Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Chủ Nhật, 30 tháng 4, 2023

Tháng Tư oan nghiệt

 

Tháng Tư oan nghiệt

Da Màu

Vũ Xuân Lan

28-4-2023

Đã 48 năm trôi qua, nói lại cái ngày nhức nhối này có cũ quá không? Thi sĩ Thanh Nam trong những ngày tháng đầu tỵ nạn đã có những lời thơ cay đắng: “Một năm người có mười hai tháng/ Ta trọn năm dài một Tháng Tư”.

Tháng Tư vẫn là một kỷ niệm đau buồn cho những người ly hương vì mất nước. Gần đến ngày Quốc Hận trên các trang mạng xã hội tràn đầy những hình ảnh của ngày 30 tháng 4 đau thương đó: Hình ảnh từng đoàn người dắt díu nhau tay bồng tay bế, lếch thếch gánh gồng, có những cặp mắt thất thần vì sợ hãi, có những cặp mắt mở to nhìn vào con đường đang bước tới.

Họ không biết sẽ đi về đâu nhưng cứ đi, có những cụ già phải có người sốc nách, có những trẻ thơ mếu máo, có những em bé vật vờ trên tay người mẹ đang bước đi lảo đảo, có cả những thây người gục ngã và bị người khác vội vã đạp lên vì không một ai có thì giờ nhìn lại khi đoàn quân “giải phóng” đang đuổi sát sau lưng.

Trong một ‘clip’ khác, các đoàn xe của binh sĩ Việt Nam Cộng Hòa bị dân chúng vây quanh xin cho đi theo để lánh nạn. Một cảnh khác nữa tại các bến tầu, người ta cũng xô đẩy nhau lên những chiếc tầu đã chất đầy người. Còn nhiều, nhiều lắm, những cảnh hoảng loạn diễn ra khắp nơi.

Tại thành phố Sài Gòn quang cảnh cũng không khá hơn: Người ta chen chúc trước cửa tòa Đại Sứ Mỹ, leo lên vai, lên đầu nhau để vào được bên trong, mong kịp những chuyến trực thăng hầu như cất cánh không nổi vì đã quá tải. Không lọt được vào tòa Đại Sứ, người ta lại quay ra tìm đường trốn khác, người thì đi ngược lại phi trường Tân Sơn Nhất, kẻ lại đi xuôi ra bến Bạch Đằng.

Nếu may mắn leo được lên một trong những con tầu chưa kịp nhổ neo thì còn bao cảnh đau thương trên biển cả, thoát được hải tặc thì cũng chết đói, chết khát vì cạn hết lương thực và nước uống hoặc chết đuối vì tầu bị chìm.

Những người Cộng sản đã nhắm mắt lại khi họ mỉa mai chúng tôi là những kẻ đu càng, chạy theo giặc Mỹ để ăn bơ thừa sữa cặn. Họ có tỉnh táo không để nhìn những người dân khốn khổ đó không chạy theo bơ thừa sữa cặn, họ là những người dân bình dị có khi cũng không biết đến mùi vị bơ sữa.

Những người sinh sau đẻ muộn có bao giờ tự hỏi tại sao những người dân đó lại chạy bán sống bán chết khi đoàn quân cách mạng vào “giải phóng” họ khỏi kìm kẹp Mỹ Ngụy đang tiến lại gần? Nếu đã tự cho mình là người có ý thức sao không chịu lên các trang mạng tìm hiểu về cái ngày lịch sử ấy mà cứ mỗi năm đến ngày 30 tháng 4 lại hát hò nhẩy múa để ăn mừng cái gọi là “Giải Phóng miền Nam”?

Thật ra họ nên tự đặt câu hỏi “Ai giải phóng ai?“ Nhân chứng đầu tiên là nhà văn Dương Thu Hương của miền Bắc đã ngồi xuống vệ đường mà khóc khi bước vào Sài Gòn, một thành phố tuy đã bị tan nát khi người dân tháo chạy mà vẫn còn cho thấy đời sống sung túc khác xa trí tưởng tượng của bà. Rõ ràng là sự tuyên truyền bịp bợm của nhà nước Cộng Sản đã đánh lừa người dân miền Bắc để họ phải lao đầu vào một cuộc chiến phi nghĩa.

Ở đây tôi không muốn nhắc lại những sự việc đáng xấu hổ khi bên thắng trận tiến vào Sài Gòn, những vụ tham lam vơ vét của những kẻ có quyền chức hay những chuyện ngây ngô đáng thương của những người đã bị lừa trong bao thập niên. Chính một nhà thơ hiện còn sinh sống ở Hà Nội, từng tốt nghiệp tại Moscow, đã đi nhiều nước, cả tự do đến cộng sản, đã nói, ông không tự hào là người Cộng sản Việt Nam vì:

“Riêng hai chữ Cộng Sản,
Nói lên một phần nào
Làm thằng dân Cộng Sản
Có gì mà tự hào

Mà tự hào sao được
Khi mấy triệu dân ta
Vượt biên thà chết biển
Hơn phải chết ở nhà”.

Nhà thơ Bùi Giáng gay gắt hơn về cuộc “Giải phóng” đã viết:

“Đánh cho Mỹ cút Ngụy nhào,
Đánh cho chết mẹ đồng bào miền Nam”.

Bài thơ này đã được một Thi sĩ khác chua chát tiếp theo:

“Đánh cho Bắc đọa Nam đầy,
Đánh cho thù hận giờ này chưa tan”.

Tác giả Vũ Xuân Lan năm 1975

Những người nổi danh trên thế giới cũng có những nhận xét về Chủ Nghĩa Cộng Sản. Tổng Thống Ronald Regan tiên đoán: “Chấm dứt Chiến tranh không chỉ đơn thuần rút quân về là xong vì cái giá phải trả cho Hòa Bình là ngàn năm tăm tối cho các thế hệ Việt Nam về sau”.

Bà Angela Merkel Thủ Tướng Đức nói: ”Tôi lớn lên trong Chủ Nghĩa Cộng Sản Đông Đức nên tôi hiểu rõ về họ, Cộng Sản là thứ Chủ Nghĩa gian trá và man rợ nhất của Nhân loại và của Thế giới văn minh”.

Đức Đạt Lai Lạt Ma nhận xét: “Người Cộng Sản làm Cách mạng không phải để mang Hạnh Phúc đến cho nhân dân mà họ làm cách mạng để nhân dân mang Hạnh phúc đến cho họ”.

Văn Hào Victor Hugo cũng phải thốt lên: ”Cộng Sản là giấc mơ của vài người nhưng lại là cơn ác mộng của Nhân Loại”.

Ngay cựu lãnh tụ khối Liên-xô Mikhail Gorbachev cũng phải thú nhận: “Tôi đã bỏ một nửa cuộc đời cho lý tưởng Cộng Sản, ngày nay tôi phải đau buồn mà nói rằng Đảng Cộng Sản chỉ biết tuyên truyền bằng dối trá”.

Đã 48 năm trôi qua, muốn để dĩ vãng được chôn vùi nhưng mỗi năm đến ngày 30 tháng 4 thì vết thuơng lại nhức nhối. Nhà cầm quyền Cộng Sản một mặt vuốt ve những “khúc ruột ngàn dặm“ đổ tiền về dưới mọi hình thức, nhưng một mặt vẫn cho những dư luận viên lên trang mạng nhục mạ những người đã thẳng thắn từ chối chủ nghĩa cộng sản. Họ gọi chúng ta là bọn ba que vì chúng ta trung thành với lá cờ vàng ba sọc đỏ.

Tác giả Vũ Xuân Lan năm 2023

Những người sinh trưởng tại miền Nam có thể không hiểu chữ “ba que”, ngay cả con cái của những người di cư năm 1954 có khi cũng không hiểu vì họ thuộc những gia đình gia giáo không quen dùng những chữ thậm tệ đó. Ở miền Bắc thủa xưa, thành ngữ “ba que xỏ lá ”, tương đương với “đá cá lăn dưa“ của miền Nam, dùng để chỉ những người lật lọng, chuyên dùng mánh lới để lừa đảo.

Mấy năm trước, một du học sinh Việt Nam ở Úc đã xé và dẫm lên lá cờ vàng nhân ngày 30 tháng 4, rồi dùng những lời lẽ thô tục để thóa mạ cả Cộng Đồng tỵ nạn. Vụ đó đã gây ra phản ứng rất mạnh mẽ trong các Cộng Đồng người Việt tỵ nạn ở Úc và trên khắp thế giới.

Lòng công phẫn đó đã an ủi tôi phần nào vì lâu nay tôi vẫn ưu tư về thái độ thờ ơ của tuổi trẻ hậu duệ Việt Nam Cộng Hòa. Họ còn rất nhỏ khi được cha mẹ hốt hoảng dẫn lên những chiếc xe, chiếc tầu đầy ắp người hoặc bị đẩy lên những chuyến bay đang chuẩn bị cất cánh. Khi sang đến miền đất tự do, nhờ những hy sinh cần cù của các bậc cha mẹ, một số được học hành tử tế; đến lúc thành công họ đã ngạc nhiên về thái độ chống Cộng triệt để của các đấng sinh thành. Sự kiện này là do một số sách vở của những người chống cuộc chiến Việt Nam đã được đưa vào giảng dậy tại các trường Trung Học và Đại Học tại Mỹ. Tác giả những cuốn sách này đã bóp méo lịch sử cuộc chiến tự vệ chính đáng của miền Nam, miệt thị những người đã cầm súng để bảo vệ Tự Do.

Đó là chuyện xảy ra cho những ai may mắn đã thoát khỏi nạn Cộng Sản. Về phần những người còn kẹt lại, sau một thời gian chịu đựng, họ cũng phải hòa mình vào nếp sống mới và cũng chạy chọt cho con được học trường nọ trường kia, không tránh được các trẻ nhỏ bị nhồi sọ là cách mạng đã anh hùng đánh Pháp đuổi Mỹ, giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước.

Sau này khi cách chia thành phần giai cấp của nhà nước cộng sản được nới nhẹ thì những người “con ngụy ” cũng được thi vào các trường Đại Học, có người đã trở thành những bác sĩ, kỹ sư . Họ cũng không được biết gì về những câu chuyện kinh hoàng của ngày 30 tháng tư năm đó. Vì thế mới có những thanh niên của chế độ mới, được gửi đi du học ở Úc, vào ngày 30 tháng 4 đã ngang nhiên xé lá cờ vàng và vừa giẫm lên, vừa thốt ra những câu nói vô giáo dục (ở đây tôi không muốn nói đến chữ mất dậy). Rồi đây, không biết có bao giờ sự thật được ghi vào lịch sử cho những thế hệ sau học hỏi, những sự thật về ngày Miền Nam bị bức tử và sát nhập vào miền Bắc Cộng Sản để buộc phải sống dưới chế độ độc tài đảng trị?

Hôm nay ngồi coi những bức hình và những thước phim chiếu lại ngày oan nghiệt đó, lòng tôi dâng lên một xúc cảm mãnh liệt. Tôi thấy vô cùng thương cảm cho những người dân lành vô tội và cùng lúc thấy hãnh diện vì những người hiền lành giản dị này cũng là những người vô cùng sáng suốt đã nhận ra hiểm họa Cộng Sản, nên đã liều mình chạy trốn trên con đường gian nan nguy hiểm, không ít người đã bỏ mình trên đường lánh nạn.

Tháng Tư Quốc Hận xin nghiêng mình tưởng niệm những nạn nhân đã ra đi không đến bến bờ và xin ngưỡng mộ những người đã bỏ hết những gì có được, ra đi để lập lại cuộc đời trên đất nước Tự Do.

_____

Một số hình ảnh người dân bỏ chạy trong tháng cuối của cuộc chiến. Nguồn: Getty Images và các trang mạng:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét