Thư gửi TS. Nguyễn Bách Phúc
Nguyễn Đức Thắng
Hà Nội ngày 21/7/2018
Kính gửi: TS. Nguyễn Bách Phúc
- Chủ tịch Hội Tư Vấn Khoa học Công nghệ và Quản lý Thành phố Hồ Chí Minh (HASCON),
- Viện trưởng Viện Điện - Điện tử - Tin học (EEI)
Cám ơn anh Phúc về những ý kiến của anh đăng trên báo “baodatviet.vn” và những đoạn anh viết bổ sung thêm (chữ mầu đỏ) về việc Việt Nam bắt buộc phải làm nhiệt điện than. Trong email anh chê tôi chẳng biết gì, hay không có chuyên môn về điện và năng lượng. Tôi mạo muội có một vài ý kiến phúc đáp lại cụ thể các ý của anh (phần tô vàng(*):
* Nhiệt điện 5 tỷ USD sát TP.HCM: Bắt buộc phải làm
Nguy cơ ô nhiễm môi trường của Nhà máy nhiệt điện chạy than cao hơn so với thủy điện và các dạng năng lượng sạch. Vấn đề quan trọng hiện nay là phải tìm cách khắc phục, hạn chế đến mức tối đa nguy cơ này.
|
Bắt buộc phải làm nhiệt điện
Cụm từ “nhiệt điện” còn chung chung, không cụ thể, vì nhiệt điện có 2 loại: 1) Điện khí tự nhiên, khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) là tốt, là sạch, tôi ủng hộ và đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ nâng tỷ trọng lên 35% - 37% (theo Qui hoạch vào năm 2030 gần 17%). 2) Nhiệt điện than, vào năm 2030 ở Việt Nam sẽ khoảng 59%, tôi phản đối tỷ lệ cao này, tôi chấp nhận tỷ lệ 24,4% (theo IEA), bằng với bình quân chung của thế giới, đến năm 2050 điện than phải giảm về 11%.
Hiện Việt Nam đang triển khai ồ ạt xây dựng một loạt các nhà máy nhiệt điện than mới, tuổi thọ trung bình 40 năm, do vậy đến năm 2050 - 2070 tỷ trọng điện than vẫn sẽ ở mức rất cao 55% - 59%. Tôi hiểu ý anh Phúc ở đây là Bắt buộc phải làm nhiệt điện THAN. Tôi phản đối mạnh mẽ ý này. Tôi có thể chất vấn anh Phúc “Tại sao lại đem 5 tỷ USD đi mua điện bẩn, hủy hoại sức khỏe và môi trường sinh thái mà không đầu tư vào điện khí tự nhiên, khí tự nhiên hóa lỏng, điện rác, điện gió và điện mặt trời, những thứ điện xanh, điện sạch này chúng chết hết rồi sao?” Việt Nam chúng ta thực sự đang bế tắc về vấn đề thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt.
Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đang rất đau đầu với các bãi chôn lấp rác thải. Tại sao Tp. HCM lại chi gần 20 USD cho một tấn rác thải chôn lấp, bốc mùi theo chiều gió và làm khổ những người dân sống gần, thay vì cũng chi 20 USD nhưng một tấn rác thải đó chở đến nhà máy điện rác. Tại sao chúng ta cứ phải còng lưng đào rất nhiều than và nhập khẩu rất nhiều than để sản xuất điện than gây ô nhiễm môi trường nặng nề, mà không dùng ngay chính rác thải và sinh khối nữa (biomass, ví dụ rơm, rạ, bã mía, vỏ bào, trấu, mùn cưa, cỏ voi…). Theo công ty TNHH Nhịp cầu Việt Đức (Hà Nội) thì công nghệ điện rác của INTEC (CHLB Đức, máy móc, thiết bị sản xuất tại Đức, vốn vay lãi suất 2,5%/năm do ngân hàng Đức cấp, thời gian thi công, lắp đặt 2 năm) là công nghệ tự động phân loại rác thải để tái sử dụng thủy tinh, sắt thép, kim loại; còn lại là túi nilong, đồ nhựa, bìa, giấy, vải và các chất hữu cơ đem khí hóa (gasification) tạo ra các synthetic gases CO, CO2, H2O, CH4… chạy phát điện, rất sạch, rất có hiệu quả. Tại sao lại không thể là điện rác đa hữu ích cho Tp. HCM? Tại sao vùng ven biển, ngoài khơi, rừng ngập mặn Cần Giờ lại không thể xây dựng điện gió, điện mặt trời? Ngộ quá phải không anh?
Theo anh, cứ những người phản đối nhiệt điện than là không hiểu biết gì về thực tế điện và năng lượng. Vậy gần 200 nguyên thủ quốc gia tại thỏa thuận Paris 2015 họ cũng chẳng hiểu gì về thực tiễn điện và năng lượng cả, vì họ đã quay lưng lại với nhiệt điện than và hướng tới NLTT.
* Điện gió hiện nay Việt Nam không có tiền đầu tư. Doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam sản xuất cũng không nhiều, do chúng ta đang yêu cầu họ bán điện cho chúng ta quá rẻ, thấp hơn giá thành. Hai năm trước, Người Đức đầu tư vào Bình Thuận 30 MW điện gió, Người Mỹ đầu tư vào Bạc Liêu 16 MW và EVN đầu tư ở Đảo Phú Quý 6 MW, tổng cộng 52 MW, tất cả đều “chấp nhận chịu lỗ”, chỉ để “làm thử xem sao”! Đóng góp của điện gió thực sự không đáng kể so với nhu cầu 55.000 MW, chỉ được chưa đầy 1 phần nghìn!
Không phải là điện gió không có tiền đầu tư. Có tiền, nhưng gần 100 tỷ USD đã được Bộ Công Thương qui hoạch ưu tiên đầu tư cho nhiệt điện than rồi! Vấn đề là tiền đầu tư như thế nào, có hiệu quả hay không. Gần 50 dự án điện gió của các nhà đầu tư tư nhân đã nộp cho UBND các tỉnh có nhiều tiềm năng gió, đã phải từ bỏ nhiệt huyết với điện xanh, điện sạch này, vì không thể thuyết phục được vài quan chức của Bộ Công Thương nâng giá mua điện gió lên chút ít để họ có “chỗ thở” để sống. Tuy nhiên, Bộ Công Thương vẫn quyết trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số: 37/2011/QĐ-TTg ngày 29/6/ 2011: Qui định mức giá mua điện gió là 1.614 đồng/kWh (tương đương 7,8 UScent/kWh). Mặc dù điện gió và điện mặt trời không thuộc danh mục độc quyền quản lý giá của Nhà nước theo Luật cạnh tranh. Đây là các mức giá mua điện gió rẻ nhất trên thế giới. Mức giá “bóp chết” loại hình năng lượng siêu sạch.
Trong khi đó giá mua điện gió của Philippine từ 12 - 20 UScent/kWh. Thái Lan và Indonesia là 18 UScent/kWh.
* Nhu cầu 55.000 MW:
Phổ biến người dân thường nói về nhu cầu ĐIỆN NĂNG, không nói là nhu cầu công suất. Ví dụ năm 2015 tổng nhu cầu điện năng là 158 tỷ kWh, điện năng mới là cái mà người dân sử dụng được. Tổng cục Thống kê chỉ công bố sản lượng điện (điện năng cho tiêu dùng), không công bố nhu cầu về CÔNG SUẤT 55.000 MW.
Theo số liệu của Bộ Công Thương và ngành điện lực, năm 2016 tổng công suất của tất cả các loại điện của Việt Nam là 42.300 MW. Con số “nhu cầu” 55.000 MW của anh Phúc đưa ra cao gấp 130%, lớn quá.
Công suất điện gió hiện nay đúng là quá bé vì theo anh Phúc điện than là BẮT BUỘC, nên tỷ lệ điện gió phải còi cọc, chưa đầy 1 phần nghìn cũng là phải. Còn nếu “cho phép” điện gió phát triển có thể lên đến 10 - 11% vì theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam có tiềm năng về phát triển điện gió lớn nhất trong khu vực, vượt qua Lào, Campuchia và Thái Lan. Trữ lượng gió của Việt Nam ước tính đạt 513.360 MW, gấp hơn 6 lần tổng công suất ước tính của toàn ngành Điện vào năm 2020. Theo nghiên cứu, khảo sát của Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) thuộc Bộ Hợp tác kinh tế và phát triển Liên bang Đức (BMZ), tiềm năng phát triển năng lượng gió ở Việt Nam khoảng 214.000 MW, công suất lắp đặt khoảng 50.000 MW, tương đương với 50 nhà máy Thủy điện Hòa Bình.
Tiềm năng điện mặt trời của Việt Nam cũng rất cao, tại sao lại không khai thác và sử dụng những thứ mà trời cho không, biếu không mà cứ phải lao vào điện than để vào năm 2030 mỗi năm 25.000 chết yểu vì nhiệt điện than (Ngày 29/9/2015 tại Hà Nội, Trung tâm Phát triển và Sáng tạo Xanh (GreenID) cùng với nhóm nghiên cứu của Đại học Harvard đã tổ chức hội thảo quốc tế “Than - Nhiệt điện than: Những điều chưa biết” chuyên gia Lauri Myllyvirta cho biết như vậy). Tính mạng người Việt Nam sao rẻ thế hả anh Phúc?
* Thứ ba, điện nguyên tử Việt Nam cũng đã tạm dừng. Mức độ nguy hiểm của loại hình này ai cũng biết và sợ cả. Có thể thẳng thắn khẳng định rằng, trong điều kiện của Việt Nam lúc này, chúng ta chưa đủ trình độ và khả năng xây dựng và vận hành nhà máy điện nguyên tử.
Cả thế giới ngày nay và tất cả cán bộ, nhân viên của IEA đều nói là điện hạt nhân, không nói điện nguyên tử, chỉ làm điện hạt nhân. Riêng anh Phúc và các nhà khoa học chính hiệu năng lượng Việt Nam vẫn nói là điện nguyên tử. Cấu tạo của hạt nhân khác hẳn về bản chất với cấu tạo của nguyên tử. Vì nguyên tử = Hạt nhân + các điện tử bao quanh. Nuclear power khác rất lớn với Atomic power. Đây là lỗi cơ bản của khoa học vật lý anh Phúc ạ.
* Một vài nước như Na Uy, Phần Lando có những lợi thế về sông ngòi, dòng chảy, nên họ tập trung phát triển thủy điện, sản lượng điện từ thủy điện chiếm khoảng 80-90% năng lượng điện cả nước. Một quốc gia khác là Pháp, đã tập trung phát triển điện nguyên tử, chiếm 50-60% năng lượng điện cả nước.
Tỷ trọng thủy điện đối với Na Uy là đúng, nhưng đối với Phần Lan thì anh Phúc “chém gió” ghê quá, cao gấp vài lần, thủy điện của Phần Lan năm 2016 chiếm 18,4% thôi, lấy đâu ra 80 - 90%, cụ thể như bảng dưới đây:
Electricity sector in Finland
* Pháp, đã tập trung phát triển điện nguyên tử, chiếm 50-60%:
Theo tôi anh Phúc nên cập nhật thông tin mới nhất, chuẩn nhất mỗi khi viết ra các con số: “The electricity sector in
France is dominated bynuclear power,which accounted for 72.3% of total production in 2016”, khác rất nhiều so với 50 - 60%. Một thảm họa về số liệu của anh!
* Cho đến nay, khoảng 50% năng lượng điện của thế giới được phát ra từ nhiệt điện chạy than, nhưng chẳng nước nào kêu ca hay sợ hãi ô nhiễm môi trường.
Các nhà khoa học lớn của Việt Nam, có quyền uy thường quá tự tin vào trí nhớ của mình, nên không bao giờ kiểm tra lại số liệu, cập nhật số liệu trước khi viết ra, công bố báo chí. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), bình quân tỷ trọng nhiệt điện than của toàn thế giới đạt đỉnh cao chói lọi, rực rỡ nhất là vào năm 2013 là 41,3%, còn vào năm 2017 là 38% lấy đâu ra 50%?? Vào năm 2030 sẽ là 24,4% và giảm về 11% vào năm 2050. Cho dù anh Phúc huy động hết, tất cả quân của anh lên mạng tìm kiếm trong 1 tháng cũng không thể tìm thấy thông tin “cho đến nay nhiệt điện than thế giới chiếm 50%”. Ngộ quá phải không anh?
* …nhưng chẳng nước nào kêu ca hay sợ hãi ô nhiễm môi trường:
Vâng, các nước họ không kêu ca hay sợ hãi, nhưng họ thấy được sự nguy hại của nhiệt điện than và quyết tâm từ bỏ, do vậy gần 200 nguyên thủ quốc gia đã ký thỏa thuận Paris 2015 để cắt giảm mạnh mẽ nhiệt điện than, bảo vệ sức khỏe người dân và môi trường sinh thái, bảo vệ cho Trái đất khỏi nóng nên, chống biến đổi khí hậu. Cả thế giới hướng tới NLTT. Nhân dân Việt Nam mong muốn có điện xanh, điện sạch. Duy nhất Bộ Công Thương, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, các cây đa khoa học năng lượng Việt Nam quyết tâm MUA điện bẩn.
* “Lấy dẫn chứng từ nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 và Vĩnh Tân 4 (Bình Thuận), ông Phúc chỉ ra một thực tế đáng buồn trong đầu tư dự án thời gian qua. Các nhà đầu tư đến từ Trung Quốc khi triển khai dự án chỉ mong muốn lợi nhuận cao, thu lại vốn nhanh, nên không chú trọng nhiều đến vấn đề xử lý ô nhiễm môi trường.
Ví dụ, việc vận chuyển và xử lý tro xỉ không được chú trọng. Thậm chí người dân còn phản đối khi phát hiện nhà máy Vĩnh Tân đem giấu xỉ than ở trong rừng. Ô tô vận chuyển không những làm phát sinh bụi mà còn làm hỏng đường của dân. Việc này hết sức nguy hiểm”
Đó là một vài thực tế rất nhỏ anh Phúc viết về nhiệt điện than. Hoan nghênh những thông tin này.
* Ngoài ra, với câu chuyện này, có những nhà khoa học không có chuyên môn về Nhiệt điện, đã “phát hiện” những đe dọa hết sức “giật gân”, khiến công luận “hết hồn”. Ví dụ họ nói: “với nhà máy vùng cửa sông thì nước làm mát từ nhà máy nhiệt độ cao, gần 50 độ, các sinh vật ở trong nhiệt độ cao như vậy thì không thể nào phát triển được”.
Thưa anh Phúc tôi đã viết “Vào năm 2030 các nhà máy nhiệt điện sẽ sử dụng khoảng 46 tỷ m3 nước (ngọt hoặc nước biển tùy vị trí nhà máy) để làm mát cho hệ thống ngưng, tương đương với 1/10 tổng lượng nước ngọt quí hiếm hàng năm sông Mê Kông đổ về Đồng bằng sông Cửu Long. Nước này sau đó đạt gần 40 độ và xả thẳng vào môi trường thủy sinh (hạ lưu, cuối nguồn so với điểm hút) sẽ “hâm nóng” mọi động - thực vật, tạo nên vùng chết đối với thực vật và tôm cá
Như vậy là anh đã có lỗi vì trích dẫn sai thành 50 độ. Chênh lệch 10 độ ở đây là quá lớn, không thể chấp nhận được. Nguyên tắc trích dẫn phải trung thực, không được thêm thắt, chỉnh sửa.
Dưới đây xin thân tặng anh Phúc 2 đoạn copy của báo Pháp luật (http://baophapluat.vn/ban-doc/quang-ninh-nha-may-nhiet-dien-xa-nuoc-lam-mattom-cabien-mat-289563.html):
Quảng Ninh: Nhà máy nhiệt điện xả nước làm mát, tôm, cá,”...biến mất”
Thứ Năm, 18/8/2016 07:12 GMT+7
Ông Nguyễn Văn Chững (người dân thôn 4, xã Thống Nhất, Hoành, Bồ Quảng Ninh) cho biết, hàng chục năm nay tôi làm nghề đánh bắt cá bằng lưới ngâm trên sông Diễn Vọng. Sông Diễn Vọng vốn nhiều tôm, cá, là nơi hàng trăm người dân Hoành Bồ kiếm kế sinh nhai. Nhưng gần đây không hiểu sao, cá tôm chết hết, những con cá to, cá con đều chết, khi vớt lên chúng đều mềm nhũn như tôm luộc do môi trường nước trên sông quá nóng. Mà nước nóng này do chính công ty nhiệt điện Quảng Ninh nằm ngay gần cầu Bang dùng làm mát máy sau đó thải trực tiếp ra sông.
Phóng viên Báo Pháp Luật Việt Nam đã có mặt tại Công ty Nhiệt điện Quảng Ninh.
Khuôn viên công ty nhiệt điệt Quảng Ninh rộng hàng nghìn mét vuông tọa ngay cạnh cầu Bang (TP.Hạ Long). Cách khu vực xả nước làm mát của công ty hàng trăm mét đã thấy một làn khói nghi ngút bốc lên, khi tiến lại gần một hệ thống mương rộng hơn mét từ Nhà máy Nhiệt điện Quảng Ninh bắc ra sông Diễn Vọng. Hàng nghìn mét khối nước xối xả đổ ra sông, kèm theo đó là hơi nóng bốc lên ngùn ngụt. Nước tại miệng ống xối xả cuộn xiết đổ ra sông. Khi hòa vào với nước sông, dòng nước chảy quẩn quanh khu vực nhà máy tạo ra những vệt bọt màu nâu sẫm, đóng váng đặc, kèm theo đó là mùi tanh, nhác nhác.
Trong nhiều ngày liên tiếp, phóng viên có mặt tại miệng ống xả vào lúc 6 giờ sáng dùng nhiệt kế bằng ống thủy tinh và nhiệt kế điện tử nhúng trực tiếp xuống nước ngay miệng ống xả. Kết quả nhiều ngày nước tại đây có nhiệt độ 42,5 độ, có khi nhiệt độ kịch trần nhiệt độ của nhiệt kế 42,7 độ.
Tại khu vực cạnh nhà máy, vợ chồng anh Vũ Văn Điều làm nghề mót than cho biết, trước đây khu vực này là vựa cá, hàng ngày tập trung hàng trăm người tới đây câu cá, bắt tôm, cá trên sông. Tuy nhiên hai năm về đây, khi nhà máy bắt đầu vận hành 4 tổ máy, nước xả ra sông nóng giãy, tay nhúng xuống không chịu được phải nhấc lên ngay, tôm cá chết. Gần đây, có những ngày ở miệng cống chúng tôi vớt được hàng tạ cá chết do bị hút vào theo đường làm mát rồi thải ra đây cá đã chết ươn nổi lên mặt nước.
* Ví dụ họ còn nói: Mỗi ngày hàng trăm tấn cá sẽ bị chém nát và luộc chín trong hệ thống làm mát. Thực ra khi hút nước sông, người ta phải làm lưới chắn rất kỹ, không cho tôm cá và rác rưởi lọt vào, nếu không thì hệ thống làm mát sẽ bị tắc nghẽn hoàn toàn!
Tặng anh Phúc tiếp đoạn viết sau của ThS. NGUYỄN THANH THẢO; TRẦN VĂN HÙNG Vụ Hợp tác quốc tế và Khoa học, Công nghệ Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam: “Ở Mỹ, nhà máy điện than Bayshore tại bang Ohio giết 60 triệu tấn cá lớn mỗi năm, nhà máy Huntley ở New York làm kẹt 96 triệu tấn cá mỗi năm trong hệ thống làm mát của họ”.
Anh Phúc cứ Google vài cụm từ từ những thông tin này là ra hết, có rất nhiều cho anh đọc. Có vẻ anh quá bận việc lãnh đạo, quản lý, ngồi làm Chủ tịch quá nhiều Hội đồng khoa học, nên không có thời gian cập nhận thông tin trên mạng, không vào internet đọc những thông tin “phản động” đối với nhiệt điện than mà theo anh là Việt Nam BẮT BUỘC phải làm.
Kính thư
Nguyễn Đức Thắng
__________
Dưới đây là nguyên văn, đầy đủ, toàn vẹn bài viết (file đính kèm) của TS. Nguyễn Bách Phúc, gửi cho tôi ngày 20/7/2018:
Nhiệt điện 5 tỷ USD sát TP.HCM: Bắt buộc phải làm
Nguy cơ ô nhiễm môi trường của nhà máy nhiệt điện chạy than cao hơn so với thủy điện và các dạng năng lượng sạch. Vấn đề quan trọng hiện nay là phải tìm cách khắc phục, hạn cế đến mức tối đa nguy cơ này.
Bắt buộc phải làm nhiệt điện Bộ Công Thương hiện đang lấy ý kiến các địa phương gồm Long An, TP.HCM và các bộ ngành liên quan về địa điểm xây dựng Trung tâm Điện lực Long An.
UBND tỉnh Long An cho rằng địa điểm phù hợp nhất để xây nhiệt điện Long An là tại xã Phước Vĩnh Đông, huyện Cần Giuộc (vị trí thứ hai) vì phù hợp với quy hoạch của Long An. Ý kiến này cũng nhận được sự đồng tình của Bộ Công Thương, Bộ GTVT và Tổng cục Năng lượng.
Trong khi đó, UBND TP.HCM không đồng tình với vị trí trên do có nhiều hạn chế về mặt bằng và nguy cơ không khí ô nhiễm phát tán đến thành phố.
Đưa ra quan điểm cá nhân, TS Nguyễn Bách Phúc - Chủ tịch Hội Tư vấn Khoa học Công nghệ và Quản lý TP.HCM HASCON, Viện trưởng Viện Điện - Điện tử - Tin học EEI cho rằng cần phải xem xét, đánh giá nghiêm túc việc này.
Theo TS Phúc, ĐB SCL và TP.HCM là 2 khu vực cần rất nhiều điện để phát triển kinh tế - xã hội cũng như phục vụ nhu cầu của nhân dân. Xét trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, vị chuyên gia khẳng định, đầu tư xây dựng các nhà máy nhiệt điện là yêu cầu bắt buộc.
Ông Phúc dẫn chứng: “Tiềm năng thủy điện của Việt Nam hiện nay còn rất ít, gần như đã cạn kiệt. Thực tế, thủy điện lớn chúng ta đã làm hết. Nếu bòn vét các thủy điện nhỏ khắp miền Trung, miền Bắc thì được thêm khoảng 1.000- 2.000 MW. Tuy nhiên con số trên không đáng là bao so với nhu cầu khoảng 55.000 MW Việt Nam trong thời gian tới.
Điện gió hiện nay Việt Nam không có tiền đầu tư. Doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam sản xuất cũng không nhiều, do chúng ta đang yêu cầu họ bán Điện cho chúng ta quá rẻ, thấp hơn giá thành. Hai năm trước, Người Đức đầu tư vào Bình Thuận 30 MW điện gió, Người Mỹ đầu tư vào Bạc Liêu 16 MW và EVN đầu tư ở Đảo Phú Quý 6 MW, tổng cộng 52 MW, tất cả đều “chấp nhận chịu lỗ”, chỉ để “làm thử xem sao”! Đóng góp của điện gió thực sự không đáng kể so với nhu cầu 55.000 MW, chỉ được chưa đầy 1 phần nghìn! Điện gió hiện nay Việt Nam không có tiền đầu tư.
Thứ ba, điện nguyên tử Việt Nam cũng đã tạm dừng. Mức độ nguy hiểm của loại hình này ai cũng biết và sợ cả. Có thể thẳng thắn khẳng định rằng, trong điều kiện của Việt Nam lúc này, chúng ta chưa đủ trình độ và khả năng xây dựng và vận hành nhà máy điện nguyên tử.
Với những khó khăn trên, việc xây dựng các nhà máy nhiệt điện là bắt buộc. Chúng ta không còn lựa chọn nào khác”.
Tiếp tục phân tích, ông Phúc khẳng định, khi xây dựng nhà máy nhiệt điện chạy than, người ta buộc phải lựa chọn các vị trí gần sông, gần biển để xây dựng cảng lớn, đủ sức tiếp nhận than cho nhà máy, mỗi nhà máy 1200 MW mỗi năm xài hết gần 3,5 triệu tấn than, xe ô tô tải hoặc xe lửa không thể đảm đương việc này. Hơn nữa than Việt Nam còn lại không nhiều, mấy năm nay VN đã phải nhập mỗi năm hàng chục triệu tấn than, nhập qua đường biển.
Đặt nhà máy nhiệt điện tại xã Phước Vĩnh Đông (huyện Cần Giuộc) mà phía Long An lựa chọn, ông Phúc cho rằng hoàn toàn phù hợp nguyên tắc trên.
“Địa điểm trên nằm bên bờ hữu sông Soài Rạp, thuận tiện cho việc xây dựng nhà máy. Ngoài vị trí trên, Long An không có chỗ nào gần sông, gần biển hơn. Họ bắt buộc phải chọn chỗ đó.
Còn nếu nói vị trí trên gần TP.HCM có thể phát tán không khí ô nhiễm thì phải xem xét lại. Tôi xin khẳng định, chúng ta đã xây dựng nhà máy nhiệt điện thì nguy cơ ô nhiễm môi trường cao hơn thủy điện và năng lượng sạch. Do đó đặt chỗ nào thì người dân cũng có thể bị ảnh hưởng và phải đề phòng nguy cơ ô nhiễm môi trường.
Nếu đặt xa TP.HCM thì người dân vùng khác sẽ bị ảnh hưởng. Vấn đề quan trọng hiện nay là phải tìm cách khắc phục, tháo gỡ về vấn đề môi trường chứ không phải yêu cầu chuyển vị trí dự án”, ông Phúc khẳng định.
Phải bỏ tiền ra xử lý môi trường
Bằng kinh nghiệm thực tế của mình, Chủ tịch Hội Tư vấn Khoa học Công nghệ và Quản lý TP.HCM HASCON chia sẻ, không chỉ riêng ĐB Sông Cửu Long của Việt Nam mà tại nhiều quốc gia khác trên thế giới, để có nguồn điện phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, các nước đều phải tập trung phát triển nhiệt điện than.
Theo ông Phúc, một vài nước như Na Uy, Phần Lan do có những lợi thế về sông ngòi, dòng chảy, nên họ tập trung phát triển thủy điện, sản lượng điện từ thủy điện chiếm khoảng 80-90% năng lượng điện cả nước. Một quốc gia khác là Pháp, đã tập trung phát triển điện nguyên tử, chiếm 50-60% năng lượng điện cả nước. Nhưng họ có trình độ cao, công nghệ hiện đại, nên chưa thấy xảy ra tai nạn. “Điện nguyên tử nguy hiểm hơn nhiệt điện than mà các nước còn xử lý được, vậy thì tạo sao chúng ta lại e ngại không muốn xử lý ô nhiễm của Nhiệt điên chạy than?”, ông Phúc đặt câu hỏi.
Thiết bị và công nghệ để giảm tác động ô nhiễm môi trường của nhà máy nhiệt điên chạy than đã có sẵn, đã thành thương phẩm từ lâu trên thế giới. Cho đến nay, khoảng 50% năng lượng điện của thế giới được phát ra từ nhiệt điện chạy than, nhưng chẳng nước nào kêu ca hay sợ hãi ô nhiễm môi trường. Vì sao? Vì họ nghiêm túc chấp hành Luật pháp Bảo vệ Môi trường, họ bỏ tiền lớn đầu tư cho thiết bị và công nghệ Bảo vệ Môi trường.
Nhìn lại thực trạng phát triển nhiệt điện của Việt Nam thời gian qua, vị chuyên gia cho rằng, có rất nhiều điều phải đánh giá và xem xét lại, khi nhiều dự án đã triển khai, nhưng không được kiểm soát tốt về mặt tác động môi trường, dẫn đến những hệ quả đáng tiếc.
Lấy dẫn chứng từ Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 và Vĩnh Tân 4 (Bình Thuận), ông Phúc chỉ ra một thực tế đáng buồn trong đầu tư dự án thời gian qua. Các nhà đầu tư đến từ Trung Quốc khi triển khai dự án chỉ mong muốn lợi nhuận cao, thu lại vốn nhanh, nên không chú trọng nhiều đến vấn đề xử lý ô nhiễm môi trường.
“Ví dụ, việc vận chuyển và xử lý tro xỉ không được chú trọng. Thậm chí người dân còn phản đối khi phát hiện Nhà máy Vĩnh Tân đem giấu xỉ than ở trong rừng. Ô tô vận chuyển không những làm phát sinh bụi mà còn làm hỏng đường của dân. Việc này hết sức nguy hiểm.
Do đó với nhà máy nhiệt điện tại Long An tôi cho rằng cần nghiêm túc chấp hành Luật pháp Bảo vệ Môi trường, cần bắt buộc nhà đầu tư bỏ tiền đủ lớn đầu tư cho thiết bị và công nghệ Bảo vệ Môi trường.
Đặc biệt là ưu tiên sử dụng công nghệ hiện đại để đảm bảo môi trường. Không được để các doanh nghiệp làm bậy như thời gian vừa qua”, ông Phúc nhấn mạnh.
Để giải quyết tình trạng trên, vị chuyên gia đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước giám sát chặt chẽ các doanh nghiệp tham gia đầu tư nhà máy nhiệt điện từ công nghệ cho đến quá trình thi công, vận hành.
“Hiện nay công nghệ tiên tiến trên thế giới có rất nhiều. Con người có đầy đủ biện pháp để khắc phục hậu quả môi trường, vấn đề là tốn tiền. Chẳng hạn như vấn đề khí thải, xử lý việc này không có gì quá khó khăn. Chúng ta chỉ cần yêu cầu nhà đầu tư lắp đặt hệ thống lọc bụi thật tốt, hệ thống lọc và xử lý khí độc, làm ống xả khói thêm cao. Khi đó khói xả lên cao hơn và tản ra rất nhanh, nguy cơ ô nhiễm môi trường sẽ đạt tới mức có thể chấp nhận. Đồng thời phải yêu cầu nhà đầu tư có phương án xử lý ngiêm túc triệt để xỉ than.
Do đó Bộ Công Thương và các địa phương phải có chế tài chặt chẽ, buộc các nhà đầu tư bỏ tiền ra để lo môi trường đến nơi đến chốn.
Thứ hai là chính quyền phải kiểm soát môi trường chặt chẽ bắt đầu từ khâu thiết kế đến thi công và sau này vận hành. EVN hay bất cứ doanh nghiệp nào thực hiện cũng phải tuân thủ nghiêm ngặt các điều kiện này”, ông Phúc khẳng định.
Ngoài ra, với câu chuyện này, có những nhà khoa học không có chuyên môn về nhiệt điện, đã “phát hiện” những đe dọa hết sức “giật gân”, khiến công luận “hết hồn”. Ví dụ họ nói: “với nhà máy vùng cửa sông thì nước làm mát từ nhà máy nhiệt độ cao, gần 50 độ, các sinh vật ở trong nhiệt độ cao như vậy thì không thể nào phát triển được”. Họ không biết rằng lưu lượng nước làm mát (nước lạnh hút từ sông vào nhà máy, và nước nóng xả ra sông) cho 1 nhà máy nhiệt điện 1200 MW, chỉ vào khoảng 6 m3/giây, trong khi lưu lượng của sông Cửu Long 6.000 m3/giây về mùa khô (lớn gấp 1000 lần). Thật lạ lùng khi nói rằng 1 phần nghìn lượng nước 50 độ có thể giết chết hết các loại cá của dòng sông. Câu chuyện ở sông Soài Rạp cũng tương tự, chỉ khác là lưu lượng của sông Soài Rạp 600 m3/ giây về mùa khô (lớn gấp 100 lần).
Ví dụ họ còn nói: Mỗi ngày hàng trăm tấn cá sẽ bị chém nát và luộc chín trong hệ thống làm mát. Thực ra khi hú
t nước sông, người ta phải làm lưới chắn rất kỹ, không cho tôm cá và rác rưởi lọt vào, nếu không thì hệ thống làm mát sẽ bị tắc nghẽn hoàn toàn!
Tác giả gửi BVN.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét