Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Năm, 26 tháng 7, 2018

Hãy dạy cho các em bài học làm người trước tiên


Hãy dạy cho các em bài học làm người trước tiên

26-7-2018
Cách đây mấy hôm, đọc trên tường nhà bạn Lâm Nguyễn một status nói về chuyện giáo dục cho con bài học trung thực, nhân vụ nâng điểm thi ở Hà Giang. Tôi rất đồng tình và đồng cảm!
Hiện nay, trên mạng đang có một số ý kiến cho rằng xét về mặt nhân văn, không nên nêu tên họ đích danh để làm tổn thương những học sinh được nâng điểm trong vụ việc vừa diễn ra ở Hà Giang cũng như một số tỉnh khác. Và rằng các em chỉ là nạn nhân do việc làm sai trái của người lớn!
Tôi thì lại nghĩ khác! Các học sinh này khi học tới lớp 12 có nghĩa là đều đã ở độ tuổi 17-18 (chưa kể các thí sinh tự do có lẽ còn lớn tuổi hơn!). Ở tuổi đó, các em đã đủ khả năng nhận thức mọi chuyện đúng, sai và khó mà tin rằng các em không thể hiểu được vì sao mình không làm được bài (hoặc làm không tốt) mà vẫn đạt được điểm cao? Đặc biệt, có em khi nhờ được nâng điểm mà đậu thủ khoa còn lên báo chia sẻ “bí quyết” làm bài thi của mình. Không hiểu sao tôi cứ rùng mình nổi da gà khi nghĩ đến chuyện các học sinh này có thể trở thành những người nắm quyền lực trong tương lai!
Đã quá ngao ngán một thế hệ lãnh đạo dốt nát, lừa dối rồi và bây giờ chẳng lẽ đất nước này, dân tộc này lại tiếp tục phải chịu đựng hậu duệ của họ với những con người được đào tạo gian trá từ khi còn “ngồi trên ghế nhà trường XHCN” như vậy sao? Ngay cả trong trường hợp không làm lãnh đạo, nhưng với năng lực được làm giả kiểu đó, và với phẩm chất què quặt như thế, những học sinh này liệu có đóng góp được gì cho xã hội tương lai hay lại chỉ góp phần làm cho nó tiếp tục tha hóa? Vì thế, hãy để cho các em ấy phải trả giá khi muốn thành đạt bằng sự không trung thực và thiếu công bằng, chứ không phải bằng những nỗ lực tự bản thân.
Nếu còn gì có thể góp ý cho bộ trưởng Bộ GD-ĐT (và hy vọng được quan tâm), tôi chỉ muốn đề nghị rằng thay vì cứ lo chạy theo việc cải tiến thi cử, hoặc thí điểm hết đề án nọ đến dự án kia, xin hãy tập trung vào việc, làm sao dạy đạo đức có hiệu quả cho học sinh! Đó là một “sứ mệnh” khẩn thiết vào lúc này!
Đất nước ra nông nỗi như ngày nay chính là vì trong suốt nhiều năm qua, người ta chỉ lo tuyên truyền, dạy dỗ phẩm chất cách mạng chứ chẳng bận tâm đến việc giáo dục phẩm chất con người. Những thế hệ quan chức biến chất, giả dối, tham lam, vô trách nhiệm, thiếu tự trọng… là sản phẩm tất yếu của một nền giáo dục chuộng hình thức, không thực chất và từ lâu đã “lệch chuẩn” với thế giới.
Bao nhiêu tiền của đổ ra cho các chương trình cải cách GD, bao nhiêu kế hoạch hoành tráng đào tạo tiến sĩ ở “tầm vóc quốc gia”, bao nhiêu huy chương, thành tích đi thi đấu giải nọ giải kia ở xứ người… rốt cục cũng đều không thể thực hiện nổi cái mục tiêu sơ đẳng nhất của giáo dục, đó là DẠY LÀM NGƯỜI cho học sinh.
Còn đây là chuyện ở xứ giãy chết. Gần 15 năm về trước, khi tiến hành cải cách giáo dục, Bộ Giáo dục Ontario (Canada) đã nhận thấy yêu cầu phải thay đổi phương pháp giáo dục đạo đức cho học sinh phổ thông. Họ xác định không thể giáo dục những phẩm chất tốt đẹp bằng việc rao giảng những bài học lý thuyết mà phải dạy cho các em hiểu và hình thành các tính cách cần thiết bằng những hành động cụ thể. Mà những hành động ấy phải được thể hiện hàng ngày ở trường học, thông qua các hoạt động và hành vi cá nhân của mỗi học sinh.
Bên cạnh đó, mỗi giáo viên, cán bộ quản lý hoặc nhân viên trong trường… đều phải là những tấm gương để học sinh nhìn vào đó và làm theo. Ở phạm vi rộng hơn, Bộ Giáo dục cũng yêu cầu gia đình phải hợp tác với nhà trường để cùng tham gia vào việc giáo dục tính cách cho học sinh khi ở nhà, thông qua hình ảnh và thái độ ứng xử của các bậc phụ huynh để “làm mẫu”. Và thế là chương trình Phát triển tính cách (Character Development), hay còn gọi là “Giáo dục tính cách” (Character Education) ra đời.
Đây không phải là một chương trình cộng thêm như kiểu các chương trình giáo dục kỹ năng đang thực hiện trong các trường công lập ở VN hiện nay. Lại càng không phải là một môn học như môn Đạo đức hay Giáo dục công dân của ta. Bộ Giáo dục Ontario yêu cầu phải giáo dục cho học sinh nhận thức và phát triển 10 tính cách cơ bản trong suốt 10 tháng của mỗi năm học bằng những hành động cụ thể và có hiệu quả. Đó là những tính cách được xem là cần thiết phải có ở mỗi công dân trong thời đại ngày nay.
Dựa trên yêu cầu của Bộ Giáo dục, mỗi hội đồng giáo dục địa phương (District School Board) và mỗi trường lại tự xây dựng kế hoạch triển khai giáo dục tính cách theo cách riêng của mình. Ví dụ ở hệ thống Trường quốc tế Canada (CISS), với sự tư vấn của đối tác tại Ontario là Hội đồng Giáo dục vùng Niagara (DSBN) và nay là Hội đồng Giáo dục thành phố Toronto (TDSB), chương trình này được mang tên là Giáo dục tính cách bằng hành động (Character Education in Action).
10 tính cách được đưa vào giáo dục cho học sinh bao gồm: Sự Tôn trọng (Respect); Tinh thần trách nhiệm (Responsibility); Lòng Dũng cảm (Courage); Sự Chính trực (Integrity); Sự Kiên nhẫn (Perseverance); Sự Quan tâm (Caring); Tinh thần Lạc quan (Optimism); Tinh thần hợp tác (Cooperation); Thái độ Hoà bình (Peacemaking); Lòng Biết ơn (Gratitude).
Trong suốt 10 tháng của mỗi năm học, các tính cách sẽ được khám phá thông qua các hoạt động chính khóa đa dạng trong lớp học, đáp ứng được nhu cầu của từng cấp lớp, theo từng độ tuổi và được điều chỉnh phù hợp về văn hóa. Điều đáng học hỏi ở đây là các giáo viên Canada đã giáo dục học sinh hình thành tính cách bằng một tư duy rất thực tế và khoa học. Không có việc rao giảng theo kiểu nhồi nhét kiến thức về đạo đức và bổn phận công dân.
Rõ ràng là để giúp một đứa trẻ hình thành nên các tính cách tốt, điều đầu tiên là phải giúp nó nhận thức được tính cách đó là gì và tại sao lại cần phải có? Tiếp theo, bắt đầu giúp trẻ rèn luyện và phát triển tính cách. Mà cả hai bước này đều phải thể hiện bằng những hoạt động hàng ngày, để đứa trẻ đi từ HIỂU đến LÀM THEO, tức là từ NHẬN THỨC đến HÀNH VI và từ đó hình thành THÓI QUEN. Thói quen tốt sẽ tạo nên tính cách tốt. Tư duy này rất đúng theo triết lý của câu ngạn ngữ quen thuộc: “Gieo suy nghĩ, gặt hành động; Gieo hành động gặt thói quen; Gieo thói quen gặt tính cách; Gieo tính cách gặt số phận”.
“Giáo dục tính cách bằng hành động” là thế! Cũng bởi vậy mà những người lớn ở trường học (giáo viên, nhân viên) và ở nhà (cha mẹ, ông bà, họ hàng…) có vai trò vô cùng quan trọng trong việc giáo dục trẻ hình thành các tính cách tốt. Nếu đứa trẻ lại may mắn được sống trong một xã hội văn minh, nhân bản, kỷ cương nghiêm túc thì những tính cách đó lại càng được bồi đắp, như những hạt mầm được gieo trồng trong môi trường thuận lợi để phát triển mạnh mẽ thành cây.
Nhìn lại ở VN. Trẻ em sẽ lớn lên như thế nào khi ngay từ lúc còn nhỏ đã thường xuyên phải chứng kiến nhiều điều bất công, giả dối trong xã hội xung quanh? Các em sẽ học được gì ở trường khi biết cả thầy cô mình cũng có thể làm những việc gian lận, khuất tất, hoàn toàn không xứng đáng với tư cách người thầy? Và các em làm sao có thể trở thành những con người ngay thẳng, chính trực khi hàng ngày cứ đối diện với “tấm gương mờ” là các bậc cha mẹ luôn cho rằng tiền và quyền sẽ mua được tất cả?
Ở CISS của tôi, thỉnh thoảng trong những sự kiện lớn hay Ngày Mở (Open Day), các thầy cô hay đặt các huy hiệu tính cách trong những cái khay để làm quà tặng cho học sinh. 10 tính cách là 10 màu khác nhau. Em nào thích tính cách nào nhất thì cứ việc chọn lựa… Đôi khi, nhìn vào các “khay đựng tính cách” tôi hay lẩn thẩn nghĩ nếu tặng cho các quan chức của xứ mình những tính cách nào họ đang thiếu, có lẽ hai tính cách “đắt hàng” nhất sẽ là Tinh thần trách nhiệm và Sự Chính trực.
Theo dõi những tin tức mới nhất về diễn biến xử lý vụ nâng điểm thi ở Hà Giang, Sơn La và các tỉnh khác, tôi đồ chừng mọi việc cuối cùng chắc cũng “hoá bùn” như bao vụ tiêu cực khác! Đành chỉ biết thở dài và ngồi mơ về một tương lai mà khi đó, các vị “đầy tớ nhân dân” sẽ được giáo dục tính cách đàng hoàng trước lúc lên làm quan, chứ không phải như bây giờ…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét