Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Bảy, 21 tháng 7, 2018

Choáng váng vì Trump, Trung Quốc cố ve vãn châu Âu nhưng bất thành

Choáng váng vì Trump, Trung Quốc cố ve vãn châu Âu nhưng bất thành

Thụy My

mediaChủ tịch Hội đồng Châu Âu Donald Tusk, thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean-Claude Juncker tại Bắc Kinh ngày 16/07/2018.REUTERS/Thomas Peter
Bị cơn lốc xoáy Donald Trump làm choáng váng, Trung Quốc bèn quay sang ve vãn châu Âu, cố tìm cho được đồng minh trong cuộc chiến thương mại.
Hôm thứ Hai 16/07/2018, Bắc Kinh đã trải thảm đỏ, giương cao ngọn cờ «tự do mậu dịch» để đón tiếp Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Donald Tusk và Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean-Claude Juncker. Nền kinh tế thứ nhì thế giới mong chiêu dụ được Bruxelles nhân hội nghị thượng đỉnh thường niên với Liên hiệp Châu Âu, trong bối cảnh Tổng thống Mỹ vừa bắn một loạt đại pháo mới, áp đặt thuế hải quan lên 200 tỉ đô la hàng Trung Quốc nhập khẩu.

Trục Bắc Kinh - Bruxelles để cô lập Donald Trump?
Vốn có thói quen cao ngạo trước các đối tác thương mại, lần này Bắc Kinh nồng hậu tiếp đón những thượng khách từ Bruxelles. Vài ngày trước khi diễn ra hội nghị thượng đỉnh, Trung Quốc thậm chí còn để cho bà Lưu Hà (Liu Xia), vợ góa của giải Nobel hòa bình Lưu Hiểu Ba (Liu Xiaobo) bay sang Đức theo yêu cầu của Thủ tướng Angela Merkel, kết thúc tình trạng bị quản thúc chặt chẽ từ nhiều năm qua.
Nhà sử học Chương Lập Phàm (Zhang Lifan) nhận định: «Hành động có tính toán này nằm trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ-Trung. Trung Quốc muốn xích lại gần châu Âu để cô lập Donald Trump». Tuy nhiên cũng theo ông Chương - một trong những nhà phân tích cuối cùng tại Trung Quốc còn dám phát biểu một cách tự do - cử chỉ này quá lộ liễu và chiến dịch quyến rũ khó thể kéo dài, vào lúc Chủ tịch Tập Cận Bình thâu tóm mọi quyền lực, đề cao ý thức hệ mác-xít.
Bắc Kinh và cựu lục địa đều là mục tiêu bị nằm trong tầm ngắm của Nhà Trắng, và đều chia sẻ mối lo ngại trước chủ nghĩa bảo hộ đang đe dọa tăng trưởng toàn cầu. Tuy nhiên hy vọng của Trung Quốc sẽ tạo được trục Bắc Kinh – Bruxelles đã biến thành nỗi thất vọng.
Giáo sư Trần Đạo Ẩn (Chen Daoyin) giảng dạy ở Thượng Hải nhưng không muốn nói tên trường để tránh bị sách nhiễu, phân tích: «Châu Âu sẽ không liên minh với Trung Quốc, vì cũng đồng tình với Hoa Kỳ trước các hành vi cạnh tranh bất chính của Bắc Kinh».
Về mặt công khai thì các nhà kỹ trị ở Bruxelles tố cáo chủ nghĩa đơn phương của Washington, trái với các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Nhưng trong hậu trường, họ vỗ tay hoan nghênh những cú đòn trời giáng của Donald Trump đối với người khổng lồ Trung Quốc luôn vi phạm luật chơi quốc tế. Bruxelles và Washington đều phản đối việc trợ giá ồ ạt cho các đại tập đoàn Trung Quốc để tràn ngập thị trường các nước, coi đây là các hàng rào phi thuế quan để cản trở các doanh nghiệp châu Âu và Mỹ tại thị trường nội địa Trung Quốc.
Bắc Kinh nói một đằng, làm một nẻo
Những loan báo mới đây về việc mở cửa một số lãnh vực như xe hơi, không còn buộc phải liên doanh với các công ty trong nước, là «quá trễ và quá hạn chế» - một bản báo cáo của Phòng Thương mại Liên hiệp Châu Âu tại Trung Quốc (EUCCC) công bố ngày 10/07/2018 tố cáo.
Tài liệu này nhấn mạnh khoảng cách giữa các bài diễn văn cổ vũ tự do mậu dịch của ông Tập Cận Bình tại Diễn đàn Davos năm ngoái, và thực tế tại Trung Quốc, nơi mà hy vọng trước những lời hứa mở cửa ngon ngọt đã trở nên mòn mỏi. Trong một cuộc thăm dò vào tháng Sáu của EUCCC, có đến hai phần ba các doanh nghiệp châu Âu đặt cơ sở tại Trung Quốc tố cáo bị phân biệt đối xử. Nhà nghiên cứu Françoise Nicolas, Viện Quan hệ Quốc tế Pháp cũng có cùng nhận định: «Cách biệt giữa lời nói và việc làm của Bắc Kinh rất lớn».
Theo Giáo sư Trần Đạo Ẩn, sự khác biệt mang tính căn cơ về lâu về dài. Ông nói: «Bắc Kinh coi quá trình toàn cầu hóa và chủ nghĩa đa phương chỉ là công cụ để thống trị thế giới, áp đặt các quy định của Trung Quốc. Trong khi đó đối với châu Âu, đây là vấn đề nguyên tắc». Bất đồng cốt yếu này bao trùm lên tất cả, mặc cho những tuyên bố ủng hộ tự do mậu dịch.
Sự khó xử của châu Âu
Liên hiệp Châu Âu bị đặt trong tình thế khó xử: trước mặt là một đối tác cho biết sẵn sàng tham gia một mặt trận đa phương chống lại Donald Trump, nhưng bản thân lại không chấp hành các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới.
Tuy xuất khẩu vô số hàng hóa sang châu Âu (gần 375 tỉ euro trong năm 2017) và mua rất nhiều doanh nghiệp của cựu lục địa, nhưng Trung Quốc vẫn đóng cửa đối với đầu tư nước ngoài. Nhà phân tích Agatha Kratz của Rhodium Group nêu cụ thể: không chỉ cạnh tranh bằng giá nhân công rẻ, Bắc Kinh còn khóa chặt thị trường đấu thầu; các lãnh vực vận tải, truyền thông, tài chính. Ngược lại EU vẫn chưa dựng lên hàng rào nào để ngăn trở Trung Quốc «mua sắm» các công ty châu Âu.
Tệ hại hơn nữa là Bắc Kinh, vô địch về trợ giá cho các công ty quốc doanh, là nguyên nhân của tình trạng sản xuất thừa thép, khiến Washington phải đặt ra rào cản thuế quan. Một quan chức châu Âu bực tức: «Điều mà chúng tôi cố gắng giải thích cho ông Trump: châu Âu không gây ra nạn thừa thép, mà cũng là nạn nhân như Mỹ vậy».
Mối liên hệ giữa Bắc Kinh và Bruxelles hiện vẫn nhập nhằng. Trong khi châu Âu ngày càng mua nhiều hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc (xuất khẩu sang châu Âu tăng 7,5% hàng năm kể từ 2013), Ủy ban Châu Âu liên tục áp thuế chống phá giá. Hiện nay có 65 sản phẩm Trung Quốc bị áp thuế này, chủ yếu là các mặt hàng làm từ thép và nhôm; và trên 31 biện pháp chống né thuế - nhắm vào hàng Trung Quốc đi vòng sang các nước khác để vào EU.
Song song đó, Bruxelles còn cải thiện khung pháp chế. Viễn cảnh Trung Quốc được hưởng quy chế nền kinh tế thị trường khiến 28 nước EU phải hiện đại hóa các công cụ tự vệ thương mại – một hồ sơ bị dậm chân tại chỗ từ nhiều năm qua. Châu Âu ngưng công khai danh sách các nền kinh tế không mang tính thị trường để duy trì mức độ bảo vệ các nhà sản xuất của mình. Còn Bắc Kinh đã kiện EU trước Tổ chức Thương mại Thế giới vào tháng 12/2016, cáo buộc châu Âu không nhanh chóng công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Trung Quốc.
Mặt khác, trước việc Trung Quốc liên tục mua các công ty EU và chú tâm vào các cổ phiếu mang tính chiến lược, mà điển hình là trường hợp Kuka, nhà sản xuất robot của Đức, Liên hiệp Châu Âu rốt cuộc phải tính đến việc «thanh lọc» lại các đầu tư này – một điều cấm kỵ hồi năm 2014. Mỗi quốc gia EU tự xem xét lãnh vực nào là chiến lược, và chia sẻ thông tin với các thành viên khác. Đầu tháng Sáu năm nay, Bruxelles cũng kiện lên WTO về các vụ chuyển giao công nghệ bất hợp pháp của Bắc Kinh.
Quyền lực mềm Trung Quốc
Trong bài «Châu Âu không nên ngây thơ trước Trung Quốc», nhà nghiên cứu Philippe Le Corre của Havard Kennedy School nhấn mạnh, từ sau Đại hội 19, Bắc Kinh không ngừng khẳng định sức mạnh trên nhiều lãnh vực.
Về ngoại giao, năm nay ngân sách được tăng 20% để triển khai các công cụ «soft power» như các Viện Khổng Tử, mở rộng các phương tiện truyền thông ra quốc tế (China Daily, «Tiếng nói Trung Quốc»…). Về kinh tế, Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng Châu Á có tham vọng cạnh tranh với các định chế như Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Về quân sự, quân cảng Djibouti mới toanh đã là nơi đóng quân của 5.000 lính Trung Quốc.
Hàng hải được đặc biệt chú trọng: cảng Pirée của Hy Lạp trở thành ngõ vào chính của Trung Quốc tại Đại Tây Dương (công ty Cosco Trung Quốc nắm 67% vốn). Bên cạnh đó còn có cảng Gwadar ở Pakistan, cảng nước sâu ở bang Rakhine, Miến Điện (Trung Quốc chiếm 70% vốn), và nhất là cảng Hambantota ở Sri Lanka, bị đem cho Trung Quốc thuê 99 năm. Hoạt động ở cảng «thương mại» này không chỉ là vận chuyển hàng hải, mà từ nhiều năm qua đã tiếp đón các tàu ngầm và chiến hạm của hải quân Trung Quốc.
Có nên liên minh với một chế độ toàn trị, tư bản nửa mùa?
Chuyên gia Le Corre cảnh báo, rõ ràng đây không chỉ là vấn đề kinh tế mà nằm trong chiến lược toàn cầu của Bắc Kinh. Như vậy có nên liên minh với Trung Quốc – một mô hình toàn trị và tư bản nửa mùa, Nhà nước do Đảng chỉ đạo có toàn quyền kiểm soát, trừng phạt các doanh nghiệp ?
Hơn nữa, đầu tư của Hoa Kỳ vào châu Âu cao hơn rất nhiều so với Trung Quốc, và chiều ngược lại cũng tương tự. Cuối cùng là các giá trị phương Tây, từ dân chủ cho đến tự do cá nhân, tự do thông tin mà châu Âu và Mỹ cùng chia sẻ.
Theo Philippe Le Corre, đã hẳn những tuyên bố của Donald Trump gây hoang mang, nhưng lợi ích chiến lược về lâu về dài phải bao trùm lên tính cách cá nhân của ông chủ Nhà Trắng hiện nay.
Rốt cuộc, châu Âu không bị phỉnh phờ trước những lời đường mật. Ngay sau cuộc họp thượng đỉnh, EU lại ký kết với đối thủ của Trung Quốc là Nhật Bản một hiệp định thương mại lịch sử. Một khu vực tự do mậu dịch chiếm đến một phần ba GDP toàn cầu được hình thành, với 600 triệu dân. Trước viễn cảnh biện pháp trừng phạt của Washington sẽ làm tăng trưởng Trung Quốc bị giảm 0,2 đến 0,5 điểm, Bắc Kinh có lẽ càng thêm cay cú.
T.M.
Châu Âu từ chối lập Liên minh Thương mại với Trung Cộng, lối thoát nào cho Tập Cận Bình?
   
Nguồn: blob:https://www.youtube.com/2daa97a6-eef5-42d8-9d02-a16a258970ee

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét