng bị chính tác giả, không hiểu sao, ban cho một định nghĩa phi vật lý, quái dị, cần sửa lại cho con cháu chúng nó… đỡ khổ.
Để nêu rõ những sai lầm của các cụ, thật ra cần không quá vài trang. Như điều luật Thứ Ba về chuyển động của Newton “When one body exerts a force on a second body, the second body simultaneously exerts a force equal in magnitude and opposite in direction on the first body”, chỉ cần nhẹ nhàng trình cụ rằng: “Ngài ban hành một đạo luật như thế thì nguy hiểm cho nhân loại quá xá. Nếu những trái banh (body2) tuân hành nghiêm chỉnh luật lệ của ngài, khi bị chân cầu thủ (body1) đá, tức khắc đá lại bằng một sức mạnh TƯƠNG ĐƯƠNG (equal in magnitude) thì còn gì là chân cẳng con người ta! Chân vàng, cẳng bạc gì gì cũng què ráo trọi! Thỉnh cầu ngài “đèn trời soi xét lại cho”. Cụ sẽ ngớ ra rồi sửa luật, hoặc nếu là người thiếu ngay thẳng, tự ái vặt, sẽ mở máy trổ tài ngụy biện, cả vú lấp miệng em. Cụ phản ứng cách nào thì cũng coi như xong, cần chi phải dài dòng.
Nhưng không làm thế được. Nêu ra những sai lầm của Einstein, Georges Lemaître, Newton… là phỉ báng thánh thần, tội nặng lắm rồi, không dám phạm thêm tội bất kính đối với các khoa học gia đang cật lực xưng tụng và bảo vệ lý thuyết của các vị ấy. Người ta đã mất công xây những bức tường kiên cố, bất khả xâm phạm, nay mình vác búa tạ đến phang vài cái làm xập hết, rồi đứng cười cười, thì quá bất nhã.
Thành ra phải nhẹ nhàng từ tốn gỡ từng viên gạch, vừa gỡ vừa phân trần, giải thích thật tỉ mỉ. Mất mấy năm trời viết tới viết lui hàng trăm trang sách cho nó lịch sự, nhã nhặn. Xong rồi, tưởng là thoát nợ, có quyền thở phào nhẹ nhõm. Lại lầm to!
Anh đang an hưởng tuổi già, tự do nhàn du trên đại lộ thênh thang vô trách nhiệm, vô tích sự, thấy chuyện bất bình, anh bày đặt đóng vai hiệp khách, xía mũi vô. Nêu ra những sai lầm của các vĩ nhân, một mình một ngựa giao chiến với đạo binh trung thành của các cụ đông như kiến mà không sứt mẻ gì, lại có khả năng ghi chép chính nghĩa của mình vào sách, giúp các thế hệ sau chiến đấu tiếp… Thế là quý hóa quá, là chu toàn bổn phận công dân hết xẩy rồi, sao không rũ áo bỏ đi nhàn du tiếp, còn lưu luyến đứng xớ rớ trong thế giới khoa học làm cái giống gì! Có cái chi ràng buộc, lưu giữ anh nữa đâu?
Xin thưa, có đấy. Tôi như người thầy thuốc lang thang ven rừng cắm cúi tìm dược thảo chữa bệnh lú lẫn cho vài bậc tiền bối, vô tình lạc sâu vào một vùng  cổ tích, lúc dừng bước, nhìn lên thì đã núi non trùng điệp, cỏ cây xanh mướt, bạt ngàn, và quanh mình rực rỡ muôn hoa.
Hậu quả của nhiều năm tìm tòi nghiên cứu là càng lúc càng nhìn sâu vào bản thể vũ trụ và bị chính hấp lực của nó giam chặt cứng. Nó có cái hấp lực khủng khiếp của một bài thơ tuyệt tác.
Chuyện còn nhiều chi tiết ly kỳ, hay ho, nhưng bài quá dài rồi, xin vắn tắt:
Vũ trụ càn khôn chứa đựng những điều huyền bí rải cùng khắp trong cái thể xác mênh mông vô tận vô cùng của nó. Nó gợi ra những câu hỏi làm nền cho thi tứ của các nhà thơ Đông Tây Kim Cổ, đã tạo sóng rung động muôn triệu trái tim người. Câu hỏi đã “thơ” đến thế thì câu trả lời còn thi vị biết nhường nào.
Khoa học không làm giảm cái hấp lực đó đâu. Khoa học dí vào mũi ta dung nhan thực của Mặt Trăng, chỉ tiêu diệt được những thần thoại dành cho con trẻ. Ánh trăng trên cỏ cây hoa lá, núi rừng, sông biển… vẫn còn nguyên sự nhiệm mầu.
Đóng vai khoa học gia tay mơ gốc thơ thẩn như tôi càng khốn khổ. Câu hỏi không bớt, chỉ chất chồng thêm. Tại sao khối đất đá khổng lồ kia – như vô lượng thiên thể trong không gian – cứ lơ lửng lưng trời, mải miết chuyển vần? Và tất cả các nguyên tử, phân tử tạo nên nó cũng không ngừng vần xoay? Rồi bằng cách nảo ánh trăng luôn lan tỏa về mọi hướng, soi khắp thế gian? Và nhờ cái gì mà ánh sáng lại “bay” nhanh đến thế?
Câu trả lời nằm trong sự vận hành cùng cấu trúc của vũ trụ hiện ra trước mắt ta, sừng sững, như một bài thơ ý nghĩa rõ ràng, nôm na, nhưng viết bằng ngôn ngữ lạ, cực kỳ khó hiểu.
Sau hơn một thập niên mò mẫm, mở to huệ nhãn đọc tới đọc lui, cuối cùng cũng thấm được vài đoạn trong bài thơ lớn khắc trên bia vũ trụ. Xin dịch lại, ghi lại cùng những sai lầm của tiền nhân, vào cuốn sách nhỏ này, và trân trọng gửi đến quý bạn đọc yêu khoa học và yêu thơ.
Lê Tất Điều
_____
Sách: THE MAKING OF THE UNIVERSE (Amazon)
Youtube: Chapter 10. How Light Moves with Extremely High Velocity     Toward Every Direction at All Times

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét