Việt Nam phản ứng trước lời kêu gọi chống Luật An ninh mạng của 17 nghị sĩ Mỹ
RFA
2018-07-21
2018-07-21
Ngày 20/7, bà Lê Thị Thu Hằng - Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Việt Nam đã trả lời về phản ứng của Việt Nam trước lời kêu gọi của 17 nghị sĩ Mỹ với các giám đốc điều hành của Facebook và Google chống lại Luật An ninh mạng mới được thông qua của Việt Nam.
Theo đó, bà không trả lời trực tiếp vào câu hỏi mà cho rằng:
"Việc thông qua Luật An ninh mạng là nhằm tạo dựng môi trường không gian mạng an toàn, lành mạnh, bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân trên không gian mạng, bảo đảm an ninh quốc gia cũng như trật tự an toàn xã hội."
Bà cho biết thêm: "Đồng thời, việc bảo đảm quyền tự do ngôn luận là chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam, được quy định trong Hiến pháp, pháp luật và được thực hiện đầy đủ trên thực tế.
Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng và tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện các quyền tự do, dân chủ của công dân nhưng cũng kiên quyết đấu tranh với việc lợi dụng các quyền đó để có các hành vi vi phạm pháp luật.”
Trước đó, vào ngày 17/7 Reuters loan tin cho biết 17 nhà lập pháp Mỹ đã ký thư kêu gọi giới chức điều hành cấp cao của 2 công ty Facebook và Google chống lại Luật An ninh mạng mà chính phủ Việt Nam vừa thông qua hôm 12 tháng 6. Những thay đổi được qui định trong luật này bị giới chỉ trích nói là tạo thêm quyền để nhà nước do đảng cộng sản lãnh đạo đàn áp đối lập.
"Nếu chính phủ Việt Nam ép buộc công ty của các bạn hỗ trợ việc cung cấp và kiểm duyệt, thì đây là một vấn đề đáng lo ngại cần phải được nêu ra ở mức cao nhất của ngoại giao. Chúng tôi đề nghị các bạn nên thực thi đúng nhiệm vụ các bạn đã cam kết là thúc đẩy sự cởi mở và kết nối”, lá thư đề ngày 12/7 nêu rõ.
Ngoài ra, vào ngày 17/7, ba Thượng nghị sĩ Mỹ khác đã gửi thư đến quan chức điều hành của Facebook và Google kêu gọi bất tuân luật An ninh mạng của Việt Nam. Thư do ba Thượng nghị sĩ Marco Rubio, Robert Menendez và Ron Wyden cùng ký tên. Các nghị sĩ cho rằng luật mới sẽ cho phép cơ quan chức năng Việt Nam tiếp cận thông tin cá nhân, theo dõi người sử dụng, giới hạn thêm nữa các quyền tự do hạn chế trên mạng ở Việt Nam bao gồm quyền tự do biểu đạt, tự do ngôn luận.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét