Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Tư, 26 tháng 4, 2023

Cách nhận diện một nền dân chủ và quan sát trường hợp của Việt Nam

 


Cách nhận diện một nền dân chủ và quan sát trường hợp của Việt Nam

Quy trình bầu cử ở Việt Nam bị đánh giá 0 điểm.

Hoàng Dạ Lan 

Trong khi lãnh đạo đảng và nhà nước nhiều lần khẳng định Việt Nam là một nước dân chủ, lãnh đạo các nước phương Tây lại cho rằng Việt Nam là nước độc tài đảng trị. Giới bất đồng chính kiến thì khẳng định Việt Nam là một nền “dân chủ giả hiệu” hay “dân chủ hình thức”. Trước khi làm rõ những nhận định khác biệt này, chúng ta cần hiểu được ý nghĩa của khái niệm dân chủ và những đặc điểm nhận dạng của một nền dân chủ.

Hai cách định nghĩa dân chủ

Dân chủ (democracy) là một từ có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp. [1] Trong đó, “demos” có nghĩa là toàn bộ công dân sống trong một khu vực cụ thể và “kratos” có nghĩa là quyền lực hoặc sự cai trị. Như vậy, dân chủ dịch theo nghĩa đen là sự cai trị của nhân dân hoặc tất cả quyền lực thuộc về nhân dân. Trong nền chính trị hiện đại, dân chủ hiểu theo nghĩa hẹp thường được đồng nhất với một nền dân chủ đại diện, thể hiện qua hệ thống bầu cử tự do, cạnh tranh và công bằng (electoral democracy). Theo đó, những người được đám đông dân chúng bầu chọn và trao quyền lực sẽ đưa ra các quyết sách công phản ánh ý chí, nguyện vọng của cử tri, từ đó tối đa hóa lợi ích của người dân và đất nước.

Tuy nhiên, nhiều học giả phương Tây không đồng tình với kiểu định nghĩa tối thiểu này. Họ cho rằng việc tổ chức các cuộc bầu cử đa đảng cạnh tranh không đảm bảo một quốc gia có dân chủ. Thông qua các cuộc bầu cử, ý chí của phe đa số có thể tạo ra các chính sách lấn áp, thậm chí làm tổn hại đến lợi ích của phe thiểu số. Điều này được John Stuart Mill mô tả là “sự chuyên chế của số đông” (tyranny of the majority). [2] Ngoài ra, việc một lãnh đạo được bầu lên theo cách dân chủ cũng không đảm bảo người này sau khi đắc cử sẽ không lạm dụng quyền lực để tấn công các lực lượng chính trị đối lập, làm xói mòn nền pháp quyền cũng như bóp nghẹt các quyền tự do cơ bản của người dân.

Trong thực tế, Đảng Quốc xã của Hitler đã giành được quyền lực thông qua một cuộc bầu cử tự do ở Đức vào năm 1932. Một ví dụ khác xảy ra gần đây là Tunisia, đất nước Bắc Phi duy nhất chuyển mình từ chế độ độc tài sang chế độ dân chủ sau phong trào Mùa xuân Ả Rập. Năm 2019, Kais Saied trở thành Tổng thống của Tunisia sau khi giành được gần 73% số phiếu trong một cuộc bầu cử được đánh giá là công bằng và tự do. Tuy nhiên, kể từ khi nhậm chức đến nay, Tổng thống Saied ngày càng tăng cường việc quản trị đất nước bằng các sắc lệnh của mình và bóp nghẹt quyền tự do của người dân. [3]

Trong năm 2021, đứng trước tình hình kinh tế tê liệt vì đại dịch COVID-19, Tổng thống Saied đã cách chứcThủ tướng Hichem Mechichi, đình chỉ hoạt động của Quốc hội và tước quyền miễn trừ đối với các nghị sĩ. [4] Một số nghị sĩ sau đó bị quản thúc tại gia hoặc bị đưa ra xét xử tại các tòa án quân sự. [5]

Sang năm 2022, Saied chính thức giải tán Quốc hội và trưng cầu dân ý thông qua một bản Hiến pháp mới nhằm gia tăng quyền lực của tổng thống và giảm bớt quyền lực của nhánh lập pháp. [6] [7] Nhiều chính trị gia đối lập đã bị truy tố và bỏ tù trong suốt quá trình Saied củng cố quyền lực. [8]

clip_image002

Nguồn: Redpanels.com.

Những ví dụ như trên dẫn đến việc nhiều học giả ủng hộ một định nghĩa dân chủ mang tính mở rộng và toàn diện hơn. Fareed Zakaria, nhà báo và nhà bình luận chính trị nổi tiếng người Mỹ gốc Ấn, cho rằng các nền dân chủ lâu đời trong xã hội phương Tây thực chất là các nền “dân chủ tự do” (liberal democracy), đây là một sự kết hợp giữa dân chủ theo nghĩa hẹp (biểu hiện bởi các cuộc bầu cử cạnh tranh và công bằng) và “các quyền tự do hiến định” (được bảo đảm thông qua nền pháp quyền, tam quyền phân lập và việc bảo vệ các quyền tự do cá nhân). [9] Các quyền tự do hiến định này xuất phát từ giả định rằng con người có các quyền tự nhiên bất khả xâm phạm và nhà nước có nghĩa vụ hạn chế quyền lực của mình để bảo vệ các quyền này.

Trong thực tế thì dân chủ và tự do không phải lúc nào cũng song hành. Lịch sử văn minh phương Tây cho thấy các quyền tự do dân sự đã xuất hiện và được củng cố ở Anh cùng nhiều quốc gia châu Âu khác trước khi những nước này có các thực hành dân chủ đầu tiên. [10]

Đồng quan điểm với Zakaria, Larry Diamond, học giả hàng đầu trong lĩnh vực nghiên cứu dân chủ, cổ xúy một định nghĩa mở rộng về dân chủ. Theo Diamond, một nền dân chủ tự do hoàn chỉnh, ngoài tiêu chí là cần có các cuộc bầu cử định kỳ, cạnh tranh và công bằng, thì còn phải có mười thành tố sau:

- Việc kiểm soát quyền lực nhà nước và đưa ra các quyết định phân bổ nguồn lực trọng yếu nằm trong tay các đại diện dân cử; đặc biệt là quân đội phải tuân thủ và chịu sự kiểm soát của các đại diện dân cử.

- Quyền lực hành pháp bị hạn chế theo chiều ngang bởi các thiết chế quyền lực khác, ví dụ như Quốc hội và tòa án độc lập.

- Kết quả bầu cử là bất định (uncertain), sự thay đổi đảng cầm quyền sau cuộc bầu cử là hoàn toàn có thể xảy ra, không có bất kỳ lực lượng chính trị nào bị từ chối quyền thành lập đảng và tham gia bầu cử.

- Các nhóm thiểu số về sắc tộc, văn hóa, tôn giáo được tự do tham gia vào quy trình chính trị, thể hiện bản sắc văn hóa và sử dụng ngôn ngữ của mình.

- Công dân có quyền thành lập và tham gia các hiệp hội và phong trào đa dạng khác nhau để biểu đạt và đại diện cho các lợi ích và giá trị của mình.

- Nền báo chí độc lập, không chịu sự kiểm soát của nhà nước.

- Công dân có quyền tự do tôn giáo, tự do ngôn luận, tự do xuất bản, tự do hội họp và biểu tình.

- Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật.

- Quyền tự do cá nhân được bảo vệ hiệu quả bởi một nền tư pháp độc lập. Nền pháp quyền bảo vệ công dân khỏi việc bị giam giữ trái pháp luật, khủng bố, tra tấn và xâm phạm đời sống cá nhân bởi các lực lượng nhà nước và phi nhà nước. [11]

Việc mở rộng khái niệm dân chủ dẫn đến việc phân loại thêm hai dạng thức nhà nước là “dân chủ phi tự do” (illiberal democracy) và “chuyên chế tự do” (liberal autocracy). Các chế độ này mang đặc điểm lai tạp của cả thể chế độc tài lẫn dân chủ.

Freedom House và chỉ số tự do của Việt Nam

Freedom House là một tổ chức phi chính phủ, có mục đích hoạt động là thúc đẩy tự do, dân chủ và nhân quyền trên thế giới. Freedom House đánh giá mức độ tự do của các quốc gia trên thang điểm 100, trong đó các quyền tự do chính trị có điểm tối đa là 40, các quyền tự do dân sự có điểm tối đa là 60. [12] Hai hạng mục này lần lượt tương ứng với dân chủ theo nghĩa hẹp và các quyền tự do hiến định như đã đề cập ở phần trên. Hầu hết các nước được Freedom House xếp hạng “tự do” (free) có thể được xem là các nền dân chủ tự do (liberal democracy). Trong khi đó, các nước bị xếp hạng “không có tự do” (not free) có thể được xem là các nhà nước độc tài (authoritarian regime).

Theo Báo cáo Tự do Thế giới 2023 (Freedom in the World 2023) của Freedom House, tổng điểm của Việt Nam là 19/100 điểm, xếp thứ 169 trên 210 quốc gia và vùng lãnh thổ. [13] Việt Nam thuộc nhóm ba nước có điểm số thấp nhất Đông Nam Á, chỉ hơn Lào và Myanmar. Đọc báo cáo của Freedom House ta có thể thấy rõ Việt Nam là một nước phi dân chủ (theo cả nghĩa rộng và nghĩa hẹp của từ này).

clip_image004

Biểu đồ do người viết thực hiện, dựa trên số liệu của Freedom House.

Theo Freedom House, hầu hết các nước hiện nay bị xếp loại không có tự do (not free) đều đã có đôi lần được xếp vào nhóm các nước có tự do một phần (partly free). Tuy nhiên, điều đáng buồn là Việt Nam nằm trong số 12 nước “tường thành” của hệ thống độc tài, vốn chưa bao giờ được xếp vào nhóm các nước có tự do một phần. 12 nước này bao gồm nhóm các nước độc đảng (Cuba, Trung Quốc, Triều Tiên, Việt Nam), nhóm nước có các lãnh đạo chuyên quyền (Guinea Xích Đạo, Rwanda, Saudi Arabia), và nhóm các nước xảy ra xung đột kéo dài (Congo, Somalia, Nam Sudan, Iraq, Chad). [14]

Đánh giá về quy trình bầu cử, Việt Nam đạt 0/12 điểm. Điều 69 Hiến pháp Việt Nam năm 2013 quy định rằng: “Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Theo đó, Quốc hội Việt Nam có quyền bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm chủ tịch nước, chủ tịch Quốc hội, thủ tướng Chính phủ, v.v. Tuy nhiên, trên thực tế thì các nhân sự cao cấp nhất trong bộ máy nhà nước được quyết định bởi Bộ Chính trị và Trung ương Đảng.

Bầu cử đại biểu Quốc hội ở Việt Nam mang tính hình thức, hầu hết các ghế đại biểu đã được quy hoạch từ trước cho các cán bộ ở trung ương và địa phương. [15] Các ứng viên tự do bị đảng kiểm soát gắt gao thông qua các hội nghị hiệp thương và hội nghị cử tri.

Một trong những điểm tích cực mà báo cáo nêu ra là công tác phòng chống tham nhũng của đảng cầm quyền. Trong năm 2022, trước tình hình bất mãn dâng cao trong dân chúng đối với tình trạng tham nhũng tràn lan của bộ máy nhà nước, Đảng Cộng sản Việt Nam đã tăng cường việc điều tra, bắt giữ các quan chức tham nhũng, bao gồm cả các ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng.

o tháng 6 năm 2022, Bộ trưởng Bộ Y tế và Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội cùng hàng chục quan chức khác bị cách chức và bắt giữ do có liên quan đến bê bối tham nhũng kit xét nghiệm Việt Á, gây lãng phí và thất thoát tài sản nhà nước.

Cũng trong năm này, Chính phủ tiếp tục điều tra bê bối tham nhũng liên quan đến các “chuyến bay giải cứu” đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài trở về giữa đại dịch COVID-19. Vào cuối tháng 12, hai Phó Thủ tướng là Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam bị loại khỏi Ban chấp hành Trung ương Đảng và bị buộc phải từ chức. Họ được dư luận cho là phải nhận trách nhiệm chính trị liên đới trước các đại án tham nhũng kể trên.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Freedom House, các chiến dịch chống tham nhũng này có động cơ chính trị khi mà những quan chức bị điều tra, bắt giữ hoặc buộc phải thôi chức đều thuộc phe cánh khác với phe của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. [16] Trong khi đó, Đảng Cộng sản không khoan nhượng trong việc đàn áp tự do báo chí, kìm hãm sự phát triển của nền tư pháp độc lập cũng như xã hội dân sự. Đây lại là những thiết chế có khả năng đóng vai trò tích cực trong việc phát hiện và chống tham nhũng.

Đối với các quyền tự do dân sự, Việt Nam đạt được 15/60 điểm. Cụ thể, tự do biểu đạt và tín ngưỡng đạt 3/16 điểm, các quyền tự do lập hội chỉ được 1/12 điểm, pháp quyền đạt 4/16 điểm, các quyền về tự do cá nhân được đánh giá ở mức 7/16 điểm.

Đáng chú ý là Việt Nam vẫn thuộc danh sách những đất nước kiểm soát và đàn áp tự do báo chí mạnh nhất trên thế giới. Luật An ninh mạng năm 2018 yêu cầu các công ty công nghệ như Facebook và Google phải lưu trữ thông tin người dùng trên lãnh thổ Việt Nam và hợp tác với chính phủ trong việc ngăn chặn người dùng tiếp cận các thông tin “xấu”, “độc”, có thể gây nguy hiểm đến an ninh quốc gia.

Theo Ủy ban Bảo vệ Nhà báo (Committee to Protect Journalists), tính tới tháng 12 năm 2022, có ít nhất 21 nhà báo bị chính quyền giam giữ do các hoạt động bị coi là truyền bá, phát tán thông tin chống phá nhà nước. [17] Một số nhà báo và blogger bị bắt giữ và kết án trong năm 2022 bao gồm: Mai Phan Lợi (cựu Chủ tịch Hội đồng khoa học Trung tâm truyền thông giáo dục cộng đồng – MEC), blogger Nguyễn Lân Thắng và nhà hoạt động Trần Văn Bang.

Báo cáo của Freedom House kết luận chung về tình trạng của Việt Nam là “tự do biểu đạt, tự do tôn giáo và hoạt động của xã hội dân sự bị hạn chế gắt gao”. Hiện nay, chính quyền vẫn tăng cường kiểm duyệt thông tin và đàn áp các tiếng nói bất đồng chính kiến trên không gian mạng.

Chú thích

1. Dahl, R. A. (2023, April 11). Democracy | Definition, History, Meaning, Types, Examples, & Facts. Encyclopedia Britannica. https://www.britannica.com/topic/democracy

2. Mill, J. S. (1966) [1859] On Liberty. Macmillan Education UK.

3. Freedom House (2023) 2023 Tunisia Country Report. Freedom in the world 2023https://freedomhouse.org/country/tunisia/freedom-world/2023

4. Welle, D. (2021, July 27). Tunisian president dismisses PM, freezes parliament. dw.comhttps://www.dw.com/en/tunisia-president-dismisses-pm-mechichi-freezes-parliament/a-58637504

5. Reuters. (2021, September 22). Tunisia military judge jails two members of parliament. Reutershttps://www.reuters.com/world/africa/tunisia-military-judge-jails-two-members-parliament-2021-09-22/

6. Jazeera, A. (2022b, March 31). Tunisia’s president dissolves parliament, extending power grab. Politics News | Al Jazeerahttps://www.aljazeera.com/news/2022/3/30/tunisias-president-saied-dissolves-parliament

7. Tunisia to vote on “new republic” on July 25. (2022, May 26). France 24https://www.france24.com/en/live-news/20220526-tunisia-to-vote-on-new-republic-on-july-25

8. Xem [3]

9. Zakaria, F. (1997). The rise of illiberal democracy. Foreign Affairs76, pp. 22-43

10. Xem [9]

11. Diamond, L. (1999). Developing democracy: Toward consolidation. Baltimore: Johns Hopkins University Press, pp. 1-19, (excerpt).

12. Freedom House. (n.d.). Freedom in the World Research Methodology. In Freedom Househttps://freedomhouse.org/reports/freedom-world/freedom-world-research-methodology

13. Freedom House. (n.d.). Vietnam. In Freedom Househttps://freedomhouse.org/country/vietnam/freedom-world/2023

14. Freedom House (2023) Freedom in the World 2023 – Marking 50 years in the struggle for democracyhttps://freedomhouse.org/sites/default/files/2023-03/FIW_World_2023_DigtalPDF.pdf

15. Hồng Anh (2021). Bầu cử Việt Nam 2021: Người tự ứng cử còn ba tuần nữa để nộp hồ sơ. Luật Khoa tạp chíhttps://www.luatkhoa.com/2021/02/bau-cu-quoc-hoi-viet-nam-2021-nguoi-tu-ung-cu-con-ba-tuan-nua-de-nop-ho-so/

16. Xem [13]

17. Committee to Protect Journalists. Vietnam Archives - Committee to Protect Journalistshttps://cpj.org/asia/vietnam/

H.D.L.

Nguồn: Luậtkhoa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét