Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Sáu, 22 tháng 2, 2019

Lịch sử một chiều là ngụy sử

Lịch sử một chiều là ngụy sử

Phạm Trần
Đảng và giới Khoa học – Lịch sử Cộng sản Việt Nam có tham vọng viết lại lịch sử dân tộc từ thời cổ đại đến hiện đại, nhưng liệu họ có dám sòng phẳng và công bằng với 30 năm chiến tranh huynh đệ tương tàn không?
Thắc mắc đưa ra dựa trên những bằng chứng không trong sáng và thiếu đầy đủ của sử liệu đương thời phổ biến liên quan đến những biến cố nổi bật gồm:
– Cuộc Cải cách Ruộng đất ở miền Bắc trong giai đoạn 1953- 1960.
– Vụ án Nhân văn Giai Phẩm từ 1955 đến 1958.
– Cuộc chiến xâm lăng miền Nam của đảng CSVN.
– Thảm sát Tết Mậu Thân ở Huế.
– Cuộc chiến Hoàng Sa giữa quân đội VNCH và Trung Cộng năm 1974.
– Đánh Tư sản mại bản ở miền Nam sau năm 1975.
– Cưỡng bách người của Chế độ VNCH đi học tập- lao động.
– Nạn Thuyền nhân chạy thoát Cộng sản
– Cuộc chiến Biên giới Việt- Trung từ 17- 02- 1979 đến tháng 6 năm 89.
CHE ĐẬY LỊCH SỬ
Theo tin chính thức phổ biến ngày 12/02/2019 tại Hà Nội, Bộ Lịch sử Việt Nam, hay còn gọi là Quốc sử sẽ có hơn “300 nhà sử học đầu ngành trong cả nước cùng tham gia biên soạn.”
Báo Việt Nam Express viết: “Thông báo về tiến độ triển khai bộ quốc sử, PGS Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam cho biết, đề án này gồm 25 tập thông sử; 5 tập biên niên sự kiện; cơ sở dữ liệu lịch sử Việt Nam. 
Đề án có sự tham gia của khoảng 300 nhà khoa học, trong đó có chuyên gia đầu ngành về lịch sử dân tộc từ cổ đại đến hiện đại; lịch sử Đảng, cách mạng, quân sự, an ninh, văn hóa, khảo cổ học…
Theo ông Cường, bộ quốc sử nhằm xây dựng nhận thức mới về lịch sử Việt Nam toàn bộ, toàn diện; được lãnh đạo Đảng, Nhà nước đồng ý từ năm 2014. Cố GS Phan Huy Lê (tổng chủ biên bộ quốc sử) từng nhấn mạnh phải viết toàn bộ, toàn diện, khách quan. Vì vậy, đây là bộ quốc sử đồ sộ nhất từ trước đến nay, lần đầu tiên đề cập đến nhiều “khoảng trống lịch sử” vốn được coi là “nhạy cảm” như cải cách ruộng đất, Nhân văn – Giai phẩm, cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh ở miền Bắc, cải tạo tư sản ở miền Nam sau 1975, nạn thuyền nhân…” (ngày 12/02/2019)
CẢI CÁCH RUỘNG ĐẤT
Nhưng điều được gọi là những “khoảng trống lịch sử”, trong đó có ghi lại nhiều tội ác của đảng CSVN trong chiến dịch Cải cách ruộng đất (CCRĐ), đã không hề được nói tới trong Sách “Việt Nam- Những Sự Kiện Lịch sử (1945- 1975).
Trong thời gian Tháng Bảy- 1956, sách này viết trong mục “Hoàn thành cải cách ruộng đất ở miền Bắc”, như sau:
Trung tuần tháng 7, Ủy ban Cải cách ruộng đất Trung ương báo cáo tổng kết đợt V, đợt cuối củng của công tác cải cách ruộng đất trước HĐCP. HĐCP nhận định công cuộc vận động cải cách ruộng đất căn bản hoàn thành ở miến Bắc. Ruộng đất đã về tay nông dân. Hơn mười triệu nông dân lao động đã làm chủ nọng thôn.
Tuy nhiên trong qúa trình cải cách ruộng đất, ta đã phạm những sai lầm nghiêm trọng, phổ biến, kéo dài. Nguyên nhân sai lầm là không nắm vững những biến đổi về sở hữu ruộng đất, vế giai cấp địa chủ và chế độ phong kiến ở nông thôn. Mặt khác do không nắm vững đường lối độc lập tự chủ, áp dụng máy móc những kinh nghiệm của nước ngoài, cường điệu tính chấtđấu tranh giai cấp, nến đánh nhầm vào nội bộ nông dân. Tháng 4- 1956, Đảng đã phát hiện sai lầm của cải cách ruộng đất và có chỉ thị sửa chữa nhưng sai lầm ấy. Ngày 18- 8, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho đồng bào nông thôn và cán bộ, nói rõ thắng lợi và sai lầm của cải cách ruộng đất. Người nhấn mạnh: “Trung ương Đảng và Chính phủ đã nghiêm khắc kiểm điểm những sai lầm, khuyết điễm ấy và đã có kế hoạch kiên quyết sửa chữa nhắm đoàn kết cán bộ, đoàn kết nhân dân, ổn định nông thôn, đẩy mạnh sản xuất.”
NẠN NHÂN NGUYỄN THỊ NĂM
Tuyệt nhiên bài viết không nói đến số nông dân vô tội bị oan khiên trong đấu tố khép tội là địa chủ, cường hào ác bá, kẻ thù của nông dân. Không có số chính thức về những người bị hại, nhưng Bách khoa Toàn thư mở ghi lại: “Theo tuần báo Time ngày 1 tháng 7 năm 1957 thì khoảng 15.000 người bị xử bắn. 
  • Theo Gareth Porter: từ 800 đến 2.500; theo Edwin E. Moise (sau một công cuộc nghiên cứu sâu rộng hơn): vào khoảng 5.000; theo giáo sư sử học James P. Harrison: vào khoảng 1.500 cộng với 1.500 bị cầm tù.
  • Theo soạn giả Arthur Dommen thì cho rằng tính đến năm 1956 có khoảng 32.000 người bị hành hình trong vụ cải cách ruộng đất.
  • Vũ Thư Hiên (Nhà văn) cho rằng con số người bị xử bắn là ít hơn con số 15.000 dẫn ở trên rất nhiều, tuy vậy ông chỉ có thể ước tính, chứ không có số liệu hoặc tài liệu nào cụ thể:
“Người ta thường nói tới con số khoảng 15.000 người. Tôi nghĩ con số có thổi phồng. Trong tài liệu của Bernard Fall và Wesley Fishel con số còn được đẩy tới 50.000. Nếu tính tổng số xã đã cải cách ruộng đất là khoảng 3.000, mỗi xã có trung bình một hoặc hai người bị bắn, bị bức tử, bị chết trong tù (những xã có số người bị bắn lên tới ba hoặc bốn rất ít gặp, có những xã không có ai bị) thì số người chết oan (kể cả trong Chỉnh đốn Tổ chức, tính cả người bị bức tử) nằm trong khoảng từ 4.000 đến 5.000 người. Nói chung, đó cũng là đoán phỏng. Chẳng bao giờ chúng ta biết được con số chính xác nếu không có một cuộc điều tra khoa học.”
Nạn nhân bị vu oan cáo vạ và bị ông Hồ Chí Minh và đảng CSVN phản bội tiêu biểu nhất là bà Nguyễn Thị Năm (1906 – 9 tháng 7 năm 1953, quê ở Làng Bưởi, ngoại thành Hà Nội). Theo tài liệu công khai, Bà là một địa chủ có công đóng góp tài sản cho Việt Minh trong kháng chiến chống Pháp. Trong cuộc Cải cách ruộng đất bà bị nông dân địa phương đấu tố là địa chủ gian ác và bị xử bắn.
Bách khoa toàn thư mở viết tiếp: “Nhiều cán bộ cách mạng, nhiều đơn vị bộ đội thường tá túc trong đồn điền của bà. Bà Nguyễn Thị Năm cũng từng nuôi ăn, giúp đỡ nhiều cán bộ Việt Minh sau này giữ những cương vị quan trọng như Trường ChinhHoàng Quốc ViệtLê Đức ThọPhạm Văn ĐồngHoàng Hữu NhânVõ Nguyên GiápNguyễn Chí ThanhHoàng TùngVũ Quốc UyHoàng Thế ThiệnLê Thanh Nghị.
Khi Cuộc cải cách ruộng đất triển khai vào năm 1953, những hành động yêu nước của Nguyễn Thị Năm bị cố vấn Trung Quốc cho là “giả dối nhằm chui sâu, leo cao vào hàng ngũ cách mạng để phá hoại” và bà trở thành địa chủ đầu tiên bị đem ra “xử lý”. Bà bị lên án với tội danh “tư sản địa chủ cường hào gian ác”.
Trong bài viết “Địa chủ ác ghê” của C.B trên báo Nhân dân ngày 21 tháng 7 năm 1953 có kể tội bà là “Làm chết 32 gia đình gồm có 200 người…Giết chết 14 nông dân, Tra tấn đánh đập hằng chục nông dân…”. Cũng theo đó, Nguyễn Thị Năm đã “thông đồng với Pháp và Nhật để bắt bớ cán bộ. Sau Cách mạng tháng Tám, chúng đã thông đồng với giặc Pháp và Việt gian bù nhìn để phá hoại kháng chiến” và cũng theo đó thì Nguyễn Thị Năm “không thể chối cãi, đã thú nhận thật cả những tội ác”.
Theo hồi ký Trần Huy Liệu, lúc đó là uỷ viên Thường trực Quốc hội, thanh tra Cải cách Ruộng đất tại Thái Nguyên, thì cuộc đấu tố bà Năm được tổ chức ngày 22 tháng 5 năm 1953, với sự tham dự của gần 1 vạn người dân địa phương. Cũng theo ông Liệu, hai con trai của bà Năm lúc đó cũng bị đấu tố.
Sau những cuộc đấu tố với đủ các thứ tội ác được người dân địa phương gán ghép, bà đã bị đem ra xử bắn ở Đồng Bẩm, tỉnh Thái Nguyên vào 29 tháng 5 âm lịch (tức 9 tháng 7) năm 1953 và được báo chí đương thời coi là phát súng hiệu cho một cuộc vận động “long trời lở đất”…
Bà Năm bị đem ra trước công chúng đấu tố ba lần trước khi đem xử bắn.
Theo Hoàng Tùng viết trong hồi ký Những kỷ niệm về Bác Hồ thì: Thấy cố vấn Trung Quốc bảo phải xử tử Nguyễn Thị Năm, Hoàng Quốc Việt ủy viên Trung ương Đảng, ủy viên ban lãnh đạo Cải cách Ruộng đất trung ương, phụ trách Cải cách ở Thái Nguyên đến báo cáo với Hồ Chí Minh ý kiến của cố vấn. Hồ Chí Minh hứa với Hoàng Quốc Việt sẽ nói với Trường Chinh, Trưởng ban chỉ đạo trong cải cách ruộng đất nhưng ông không làm. Hơn nữa, Hồ Chí Minh đã giữ im lặng vì sợ gây mâu thuẫn với cố vấn Trung Quốc.”
Như vậy thì “khoảng trống lịch sử” về trách nhiệm của ông Hồ Chí Minh trong vụ án bà Nguyễn Thị Năm có được viết lại đầy đủ không, hay vẫn tiếp tục giữ thái độ im lặng thất đức đối với vong linh bà Năm như hiện nay, khi nhà nước vẫn không trả lời đơn khiếu nại của gia đình yêu cầu phục hồi danh dự cho bà.
Và liệu Nhà Thơ “sắt máu” Tố Hữu có bị liên lụy tinh thần đối với những cái chết oan của nhiều nông dân qua những câu Thơ, chưa hề bị ông phủ nhận, đã hô hào chém giết trong cuộc cải cách ruộng đất:
“Giết, giết nữa, bàn tay không phút nghỉ,
Cho ruộng đồng lúa tốt, thuế mau xong,
Cho đảng bền lâu, cùng rập bước chung lòng,
Thờ Mao Chủ tịch, thờ Sít- ta- lin bất diệt.”
NHÂN VĂN- GIAI PHẨM
Về Phong trào này, Bách khoa Toàn thư mở ghi lại: “Phong trào Nhân Văn – Giai Phẩm là một phong trào được cho là có xu hướng chính trị, đòi tự do nghệ thuật và thể hiện quan điểm chính trị của một số văn nghệ sĩ và trí thức sống ở miền Bắc, dưới chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, khởi xướng đầu năm 1955 và bị chính thức kết thúc vào tháng 6 năm 1958.
Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa xem đây là phong trào chống chính quyền của một nhóm trí thức do bị tình báo nước ngoài được cài ở miền Bắc lôi kéo, nhằm phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng trong lĩnh vực văn hóa văn nghệ, phủ nhận quyền lãnh đạo chính trị và nhà nước duy nhất của Đảng Lao động Việt Nam, gây phương hại đến sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Cơ quan ngôn luận của phong trào này là Nhân Văn, một tờ báo văn hóa, xã hội, có trụ sở tại 27 Hàng Khay, Hà Nội, do Phan Khôi làm chủ nhiệm và Trần Duy làm thư ký toà soạn, cùng với tạp chí Giai Phẩm, hình thành nên nhóm Nhân Văn–Giai Phẩm Hoàng Cầm và Lê Đạt chủ trương.
Ngày 15 tháng 12 năm 1956, Ủy ban hành chính Hà Nội ra thông báo đóng cửa báo Nhân Văn.
Tổng cộng Nhân Văn ra được 5 số báo và Giai Phẩm ra được 4 số báo (Tháng Ba, Tháng Tư, Tháng Mười và Tháng Chạp 1956) trước khi phải đình bản.
Nhưng nhiều người đương thời kết luận Nhà báo- Nhà lý luận Nguyễn Hữu Đang (1913– 2007) mới là linh hồn của Phong trào này. Vì vậy, ông đã bị kết án 15 năm tù vì tội kích động bạo loạn trong vụ án Phong trào Nhân Văn- Giai Phẩm (NVGP).
Bách khoa Toàn thư mở viết: “Ông bị biệt giam ở Hà Giang, được phóng thích 1973 theo Hiệp Định Paris, Nguyễn Hữu Đang là người Việt Nam duy nhất không nghe tiếng máy bay, không biết có chiến tranh Việt- Mỹ.”
ĐAO PHỦ TỐ HỮU
Người đứng đầu chiến dịch tiêu diệt nhóm NVGP là Nhà văn, Nhà Thơ Tố Hữu, khi ấy là Ủy viên Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, phụ trách về công tác văn hóa văn nghệ, tuyên truyền.
Theo tài liệu phổ biến, Tố Hữu, một trong số cán bộ cực kỳ giáo điều và cực đoan đã nhận định về phong trào này và những người bị coi là dính líu như sau:
Lật bộ áo “Nhân Văn – Giai Phẩm” thối tha, người ta thấy ra cả một ổ phản động toàn những gián điệp, mật thám, lưu manh, trốt- kít, địa chủ tư sản phản động, quần tụ trong những tổ quỷ với những gái điếm, bàn đèn, sách báo chống cộng, phim ảnh khiêu dâmTrong cái công ty phản động “Nhân Văn – Giai Phẩm” ấy thật sự đủ mặt các loại “biệt tính”: từ bọn Phan KhôiTrần Duy mật thám cũ của thực dân Pháp đến bọn gián điệp Thụy An, từ bọn trốt- kít Trương TửuTrần Đức Thảo đến bọn phản Đảng Nguyễn Hữu ĐangTrần DầnLê Đạt. Một đặc điểm chung là hầu hết bọn chúng đều là những phần tử thuộc giai cấp địa chủ và tư sản phản động, và đều ngoan cố giữ lập trường quyền lợi giai cấp cũ của mình, cố tình chống lại cách mạng và chế độ…”
Tuy nhiên, vào tháng 02/2007, nhà nước CSVN đã bất ngờ trao Giải thưởng cho các nhà thơ Lê Đạt, Trần Dần, Phùng Quán, Hoàng Cầm vì các tác phẩm “có giá trị cao về văn học nghệ thuật, ca ngợi đất nước, nhân dân, góp phần xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc”. Mỗi giải được kèm theo 60 triệu đồng.
Nhà văn Đỗ Chu – thành viên của Hội đồng Giải thưởng chuyên ngành Văn học – được báo trong nước dẫn lời xác nhận Giải thưởng được xem là “lời xin lỗi của anh em đối với các anh”.
Trả lời báo điện tử VietNamNet, nhà thơ Lê Đạt nói: “Đây là cử chỉ đẹp, cho dù là muộn, nhưng muộn còn hơn không.”
Các văn nghệ sĩ có dính đến Nhân Văn- Giai Phẩm đều bị kỷ luật. Mặc dù trên văn bản chỉ ghi khoảng hai, ba năm, nhưng thực tế, đa số bị treo bút, cô lập suốt 30 năm cho đến ngày Việt Nam tiến hành Đổi Mới năm 1986, theo tài liệu phổ biến.
XÂM LĂNG MIỀN NAM
Tiếp theo lịch sử cũng cần minh bạch tại sao miền Bắc (Việt Nam Dân Chủ Cộng hòa) đã gửi quân xâm lăng Việt Nam Cộng hòa để gây ra cuộc nội chiến đẫm máu từ 1954 đến 1975? Những người viết sử cũng cần soi mặt vào gương trước khi viết về vai trò của Quân đội Mỹ và các nước đồng minh khác tham chiến bên cạnh Quân đội Việt Nam Cộng hòa. Đội quân ngoại quốc này có “chiếm đóng lãnh thổ” Việt Nam không? Và người dân miền Nam có bao giờ là nộ lệ hay bị họ bóc lột như tuyên truyền bịa đặt và vô căn cứ của miền Bắc? Và liệu nhân dân miền Nam có cần ai “giải phóng” không, hay chính nhân dân miền Bắc, trong hoàn cảnh kinh tế- xã hội thời bấy giờ, mới cần được “giai phóng” để được sống làm người tử tế?
Ngoài ra, trong cuộc chiến do miền Bắc chủ đạo này, đã xẩy ra vụ thảm sát trên 5,000 người dân vô tội ở mặt trận Huế- Thừa Thiên trong cuộtc tấn công Tết Mậu Thân năm 1968. Nhiều nhân chứng xác nhận có bàn tay của lính Cộng sản miền Bắc và du kích địa phương chủ động.
Thế mà trong Sách “Những sự kiện lịch sử 1945- 1975” của Viện Sử học chỉ viết có mấy dòng: ““Ở Huế ta làm chủ thành phố 25 ngày, thành lập chính quyền cách mạng.”
Trong khi đó, đối với vụ Mỹ Lai, Sách này ghi:
Đế quốc Mỹ gây ra vụ thảm sát lớn ở Sơn Mỹ:
“Tại xã Sơn Mỹ (huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi). Ngày 16- 3- 1968, lính Mỹ thuộc Lữ đoàn 82 mở cuộc hành quân “giết sạch, đốt sách, phá sạch”, giết hại 502 người, hầu hết là người già, phụ nữ và trẻ em. Dư luận trong nước, dư luận thế giới, kể cả dư luận Mỹ đã nghiêm khắc lên án tội ác vô cùng dã man này.”
HOÀNG SA- TRƯỜNG SA

Về cuộc chiến Hoàng Sa giữa Quân đội Việt Nam Cộng hòa và quân Trung Cộng, sách này ghi: “Ngày 19 tháng Một (1974)
Trung Quốc cho hải quân tiến đánh quân ngụy Sài Gòn và chiếm quần đảo Hoàng Sa.
Ngày 20 tháng Một 1974
Trung Quốc cho máy bay ném bom xuống ba đảo Hữu Nhật, Quang Anh và Hoàng Sa, sau đó quân Trung Quốc đánh chiếm phần phía tây của quần đảo Hoàng Sa. Đồng thới, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ra tuyên bố về tình hình quần đảo Hoàng Sa để biện hộ hành động của họ.
Đại diện chính quyền Sài Gòn tại Liên hợp quốc gửi Công hàm thông báo hành động xâm phạm chủ quyền Việt Nam của Trung Quốc tại Hoàng Sa cho Hội đồng Bảo an và Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc. Chính quyền Sài Gởi thông báo tình hình Trường Sa cho các bên ký Định ước Pari và các nước khác trên thế giới.
Ngày 1 tháng Hai –1974:
– Phó trưởng đoàn đại biểu CPCMLTCHMNVN ra tuyên bố ba điểm nhân việc Trung Quốc đánh chiếm phía tây quần đảo Hoàng Sa.
– Qua Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ Hummơ, Mỹ thông báo cho Sài Gòn biết họ không quan tâm đến vấn đề Hoàng Sa.
Cùng ngày, Sài Gòn cho quân tăng cường đến quấn đảo Trường Sa. Trung Quốc cho rằng hành động đó là khiêu khích đối với Trung Quốc.”
Chính phủ miền Bắc (Việt Nam Dân chủ Cộng hòa) khi ấy đã không nói gì về biến cố Hoàng Sa, nơi có 74 Quân nhân VNCH đã hy sinh trong cuộc chiến chống quân xâm lược Trung Cộng.
Sau đó, ngày 14/03/1988 quân Trung Cộng đã đánh chiếm Gạc Ma và 6 bãi, đá trong quần đảo Trường Sa gồm Vành Khăn, Tư Nghĩa, Subi, Gaven, Chữ Thập, và Châu Viên. Có 64 người lính của CSVN giữ đảo bị tử thương trong cuộc giao tranh với quân Trung Cộng.
Vậy mà Viện Sử học Việt Nam đã không ghi dòng nào trong sách “Những sự kiện lịch sử (1945- 1975)”
Liệu những người viết sử của Việt Nam có can đảm giải thích tại sao Đảng và Nhà nước CSVN đã có hành động phản bội xương máu và vong ơn bội nghĩa những người con dân nước Việt đã hy sinh xương máu chống quân xâm lược phương Bắc ở Hoàng sa và Trường Sa?
 ĐI TÙ – THUYỀN NHÂN
Họ (những người viết Sử) cũng cần phải công minh ghi lại những thảm cảnh mà đồng bào miền Nam đã phải gánh chịu đối với những quyết định phá hoại nền kinh tế miền Nam của đảng qua chủ trương đánh Tư sản mại bản năm 1977; đốt sách và tiêu diệt Văn hóa nhân bản của miền Nam; bắt đi tù gọi là “cải tạo” hàng trăm ngàn Quân nhân, Công chức và Trí thức miền Nam khiến cho nhiều gia đình tan nát và nhiều người chết trong tù, kể cả những người nổi tiếng như nguyên Thủ tướng Phan Huy Quát, nguyên Phó Thủ tướng Trần Văn Tuyên, Thi sỹ Vũ Hoàng Chương v.v…
Và khi nói đến nạn thuyền nhân thì lịch sử cũng phải nói cho rõ ai đã gây ra thảm cảnh trên Biển Đông cho những người phải bỏ nước ra đi? Sóng to, gió bão và nạn hải tặc đã làm cho nhiều chục ngàn người mất xác trên Biển Đông chỉ xẩy ra khi họ phải liều chết để làm thuyền nhân tìm đường tị nạn Cộng sản để được tự do.
Cuối cùng, khi viết về Cuộc chiến biên giới chống Tầu Cộng trong giai đoạn 1979- 1989, những Nhà sử học Cộng sản cũng cần minh bạch giữa bạn và thù. Họ không thế lấy cớ “gác lại qúa khứ, hướng tới tương lai” để ngụy biện cho âm mưu “quên đi qúa khứ đau thương” để bảo vệ cho thứ quyền lợi phản quốc của những kẻ Nội Thù lúc nào cũng hô hào “vừa là đồng chí, vừa là anh em” trong tinh thần 16 vàng, 4 tốt: “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” ; Và “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”
Nhưng nếu mãi tới 40 năm sau mà sách Sử của Việt Nam chỉ đẻ được mấy dòng sơ sài về cuộc chiến đã nhuốm máu ngót 50,000 chiến sỹ và đồng bào, không kể khoảng 4,000 người lính còn bị “mất tích” ở chiến trường Vị Xuyên (tỉnh Hà Giang) thì thất đức biết chừng nào?
Hãy đọc nguyên văn:”5h sáng ngày 17/2/1979, 60 vạn quân Trung Quốc đồng loạt vượt biên giới kéo dài 1.400 km tiến vào 6 tỉnh của Việt Nam gồm Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Tuyên (Hà Giang, Tuyên Quang), Hoàng Liên Sơn (Lào Cai và Yên Bái), Lai Châu, điều động 9 quân đoàn chủ lực; 2.559 khẩu pháo, 500 xe tăng và xe thiết giáp tiến sâu vào đất Lạng Sơn, Lai Châu 10 – 15km, vào Cao Bằng 40 – 50km.
Quân dân Việt Nam đã kiên cường chiến đấu bảo vệ lãnh thổ Tổ quốc, loại khỏi vòng chiến đấu 62.500 địch, tiêu diệt và đánh thiệt hại nặng 3 trung đoàn, 18 tiểu đoàn, bắn cháy và phá hủy 550 xe quân sự trong đó có 280 xe tăng, xe bọc thép, phá hủy 115 khẩu pháo và súng cối hạng nặng, thu nhiều vũ khí, bắt nhiều tên xâm phạm lãnh thổ Việt Nam”.
(Trích Lịch sử Việt Nam, tập 14, trang 355)
Đó là lý do mà Gíao sư Sử học Phạm Hồng Tung hiện đang giảng dạy tại Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG Hà Nội) đã phát biểu: “Thanh niên, học sinh Việt Nam cứ đến ngày 7/5 lại nghe thấy những bài hát về Điện Biên Phủ, tuyên truyền về kháng chiến chống Pháp; cứ đến ngày 30/4 lại nghe tuyên truyền rất nhiều về kháng chiến chống Mỹ,… Nhưng những người đã hi sinh trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở vùng biên giới phía Bắc và phía Tây Nam (biên giới Việt Nam- Campuchia) lại rất ít được nhắc đến.
Ông Tung, người Chủ biên chương trình Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông tổng thể nói: “Trong nhà trường, việc giáo dục về nội dung lịch sử này lại cũng sơ sài –cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở vùng biên giới phía Bắc năm 1979 chỉ được đề cập đến với 4 câu, 11 dòng tại sách giáo khoa Lịch sử lớp 12.
Trong khi chúng ta nghĩ rằng vì mục đích hòa bình, hữu nghị hợp tác nên “gạt quá khứ” sang một bên, có phần e dè khi nhắc đến quá khứ. Nhưng ở phía bên kia biên giới, thanh niên Trung Quốc vẫn đang được dạy một chiều về sự kiện đã diễn ra, rằng đó là “cuộc chiến tranh phản kích chống Việt Nam để tự vệ” (phản Việt phòng vệ chiến tranh) nhằm trừng phạt “tiểu bá” Việt Nam vong ân bội nghĩa, tay sai của Liên Xô.
Nhà giáo này kết luận:”Chính sự khác nhau trong nhận thức và trình bày lịch sử này đã trở thành một trong những ngọn nguồn của những định kiến mang nặng tính chất kỳ thị và thù địch, nếu gặp những điều kiện thuận lợi, sẽ bùng phát thành hận thù và xung đột. Điều này thật sự nguy hiểm.” (Báo VietNamNet, 13/02/2019)
Nhưng những người viết Sử và dạy Sử của nhà nước CSVN cũng cần biết rằng, nếu chẳng bao giờ giới trẻ Việt Nam hiểu được tại sao chiến tranh giữa người Việt với nhau đã kết thúc 44 năm mà lòng người vẫn ly tán; hoặc tại sao miền Bắc lại đi xâm lược miền Nam để gây ra cuộc chiến huynh đệ tương tàn thì lịch sử nào cũng chỉ có mùi Ngụy sử.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét