Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Năm, 26 tháng 7, 2018

Tại sao Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ không xin lỗi và nhận trách nhiệm về vụ gian lận thi cử tại Hà Giang và Sơn La


Tại sao Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ không xin lỗi và nhận trách nhiệm về vụ gian lận thi cử tại Hà Giang và Sơn La

26-7-2018
Chua xót, bất bình và bất an là cảm giác chung trong những ngày này của tất cả những ai có con cái, của tất cả những ai còn có một trái tim, có lương tâm và có nỗi lo đau đáu trước tương lai và vận mệnh của dân tộc Việt trong một thế giới đầy bất trắc, bất an và đang biến đổi sâu sắc.
Mặc dù không lạ gì trình độ, nhân cách và phong cách của Bộ trưởng Nhạ từ thời ông làm giám đốc Đại học Quốc gia nhưng xem trả lời phỏng vấn trên truyền hình của ông Nhạ thì tôi thấy thất vọng, phẫn nộ và chua xót.
Thi cử là phép nước, đứng trước một bê bối thi cử với “qui mô công nghiệp” không tiền khoáng hậu tại Việt Nam và nhiều nước trong khu vực, ảnh hưởng đến nhiều thí sinh và gia đình, có nguy cơ gây tổn thương và tước đi lòng tin của cả một thế hệ về lẽ công bằng trong thi cử, tước đi cơ hội vào trường đại học mơ ước của nhiều thí sinh tài năng và trung thực, ấy vậy mà trên đài truyền hình quốc gia, khi được hỏi về trách nhiệm của Bộ Giáo dục, ông Nhạ cứ tỉnh bơ, đẩy quả bóng trách nhiệm cho các cán bộ sai phạm như thể ông vô can không có lỗi gì, ông không nói nổi một lời xin lỗi hay nhận trách nhiệm trong khi trên thực tế ông đang gây ảnh hưởng rất xấu đến hình ảnh “chính phủ kiến tạo” của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Ông Nhạ còn mạnh miệng tuyên bố sẽ đưa ra khỏi ngành các cán bộ vi phạm qui chế thi, lẽ nào ông không biết họ phạm luật hình sự thì họ phải đi tù, làm gì còn cơ hội để ông đưa ra khỏi ngành cho có vẻ là ông làm “nghiêm”?
Trước tiên, từ tư cách cá nhân, tôi xin phép chỉ ra cho ông xem ông có lỗi hay không?
Khoan nói đến chuyện trách nhiệm người đứng đầu, để xảy ra bê bối qui mô lớn, đương nhiên ông phải chịu trách nhiệm. Trên tư cách cá nhân theo đúng nghĩa đen, ông Nhạ chính xác là kiến trúc sư trưởng của chủ trương mang kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia nhân rộng ra qui mô toàn quốc và chủ trương lấy đi trách nhiệm phụ trách kỳ thi 2 trong 1 khỏi tay cụm các trường đại học, giao nó vào tay các địa phương.
Trong thời gian làm Giám đốc Đại học quốc gia, ông Nhạ có sáng kiến cùng ban lãnh đạo thử nghiệm kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia. Khoan nói đến điểm mạnh điểm yếu của kỳ thi này, quan điểm mỗi người có thể khác nhau, nhưng điều tôi vẫn còn nhớ khi tham gia họp giao ban và tham gia họp Hội đồng Khoa học đào tạo của trường Nhân văn thời đó là có rất nhiều ý kiến phàn nàn của lãnh đạo khoa, thậm chí cả lãnh đạo các trường thành viên được phản ánh lại trong các cuộc họp. Từ khóa hay được nhắc tới là kỳ thi không đánh giá đúng năng lực, không tuyển được sinh viên, phải hạ thấp chuẩn, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng sinh viên, giảng viên phản ánh nhiều em thi đỗ nhưng không có khả năng theo học,làm bài rất kém.
Bên trường Tự nhiên, GS đầu ngành về Toán cũng lên tiếng công khai về chất lượng sút kém của sinh viên trong thời kỳ Đại học Quốc gia áp dụng kỳ thi đánh giá năng lực. Khi ông Nhạ lên lãnh đạo Bộ, ông đã mang ông Sái Công Hồng và toàn bộ ekip tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia lên giúp ông nhân rộng nó ra phạm vi cả nước. Trách nhiệm này chắc chắn mang dấu ấn cá nhân ông và tập thể phụ trách khảo thí, thiết kế đề thi của Đại học Quốc gia, ông không thể đổ lỗi cho ông Sái Công Hồng hay ai khác về các sự cố với đề thi bị phàn nàn không có tính phân hóa tốt hoặc quá khó, không đánh giá đúng năng lực người học, phải không ạ?
Những năm 2015, 2016 kỳ thi được tổ chức theo cụm các trường Đại học, về cơ bản cách thức tổ chức đảm bảo được sự nghiêm minh. Năm 2017 ông Bộ trưởng giao nó về địa phương, để cho Sở giáo dục địa phương chủ trì và đến năm nay nó gây ra bê bối như mọi người đang chứng kiến. Với qui mô và sự nghiêm trọng, ông không thể cứ khăng khăng ” giao về địa phương là đúng” và không nhận trách nhiệm cá nhân trong việc này đâu ạ. Thật lòng các đồng nghiệp của tôi chắc cũng không màng rước mệt, rước khổ vào thân đâu, nhưng mỡ để miệng mèo, địa phương có phải chịu trách nhiệm về chất lượng học sinh ra sao đâu mà họ phải tự đi làm khó mình? Ông biết hay không biết về nguy cơ gian lận? Nếu biết thì sao ông lại còn làm như vậy, nếu không biết thì ông có xứng đáng là tư lệnh ngành hay không?
Có một câu hỏi tôi không tự trả lời được, ông không có đủ năng lực thấy trách nhiệm của mình hay là ông vô cảm, ông có vấn đề trong trình độ và cách thức nhận thức?
Vốn không chú ý nhiều đến ông lãnh đạo cũ và ông tư lệnh ngành này, càng không có mâu thuẫn cá nhân gì với ông, nhưng tôi chưa hiểu rõ lý do tại sao phát ngôn và hành vi của ông tồn tại những lệch lạc nhất định so với mong ước của đông đảo giáo viên, đông đảo người dân về một chính khách, một thuyền trưởng, một tư lệnh ngành. Đơn cử, ông không lên tiếng bênh vực đồng nghiệp nữ của ông, không bảo vệ cái tôn nghiêm của nhà giáo, trái lại ông còn lớn tiếng cật vấn sao nữ giáo viên không biết từ chối điều động của cấp trên. Ông biến nạn nhân trở thành đối tượng để ông lên tiếng kẻ cả, xúc phạm tư cách của người ta, tôi thật sự không trả lời được câu hỏi vì sao ông mắc lỗi nhầm lẫn đối tượng chỉ trích, không phân biệt được phải trái đúng sai. Khi dư luận trong ngoài nước lên tiếng về nghi án ” đạo văn ” của ông, cho đến nay chưa một lần thấy ông phản hồi lại dư luận. Lẽ nào ông không nhận thức được, đó không chỉ là danh dự của ông mà còn ảnh hưởng đến danh dự của cả ngành giáo dục . Nói thật, tự cá nhân tôi thấy rất nhục và thấy bị xúc phạm khi tư lệnh ngành bị dư luận ném đá đạo văn. Trong thâm tâm tôi mong ông không đạo văn, nhưng ông lên tiếng dư luận mới hiểu rõ được và tiếp tục kính trọng ông chứ ạ.
Là một người làm công tác khoa học đào tạo, mãi không thấy ông trả lời cho công luận, trả lại danh dự cho chúng tôi , tôi tự đi tìm câu trả lời cho câu hỏi này và đã thấy một số chứng cứ dẫn đến câu trả lời dưới con mắt chuyên môn.
Xem tóm tắt tiểu sử của ông Nhạ trên cổng thông tin của chính phủ, năm 1993-1994 ông khai học sau đại học tại trường Đại học tổng hợp Manchester, Vương quốc Anh. Ngôn từ không ai bắt bẻ ông được, nhưng sự thật đằng sau đó là ông nhiều khả năng chưa có bằng Thạc sĩ. Muốn có bằng Thạc sĩ tại Anh, chắc cần nhiều hơn thời gian ông đã học. Với tinh thần trách nhiệm cao độ, tôi xem lại tóm tắt luận văn tiến sĩ dài 24 trang của ông làm tại Viện Kinh tế thế giới thẳng từ bậc cử nhân lên tiến sĩ trên cổng thông tin luận án lưu trữ tại thư viện quốc gia, khám phá thêm một số điều thú vị về luận văn tiến sĩ của ông Bộ trưởng.
Trước tiên là tên luận văn và giá trị khoa học của luận văn ” Vai trò của đầu tư trực tiếp nước ngoài trong quá trình công nghiệp hóa ở Malaixia” bảo vệ năm 1999. Trong phần lịch sử nghiên cứu, chính ông liệt kê ra các nghiên cứu trước ông bao gồm: “Vốn nước ngoài và Công nghiệp hóa ở Malaixia” tác giả Rajiaj Rasiah 1995″; “Vai trò biến đổi của đầu tư nước ngoài trong nền kinh tế chuyển đổi ở Malaixia” Mohamed Ariff 1991; “Tác động của đầu tư nước ngoài đối với công nghiệp hóa ở Malaixia” của P.Athukolara và J.Menon 1996″; “Phân tích so sánh quan hệ giữa đầu tư nước ngoài và công nghiệp hóa giữa các nước Malaysia, Xingapore, Đài Loan và Thái Lan của YC Linda, Lim và P, Fong 1991.
Đơn cử tên hàng loạt các nghiên cứu đi trước cho thấy đề tài của ông đã quá cũ và trùng lặp nhiều với các đề tài đã nghiên cứu, thật lòng nếu đây là ở khoa Đông Phương học nơi tôi đang tham gia đào tạo tiến sĩ thì nhiều khả năng Hội đồng khoa học của Khoa sẽ khuyên ông đi nghiên cứu đề tài khác cho mới mẻ, có đóng góp khoa học hơn. Thế nhưng, dưới sự ngạc nhiên của tôi, ông thản nhiên viết những dòng như sau: “Chưa có công trình nào nghiên cứu một cách hệ thống, có tính hoàn thiện và cập nhật về vai trò của đầu tư trực tiếp nước ngoài đối với công nghiệp hóa tại Malaixia. Chưa có công trình nào được công bố trùng với tên của đề tài luận án này”. Ra vậy, với ông chắc phải trùng khít từng từ mới là trùng. Ra vậy, tôi đã bắt đầu hiểu cái quan điểm và thái độ của ông lâu nay của ông từ đâu ra.
Hài hước hơn nữa, phần phương pháp nghiên cứu trong luận án tiến sĩ của ông Nhạ tổng cộng được có mấy dòng, tôi chép đầy đủ và nguyên văn cho cả nhà cùng xem: “Ngoài các phương pháp cơ bản được sử dụng trong nghiên cứu kinh tế như duy vật biện chứng, duy vật lịch sử, trừu tượng hóa khoa học, thống kê…luận án còn đặc biệt sử dụng phương pháp phân tích so sánh đối chiếu và có thể coi đây là phương pháp phân tích có tính đặc trưng của luận án”.
Là người hiện đang dạy phương pháp so sánh đối chiếu liên ngôn ngữ , liên văn hóa cho các học viên cao học Châu Á học khoa Đông Phương, tôi thật sự không hiểu tại sao đối tượng nghiên cứu của ông là vai trò FDI trong công nghiệp hóa của Malaixia, ông lại phải sử dụng phương pháp phân tích so sánh đối chiếu của ngành ngôn ngữ, ngành khu vực học của chúng tôi để làm gì ạ. Soi mãi, soi mãi 24 trang luận văn tóm tắt của ông Nhạ, tôi không thấy phương pháp so sánh đối chiếu ở đâu trừ duy nhất một chỗ có so sánh số liệu năm 1996 so với năm 1995, hay ý Bộ trưởng là có áp dụng phương pháp so sánh đối chiếu với chính nó trong các năm trước nhỉ? So sánh số liệu năm này với năm trước là đương nhiên phải làm khi nghiên cứu tác động, soi mãi ngoài chỗ đó ra chả thấy 24 trang luận án có chỗ nào đề cập đến cái ” phương pháp phân tích so sánh đối chiếu” có tính đặc trưng của luận án” kia.
Thông thường luận án tiến sĩ đòi hỏi rất cao trong vấn đề sáng tạo, tìm tòi phương pháp nghiên cứu và những đóng góp lý luận có liên quan đến phương pháp, thế mà nhìn mấy dòng phương pháp nghiên cứu của bộ trưởng thấy thực sự thất vọng và thương các em sinh viên cử nhân, thạc sĩ hay bị tôi đòi hỏi có những suy nghĩ, tìm tòi và sáng tạo về phương pháp.
Đọc 10 dòng viết về 3 đóng góp mới của luận án, tôi thực sự hối hận sao không viết luận văn tiến sĩ ở nhà, lặn lội bỏ con bỏ cái ra tận nước ngoài viết luận văn tiến sĩ làm gì, nói nữa sợ mang tiếng khắt khe với đồng nghiệp. Lại nữa, 4 mục đích nghiên cứu của ông, tôi soi đi soi lại không tìm thấy tính tương thích lắm với những kết luận của luận án, thôi thì bao giờ tôi rỗi rãi đọc kỹ lại kẻo mang tiếng đọc chưa kỹ đã nhận xét về công trình nghiên cứu khoa học của đồng nghiệp cũ trong trường. Tôi vốn rất quí, rất nể người đồng nghiệp năm xưa là cấp trên trực tiếp của ông tại Trung tâm nghiên cứu châu Á Thái Bình Dương nay vẫn thuộc trường Nhân văn của tôi, tôi vẫn tin ông là người biết hòa đồng, vui vẻ và phục thiện.
Tôi vốn hiền lành, đại kỵ động chạm đến đồng nghiệp cũ, nhưng tôi thương các thí sinh tài năng và trung thực bị lấy mất cơ hội, lấy mất lòng tin, thương những người mẹ giống như tôi mười mấy năm nuôi con, dạy con học, nay chỉ cần 6 giây là đổi trắng thay đen. Xem 24 trang luận văn tóm tắt luận án tiến sĩ của ông, tôi tự rút ra được nhiều điều về cách thức nhận thức và cách thức phát ngôn thuộc về phong cách cá nhân nhất quán của ông, hiểu được khá nhiều về nghi án ” đạo văn ” vẫn đang lơ lửng trên đầu ông Bộ trưởng đương nhiệm.
Vì tương lai của cả một thế hệ, vì nhu cầu cần đòi hỏi trung thực, tôi khuyên chân thành ông Nhạ với tư cách đồng nghiệp cũ là ông hãy xem lại cách thức nhận thức, tư duy và phát ngôn của mình sao cho xứng tầm với một chính khách, một tư lệnh ngành, một ” người thầy của thiên hạ”, ông cần thực sự thấy được trách nhiệm cá nhân của mình với công luận, với ngành, với các thí sinh và với phụ huynh. Nếu ông không làm được như thế, nhiều tiếng nói không chỉ yêu cầu ông xin lỗi mà còn đề nghị quốc hội bỏ phiếu bất tín nhiệm, đề nghị chính phủ cách chức ông đang rộ trên mặt báo bởi những bê bối trong thời kỳ ông làm bộ trưởng đã ở quy mô công nghiệp, gây sốc và vô tiền khoáng hậu, không thể lấy giấy gói được lửa.
Tôi sử dụng tư liệu công khai và tôi có quyền có ý kiến chuyên môn về tóm tắt luận văn tiến sĩ của ông phải không ạ, tôi nghĩ là tôi đang làm đúng chức trách của một công dân, một người làm công tác đào tạo nghiên cứu nghiêm túc và có trách nhiệm với nghề nghiệp của mình.
Ông Nhạ hãy tỉnh lại đi, xem lại nhận thức và phát ngôn, và hãy cùng chúng tôi chung tay vực dậy nền giáo dục có quá nhiều vấn đề, quá nhiều vấn nạn. Hãy thương và cứu lấy trẻ em.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét