Việc Việt Nam đình chỉ một trang mạng được nhiều người đọc và vốn được biết đến với những bài báo lên tiếng mạnh mẽ là động thái mới nhất trong nỗ lực của nước này nhằm hạn chế quyền tự do biểu đạt vốn làm cho giới lãnh đạo cộng sản của quốc gia này, vốn chú trọng về hình ảnh, phải lo ngay ngáy.
Hôm 16/7, Bộ thông tin và Truyền thông thông báo đình chỉ trang mạng của báo Tuổi Trẻ trong ba tháng. Tờ báo này vốn được biết đến với những bài viết về tham nhũng.
Tuổi Trẻ trực thuộc cơ quan chủ quản là Đoàn thanh niên Cộng sản của Thành phố Hồ Chí Minh và đã bị buộc tội là đưa tin thất thiệt. Tờ báo này cũng được yêu cầu phải cải chính thông tin sai lệch và bị phạt một số tiền lớn.
Việc đình chỉ trang tin của Tuổi Trẻ diễn ra sau khi Quốc hội Việt Nam thông qua đạo luật an ninh mạng hồi tháng Sáu để kiểm soát thông tin trên mạng Internet và những vụ bắt giữ những bloggers chỉ trích chính quyền.
Từ vụ việc này, truyền thông nói chung phải lưu ý, ông Murray Hiebert, phó giám đốc chương trình đông nam Á tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở Washington, nói.
“Tôi cho rằng việc đình chỉ trang mạng Tuổi Trẻ là phát súng cảnh cáo đối với tờ báo này và những tờ báo khác rằng họ cần phải cẩn trọng hơn,” ông Hiebert nói. “Chính phủ Việt Nam đã lo lắng về truyền thông và các bloggers trong vài năm trở lại đây.”
Kể từ khi truyền thống chính thống và mạng xã hội của Việt Nam tường thuật về vụ cá chết hàng loạt do nhà máy thép Formosa của Đài Loan thải độc ra biển hai năm trước, Chính phủ Việt Nam đã tìm cách tăng cường quản lý nội dung, ông Hiebert nói.
Các quan chức Việt Nam đã có chuyến công tác đến Trung Quốc hồi năm ngoái để ‘thảo luận về những cách thức kiểm soát Internet tốt hơn,’ ông cho biết.
Một loạt các vụ bắt giữ các blogger trong các năm 2016 và 2017 cho thấy sự nhạy cảm của chính quyền trước dư luận về tham nhũng và quản lý không hiệu quả của Nhà nước, theo các chuyên gia.
Một năm trước, Bộ Công an đã đề xuất Luật An ninh mạng để họ có quyền kiểm soát nhiều hơn đối với các nội dung bị cấm và các hoạt động chống chính quyền. Đạo luật này yêu cầu các nhà điều hành mạng xã hội phải lưu trữ thông tin người dùng ở trong nước và phải nhan chóng gỡ bỏ nội dung nếu được yêu cầu, cũng theo ông Hiebert.
“Luật An ninh mạng chắc chắn sẽ làm tăng độ rủi ro của việc đăng bài lên mạng,” ông Frederick Burke, đối tác của hãng luật Baker McKenzie ở Thành phố Hồ Chí Minh, nói. “Họ cần phải cẩn thận hơn.”
Tổ chức Nhà báo Không Biên giới hôm 19/7 nói rằng họ ‘cảm thấy báo động khi chứng kiến chính quyền Việt Nam nhắm vào những cơ quan báo chí vốn lâu nay vẫn bám theo quan điểm của Đảng sau khi đã trừng trị những cơ quan truyền thông độc lập’.
Tuổi Trẻ bị đình chỉ trang mạng do đã dẫn lời Chủ tịch nước Trần Đại Quang, ông Carl Thayer, giáo sư danh dự chuyên về đông nam Á của Đại học New South Wales ở Úc, nói. Bản tin của báo Tuổi Trẻ tường thuật rằng ông Quang ‘cảm thông’ với những cuộc biểu tình chống Trung Quốc hồi tháng Sáu. Bản tin này bị cáo buộc ‘tổn hại đoàn kết dân tộc’, ông Thayer nói.
Chính quyền Việt Nam có thể sẽ bực mình nếu báo chí đưa tin về tham nhũng quá nhiều, ông Nguyễn Thành Trung, trưởng khoa Quan hệ Quốc tế thuộc Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn, nói.
Việt Nam đã truy tố một số quan chức từ tập đoàn dầu khí PetroVietnam về tội tham nhũng trong nỗ lực mà các nhà phân tích cho rằng chứng tỏ cho người dân thấy chính quyền đang nghiêm túc chống tham nhũng.
Tại Hội nghị Trung ương 7 hồi tháng Năm, Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã thông qua một nghị quyết về việc kiểm tra các đảng viên kỹ lưỡng về các hành vi tham nhũng.
Giới chức Việt Nam muốn truyền thông đưa tin về các xu thế trong xã hội ‘một cách không thiên vị’ nhưng cũng phải đưa tin thống nhất và hòa cùng một giọng với chính quyền, ông Trung cho biết.
“Tôi cho rằng chính phủ sẽ tìm cách áp đặt sự kiểm soát toàn diện lên báo chí bởi vì một số tờ báo đã bị khiển trách vì đã đi quá xa (trong cuộc chiến chống tham nhũng),” ông Trung nói.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét