Câu hỏi khó của Trung Quốc và quy tắc Pottery Barn*
“Bạn làm vỡ, bạn phải chịu trách nhiệm”: Trung Quốc đã phá vỡ nhiều mối quan hệ với các nước láng giềng; bây giờ Bắc Kinh phải lãnh chịu hậu quả.
Alexander C. Tan & Neel Vanvari
25 Tháng Ba, 2023
Ly Ngữ dịch
Phản ứng của Trung Quốc đối với thông báo gần đây về việc Úc mua tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân thông qua AUKUS là rất nghiêm trọng. Trung Quốc cáo buộc ba thành viên AUKUS “hoàn toàn xem thường các mối quan tâm của cộng đồng quốc tế và ngày càng đi xa hơn vào con đường sai lầm và nguy hiểm”.
Không có gì đáng ngạc nhiên, quan điểm của Trung Quốc về việc mở rộng quan hệ quân sự được công bố gần đây giữa Hoa Kỳ và Philippines cũng hoàn toàn tiêu cực. Thông tin về cuộc tập trận chung lớn nhất từ trước đến nay giữa Mỹ và Philippines được Trung Quốc cho là “một phần trong nỗ lực của Mỹ nhằm bao vây và kiềm chế Trung Quốc thông qua liên minh quân sự”.
Trong những năm gần đây, đã có sự gia tăng đáng kể trong việc hình thành các nhóm đa phương và các nhóm nhỏ không chính thức ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Các quốc gia đã có quan hệ đối tác chiến lược quốc phòng thì tăng cường hợp tác và củng cố quan hệ. Các học giả và các nhà quan sát đồng ý rằng yếu tố chung đằng sau những diễn biến này là sự trỗi dậy của Trung Quốc và những tác động của Trung Quốc đối với cấu trúc khu vực ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Cho đến nay, phản ứng của Trung Quốc đối với những diễn biến này hầu như luôn luôn là thù địch, như thể hiện ở các tuyên bố liên quan đến mối quan hệ AUKUS và Philippines-Mỹ. Chính sách ngoại giao chiến lang (sói cắn xé đối thủ) của Trung Quốc là bằng chứng rõ ràng. Các quan chức Trung Quốc thường xuyên tuyên bố rằng Hoa Kỳ đang can thiệp vào phạm vi ảnh hưởng của Trung Quốc và các quốc gia trong khu vực đang chung tay để “bao vây” hoặc “kiềm chế” Trung Quốc.
Mặc dù Bắc Kinh có thể bày tỏ sự không hài lòng về các liên kết an ninh này, nhưng các liên kết đó không phải là điều ngạc nhiên đối với Trung Quốc. Tình trạng phát triển các thỏa thuận an ninh trong khu vực có thể được ví như quy tắc “Pottery Barn”. Quy tắc này đã được cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ Colin Powell sử dụng để bày tỏ sự phản đối của mình đối với cuộc xâm lược Iraq của Tổng thống George W. Bush. Quy tắc này chỉ đơn giản là: “Anh làm vỡ nó, anh phải chịu trách nhiệm về nó/anh phải đền”.
Nói cách khác, sự quyết đoán và chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc trong khu vực đã dẫn đến một môi trường an ninh nơi mà các quốc gia buộc phải phản ứng để bảo vệ lợi ích của mình, do đó dẫn đến việc hình thành các thoả thuận an ninh mới hoặc tăng cường các hợp tác an ninh.
Kể từ khi Tập Cận Bình nhậm chức, chính sách đối ngoại của Trung Quốc ngày càng trở nên quyết đoán, bằng chứng là các hành động của nước này ở Biển Đông. Các hoạt động xây dựng đảo của Trung Quốc trong khu vực diễn ra thường xuyên hơn kể từ năm 2012, và các yêu sách của nước này, dựa trên cái gọi là “đường chín đoạn”, đã bị các quốc gia Đông Nam Á phản đối, chẳng hạn như Philippines và Việt Nam – những nước có yêu sách lãnh thổ ở Biển Đông, biển bị Trung Quốc tranh chấp và Trung Quốc bác bỏ các yêu sách lãnh thổ của các nước khác. Việt Nam và Philippines cũng tham gia xây dựng đảo ở Biển Đông, nhưng quy mô và mức độ xây dựng đảo và yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc là vô song. Các hành động của Trung Quốc đã khiến các quốc gia ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương lo lắng.
Các tranh chấp hàng hải của Trung Quốc với Philippines đã lan sang các lĩnh vực khác, chẳng hạn như các hoạt động đánh bắt cá. Các tàu Trung Quốc thường xuyên ngăn không cho ngư dân Philippines đánh bắt cá ở các khu vực trong Vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Các tàu Cảnh sát biển Trung Quốc cũng đã cản trở các hoạt động khảo sát của chính quyền Philippines. Gần đây hơn, Trung Quốc tuyên bố đơn phương cấm đánh bắt cá ở Biển Đông, dẫn đến phản đối chính thức từ Manila. Điều quan trọng hơn, Trung Quốc coi thường phán quyết của tòa án quốc tế bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông và coi thường phán quyết có lợi cho Philippines.
Việt Nam cũng cáo buộc Trung Quốc cắt dây cáp của tàu giám sát Việt Nam và đưa giàn khoan dầu vào vùng đặc quyền kinh tế mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền.
Indonesia phàn nàn về sự xâm nhập của Trung Quốc ở vùng biển gần quần đảo Natuna.
Malaysia đã tiến hành các hoạt động khoan bất chấp “sự quấy rối hàng ngày” của các tàu Cảnh sát biển Trung Quốc. Malaysia phải điều động các máy bay chiến đấu của mình khi 16 máy bay phản lực của Không quân PLA tiếp cận không phận Malaysia mà không có thông báo trước.
Việc Trung Quốc quân sự hóa một số đảo ở Biển Đông càng làm các quốc gia Đông Nam Á tăng phần lo ngại.
Ngoài các tranh chấp ở Biển Đông, Trung Quốc còn có các tranh chấp lãnh thổ với các quốc gia khác trong khu vực, như với Nhật Bản về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, với Ấn Độ về biên giới trên dãy Himalaya. Trung Quốc cũng tỏ ra ít kiềm chế trong việc sử dụng thương mại như một biện pháp ép buộc, và áp đặt các biện pháp trừng phạt nặng nề đối với hàng nhập khẩu của Australia để trả đũa lời kêu gọi của Australia về một cuộc điều tra chính thức về nguyên nhân gây ra đại dịch COVID-19.
Kể từ năm 2012, chính sách đối ngoại của Trung Quốc đã có một lập trường quyết đoán hơn, và một số nhà quan sát cho rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc không còn phù hợp với câu chuyện “trỗi dậy hòa bình”. Cựu Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã đặt ra thuật ngữ này để truyền đạt rằng Trung Quốc không tìm cách trở thành bá chủ khi nước này vươn lên về kinh tế và quân sự, và rằng nước này sẽ không đe dọa an ninh khu vực bằng cách đảo lộn hiện trạng hoặc phớt lờ các quy tắc của trật tự quốc tế. Tuy nhiên, các hành động của Trung Quốc kể từ năm 2012 mâu thuẫn với câu chuyện “trỗi dậy hòa bình” này.
Một mặt, Trung Quốc tuyên bố không đe dọa an ninh khu vực, nhưng lại đe dọa các nước láng giềng Đông Nam Á thông qua các cuộc diễn tập quân sự trên không, trên bộ, trên biển, cũng như các chiến thuật vùng xám. Trung Quốc tuyên bố tuân theo các chuẩn mực của trật tự quốc tế, nhưng lại không tuân theo UNCLOS hoặc phán quyết của Tòa án Quốc tế về yêu sách Biển Đông của mình. Trung Quốc nói rằng họ sẽ không ép buộc các nước trong khu vực, nhưng họ thoải mái dùng thương mại làm vũ khí.
Các hành động ngày càng quyết đoán của Trung Quốc đã làm đảo lộn hiện trạng và phá tan ảo tưởng về sự trỗi dậy hòa bình của nước này. Các quốc gia trong khu vực hiện đang tìm kiếm sự hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau vì nhận thức này. Sự gia tăng các nhóm đa phương và các nhóm nhỏ là một phản ứng đối với các hành động trắng trợn của Trung Quốc.
Trung Quốc không thể thoái thác trách nhiệm về tình trạng căng thẳng ngày càng gia tăng ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và phải gánh chịu hậu quả của việc phá vỡ hình ảnh trỗi dậy hòa bình của mình. Cấu trúc an ninh đang thay đổi trong khu vực và sự gia tăng quan hệ đối tác để chống lại Trung Quốc là một phản ứng đối với các hành động của chính Trung Quốc. Quy tắc Pottery Barn được áp dụng ở đây: Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về sự thay đổi đó trong khu vực.
A.C.T. – N.V.
---
Alexander C. Tan là giáo sư khoa học chính trị và quan hệ quốc tế tại Đại học Canterbury, Christchurch, New Zealand.
Neel Vanvari là NCS Tiến sĩ ngành Khoa học chính trị và Quan hệ quốc tế tại Đại học Canterbury, Christchurch, New Zealand.
* Pottery Barn là chuỗi cửa hàng bán đồ nội thất, trong đó có đồ gốm – BVN chú thích
L.N. gửi BVN
Nguồn bản gốc: The Diplomat
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét