Sự kết thúc chiến tranh Việt Nam (Phần cuối)
Tác giả: Henry Kissinger
Đỗ Kim Thêm, dịch
29-4-2023
Tiếp theo phần 1 — phần 2 và phần 3
Trong cuộc họp ngày 8 tháng 10, ông đột nhiên đưa ra một tài liệu chính thức, với tài liệu này, Hà Nội sẽ chấp nhận đề xuất cuối cùng của Nixon vào tháng Giêng. Ông xác định là: Đề nghị mới này đúng là của Tổng thống Nixon tự đề xuất: Đình chiến, chấm dứt chiến tranh, trao trả các tù binh và rút quân.
Chủ yếu các điều này là đúng, dù có một vài cạm bẫy được nhận ra trong các cuộc đàm phán. Nhưng khi chấp nhận chính phủ Sài Gòn như là một cấu trúc liên tục, chúng ta đã đạt được một trong những mục tiêu chính.
Khi Lê Đức Thọ chấm dứt, tôi yêu cầu có thời gian. Sau khi ông rời phòng họp, tôi quay sang Winson Lord, người bạn và là một phụ tá đặc biệt của tôi, bắt tay ông và nói: “Chúng ta có thể tiến hành việc này” (5).
Sau khi kềm chân chúng tôi gần ba năm dài, bây giờ, Lê Đức Thọ thay đổi hẳn thái độ, bởi vì Hà Nội nóng ruột khi cho rằng, các cuộc đàm phán đang đứng trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ; mặt khác, sau đó Hà Nội lo sợ phải thương thuyết với vị tổng thống tái đắc cử do đa số chọn.
Nixon ý thức rằng trong nhiệm kỳ thứ hai có lẽ ông sẽ gặp phải thái độ thù nghịch của Quốc hội, khi họ sẵn sàng cắt giảm các viện trợ cho chiến tranh.
Trong một thời gian ngắn, các tính toán về chiến thuật của hai phía cùng theo về một hướng: Cuối cùng, cuộc xung đột đã đến một điểm mà các học giả nghiên cứu về các giải pháp trong hội nghị cho rằng đã chín muồi.
Khi Lê Đức Thọ và tôi cùng trải qua ba ngày ba đêm dài để soạn thảo bản thoả thuận chung quyết (ngoại trừ việc đồng thuận của Nixon và Sài Gòn), hoà bình đang trong tầm tay, và Hà Nội thúc giục chúng tôi kết thúc ngay công việc.
Nhưng cả Nixon và tôi đều không muốn kết thúc cuộc chiến bằng cách áp đặt lên dân tộc mà họ đã đứng về phía chúng ta chiến đấu trong suốt 20 năm. Và Sài Gòn cũng biết rõ là cuộc chiến đấu sống còn của họ không thể kết thúc với một hòa ước, họ kiên quyết về các cuộc đàm phán được kéo dài qua các chi tiết, trong một tiến trình cho thấy là không phải chỉ có miền Bắc có khả năng chịu đựng. Thật ra, chiến thuật trì hoãn của Sài Gòn có ý nghĩa sâu xa hơn: Lo sợ bị bỏ rơi với một kẻ thù ngoan cố, mà từ “hoà bình” đối với họ chỉ có ý nghĩa chiến thuật.
Trong khoảng thời gian này, tình hình đúng là một sự đảo ngược, mà nó đã xảy ra trong suốt nhiệm kỳ đầu của Nixon: Hà Nội thúc ép chúng tôi kết thúc một thỏa ước mà họ kéo dài gần mười năm. Họ muốn quy định cho chúng tôi về những gì đã được thảo luận và công bố toàn bộ các văn bản về kết quả đàm phán.
Trong cuộc họp báo ngày 26 tháng 10 năm 1972, tôi giải thích về diễn tiến của tình hình và nhấn mạnh là vẫn còn cam kết cho quy luật đàm phán. [Với sự đồng thuận của Nixon], tôi dẫn nhập bằng cách dùng câu: “Hoà bình đang ở trong tầm tay”. Tôi kết thúc lời tuyên bố với đoạn văn nhằm phản ảnh mức khẩn thiết và giới hạn của chúng tôi:
“Chúng tôi sẽ không để bị thúc ép trong một thoả ước, cho đến khi nào mà các quy định của thoả ước này là hợp lý. Chúng tôi cũng sẽ không để bị chệch hướng từ một thoả ước mà những quy định của thoả ước này là đúng đắn. Và với thái độ này và sự hợp tác của phía bên kia, chúng tôi tin là có thể tái lập rất sớm hoà bình và thống nhất tại Hoa Kỳ”.
Sau khi Nixon tái đắc cử vào ngày 7 tháng 11, Lê Đức Thọ tin rằng thời gian đã đến cho phía của ông và dùng các chiến thuật để làm đình trệ trong thời kỳ trước khi cuộc đột phá về đàm phán.
Cho đến đầu tháng 12, Nixon kết luận rằng, Hà Nội đang tìm cách kéo dài các cuộc đàm phán trong nhiệm kỳ thứ hai của ông, ông đề ra một chiến dịch không kích với phi cơ B-52 để chống các mục tiêu quân sự. Lệnh này đã bị truyền thông, Quốc hội và quốc tế phê bình kịch liệt.
Nhưng hai tuần lễ sau, Hà Nội trở lại bàn hội nghị, và đồng ý các tu chỉnh do Sài Gòn đòi hỏi. Hòa ước Paris được ký kết vào ngày 27 tháng 1 năm 1973, văn bản bao gồm các điều khoản quan trọng mà Nixon đề ra một năm trước đó.
Chín quốc gia, cũng như các chính phủ Sài Gòn và Hà Nội và Cộng Sản miền Nam chính thức đồng thuận bản hòa ước và đánh dấu một cao điểm về chính sách Việt Nam của Nixon.
Tuy nhiên, vào tháng 3, Hà Nội lại vi phạm hòa ước một cách nghiêm trọng, bằng cách dùng đường mòn Hồ Chí Minh để đưa một số lớn thiết bị quân sự vào miền Nam. Đầu tháng 4 năm 1973, Nixon quyết định không kích trên các đường tiếp vận của Hà Nội. Việc này được dự định cho đầu tháng 4, sau khi các tù binh Mỹ hồi hương từ các nhà tù Bắc Việt.
Giữa tháng 4, John Dean, Cố vấn Toà Bạch Ốc, bắt đầu hợp tác với các công tố viên liên bang trong vụ điều tra liên quan đến các cáo buộc việc tham gia vụ nghe lén và các hoạt động khác của Nixon. Vụ lùm xùm này loan ra tai tiếng rất nhanh, mà ngày nay nổi danh là Watergate. Do ảnh hưởng của vụ này, Quốc hội dùng quyền bảo lưu để cấm toàn bộ các hành động quân sự tại Đông Dương.
Hòa ước Paris luôn tuỳ thuộc vào tinh thần sẵn sàng và khả năng chấp hành các điều kiện quy định này. Hòa ước dựa trên sự mặc định là, đầu tiên, như trong cuộc tấn công của Bắc Việt trong năm 1972, Sài Gòn đã chứng tỏ có khả năng cầm cự các khả năng quân sự của Bắc Việt, cho đến khi nào mà miền Nam nhận được tiếp liệu như đã ghi trong Hiệp định, (cụ thể là, các vũ khí và thiết bị được thay đổi trên căn bản một đổi một), thứ hai, trong trường hợp có một cuộc tấn công toàn diện của Bắc Việt, không lực Mỹ sẽ sẳn sàng hỗ trợ.
Trong cuộc điều tra Watergate, công luận mệt mỏi, không hỗ trợ cho một cuộc xung đột thêm tại Đông Dương. Quốc hội cắt giảm toàn bộ các viện trợ quân sự cho Kampuchea và vì thế, để nước này cho Khmer đỏ chiếm đóng. Quốc hội giảm bớt viện trợ quân sự và kinh tế cho Nam Viêt Nam đến 50%, cấm chỉ mọi hoạt động quân sự bằng bộ binh, không quân trong và tại các ven biển của Bắc Việt, Nam Việt, Lào và Kampuchea. Trong tình hình này, việc thực thi các giới hạn của Hiệp định là không thể được, và các hạn chế dành cho Hà Nội tiêu tan.
Với Hiệp định Paris, Nixon đã mang về cho đất nước một kết quả thể hiện được vinh dự và địa chính trị, mà kết quả này về sau bị choáng ngợp do thảm hoạ nội chính. Tháng 8 năm 1974, Nixon từ chức tổng thống. Tám tháng sau đó, Sài gòn thất thủ sau một cuộc tấn công toàn diện của quân đội Bắc Việt, kể cả các sư đoàn chiến đấu. Ngoài Hoa Kỳ, không một nước nào trong số chín cường quốc quốc tế đứng ra bảo đảm Hiệp định, phản đối.
Chiến tranh mang lại một sự phân hoá nội bộ trong xã hội Mỹ, cho đến nay vẫn còn xâu xé. Cuộc xung đột mang lại một phong cách trong cuộc thảo luận công cộng mà nó có ít liên quan đến nội dung hơn là động cơ chính trị và các bản sắc. Nổi giận đã thay thế cho cuộc đối thoại như là một phương tiện để thực hiện các tranh chấp, và sự bất đồng trở thành một cuộc xung đột của các nển văn minh. Trong tiến trình này, người Mỹ đang đứng trước cơ nguy trong việc quên đi các điều kiện mà các xã hội trở thành vĩ đại, nó không phải chỉ bằng chiến thắng của một phong trào hay đè bẹp chống đối trong nước, không phải là chiến thắng của phe này với nhóm kia, mà là qua một mục tiêu chung và hoà giải.
__________
Chú thích của tác giả:
1. Khi làm như vậy, Johnson đã tuân theo trường phái tư duy đang thịnh hành, thuyết này cho rằng những thách thức của cộng sản tại châu Á có cùng đặc điểm với châu Âu trong thập niên1940 và 1950. Do đó, Mỹ có thể chống lại bằng cách đề ra những lằn ranh an toàn cho dân chúng bị đe doạ, họ có thể tập hợp để theo đuổi tự do của họ. Thật không may, có một sự khác biệt quan trọng giữa hai trường hợp: về cơ bản, các xã hội châu Âu là gắn kết và do đó, khi mang lại được an ninh, họ có thể để xây dựng bản sắc lịch sử của họ.
Ngược lại, Đông Dương bị chia rẽ về sắc tộc và do nội chiến. Chiến tranh xâm lược diễn ra không chỉ qua các ranh giới theo địa lý mà còn ngay trong lòng xã hội. Năm 1965, Lâm Bưu, trợ lý của Mao, đã đưa ra một tuyên ngôn kêu gọi nông dân khắp thế giới trỗi dậy và đánh bại các thành phố. Cả hai chính quyền Kennedy và Johnson giải thích các thách thức của cộng sản là một cuộc thập tự chinh trong toàn cầu, mà trong đó Đông Dương tiêu biểu cho giai đoạn đầu tiên.
2. Tôi không có hồi ức hay phân tích lý do tại sao hoặc ai chọn tên cho các bí danh này.
3. Vào tháng 6, ngay trước khi Nixon khởi hành cho chuyến đi vòng quanh thế giới, một cuộc triệt thoái gồm 30.000 quân đã được thông báo. Việc cắt giảm này được đề ra để chuẩn bị cho bản tuyên bố tại Guam, nhưng dường như đến quá sớm trong chiến lược.
4. Xem Chương 3, trang 170-171.
5. Winston đã được thuyết phục không nên từ chức để phản đối Hoa Kỳ khi xâm nhập nhằm chống các căn cứ của Hà Nội đóng tại Campuchia trong năm 1970. Tôi lập luận rằng, ông nên lựa chọn giữa hai việc, một là mang băng biểu tình trước Toà Bạch Ốc và hai là ở lại trong một thời gian để chúng ta cùng nhau hoàn tất nhiệm vụ.
6. Các giả định có thể so sánh được đã chi phối và duy trì Hiệp định đình chiến Triều Tiên năm 1953.
***
Bài liên quan: Henry Kissinger đã bỏ rơi miền Nam như thế nào? — Hồ sơ tội trạng của Henry Kissinger – Chistopher Hitchens — Chuyện thắng thua sau ngày 30 tháng 4 năm 1975
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét