Sự kết thúc chiến tranh Việt Nam (Phần 1)
Tác giả: Henry Kissinger
Đỗ Kim Thêm, dịch
28-4-2023
Lời người dịch: Nguyên tác của bản dịch là “The Vietnam War and its Conclusions”, một trích đoạn trong tác phẩm Leadership – Six Studies in World Strategy của Henry Kissinger do Nhà xuất bản Penguiun Press, New York ấn hành ngày 5-7-2022, (Trang 149-163).
Trong bài viết, Kissinger nêu lên chiến lược nguyên thuỷ khi đàm phán của Richard Nixon đề ra là binh sĩ Mỹ và Bắc Việt phải cùng lúc rút ra khỏi miền Nam. Nhưng khi Kissinger dự thảo cho Hoà ước Paris, có sự thay đổi điều kiện là Lê Đức Thọ chỉ chấp thuận cho việc binh sĩ Mỹ đơn phương ra đi trong khi binh sĩ Bắc Việt được tiếp tục đồn trú tại miền Nam. Kissinger không giải thích tại sao phải chấp nhận điều kiện này.
Trong cuốn sách Kissinger’s Betrayal: How America Lost the Vietnam War, do Nhà xuất bản Real Clear Publishing ấn hành vào tháng 4 năm 2023, Stephen B. Young đã dẫn chứng nhiều nguồn tài liệu và thư tín của Ellsworth Bunker, Henry Kissinger, Lưu Văn Lợi và Nguyễn Anh Vũ, Anatoly Dobrynin, Claude Dulong-Sainteny cũng như trực tiếp phỏng vấn Bunker và Nixon. Stephen B. Young kết luận, Kissinger đã qua mặt cả Nixon khi tự ý đề ra điều kiện cho binh sĩ Bắc Việt ở lại. Lá thư của Kissinger gửi cho Bunker vào ngày 25-5-1971 và biên bản cuộc họp ngày 9-1-1971 tại Toà Bạch Ốc với Đại sứ Dobrynin là hai bằng chứng cụ thể.
Sau khi tiếp xúc với Kisinger, Đại sứ Dobrynin xác nhận với Moscow và Hà Nội là: “…Nếu Hoa Kỳ cam kết rút toàn bộ lực lượng trong một thời hạn nhất định và có thể không yêu cầu lực lượng QĐNDVN rút đồng thời ra khỏi miền Nam … Bắc Việt nên cam kết tôn trọng lệnh ngừng bắn trong thời gian Hoa Kỳ rút quân …”
Richard Nixon nói không biết Kissinger thật sự làm gì vào năm 1971.
Cho đến nay, Kissinger chỉ lăp lại các biện minh quen thuộc: Hậu quả của Watergate làm cho Nixon ra đi, Quốc hội Mỹ cắt giảm viện trợ làm cho miền Nam không thể tiếp tục chiến đấu, không thú nhận bị Lê Đức Thọ lừa đảo và hay có bất cứ một trách nhiệm nào về chính trị hay đạo đức cá nhân. Kissinger vẫn chưa trả lời các cáo buộc của Stephen B. Young.
***
Khi Nixon tuyên thệ nhậm chức vào tháng Giêng năm 1969, Hoa Kỳ đã có gần hai thập niên can dự tại Việt Nam, 30.000 binh sĩ đã tử thương trên chiến trường và nhiều cuộc biểu tình phản chiến, đôi khi bằng bạo lực. Trong lần gặp gỡ Nixon đầu tiên sau khi thắng cử tại khách sạn Pierre, ông nhấn mạnh, kiên quyết kết thúc cuộc chiến Việt Nam trong nhiệm kỳ đầu tiên. Ông hứa với các gia đình tử sĩ về một sự kết thúc phù hợp đối với vinh dự của Mỹ. Ông muốn đạt được việc này bằng chính sách ngoại giao thông qua liên kết với Liên Xô. Ý tưởng về việc mở cửa đối với Trung Quốc cũng có thể sẽ đóng một vai trò, nhưng ông sẽ không bán tháo (chủ trương). Một nền an ninh của các dân tộc tự do, hoà bình thế giới và tiến bộ tuỳ thuộc vào việc tái lập và đổi mới tinh thần lãnh đạo của Hoa Kỳ. Các nỗ lực về chính trị và quân sự cũng phải được duy trì song song.
Ngay trong lúc đầu của nhiệm kỳ tổng thống Harry Truman, Hoa Kỳ đã tham gia việc bảo vệ miền Nam để chống lại sự nổi dậy của Cộng sản bằng cách gởi các cố vấn quân sự. Eisenhower gia tăng viện trợ Mỹ và nâng số lượng các cố vấn quân sự từ 35 lên đến gần 700 vào năm 1956, đặt họ trực thuộc Toà Đại sứ Mỹ tại Sài Gòn. Vào lúc cuối nhiệm kỳ, Eisenhower kết luận là, qua việc mở ra các đường tiếp vận mới, các đơn vị Bắc Việt thâm nhập được Lào và Kampuchea, hai nước yếu và trung lập nằm cạnh biên giới Nam Việt Nam, làm cho tình hình an ninh tại Sài Gòn ngày càng bị đe doạ và do đó phải kháng cự.
Các đường tiếp vận, một hệ thống mà sau này nổi danh là đường mòn Hồ Chí Minh dài 1000 cây số chạy qua một khu vực rừng hoang dã dọc theo biên giới phía nam của miền Nam Việt Nam; do đó, rất khó để phát hiện, tấn công hay phong toả. Đường mòn Hồ Chí Minh trở thành một điểm quan trọng của các nhà chiến lược Bắc Việt để họ làm suy yếu và cuối cùng làm sụp đổ chính phủ miền Nam.
Trong lúc chuyển giao quyền tổng thống vào năm 1960, Eisenhower khuyên John F. Kennedy, người kế nhiệm, là nên điều động quân Mỹ đến khu vực, và trong trường hợp cần thiết, chống lại các cuộc xâm nhập trong các nước láng giềng trung lập. Kennedy không thi hành ngay các lời khuyên này của Eisenhower, nhưng thay vào đó, cố thử tìm kiếm một giải pháp chính trị thông qua ngoại giao với Hà Nội. Kết quả là một Hiệp ước Quốc tế về Trung lập Lào được ký kết vào năm 1962.
Về sau, khi Hà Nội vi phạm tình trạng trung lập của Lào qua việc thâm nhập nghiêm trọng, Kennedy phản ứng bằng cách gởi 15.000 binh sĩ Mỹ đến để huấn luyện và cố vấn cho các đơn vị chiến đấu của Nam Việt Nam. Vì chính quyền Kennedy nhận ra là Ngô Đình Diệm, nhà lãnh đạo độc tài Nam Việt Nam, thiếu sự ủng hộ rộng rãi của dân chúng và ý chí chính trị để chiến thắng, nên thúc giục quân đội lật đổ. Cuộc đảo chính đã đưa đến việc sát hại ông Diệm vào ngày 2 tháng 11 năm 1963 và làm suy yếu chính quyền Nam Việt Nam ngay trong lòng cuộc nội chiến, mà theo định nghĩa, một chính quyền bị bao vây là một cái giá chủ yếu. Bắc Việt dùng cơ hội này để thâm nhập các lực lượng chiến đấu chính quy nhằm tăng cường cho các lực lượng quân kháng chiến.
Sau vụ sát hại Kennedy vào ngày 22 tháng 11 năm 1963, Lyndon B. Johnson đã theo lời khuyên của toán công tác về an ninh quốc gia mà gia tăng các nỗ lực quân sự tại Việt Nam. Ông tiếp nhận nhóm này có từ thời Kennedy, trừ một người trong nhóm chệch hướng là George Ball, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao (1). Tuy nhiên, không bao lâu sau, Johnson nhận ra rằng, các hỗn loạn chính trị trong khu vực phức tạp hơn, vì các rối rắm qua việc triển khai một chiến lược quân sự.
Đối với Mỹ, quy mô tuyệt đối của việc gởi quân Mỹ đến một khu vực xa xôi tạo ra chuyện tối cần thiết là phải chấm dứt chiến cuộc một cách nhanh chóng. Nhưng Hà Nội kéo dài xung đột để làm kiệt quệ tinh thần người Mỹ. Trong một cuộc đọ sức giữa một đạo quân được cơ giới hoá với lực lượng du kích trong rừng rậm, quân du kích có lợi thế hơn, chắc chắn họ sẽ thắng.
Tháng Giêng năm 1969, Bắc Việt kiểm soát 1/3 lãnh thổ phía Tây của Lào và một phần của Kampuchea, vì nó lọt ra ngoài phạm vi của các lực lượng Mỹ. Họ sử dụng các nơi này như là những căn cứ, một phần lớn là để gởi hàng tiếp vận tới miền Nam và đe doạ vùng cực nam của miền Nam, kể cả Sài Gòn. Do đó, Bắc Việt có vị thế tiếp vận để thử thách tinh thần kiên trì của người Mỹ ở trong nước. Như Phạm Văn Đồng, Thủ tướng Bắc Việt, giải thích cho Harrison Salisbury, ký giả của tờ New York Times, là họ theo đuổi một chiến lược dựa vào một niềm tin, người Bắc sẽ chiến đấu cho Việt Nam kiên cường hơn người Mỹ, điểm chủ yếu là nhiều người Việt sẵn sàng chết cho Việt Nam nhiều hơn người Mỹ.
Bế tắc trên chiến trường và số lượng thương vong tăng cao, tạo ra phân hoá xã hội tại hậu phương Mỹ. Trong thời chính quyền Johnson, những cuộc thảo luận trong các khuôn viên đại học về các mục tiêu và khả năng thực hiện của cuộc chiến đã bắt đầu. Khi Nixon tuyên thệ nhậm chức, những cuộc thảo luận đã bộc phát và trở thành những đối kháng trong mối quan hệ về giá trị và phương pháp của Mỹ. Cuộc chiến có chính nghĩa không? Nếu không được biện minh, tốt hơn là nên từ bỏ toàn bộ công cuộc chiến đấu. Mặc dầu thoạt đầu thái độ bỏ cuộc được coi như là cực đoan; về sau, quan điểm này có trong phần lớn giới trí thức của xã hội Mỹ.
Chủ thuyết xem Mỹ là ngoại lệ bị đảo lộn; chủ thuyết duy tâm nhằm đề cao việc hỗ trợ cho Mỹ đảm nhận trách nhiệm quốc tế sau Thế chiến thứ hai được đề cập trở lại khi Mỹ đối diện với cuộc chiến Việt Nam, nhằm vào việc bác bỏ vai trò lãnh đạo toàn cầu. Cuộc khủng hoảng niềm tin do việc Mỹ tham chiến tại Việt Nam đã vượt ra khỏi vấn đề cuộc chiến và chuyển hướng sang bản chất đích thực và nền tảng trong các mục tiêu của Mỹ.
Phong trào phản chiến ngay trong lòng các đại học tạo thành các cuộc biểu tình của quần chúng, nó đạt đến cao điểm làm cho Tổng thống Johnson không thể xuất hiện trước công chúng trong các cuộc vận động tranh cử vào năm 1968, chỉ với ngoại lệ khi nào ông đến các căn cứ quân sự. Tuy vậy, việc rút quân đơn phương ra khỏi cuộc chiến không được dân chúng ưa chuộng. Hubert Humphrey, ứng viên Tổng thống của Đảng Dân chủ và Richard Nixon, đối thủ của Đảng Cộng Hoà, đều từ chối việc rút quân đơn phương. Nhưng trong cuộc vận động tranh cử, họ hứa hẹn là sẽ tìm ra một đường lối kết thúc cuộc chiến qua đàm phán.
Nixon không nói rõ bằng cách nào, nhưng chỉ nói là sẽ có một phương sách mới. Tuy nhiên, các các cơ sở của Đảng Dân chủ phản đối các việc rút quân mà không đề cập đến chi tiết. Vấn đề gây cho Đảng Dân chủ chia rẽ và ngày Đại hội đảng để đề cử ứng viên vào tháng Tám xáo trộn là thúc giục đòi hỏi việc rút quân của hai phía (Mỹ và Bắc Việt) ra khỏi Nam Việt Nam. Nghị sĩ Edward Ted Kennedy và các đảng viên Dân chủ theo phe bồ câu dự trù khuôn khổ của việc đề nghị rút quân Mỹ, nhưng chỉ đề cập đến như là một số lượng quân đáng kể.
Từ cuộc gặp gỡ đầu tiên của chúng tôi, Nixon kiên quyết tìm ra một lối thoát đầy vinh dự tại Việt Nam, đó là tất yếu cho vai trò lãnh đạo thế giới của Mỹ. Trong thời gian chuyển quyền sau bầu cử, chúng tôi định nghĩa “đầy vinh dự” là những người Đông Dương đã chiến đấu cho tự do của họ có được một cơ hội để tự quyết định cho vận mệnh của mình, trong khi phong trào phản chiến tại Mỹ chỉ đòi hỏi một phía rút quân, điều mà Nixon cực lực phản đối.
(Còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét