Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Sáu, 22 tháng 2, 2019

Bài học Việt Nam cho Bắc Hàn không chỉ có kinh nghiệm tốt

Bài học Việt Nam cho Bắc Hàn không chỉ có kinh nghiệm tốt

RFA
2019-02-20
Email
Ý kiến của Bạn
Share
Hình minh  họa. Tấm biển báo Thượng đỉnh Bắc Hàn - Hoa Kỳ ở Hà Nội tháng 2/2019
Hình minh họa. Tấm biển báo Thượng đỉnh Bắc Hàn - Hoa Kỳ ở Hà Nội tháng 2/2019
AFP
Chủ tịch Bắc Hàn Kim Jong Un sẽ đến Hà Nội vào ngày 25/2 tới đây trong một chuyến thăm được nói là kết hợp Thượng đỉnh Mỹ Bắc Hàn với việc học hỏi mô hình đổi mới kinh tế của Việt Nam. Lý do để Bắc Hàn học hỏi Việt Nam vì hai nước có nhiều điểm tương đồng trong quá trình đổi mới và theo một số chuyên gia quốc tế, bài học kinh nghiệm từ Việt Nam sẽ không chỉ bao gồm các kinh nghiệm tốt mà cả những thất bại mà Bắc Hàn cần tránh.
Nói về những tương đồng giữa hai nước Việt Nam và Bắc Hàn, ông Keith Luse, Giám đốc điều hành của Ủy ban Quốc gia về Bắc Hàn tại Mỹ nhận định:
Đầu tiên là cả hai nước trước kia đều là kẻ thù của Mỹ. Tương đồng thứ hai là trong những năm gần đây, Bắc Hàn đã theo dõi những thay đổi kinh tế ở VN từ một nền kinh tế tập trung sang một nền kinh thế theo hướng thị trường hơn. Thứ ba là, cũng giống như Việt Nam, Bắc Hàn đang phát triển tầng lớp những nhà doanh nghiệp. Trên thực tế Choson Exchange, một tổ chức phi chính phủ tại Singapore đã đào tạo công dân Bắc Hàn để trở thành các nhà doanh nghiệp. Một số các đào tạo diễn ra tại Bắc Hàn, một số tại Việt Nam và Singapore. Cuối cùng, cả Bắc Hàn và Việt Nam đều có cùng một thách thức là cả hai nước đều cố cân bằng quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc.”
Việt Nam đã có một thời gian dài coi Mỹ là kẻ thù số một nhưng mọi thứ đã thay đổi kể từ những năm cuối thập niên 80 đầu 90 khi khối Đông Âu sụp đổ và Việt Nam mất chỗ dựa về kinh tế chính là Liên Xô. Đảng Cộng sản Việt Nam trong một nghị quyết được đưa ra vào năm 1988 đã không còn coi Mỹ và Trung Quốc là kẻ thù và muốn mở rộng quan hệ với các nước.
Kể từ sau khi đổi mới đánh dấu từ đại hội đảng năm 1986 đến nay, kinh tế Việt Nam đã có những bước tiến mạnh với GDP tăng khoảng hơn 34 lần từ mức 6,3 tỷ đô la vào năm 1989 trước khi Mỹ bỏ cấm vận lên đến 216 tỷ đô la vào năm 2017, theo con số thống kê được giới chức Việt Nam đưa ra tại hội nghị các giám đốc tài chính hồi năm ngoái.
Bắc Hàn đã vài lần nói đến việc học hỏi mô hình Việt Nam để đổi mới và trong khoảng 2 năm trở lại đây đã có những bước đi nhằm ‘làm lành’ với Mỹ và Nam Hàn, thể hiện qua Thượng đỉnh lần 1 ở Singapore vào tháng 6 năm ngoái và sắp tới đây từ ngày 27 đến 28/2 tại Hà Nội.
Trong chuyến thăm tới Việt Nam sắp tới, theo Reuters, Chủ tịch Bắc Hàn sẽ đi thăm các khu công nghiệp của Việt Nam ở phía Bắc, nơi được cho là những thành công giúp Việt Nam thu hút vốn đầu tư nước ngoài trong các năm qua.

Nhân quyền và nỗi lo của Đảng cộng sản

Tuy nhiên, đi cùng với đổi mới, cả Việt Nam và Bắc Hàn chắc chắn sẽ gặp những thách thức không nhỏ có thể cản trở sự phát triển kinh tế.
Ông Bradley Babson, giáo sư thuộc trường đại học Bowdoin, Mỹ, chuyên gia về kinh tế Bắc Hàn và Việt Nam cho biết:
Câu chuyện Việt Nam là một ví dụ tốt nhưng gần đây có nhiều quan ngại về việc đảng cộng sản tìm cách hạn chế các quyền tự do của người dân. Theo tôi một trong những thách thức chính cho cả Bắc Hàn và Việt Nam là làm thế nào để duy trì được động lực xã hội của nền kinh tế phát triển dựa trên các hoạt động thị trường vốn phụ thuộc rất nhiều vào các sang kiến và sang tạo của tư nhân
Hình minh họa. Người dân xuống đường phản đối luật đặc khu và an ninh mạng ở thành phố Hồ Chí Minh hôm 10/6/2018
Hình minh họa. Người dân xuống đường phản đối luật đặc khu và an ninh mạng ở thành phố Hồ Chí Minh hôm 10/6/2018 AFP
Theo giáo sư Babson, Bắc Hàn vẫn còn ở rất xa so với Việt Nam và Trung Quốc trong việc phát triển xã hội dân sự nhưng với việc đổi mới kinh tế, không sớm thì muộn, Bắc Hàn sẽ gặp phải thách thức này.
Ông Frank Januzzi, Chủ tịch Quỹ Mike Mansfield tại Mỹ và là người đã có kinh nghiệm trong quá trình bình thường hóa quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ những năm đầu 90 nhận xét:
“Tôi nghĩ họ (Bắc Hàn) nên tránh mắc một trong những sai lầm mà Việt Nam đã mắc phải trong một thời gian dài và bây giờ vẫn còn đó là coi nhân quyền như một mối nguy. Đảng Cộng sản Việt Nam luôn coi nhân quyền là mối nguy hiểm cho chế độ
Theo ông Januzzi, có một thời gian Việt Nam dường như đã nhận thấy việc đàn áp nhân quyền sẽ cản trở kinh tế và tình hình dường như đã cải thiện hơn một chút nhưng sau đó lại tiếp tục xuống dốc.
Theo báo cáo mới đây của Human Right Watch, tình hình nhân quyền Việt Nam trong năm 2018 đã trở nên tồi tệ hơn với việc chính quyền kết án tù những blogger, những người bất đồng chính kiến nhiều năm hơn, đồng thời thông qua luật An ninh mạng được cho là góp phần bóp nghẹt thêm tự do internet và quyền tự do bày tỏ ý kiến của người dân.
Nên nhớ là để thành công trong nền kinh tế hiện đại bạn cần những công nhân của bạn được tiếp cận với thông tin, bạn không thể dùng bức tường lửa khổng lồ và là một nền kinh tế có hạng ở thế giới”, ông Januzzi nói tiếp.
Ông Januzzi cho rằng nếu Bắc Hàn muốn thành công trong đổi mới kinh tế thì vấn đề tôn trọng nhân quyền vẫn là điều cần thiết.
Theo Human Right Watch, hiện Bắc Hàn vẫn là quốc gia có hồ sơ nhân quyền tồi tệ nhất thế giới.

Thống nhất Nam Bắc Triều Tiên

Ngoài vấn đề về nhân quyền, một điểm gần giống nhau giữa Bắc Hàn và Việt Nam khác chính là việc cả hai nước bị chia hai miền. Triều Tiên hiện vẫn là hai quốc gia Nam Bắc trong khi Việt Nam đã thống nhất kể từ sau khi cuộc chiến Việt Nam kết thúc vào năm 1975.
Bắc Hàn để củng cố an ninh chế độ và bảo vệ lãnh thổ của mình đã phát triển chương trình hạt nhân và tên lửa được cho là gai góc trong đàm phán bình thường hóa quan hệ với Mỹ.
Tôi không nghĩ Hoa Kỳ sẽ có bình thường hóa toàn bộ với Bắc Hàn trong trường hợp Bắc Hàn vẫn có vũ khí hạt nhân. Mỹ có thể đưa ra một số bước tiến, căng thẳng có thể giảm bớt nhưng tôi không nghĩ Hoa Kỳ có bao giờ chấp nhận một Bắc Hàn có vũ khí hạt nhân”, ông Frank Januzzi thuộc Quỹ Mike Mansfield nhận định.
Theo ông Lê Hồng Hiệp, nghiên cứu viên chính thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore, bế tắc này cũng tương đồng như việc Việt Nam đưa quân vào Campuchia trước đây:
“Việt Nam muốn mở cửa đổi mới và muốn có quan hệ với Mỹ thì một điều tiên quyết là Việt Nam phải giải quyết được vấn đề Campuchia và cuối cùng nó diễn ra vào năm 1991 và sau đấy Việt Nam mới đạt được bước đi nhảy vọt về kinh tế và phát triển về ngoại giao. Đối với trường hợp Bắc Triều Tiên thì nếu họ không giải quyết được thành công vấn đề hạt nhân và tên lửa thì họ sẽ không thể mở cửa đổi mới thành công, cũng như không thể cải thiện quan hệ với Mỹ và phương Tây một cách thành công.”
Để cải thiện quan hệ với Mỹ, Việt Nam đã phải rút toàn bộ quân khỏi Campuchia vào năm 1989 sau 10 năm đóng quân tại nước láng giềng. Đến năm 1991, Hoa Kỳ bình thường hóa quan hệ với Việt Nam.
Hình minh họa. Người thăm quan đi qua một chứng tích tên lửa của Bắc và Nam hàn tại Seoul hôm 10/6/2018
Hình minh họa. Người thăm quan đi qua một chứng tích tên lửa của Bắc và Nam hàn tại Seoul hôm 10/6/2018 AFP
Tuy nhiên, vấn đề Bắc Hàn còn ở chỗ liệu Bắc và Nam Hàn có thống nhất hay không? Vấn đề đổi mới kinh tế này có giúp ích gì cho việc thống nhất hay không?
Trong khi Bắc Việt Nam dùng vũ lực để thống nhất với Nam Việt Nam, điều này dường như là không tưởng đối với nhiều người. Giáo sư Bradley Babson nói:
Tôi không nghĩ kinh nghiệm của Việt Nam giúp ích gì được cho Bắc hàn trong việc họ đàm phán thỏa thuận hòa bình vì các nước liên quan khác nhau. Và thật khó tưởng tượng nổi một nước nào đó sẽ lấy một nước khác trong bất kỳ khoảng thời gian nào.”
Theo giáo sư Babson, câu hỏi đối với Bắc Hàn chính là mối quan hệ chính thức mà Bắc và Nam Hàn sẽ có với nhau và hai nước sẽ nhận được sự ủng hộ của Trung Quốc và Mỹ thế nào.
Theo một số chuyên gia quốc tế, ông Kim Jong Un còn rất trẻ và chắc chắn là ông sẽ muốn nắm quyền 20 hay 30 năm nữa, thậm chí còn lâu hơn.
Chuyên gia Lê Hông Hiệp từ Singapore cho rằng quyết định theo đuổi đổi mới của Chủ tịch Kim Jong Un cũng không ngoài mong muốn củng cố quyền lực của mình.
Cải cách kinh tế vừa tạo ra sự phát triển cho đất nước vừa có thể giúp đảng cầm quyền duy trì được tính chính danh của mình, nhận được sự chấp nhận lớn hơn của người dân trong nước và quốc tế”, chuyên gia Lê Hồng Hiệp nói.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét