Gian lận trong thi cử
24-7-2018
Đọc lại lịch sử, không phải chỉ có thời nay mới có chuyện gian lận trong thi cử. Có thi thì có gian, thời nào cũng thế, vì tình cảm cũng có mà vì tiền bạc cũng có.
Từ Vĩnh Hồi, Vũ Bật Hải, Ngô Sách Dụ nhận tiền để chấm trượt thành đỗ trong Khoa thi Hương 1673. Đến khoa thi 1696, giám thị Ngô Sách Tuân nhận tiền để thí sinh thi đỗ. Ngay đến Lê Quý Đôn, một người rạng danh lịch sử nước Việt cũng mắc vào chuyện gian lận thi cử. Khoa thi 1775, con của Lê Quý Đôn là Lê Quý Kiệt cùng đi thi với bạn là Đinh Thì Trung. Trung từ nhỏ đã là thần đồng, 14 tuổi đỗ hương cống (cử nhân), nức tiếng gần xa. Họ đổi bài thi cho nhau, thế là Lê Quý Kiệt đỗ đầu, Đinh Thì Trung đỗ loại xoàng. Thấy lạ, chúa Trịnh Sâm ra lệnh phúc khảo, thế là lộ. Trung khai việc này do Lê Quý Đôn chủ sự. Kết quả, Lê Quý Kiệt bị giam vào ngục tối, Đinh Thì Trung bị đày biệt xứ vùng biên ải.
Các quan khảo thí Ng. Hữu Nghi, Hoàng Quýnh, Vũ Xuân Cẩn ở khoa thi 1825 xảy ra vụ đánh tráo danh sách trượt thành đỗ.
Cao Bá Quát và Phan Nhạ làm quan chấm sơ khảo khoa thi Hương 1841 thấy một số bài thi tốt nhưng mắc lỗi phạm húy, bèn lấy muội đèn sửa chữa, cũng chẳng vì tiền hay vì mối quan hệ, chẳng qua vì tiếc cho người tài bị mai một.
Thế nhưng, những vụ phạm pháp ấy đều được xử lý nghiêm minh theo luật pháp. Kẻ thì bị đày đi xa, người thì bị giáng chức, cũng có người bị xử giảo như Ngô Sách Tuân, kẻ bị đày biệt xứ, người gian dối cũng có người bị đóng gông 1 tháng, đánh 100 trượng, cũng có kẻ lãnh án tử hình. Chỉ riêng Lê Quý Đôn là được miễn án.
Điều đó cho thấy rằng, trong các triều phong kiến, tuy có gian lận trong thi cử nhưng khi phát hiện đều bị xử đích đáng, đúng người, đúng tội dù nguyên nhân tội lỗi vì tiền, vì quan hệ hay vì tình cảm. Luật nghiêm thế nên chuyện gian lận chỉ dừng lại ở mức độ cá nhân.
Ngày nay, chuyện sửa bài, nâng điểm, và mưu mô hơn nữa là giấu luôn bài gốc, thủ tiêu tang chứng, vật chứng, việc gian lận không dừng lại ở mức độ cá nhân mà trở thành một tổ chức hẳn hoi. Sự vụ vỡ lở, người trong cuộc tìm cách chạy tội, lấp liếm, che giấu dự thật, trốn tránh trách nhiệm.
Người cầm đầu cao nhất loay hoay tìm cách chống đỡ, báo cáo láo, xoá bỏ tội lỗi. Cán bộ lãnh đạo địa phương phân bua chạy tội, lấy tay che bầu trời, hết ra văn thư đến nghị quyết với mục đích che dấu sự thật, đổ vấy cho các thế lực thù địch, bưng bít thông tin. Điều đấy cho thấy các quan thời nay hèn hạ hơn quan xưa, thối nát, thiếu dũng cảm dám nhận lỗi về mình để chấp hành hình phạt.
Điều này cũng cho thấy luật pháp bây giờ với cán bộ, quan chức lỏng lẻo và thiếu nghiêm túc hơn xưa. Còn phân biệt và có ranh giới, cứ lo vỡ bình, cứ sợ rút dây động rừng. Kỷ luật nhiều quá thì mất uy tín của đảng.
Vua tức là người lãnh đạo cao nhất trốn tránh sự thật đang diễn ra, thiếu công bằng trong xử lý, lúng túng khi thi hành luật pháp khiến xã hội nhốn nháo, chẳng còn sự nghiêm minh. Kẻ có tội liên quan vẫn nhởn nhơ dùng đủ mưu ma chước quỷ để giấu tội. Chính những điều đó đã khiến cho xã hội vô thiên, vô pháp.
Xã hội chẳng còn tôn ti trật tự và nhân dân bị tước mất lòng tin. Sự gian dối đã trở thành hệ thống, đã biến thành lẽ sống và nó tồn tại, chế ngự sự phát triển của quốc gia, đưa đất nước đến chỗ bế tắc. Kẻ có tội lại định tội và kỷ luật kẻ phạm tội, luật pháp và công lý đành đầu hàng và tự tử. Sự nhiễu nhương và suy thoái cũng bắt đầu từ đó.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét