Dự trữ bắt buộc có phải thuốc chữa cho ngành ngân hàng Việt Nam?
Thanh Trúc, RFA
2019-02-22
2019-02-22
Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam đang lấy ý kiến về dự thảo thông tư với qui định dự trữ bắt buộc của các tổ chức tín dụng trong nước và các chi nhanh ngân hàng nước ngoài được giảm 50% tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tất cả các loại tiền gởi theo phương án phục hồi đã được phê duyệt.
Trang mạng BizLive của Việt Nam khi đăng tải tin này đã dẫn lời chuyên gia trong nước là cần có qui định rõ ràng về việc giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc thì các Ngân Hàng có được hưởng thêm nhiều ưu đãi khác không.
Khái niệm dự trữ bắt buộc được chuyên gia kinh tế tài chính Bùi Kiến Thành giải thích như sau:
Ngân Hàng Thương Mại được mở những tài khoản của những người có tiền đem tới gởi rồi dùng tiền đó để cho vay . Ví dụ một khách hàng gởi vào một trăm triệu thì Nhà Nước qui định trên một trăm triệu đó Ngân Hàng phải giữ lại một dự trữ bắt buộc 9% để bảo đảm không thiếu tiền cho vay và khi gặp sự cố gì thì bị mất khả năng thanh toán. Như vậy, không thể cho vay 100% tiền người ta gởi mà phải có dự trữ bắt buộc là bao nhiêu phần trăm trên số tiền gởi đó theo từng thời điểm.
Ví dụ khi trước dự trữ bắt buộc là 10% bây giờ còn 5% thì ngân hàng thêm được 5% nữa để cho vay, như vậy thị trường tài chính sẽ có nhiều cung ứng hơn và ngân hàng có khả năng cho vay nhiều hơn trước. Đó là cách Ngân Hàng Nhà Nước tạo cho Ngân Hàng Thương Mại khả năng tăng nguồn tín dụng của mình lên.
Kinh tế gia trưởng Ngân Hàng Đầu Tư & Phát Triển Việt Nam (BIDV), tiến sĩ Cấn Văn Lực, cho biết Thông Tư mới về dự trữ bắt buộc nhằm triển khai Luật của các tổ chức tín dụng năm 2017 mà đã có hiệu lực từ đầu 2018.
Làm sao quản lý được việc cho vay tín dụng mà không tạo ra quá nhiều nợ khó đòi hoặc nợ xấu mới là quan trọng, còn dự trữ bắt buộc 5% hay 10% vân vân…thì chỉ ảnh hưởng tới mức nào đó. - Chuyên gia Bùi Kiến Thành
Theo chuyên gia kinh tế tài chính Bùi Kiến Thành, khi có quyết định rút dự trữ bắt buộc xuống 50% từ mức cũ thì khả năng cho vay của ngân hàng sẽ tăng lên:
Ví dụ khi trước dự trữ bắt buộc là 10% bây giờ còn 5% thì ngân hàng thêm được 5% nữa để cho vay, như vậy thị trường tài chính sẽ có nhiều cung ứng hơn và ngân hàng có khả năng cho vay nhiều hơn trước. Đó là cách Ngân Hàng Nhà Nước tạo cho Ngân Hàng Thương Mại khả năng tăng nguồn tín dụng của mình lên.
Hiện tại tỷ lệ dự trữ bắt buộc ở Việt Nam là 3%, được coi là tương đối thấp, tiến sĩ Cấn Văn Lực nói, vì thế nếu có giảm xuống một nửa cũng không phải là quá lớn. Dự trữ bắt buộc có mục đích bảo đảm an toàn cho hệ thống, là cách Ngân Hàng Nhà Nước giúp cho các Ngân Hàng Thương Mại có thêm thanh khoản.
Cần hiểu dự định giảm 50% tỷ lệ dự trữ bắt buộc không áp dụng cho tất cả mà chỉ với một số Ngân Hàng đã giúp Ngân Hàng Nhà Nước trong việc hỗ trợ các tổ chức tín dụng yếu kém khác, là khẳng định của chuyên gia tài chính và ngân hàng, tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu:
Chỉ một số thôi trong đó chẳng hạn như VietcomBank đang hổ trợ Ngân Hàng Xây Dựng, VietinBank đang hổ trợ Ngân Hàng Đại Dương và BIDV đang hổ trợ một ngân hàng khác. Bên cạnh đó thì tất cả những ngân hàng khác đều phải giữ cái tỷ lệ bắt buộc khởi đầu tức là 3% cho những vốn huy động ngắn hạn.
Điểm tích cực là những ngân hàng được hưởng chế độ đó thì chi phí vốn huy động sẽ giảm, tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu trình bày tiếp:
Thí dụ một ngân hàng huy động vốn vào 100 đồng, nếu mức dự trữ bắt buộc là 3% thì họ phải giữ lại 3Đồng và chỉ có thể sử dụng 97 đồng để cho vay ra. Còn bây giờ nếu tỷ lệ dự trữ bắt buộc giảm từ 3% xuống 1,5% thì họ chỉ cần phải giữ 1,5Đồng tại tài khoản với Ngân Hàng Nhà Nước và họ có thể sử dụng 98,5 đồng để cho vay ra.Có nghĩa rằng họ có nhiều tiền cho vay hơn, chính vì thế mà chi phí vốn huy động giảm. Chi phí vốn huy động giảm tác động tích cực đến thanh khoản và khả năng sinh lời, dĩ nhiên là có lợi cho ngân hàng đó.
Mặt tiêu cực của vấn đề, nếu có, cũng là điều cần phải nghĩ đến, là phân tích của tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu:
Tiêu cực thì tôi nghĩ rằng nó sẽ tạo sự phân hóa trong ngành ngân hàng,tạo ra một sân chơi không bình đẳng. Những ngân hàng được hưởng tỷ lệ dự trữ bắt buộc giảm sẽ có nhiều tiền cho vay hơn và sẽ tác đợng đến khả năng sinh lời của họ. Trong khi đó những ngân hàng còn lại phải giữ nguyên cái 3% tỷ lệ dự trữ bắt buộc sẽ cảm thấy là không công bằng.
Thành ra bên cạnh cái điểm mang tính tiêu cực thì nó lại cũng là điểm tích cực, là các ngân hàng đầu tàu đó có thể kéo được cái mặt bằng lãi suất xuống và đến cuối cùng nó tạo điều thuận lợi cho tất cả các doanh nghiệp và tất cả người dân đi vay nếu mặt bang lãi suất được hạ.
Đối với kinh tế gia trưởng tập đoàn tài chính BIDV, đây cũng là một trong những cách thúc đẩy, đồng thời tạo thêm điều kiện để các tổ chức tín dụng tham gia vào việc hỗ trợ tái cơ cấu các đơn vị yếu kém khác.
Chuyên gia kinh tế tài chính Bùi Kiến Thành thì cho rằng làm sao quản lý được việc cho vay tín dụng mà không tạo ra quá nhiều nợ khó đòi hoặc nợ xấu mới là quan trọng, còn dự trữ bắt buộc 5% hay 10% vân vân…thì chỉ ảnh hưởng tới mức nào đó, nghĩa là thêm một phần thanh khoản cho ngân hàng chứ thực sự không phải là điều quan trọng nhất. Theo ông thực tế còn rất nhiều việc mà Ngân Hàng Nhà Nước cần phải thực hiện và dự trữ bắt buộc chỉ là một trong những tiêu chí điều chỉnh hay sửa đổi.
Việc giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc để cho các ngân hàng có nhiều tiền cho vay hơn nó không đồng nghĩa với chuyện họ sẽ mạnh tay cho vay một cách bừa bãi và phạm luật như trước. - TS. Nguyễn Trí Hiếu
Câu hỏi được nhiều người nêu ra ở đây là việc giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc này có tạo tiền đề cho những sai phạm lập lại hay không, có tạo điều kiện để các ngân hàng rộng tay cho vay một cách bừa bãi như trước kia hay không. Bên cạnh đó, một quan ngại khác liên quan đến những biện pháp điều chỉnh, cải tổ hoặc tái cơ cấu từ đó nẩy sinh quá nhiều tai tiếng với những khối nợ xấu và những đại án làm rung động ngành Ngân Hàng của Việt Nam 20 năm nay, rồi đến lúc này quyết định giảm 50% tỷ lệ dự trữ bắt buộc liệu có kéo thêm những tiêu cực khác, chuyên gia tài chính và ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu trả lời:
Trong những năm vừa qua sau những vụ đại án của các ngân hàng trong vấn đề cho vay, tất cả những sai phạm đó là lời cảnh giác rất mạnh mẽ. Hàng trăm cán bộ ngân hàng từ lãnh đạo cho đến cấp dưới bị đưa ra tòa, có người bị tử hình, có người chung thân, người 30 năm, người 20 năm, 10 năm, 5 năm, 1 năm, 6 tháng có, 3 tháng có và tù treo có. Đây là một kinh nghiệm nhãn tiền, nhất là các ngân hàng gọi là sân sau của các đại gia. Tôi nghĩ việc giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc để cho các ngân hàng có nhiều tiền cho vay hơn nó không đồng nghĩa với chuyện họ sẽ mạnh tay cho vay một cách bừa bãi và phạm luật như trước.
Lấy lại niềm tin sau những sự cố làm rung động ngành Ngân Hàng, cải tổ toàn diện, thể hiện sự minh bạch, chỉnh đốn lại hàng ngũ lãnh đạo ngành Ngân Hàng, tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh, là những việc làm cấp bách.
Chuyên gia tài chính và ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu còn cho biết ngoài Thông Tư giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc sắp được áp dụng, năm nay sẽ có thêm Thông Tư 13 nhắm đến việc chấn chỉnh nội bộ ngành Ngân Hàng để tăng cường khả năng quản trị rủi ro, các Ngân Hàng Thương Mại sẽ được kiểm soát một cách chặt chẽ và chuyên nghiệp hơn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét