ASEAN-Trung Quốc họp về COC cuối Tháng Hai
February 19, 2019
Bộ trưởng Quốc phòng 10 nước ASEAN chụp hình chung với các đối tác khu vực tại cuộc họp ở Singapore ngày 20/10/2018. (Hình: ROSLAN RAHMAN/AFP/Getty Images)
SINGAPORE (NV) – Mười nước ASEAN và Trung Quốc sẽ tiếp tục thảo luận về Bộ Quy Tắc Ứng Xử Trên Biển (COC) khi các bộ trưởng Quốc Phòng và các đối tác khu vực họp cuối Tháng Hai.
Bộ trưởng Quốc Phòng Singapore là Ng Eng Hen nói với báo chí như vậy tại Munich, Đức Quốc, khi ông đến tham dự Hội nghị An ninh Thế giới hôm 16 Tháng Hai, 2019. Trên trang mạng của tổ chức ASEAN, người ta thấy ghi trên lịch họp 4 ngày từ ngày 26 Tháng Hai, 2019 đến ngày 1 Tháng Ba, 2019 có hai cuộc họp gồm một cuộc họp “Các viên chức quốc phòng cấp cao ASEAN” họp riêng với nhau tiếp theo là cuộc họp “Các viên chức quốc phòng cấp cao ASEAN họp mở rộng” với các đối tác khu vực.
Năm nay, Thái Lan là nước làm chủ tịch luân phiên ASEAN rồi sang năm sẽ đến Việt Nam. Như vậy, cuộc họp giữa bộ trưởng quốc phòng ASEAN với Trung Quốc sẽ diễn ra tại Bangkok, trong đó một trong những vấn đề chính yếu là cố gắng san lấp các dị biệt để hy vọng có được một bản COC hầu giảm thiểu nguy cơ xung đột võ trang trên Biển Đông.
Hồi Tháng Tám năm ngoái, khi các ngoại trưởng ASEAN và Trung Quốc họp ở Singapore, người ta thấy có những lời loan báo hồ hởi là các bên đã thỏa thuận được một bộ khung duy nhất để dựa trên đó đàm phán vào chi tiết cho bộ COC. Điều này cho thấy sự khó khăn kéo dài hàng chục năm qua đến giờ vẫn chỉ nhích được những bước vừa ngắn vừa rất chậm chạp.
Hà Nội muốn một bộ COC có tính ràng buộc pháp lý để ngăn chặn Bắc Kinh dùng sức mạnh nước lớn ức hiếp các nước nhỏ phía nam. Bắc Kinh thì phản bác kịch liệt cùng với sự tiếp tay của một số nước bị mua chuộc, đặc biệt là Cam Bốt. Cho nên đến bao giờ mới thỏa thuận được một bộ COC vẫn còn là một dấu hỏi rất lớn.
Năm 2002, ASEAN và Trung Quốc ký với nhau bản Tuyên Bố Ứng Xử (DOC) trong đó các bên cam kết “giữ nguyên trạng” các khu vực tranh chấp trên Biển Đông trong khi đàm phán cho bộ COC.
Việt Nam tuyên bố chủ quyền vùng biển và các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Philippines tuyên bố chủ quyền một phần quần đảo Trường Sa. Malaysia tuyên bố một phần phía Nam quần đảo Trường Sa. Nhưng tham lam ngang ngược nhất là Trung Quốc tuyên bố chủ quyền chiếm hơn 80% Biển Đông, không những nuốt gọn các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nhiều khu vực vạch chủ quyền hình “lưỡi bò” liếm sâu vào các vùng biển chủ quyền của Việt Nam, Philippines.
Bất chấp thỏa hiệp DOC như thế, Tháng Năm, năm 2014, Trung Quốc theo chiến thuật “dương Ðông kích Tây” đưa giàn khoan khổng lồ HD981 xuống vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam phía Nam quần đảo Hoàng Sa tính dò tìm dầu khí. Hà Nội cho các tàu cảnh sát biển cùng với các tàu đánh cá tới ngăn chặn trong khi người dân biểu tình đập phá một số khu công nghệ, đặc biệt là các cơ sở chế biến do Trung Quốc đầu tư sản xuất hàng xuất cảng.
Trong khi dư luận cả Việt Nam sôi sục cũng kéo theo sự chú ý của thế giới thì Bắc Kinh âm thầm đưa các tầu nạo vét lòng biển, bồi đắp bảy bãi đá ngầm mà họ cướp của Việt Nam từ năm 1988 thành bảy đảo nhân tạo khổng lồ tại quần đảo Trường Sa. Bây giờ các đảo nhân tạo này đang là những căn cứ quân sự trang bị tối tân, gồm cả phi đạo cho các máy bay quân sự lớn nhất, các cảng biển, các giàn hỏa tiễn tối tân, radar, truyền thông vệ tinh trong tham vọng Trung Quốc khống chế toàn bộ khu vực Biển Đông.
“Bắc Kinh tin rằng họ trên cơ các nước ở khu vực nên họ tận dụng dịp này bây giờ, hoàn tất việc bồi đắp các đảo nhân tạo, trong khi họ không hề bị phạt gì vì đã ngang nhiên hành động và hơn nữa khi quân sự hóa khu vực sau đó.” Ông Collin Kok, một phân tích gia về an ninh biển tại đại học kỹ thuật Namyang ở Singapore bình luận trên tờ South China Morning Post hồi Tháng Tám năm ngoái sau cuộc họp giữa ASEAN với Trung Quốc. (TN)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét