Công lý và báo chí phục vụ… cách mạng
Chỉ tính riêng phản hồi trên hai trang facebook, một của Thái Hạo (1), một của Chau Doan (2) thì số lượt bày tỏ sự bất bình, thậm chí căm phẫn đối việc Tòa án huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An phạt bà Lê Thị Dung năm năm tù đã lên tới hàng chục ngàn.
Có những bằng chứng khá rõ ràng cho thấy, bà Dung (52 tuổi, cựu Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên của huyện Hưng Nguyên), bị khởi tố, bị truy tố và đầu tuần này bị phạt tù vì “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” không chỉ là oan án mà còn là một vụ trả thù có tổ chức của cả hệ thống chính trị, hệ thống công quyền lẫn hệ thống tư pháp ở Nghệ An.
Năm 2012, bà Dung phản đối việc Giám đốc Sở Giáo dục – Đào tạo (GDĐT) tỉnh Nghệ An tuyển dụng và điều động một giáo viên dạy Văn đến làm việc tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên (TT GDNN GDTX) của huyện Hưng Nguyên vì nơi này đã đủ giáo viên dạy Văn trong khi đang thiếu giáo viên cho bốn bộ môn khác nhưng Sở GDĐT tỉnh Nghệ An không đáp ứng.
Phản ứng của bà Dung đã làm lộ ra chuyện Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Nghệ An tuyển dụng “chui” (tuyển dụng dù không có chỉ tiêu, không thông qua Hội đồng xét tuyển, ép cơ sở phải tiếp nhận nhân sự dù không có nhu cầu và hàng loạt vi phạm các quy định hiện hành khác) song chính quyền Nghệ An chỉ yêu cầu Giám đốc Sở GDĐT “rút kinh nghiệm” rồi thôi. Quyết định tuyển dụng… “chui” dẫu sai nhưng không bị thu hồi.
Kể từ đó, bà Dung bắt đầu điêu đứng… Bà bị “đồng nghiệp tố cáo”. TT GDNN GDTX huyện Hưng Nguyên bị thanh tra, UBND huyện Hưng Nguyên kỷ luật bà Dung bằng hình thức… “khiển trách”. Bà Dung khiếu nại. Tháng 3/2020, chính quyền tỉnh Nghệ An thừa nhận việc “khiển trách” bà Dung là sai và yêu cầu chính quyền huyện Hưng Nguyên “kiểm điểm những cá nhân đã tham mưu việc ra quyết định kỷ luật bà Dung”.
Tuy nhiên UBND huyện Hưng Nguyên không những không thèm đáp ứng mà còn mạnh tay hơn. Ngoài tuyên bố với báo giới: “Sẽ trao đổi với Chủ tịch UBND huyện Hưng Nguyên tìm hướng giải quyết”, chính quyền tỉnh Nghệ An không làm gì cả (3). Thế rồi tháng 3/2022 bà Dung bị khởi tố, sau đó bị tống giam, bị truy tố và hôm 24/4/2023 vừa qua bị đưa ra xét xử.
Bà Dung cương quyết không nhận tội vì Quy chế Chi tiêu nội bộ đã được xây dựng minhbạch, đã gửi cho Phòng Tài chính và và Kho bạc Nhà nước huyện Hưng Nguyên để kiểm soát chi. Trong quá trình thực hiện, việc thanh toán diễn ra công khai, đúng quy chế này, không có bất kỳ cơ quan có thẩm quyền nàoxác định Quy chế Chi tiêu nội bộ ở TT GDNN GDTX là sai nhưng bà Dung vẫn bị cáo buộc, trong… 10 năm đã “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” gây thiệt hai cho công quỹ 45 triệu (4)!
***
Cần lưu ý, những thông tin vừa kể đều được thu thập thông qua một số tờ báo thuộc hệ thống truyền thông chính thức tại Việt Nam – hệ thống xưa giờ vẫn tự nhận là… “báo chí… cách mạng”. Nói cách khác, “báo chí… cách mạng” đã biết rất rõ về những oan khiên mà bà Dung phải gánh chịu trong mười năm qua nhưng phần lớn không bận tâm, những cơ quan ngôn luận thuộc hệ thống truyền thông chính thức có quan tâm và tử tế hơn một chút thì chỉ… phản ánh một phần cuộc đấu tranh của bà Dung cho tới khi bà bị bắt thì im bặt. Lao Động là tờ báo duy nhất đưa tin bà Dung bị phạt tù nhưng không dám nêu chính kiến. Tuổi Trẻ là tờ báo thứ hai nêu thông tin về vụ án này hai ngày sau phiên xử – sau khi dư luận trên mạng xã hội càng lúc càng nóng về trường hợp bà Dung và chỉ dám nhấn ở chỗ “gia đình bà Dung sẽ kháng cáo”.
Một số tình tiết trong vụ án Lê Thị Dung “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” mới được tường thuật qua mạng xã hội: Kế toán trưởng của TT GDNN GDTX huyện Hưng Nguyên đã phối hợp với công an huyện để hoàn tất Kết luận Điều tra về bà Dung. Để kết luận điều tra… “chặt chẽ” không gây thắc mắc về việc tại sao Kế toán trưởng có thể rũ bỏ trách nhiệm hình sự dù liên quan trực tiếp tới cái gọi là “chi tiêu sai nguyên tắc”, công an huyện đã sắp xếp cho Kế toán trưởng “tự thú” cách nay chừng một tháng nhưng đổi thời gian thành… năm trước. Tuy nhiên công an huyện không thể làm thế đối với lãnh đạo Phòng Tài chính, lãnh đạo Kho bạc Nhà nước của huyện Hưng Nguyên thành ra việc lờ đi, không đề cập đến trách nhiệm của lãnh đạo hai cơ quan này giờ trở thành công an – kiểm sát – tòa án nhất trí để… “sót người, lọt tội” (5).
Nếu bà Dung thật sự có tội thì cả tính chất lẫn mức độ phạm tội của bà Dung có đến mức phải áp dụng hình thức “biệt giam” suốt từ tháng 3/2022 đến nay? Diễn biến phiên xử bà Dung cho thấy tinh thần của bà không suy sụp nhưng “biệt giam” đã tác động nghiêm trọng tới sức khỏe của bà, cũng vì vậy bà không đủ sức tự bào chữa. Bởi hội đồng xét xử cố gắng ép buộc bà Dung phải lên tiếng thừa nhận… “tội lỗi”, cả hai luật sư bào chữa cho bà Dung cùng lên tiếng phản đối và cả hai cùng bị chủ tọa phiên xử đuổi ra ngoài, bất kể bác sĩ do hội đồng xét xử triệu tập đã xác nhận, đúng là bà Dung không đủ sức khỏe – cả huyết áp lẫn tim mạch đều bất thường – để tự bào chữa cho bà (6). Cũng theo những tình tiết mới được bày ra trên mạng xã hội, bà Dung đã phát biểu như thế này trước hội đồng xét xử (7):
Pháp luật là tối thượng và bất khả vi phạm, không ai có quyền đứng trên luật để hành xử và thực thi nhiệm vụ. Trong vụ án này, căn cứ buộc tội tôi không đúng, không có; trình tự thủ tục tố tụng vi phạm pháp luật hết sức nghiêm trọng nhưng vẫn buộc tội tôi, là vi phạm, gây oan sai cho tôi. Việc đẩy một người vô tội vào tù là tội ác trời không dung, pháp luật không tha, luật nhân quả không trừ. Tôi đề nghị trả tự do cho tôi và có biện pháp khắc phục oan sai, đồng thời xử lý nghiêm đối với những người vi phạm pháp luật.
Lẽ ra “báo chí cách mạng” phải là hệ thống đưa những tình tiết ấy tới công chúng. Lẽ ra khi đã có những dấu hiệu rõ ràng cho thấy bà Dung là nạn nhân của một oan án chỉ vì bà không thỏa hiệp với cái xấu, cái sai, “báo chí cách mạng” phải là hệ thống đi đầu trong việc lên tiếng về trường hợp bà Dung nhưng “báo chí cách mạng” lại lặng thinh. Tại sao “oan án” với những tình tiết rất đáng phải bận tâm lại không hấp dẫn bằng chuyện ca sĩ, nghệ sĩ, người mẫu,… ăn gì, đi đâu, chơi với ai, quan hệ với người này vừa nảy nở hoặc vừa đổ vỡ với cá nhân kia?.. Tại sao nạn nhân của một vụ án có nhiều dấu hiệu rõ ràng bị hàm oan, có nhiều dấu hiệu rõ ràng rằng công lý đang bị chà đạp lại không bằng việc các nữ diễn viên phim khiêu dâm của Nhật vừa đến Việt Nam? Tại sao có thể xưng tụng những nữ diễn viên phim khiêu dâm của Nhật là “Thánh nữ” (8) mà không thể dành cho những nạn nhân của cường quyền lời nào? Khi báo chí phải cúc cung phục vụ… “cách mạng” như thế thì nên khen hay nguyền rủa cả “báo chí” lẫn “cách mạng”?
Chú thích
(1) https://www.facebook.com/profile.php?id=100059910855657
(2)https://www.facebook.com/DoanBaoChau21165
(8) https://thanhnien.vn/thanh-nu-maria-ozawa-ra-san-co-vu-tran-viet-nam-indonesia-185908153.htm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét