Bình luận của tôi về kết quả phiên toà sơ thẩm xử bác sỹ Hoàng Công Lương
31-1-2019
Nhiều bạn đề nghị tôi cho ý kiến về việc toà án thành phố Hoà Bình, tỉnh Hoà bình xét xử bác sỹ Hoàng Công Lương và nhiều người khác với bản án đã tuyên chiều hôm qua 30/1/2019. Tôi, với tư cách luật sư cho một bị cáo (Bùi Mạnh Quốc, thợ sửa hệ thống lọc nước RO tại thời đểm xảy ra thảm hoạ y khoa này) tại phiên toà sơ thẩm đợt 1 (vào các tháng 5, 6 năm 2018) khó có thể đưa ra bình luận khách quan. Rất may, một luật sư trẻ đã nhận bào chữa miễn phí cho bị cáo Quốc, giải phóng cho tôi khỏi mấy tuần làm việc ở Hoà bình trong phiên toà sơ thẩm đợt 2 vừa qua.
54 tháng tù giam đối với Quốc, không phải là kết quả tệ, nhưng theo tôi (như đã trình bày chi tiết tại phiên toà trước đó), Quốc có thể nhận án nhẹ hơn nữa. Nhưng với quy định mới của Bộ Luật Hình sự 2015/2017, và do Quốc không bị tuyên bồi thường cho nạn nhân, nên Quốc chỉ thụ hình 1/2 mức án, tức thêm 7 tháng nữa.
Cho dù có thể chưa khách quan, tôi xin có những ý kiến sau:
1/ Việc các cơ quan pháp luật tỉnh Hoà bình chọn Toà án thành phố trực thuộc tỉnh để ra xét xử sơ thẩm vụ án này là có “ý đồ”, trong khi điều tra, truy tố do cấp tỉnh thực hiện và vụ án khá phức tạp, lẽ ra nên để cấp tỉnh xử. Nhưng nếu cấp tỉnh xử sơ thẩm, phúc thẩm sẽ lên Toà án cấp cao (tại Hà nội), thẩm quyền “vuột khỏi kiếm soát” của tỉnh.
2/ So với mức án Viện kiểm sát đề nghị, có vẻ Toà án đã ưu ái các sếp của bác sỹ Lương và những người khác so với chính Lương và Quốc. Đặc biệt nghiệt ngã hơn ở giai đoạn 1, khi Viện kiểm sát đề nghị Lương 30-36 tháng, cho hưởng án treo. Nhưng có vẻ các cơ quan pháp luật tỉnh Hoà bình muốn “nghiêm khắc “ với bác sỹ Lương vì bác sỹ Lương kiên quyết kêu oan để gián tiếp “dằn mặt” dàn luật sư “hùng hậu” được sự ủng hộ của đa số cư dân mạng!
3/ Cá nhân tôi cho rằng trách nhiệm lớn nhất trong vụ án này chính là Bộ Y Tế, cụ thể là Cục khám chữa bệnh, bệnh viên Đa khoa Hoà bình và Đối tác Thiên Sơn. Lý do mặc dù kỹ thuật lọc thận nhân tạo đã áp dụng hàng chục năm nay ở Việt nam, và mở rộng ở nhiều địa phương, nhưng Bộ Y tế vẫn chưa ban hành Quy trình kỹ thuật này (bao gồm cả quy trình vận hành, bảo dưỡng, kết nối hệ thống lọc nước RO) hay ít ra khuyến cáo các bệnh viện khi mở dịch vụ y tế này phải áp dụng các quy trình kỹ thuật của các bệnh viện tuyến trên (như bệnh viện Bạch mai).
Vì lợi nhuận (nhưng lấy danh nghĩa phục vụ người bệnh), một số bệnh viện địa phương hợp tác với những công ty kinh doanh trang thiết bị y tế mở dịch vụ này, không quan tâm đến việc quy định hay áp dụng quy trình kỹ thuật lọc thận, gây bát nháo, cẩu thả trong lĩnh vực dịch vụ này.
Tiền chảy vào túi ai, ai cũng hiểu, còn tính mạng bệnh nhân như thế nào, họ để mặc cho sự “may rủi”. Mãi đến khi trước khi mở phiên toà sơ thầm đợt 1 (tháng 4/2018), Bộ Y tế mới ban hành tài liệu hướng dẫn quy trình kỹ thuật lọc thận (mà theo nhiều chuyên gia là sao chép từ quy trình của bệnh viện Bạch Mai).
Vì vậy, theo tôi những vị đứng đầu Cục khám chữa bệnh- Bộ Y tế, Bệnh viên Đa khoa Hoả Bình và công ty đối tác (Thiên sơn) phải chịu trách nhiệm lớn nhất trong sự cố (đúng ra là thảm hoạ) y khoa khiến 9 người chết và 9 người khác bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Hoàng Công Lương chỉ là nạn nhân và “người bị đếm đến lượt là tù nhân” của hệ thống y tế cẩu thả (ít nhất trong lĩnh vực lọc thận nhân tạo) tại Việt nam.
4/ Để giải oan (hay ít ra giảm nhẹ tối đa) cho bác sỹ Lương, một trí thức người dân tộc thiểu số, chăm chỉ, rất chân thành nhưng bản lĩnh, dù cũng yếu ớt (như những trí thức khác), theo tôi giới bác sỹ Việt Nam phải đoàn kết đấu tranh mãnh liệt, dưới nhiều hình thức. Cuộc đấu tranh này không chỉ cho cá nhân bác sỹ Lương, mà cho chính giới bác sỹ và cho chính những bệnh nhân. Vì nếu đây là án lệ, giới bác sỹ sẽ quá e dè, thận trọng dẫn đến tốt nhất không làm gì “rủi ro” cho mình, khiến chính bệnh nhân phải chịu hậu quả do sự “cẩn thận quá mức” đến mức “co cụm” của giới bác sỹ.
5/ Mặc dầu vậy, cần ghi nhận những cố gắng của Viện kiểm sát và Toà án, khi họ đồng ý chấp nhận yêu cầu cùa các luật sư, đưa những chuyên gia y tế hàng đầu Việt nam giải thích về chuyên môn, thực chất là “làm chứng về kỹ thuật”. Họ cũng tạo điều kiện để các luật sư, bị cáo và người tham gia tố tụng khác tranh luận hết lẽ, ngay kiểm sát viên cũng tích cực đáp lại các lý lẽ của các luật sư, chứ không né tránh như trong nhiều phiên toà “đình đám”. Đáng tiếc, những thẩm phán và kiểm sát viên này cũng chỉ là những mắt xích trong hệ thống tư pháp địa phương, nên kết quả phiên toà tuy gây bức xúc, phẫn nộ trong dư luận, nhưng cũng trong dự đoán của những người am hiểu.
6/ Việc toà án cấp sơ thẩm quyết định khởi tố vụ án “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” đối với bác sỹ Hoàng Công Tình, chú ruột của bác sỹ Lương theo tôi là vết đen lớn nhất của phiên toà này. Một người đấu tranh không mệt mỏi cho đồng nghiệp và cũng là cháu ruột không chỉ bị “răn đe” nữa, mà sắp phải lĩnh hậu quả “đấu tranh tránh đâu” một cách thiếu công bằng, có dấu hiệu “trù dập”. Vì vụ án đã kéo dài nhiều năm, trả đi trả lại hồ sơ nhiều lần, từng tình tiết được lật đi lật lại, sao cớ gì hôm qua mới quyết định khởi tố đối với bác sỹ Tình?
Phiên toà phúc thẩm còn ở phía trước, nhận định của bản án sơ thầm thực ra khá mâu thuẫn và dễ bị bác bỏ (đối với phần kết tội bác sỹ Lương). Nên bác sỹ Lương vẫn có cơ hội, nhưng có lẽ các đồng nghiệp của tôi phải thay đổi chiến thuật “bào chữa” và các đồng nghiệp của bác sỹ Lương cần tiếp tục đoàn kết hơn nữa để hỗ trợ bác sỹ Lương.
____
Một số hình ảnh trên mạng:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét