Đạo đức của việc tranh luận*
Thái Hạo
Nhân những ồn ào quanh stt của Facebooker Chau Doan
Có lẽ tất cả chúng ta đều dễ dàng đồng ý và thống nhất với nhau rằng, trong tranh luận cần có văn hóa, như lời lẽ chừng mực, lịch sự, tôn trọng v.v., tránh nặng lời, mỉa mai, châm biếm, xúc phạm cá nhân… Và ta coi đây là một mẫu mực thể hiện tư cách cá nhân, mà nếu không đạt được thì thường bị quy thành xấu xa. Điều ấy đúng, nhưng vấn đề có phải chỉ đơn giản như vậy không?
Trước hết, hãy đọc đoạn sau đây trong cuốn sách kinh điển nhất thế giới bàn về chủ đề tự do: “Cần phải lên án bất cứ ai, bất kể anh ta đứng về phía nào, bất kể kiểu tranh luận nào mà hoặc là thiếu trung thực, hoặc là thâm hiểm, cuồng tín hoặc không khoan dung trong biểu hiện cảm xúc, nhưng không nên quy kết võ đoán các thói xấu ấy cho một phía của cá nhân nào dù là phía đối nghịch với chúng ta trong vấn đề thảo luận; và cần phải tôn vinh bất cứ ai, bất kể người đó giữ ý kiến nào nếu người đó có thái độ xem xét điềm tĩnh và trung thực trong việc xác định những người phản bác là ai và ý kiến của họ là gì mà không thổi phồng bất cứ điều gì bôi xấu họ, không giấu diếm bất cứ nội dung nào có lợi cho họ (J. S. Mill).
Cốt lõi của quan điểm trên là gì? Sự TRUNG THỰC. Và Mill gọi đó là “đạo đức thực tế của việc tranh luận công khai”. Chính vì thế, “Trong những trường hợp này thì nghiêm trọng nhất là tranh biện một cách rối rắm, dập đi các sự kiện hay các chứng lý, khẳng định sai lệch các yếu tố của vấn đề hay trình bày không đúng ý kiến phản bác”.
Tất cả chúng ta đều mong muốn một văn hóa thảo luận với lời hay ý đẹp, tuy nhiên cũng chớ quên rằng trong các phía đang giữ ý kiến khác nhau thì có một phía thuộc phe yếu thế, nên họ thường không được bảo vệ. Và vì thế, “Nói chung, tính xấu xa của việc sử dụng các vũ khí ấy [nặng lời, mỉa mai, châm biếm, xúc phạm cá nhân…] dù có là gì đi nữa nó là xấu xa nhất khi chúng được dùng để chống lại phía tương đối không được bảo vệ”.
Và theo tôi, cái xấu xa nghiêm trọng chủ yếu còn nằm ở việc sử dụng các phép ngụy biện để đánh tráo sự thật, chứ không phải ở những mục đích khác.
Hãy nhìn bức hình bên dưới, tại sao Tây cho phép một sự công kích thô lỗ như thế, và chẳng ai thấy cái chữ “f^ck” ấy là vô văn hóa cả? Bởi vì họ hiểu rằng, đây là một vũ khí của kẻ yếu thế. Tuy không khuyến khích nhưng nó cũng không bị trừng phạt, lẫn cả không bị lên án về mặt đạo đức. Tức là sử dụng một lối ứng xử kiểu “lơ nó đi”.
Ví dụ, soi vào thực tiễn Việt Nam, ý kiến của “phe mạnh”, mà đại diện là nhà nước, chính là tôn sùng cá nhân; còn phía yếu thế là những người không mang tư tưởng ấy. Chính vì thế, trong một giới hạn nào đó, việc sử dụng “vũ khí” của sự công kích ở phe yếu phải được “bao dung”, vì “họ chẳng những không thể có được sự an toàn cho bản thân khi sử dụng chúng, mà nếu có sử dụng chúng thì họ cũng chẳng được ích lợi gì ngoài việc chịu hậu quả gậy ông đập lưng ông mà thôi”.
Chúng ta nói nhiều tới văn hóa tranh luận/thảo luận, nhưng lại hay bỏ qua thực tế; người phương Tây thì có óc thực tiễn hơn, họ căn cứ vào đó để “cho phép” các sự công kích, thậm chí là không giới hạn trong phạm vi bất bạo động. Bởi vì ở đây, họ đặt “lợi ích của chân lý và sự công bằng” lên trên một chút cảm xúc cá nhân.
Thái độ gay gắt trong tranh luận tất nhiên là không đẹp, và nếu không có nó thì là lý tưởng nhất; tuy nhiên, đó là chúng ta đang suy nghĩ trên tiền giả định là một môi trường chân không, là điều kiện kiểu toán học chứ không phù hợp với sự phức tạp của đời sống, đặc biệt là đời sống chính trị. Và cũng trong một chừng mực nào đó, chính những người hay nhân danh văn hóa lại rất dễ rơi vào thói đạo đức giả trong trường hợp này.
Xin được nhắc lại quan điểm của ông tổ lý luận của chủ nghĩa tự do: đạo đức cao nhất trong thảo luận là sự trung thực, chứ không phải lời lẽ có cánh. Và cũng xin được nhắc lại, ở đây đang không khuyến khích những sự hung hăng, mai mỉa, xúc phạm; mà chỉ đơn giản là đặt các đối tượng vào một tồn tại trong thế tương quan chênh lệch về lực lượng, để bảo vệ kẻ yếu và sự thật.
Vì thói quen, tôi là người hầu như không bao giờ có thể văng tục. Tuy nhiên, tôi không vì thế và ác cảm hay ngăn cấm những người có hành vi ấy, dù tôi không đồng tình. Một người bạn thân thiết của tôi nói, “Bây giờ chỉ có mỗi tiếng chửi thề là còn thấy mặn mòi”, dù anh ta là một người nhạy cảm và lịch sự. Tiếng chửi thề được dùng một cách hoàn toàn có ý thức, như một biểu hiện của sự bất bình chính đáng, chứ không phải một thói quen vô thức bẩn thỉu.
Trong khi các nước văn minh “cho phép” người dân công khai “tấn công cá nhân” đối với các nhân vật chính trị chóp bu, thì chúng ta, một nước vốn đang thiếu thốn trầm trọng những sự thừa nhận các quyền con người cơ bản, những người dân lại tự ru mình trong các tín điều văn hóa, đạo đức mang màu sắc ngụy tín và giả tạo trong việc biểu đạt.
Bạn thích một chữ “f^ck” hơn, hay thích những từ Hán Việt rất đẹp như “phản động”, “chống phá”, thù địch”…? Bạn thích một câu của Thái Bá Tân “ĐMT” hay thích một câu nói lịch sự “Bị cáo ngồi xuống! Ngồi xuống!”?
Cái văn hóa cao nhất trong thảo luận là bảo vệ sự thật và sự tôn nghiêm nhân phẩm mà trong đó các quyền công dân lẫn quyền con người luôn phải trở thành nguyên tắc bất khả xâm phạm. Chớ sa vào chuyện “lời ăn tiếng nói” mà quên đi điều cốt lõi ấy. Biểu hiện của nó là sự trung thực (thẳng thắn nói ra quan điểm, không bẻ cong và bóp méo ý kiến của người khác đồng thời không giấu diếm các luận cứ có lợi cho phía đối diện), còn những phương diện khác thuộc về chuyện “lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau” nên được xếp sau và coi như một nét đẹp nên có mà thôi.
Dù không lên án hay tỏ ra quá thất vọng về những sự thiếu chuẩn mực trong ngôn ngữ tranh luận của cộng đồng, nhưng từ trước và ngay cả sau khi viết xong những lời này, tôi vẫn sẽ cố gắng giữ một lối nói lịch sự trong khi va chạm với các quan điểm khác. Bởi như tôi đã nói, tôi không khuyến khích nó [sự thiếu chuẩn mực], nhưng cũng không coi đó là điều cốt lõi, dù vẫn luôn mong muốn những lời ôn hòa sẽ hiện diện khắp nơi thay vì sự quá đà. Và cuối cùng, bất cứ ở đâu có sự trung thực và ngay thẳng, ở đó cần được tôn vinh.
T.H.
* Những trích dẫn trong bài (ngoặc kép) là từ cuốn Bàn về tự do của John Stuart Mill, Nxb Tri thức.
Update: Tôi nghĩ là mình nên bổ sung bức hình thứ 2, chứ không nhiều bạn lại vào cãi nhau thành chuyện phe Trump với phe Biden, mệt lắm!
Nguồn: FB Thái Hạo
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét