Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Ba, 28 tháng 2, 2023

Dương Tường (1932-2023): Người nghệ sĩ chọn cái đẹp để đứng thẳng trong cuộc đời 'bất an'

 


Dương Tường (1932-2023): Người nghệ sĩ chọn cái đẹp để đứng thẳng trong cuộc đời 'bất an'

25 tháng 2 2023

Cập nhật 26 tháng 2 2023

Nhà thơ, nhà văn, dịch giả Dương Tường trong hình bìa một cuốn sách của ông

ẢNH: CODET HANOI. Nhà thơ, nhà văn, dịch giả Dương Tường trong hình bìa một cuốn sách của ông

Nhà thơ, dịch giả Dương Tường (sinh năm 1932), vừa qua đời ở Hà Nội, để lại niềm thương tiếc lớn cho bạn bè văn nghệ sĩ Việt Nam.

Nhiều ý kiến chia sẻ trên mạng xã hội tiếng Việt từ hôm 24/02/2023 ca ngợi tài năng, và quan trọng hơn cả là nhân cách của ông Dương Tường, người đã sống qua những giai đoạn khó khăn nhất của văn nghệ sĩ tại miền Bắc Việt Nam sau Kháng chiến chống Pháp, và thời kỳ sau này.

Nhà báo Phạm Tường Vân, người từng phỏng vấn ông Dương Tường năm 2002 để ghi lại chân dung của một thế hệ đang dần mất đi, vừa viết trên Facebook cá nhân:

"Dương Tường là nhân chứng sống của một thời đại đầy biến động trong sử Việt. Ông từng cầm súng thời kháng chiến chống Pháp với biết bao lý tưởng, lại có bạn bè là tầng lớp tinh hoa của Hà Nội những năm chiến tranh và Đổi mới.

Những trí thức tinh hoa thập niên 1950- 1960 ngày ấy đều tài hoa, đam mê và trong sáng. Những người ít nhiều chịu ảnh hưởng văn hóa Pháp, đề cao tự do sáng tác, phản tỉnh như nhóm Nhân Văn Giai Phẩm và Xét Lại đều nhận về biết bao oan khuất - những bi kịch mà thời nay không thể nào hình dung nổi: người chịu mấy năm tù không án người phải bán máu nuôi gia đình. Ông Tường ngồi đó, chứng kiến bạn bè lần lượt bị người ta đến, mang đi."

Nỗi sợ bị đàn áp ở những người như Dương Tường là thường trực, và "những ngày u tối đó, ông Tường luôn chuẩn bị sẵn một tay nải. Nhưng ngày ấy chưa bao giờ đến. Ông đã đón chờ nhưng nó không đến", bà Phạm Tường Vân viết.

Có vẻ như vì không bị tù đày, cái "án thân thế, lý lịch" một thời hóa ra vẫn còn gắn với số phận dịch giả tài hoa cho đến khi ông tạ thế tuần qua:

"Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua. Từ tuổi thanh xuân cho đến nay, ông đã ở tuổi 92. Bởi vậy, khi bạn bè đã "mãn hạn", đã được trả lại tự do, được phục hồi danh dự thì ông vẫn chưa. Đó chính là tảng đá đè nặng trong tim - điều ông luôn cảm thấy day dứt so với những bạn bè từng trải qua kiếp nạn của mình. Nỗi day dứt của một người tử tế."

Di sản đồ sộ hiếm có với một cây bút ở Việt Nam cả đời mà ông Dương Tường để lại đã bao trùm cả mảng sáng tác tự do về thơ, họa, dịch văn chương nước ngoài, phê bình văn học và truyện ký.Ông làm những việc đó trong khi không gian nghệ thuật - tư tưởng của gần 100 triệu người vẫn tiếp tục cần được mở ra để làm mới, tìm cái đẹp của riêng mình, đồng thời vẫn luôn giằng co, đối thoại với xu thế giám sát, áp chế chặt chẽ ở Thế kỷ 21.

Dương Tường chọn sự im lặng như một thủ pháp sống và chọn cái đẹp như nhãn quan riêng khi đối thoại với những điều xấu, nặng nề.

BBC News Tiếng Việt đăng lại bài phỏng vấn nhà báo Phạm Tường Vân thực hiện từ lâu với ông Dương Tường nhưng chỉ mới giới thiệu trên Facebook cá nhân:

Phạm Tường Vân: Ông đọc sách rất nhiều, đọc "Phía Tây không có gì lạ" (Erich Maria Remarque) lấy từ tay lính Pháp từ rất sớm. Điều đó không ngăn ông bước vào cuộc chiến với tư cách người cầm súng?

Dương Tường: Cho đến nay, tôi vẫn nghĩ –  và vẫn khẳng định – Kháng chiến chống Pháp là thời kỳ hoàng kim của cách mạng Việt Nam. Nếu được sống lại thời đó một lần nữa, tôi vẫn hành động như cũ nghĩa là bỏ nhà đi bộ đội. Suốt những năm đi lính, tuyệt nhiên không hề có ý định rời quân ngũ. Có lần ốm trên đường hành quân vào chiến dịch, tụt lai sau cả tuần, đã quyết đuổi theo đơn vị bằng được. Đi bộ hơn 300 cây số từ Đô Lương (Nghệ An) đến Hoà Bình để tìm đơn vị mà không mảy may có ý định rẽ về thăm nhà. Mỗi ngày chạy bộ gần 30 cây đuổi theo đơn vị, bị máy bay rượt suýt chết.

Đến chiến tranh chống Mỹ thì tôi phản tỉnh. Cho đến giờ tôi vẫn thấy chiến tranh chống Pháp là một thời kỳ tuyệt đẹp. Người ta sống với nhau đầy tình người.

Phạm Tường Vân: (Vụ) Nhân Văn là chuyến tàu chở sự vỡ mộng lớn nhất của văn nghệ sĩ- trí thức sau hoà bình lập lại. Nhóm xét lại: Vũ Thư Hiên, Dương Tường Bùi Ngọc Tấn, Xuân Khánh, Mạc Lân... là chuyến tàu thứ hai. Có phải vì các ông đi theo kháng chiến nhanh quá, đi vì mỹ cảm chứ không phải…?

Rất thành thật, hoàn toàn vì lý tưởng! Các thế hệ sau khó mà hiểu được cái không khí hồi đó. Say lắm. Không bao giờ có lại thời kỳ dám bỏ tất cả, dám đốt cả Hà Nội mà đi chiến đấu như thế.

Phạm Tường Vân: Thời kỳ ông tự đặt ra với mình nhiều câu hỏi nhất là bao giờ?

Những năm 60, sau vụ Nhân Văn, Xét Lại.

Phạm Tường Vân: Câu trả lời chung là gì?

Phải có một thế giới khác. Thế giới này đang hỏng. Thế giới này phải làm lại. Và mọi thứ chủ nghĩa đều là không tưởng, con người bịa ra thứ đó để mà dối lừa nhau mà thôi.

Phạm Tường Vân: Phản ứng của ông?

Tôi gần như bị tâm thần. Tôi phải tự chữa trị bằng nghe nhạc, chủ yếu là nhạc cổ điển. Tôi gọi đó là nhạc liệu pháp (musicotherapy)

Phạm Tường Vân: Thập niên 60 - 70 của thế kỷ trước, bi kịch ập đến với các ông. Trong khi các ông Vũ Thư Hiên, Bùi Ngọc Tấn đã bị gọi tên. Sao ông không bị bắt?

Nếu ở Hải Phòng hay một tỉnh nhỏ nào khác, chắc tôi có kết cục giống Bùi Ngọc Tấn. Thấy Vũ Thư Hiên, Kiến Giang, Vũ Huy Cương "đi", tôi, Mạc Lân, Xuân Khánh cũng khăn gói chuẩn bị đón khả năng xấu nhất. Nhưng chờ mãi không thấy bắt. Có lẽ họ bắt mấy người tiêu biểu. Mà bắt thế đã là quá nhiều rồi!

Phạm Tường Vân:Ông chuẩn bị những gì?

Ba lô, vài bộ quần áo, dăm quyển sách, nếu lọt thì có cái giải khuây.

Phạm Tường Vân: Ông trả lời với chính quyền như thế nào về những người bạn "khả nghi" của mình?

Câu trả lời luôn là: "Đó là những người bạn tốt nhất của tôi, thương tôi nhất. Có chặt đầu tôi đi thì tôi cũng không tin họ là người xấu!"

Phạm Tường Vân: Một điều khó hiểu là ông có thể chơi với những người rất "khắc" nhau. Ví dụ như Trần Dần với Văn Cao chẳng hạn, hai người từng chung nhóm Nhân Văn, ở chung một góc phố, vậy mà chẳng bao giờ giáp mặt?

Họ không chơi nhưng rất trọng nhau. Tôi rất thân với cả hai, tôi biết. Lần nào tôi đến chơi, Văn Cao cũng nhắc đến Trần Dần Và ngược lại. Dần bảo: "Thằng Văn nó chưa đẻ nhưng nó là voi, đẻ rất to!" Hôm đám tang Văn Cao, Trần Dần chống gậy đến ngồi như pho tượng. Giữa họ có những vướng mắc do thời cuộc chứ hoàn toàn không phải vấn đề tư tưởng hay quan điểm.

Phạm Tường Vân: Nhà văn Bùi Ngọc Tấn có một câu tổng kết buồn để biện minh cho những thành quả ít ỏi của thế hệ mình: "Thế hệ có tất cả. Vậy mà lại mất tất cả. Một thế hệ trắng tay". Ông nghĩ sao?

Một thế hệ của những tinh hoa bị bỏ phí, bị hắt hủi và làm cho biến dạng. Nhưng bảo là ít đóng góp thì chưa chính xác: một vài người trong số họ cũng đã tạo ra một vài ảnh hưởng có tính tác động trong dòng chảy chung của văn học nước nhà. Và điều này thì gần như chắc chắn: "đó là thế hệ nhiều đam mê và trong trắng nhất".

Phạm Tường Vân: Tôi nói điều này, xin ông đừng giận: có cảm giác: ông chưa vào tù nhưng ông chưa bao giờ được ra tù! Chẳng thà hồi đó người ta bắt ông, nhốt vài năm rồi thả, ông còn được hưởng niềm vui mãn hạn. Đằng này, lúc nào ông cũng sống trong cảm giác của những ngày chờ đợi.

Không đáp, chỉ gật đầu.

Phạm Tường Vân: Và lúc nào cũng "giật mình một cái vỗ vai"?

Dù là những lúc vui nhất, tôi cũng chưa bao giờ cảm thấy yên ổn. Tôi vẫn chưa thoát khỏi cái tâm thái bất an mà tôi gọi là angoisse khi nói chuyện với một nhà báo nước ngoài hồi đầu những năm 1980. Một thứ ám ảnh hồ như pre-apocalyptic, tiền-khải huyền, nơm nớp lo sợ một bất hạnh thình lình ụp xuống. Thấy cháu gái mình thông minh, 5 tuổi nói tiếng Anh như gió, ngữ điệu rất hay, hạnh phúc lắm nhưng ngay lập tức cái angoisse ấy lại ập đến. Xã hội đầy bất trắc, cái gì chờ nó ngày mai?

Tôi còn có một thói quen xấu: tích trữ giấy một mặt. Xưa kia toàn viết giấy xám xịt, có được tờ giấy trắng (như giấy A 4 bây giờ) hoặc pơ-luya là quý như vàng, bình thường không dám viết, chỉ dành cho dịp nào thật đặc biệt, chẳng hạn khi làm được bài thơ nào thật ưng ý mới dám trịnh trọng chép lên. Tôi giữ lại tất cả giấy loại, cái nào còn trắng một mặt là giữ lại, mặc dầu rất hiếm khi dùng đến. Dù bây giờ viết bằng máy tính nhưng cứ phòng sẵn 5- 6 cái bút mới yên tâm. Và tăm nữa. Trong túi lúc nào cũng thủ sẵn một cây (ông móc túi lấy ra cây tăm tre!). Hoàn toàn vớ vẩn, những cái đó! Giấy bây giờ đầy, tăm thì đâu chẳng có. Chẳng qua sống trong cùng quẫn quá lâu nên thành một tâm lý lúc nào cũng lo thiếu thốn, sợ khi hữu sự, không có cái mà dùng!

Phạm Tường Vân: Dường như ông trốn vào những lĩnh vực ít phải bày tỏ chính kiến, những lĩnh vực khá khó tiếp cận đối với các nhà chức trách để ít bị bắt bẻ như hội họa. Và lựa chọn khôn ngoan này khiến ông còn "lành lặn" đến bây giờ? Cũng nhờ vậy mà ông cũng góp phần tạo nhiều sân chơi quốc tế cho hội họa đương đại Việt Nam vào cuối thế kỷ 20.

Đúng. Tôi tự bảo mình: kiềm chế đi một tí, và ráng làm mỗi thứ một tí, cố gắng kiễng chân, cố gắng nhích lên. Mỗi người ráng ghé vai đẩy từng milimét, từng phần của milimét, làm sao để thế giới phải khác đi.

Phạm Tường Vân: Ở nhà, ông là người thế nào?

Ở nhà tôi luôn bị mắng vì tội ăn dè làm vợ con phát bực. Cả đĩa thịt, tôi chỉ chọn mấy miếng nhỏ. Lúc nào cũng cảm thấy mình có lỗi. Mình nuôi con không bằng người. Chỉ được về mặt văn hóa, còn những cái khác thua kém hết. Đôi lúc thấy cháu mình được nuôi nấng đầy đủ, thấy vui lắm nhưng chỉ một lúc cái angoisse lại đến. Điều này chẳng đứa con nào của tôi hiểu được.

Phạm Tường Vân:Trong cuốn "Rừng xưa xanh lá"ông Bùi Ngọc Tấn "tố" ông là người đầu têu rủ bạn bè văn nghệ sĩ trí thức đi bán máu nuôi gia đình?

Tôi chỉ rủ Mạc Lân và Châu Diên thôi.

Hồi đó tôi được ưu ái cấp cho một cái thẻ cho máu (viết tắt là TCM) tức là được công nhận là cộng tác viên cho máu thường xuyên của bệnh viện. Mỗi lần bán máu, ngoài tiền (50 đồng 100cc), còn được cấp các phiếu đường, thịt, đậu. Tôi mang tất về nộp vợ.

Phạm Tường Vân: Ông đã bán bao nhiêu lít máu tất thảy?

Không thể tính được. Hơn một năm, cứ hai tuần 1 lần, trung bình 250 cc. Lúc cấp bách thì tuần/lần, lần đạt "kỷ lục" nhờ Lê Phát giới thiệu với trưởng phòng huyết bệnh viện Việt-Đức thì được ưu tiên bán 300 cc.

Phạm Tường Vân: Hồi đó ông nặng bao nhiêu?

Hơn 40 kg.

(Lúc kết thúc cuộc phỏng vấn, ra phố Hàng Bài, ông cân thử, kết quả: 53 kg cả giày lẫn áo bông, thế mà vẫn hơn cái thời bán máu hẳn 12 kg!)

Vụ này, Bùi Ngọc Tấn tưng tửng kể: "Tường ăn mừng thắng lợi với Phát bằng một bữa bia hơi Cổ Tân. Phái hai vại, Tường một vại. Uống xong, Phát nói một câu xanh rờn làm các bàn khác quay cả lại: «Hôm nay tao uống máu thằng Tường!"

Phạm Tường Vân: Ngoài bán máu ra, ông còn có những cách nào khác để qua cơn bĩ cực?

Cũng có một số cách khác tuy không đàng hoàng lắm nhưng lương thiện: Vợ Mạc Lân là nhân viên mậu dịch bán ở quầy thuốc. Tôi đi khám bệnh, xin đơn, đưa ra vợ Lân ghi hóa đơn từng ấy thứ thuốc rồi đem về cơ quan thanh toán, cộng cả tiền bồi dưỡng ốm. Bệnh thật, chỉ có chữa là giả. Mà với những cơ thể suy dinh dưỡng trầm trọng của chúng tôi hồi đó, chẳng lúc nào thiếu bệnh. Một cách nữa là bán thuốc lá cho căng-tin, tiêu chuẩn công đoàn chia mỗi người được 3-4 bao mỗi tuần theo giá cung cấp, cố nhịn dành được 2 bao đem ra bà hàng nước. Bán cũng không dễ, phải phục cho đến khuya, vắng vẻ mới dám thò thuốc ra.

Tôi nghiện thuốc nặng nhưng chỉ dám hút thuốc lá cuộn, trong gạt tàn chẳng có cái đầu mẩu nào vì tất cả đều được gom gop tích lại, lúc bí đem xé ra vấn đi vấn lại. Cách nữa là tranh thủ nhịn cơm tiêu chuẩn, bớt được bữa nào thì bớt, dư ra phiếu nào bán lại cho nhà bếp lấy tiền đưa vợ đong gạo. Đến nhà người thân tình cứ nhè vào bữa cơm. Chuyện văn chương, triết học cứ đến bữa lại nở như ngô rang, bà chủ bưng cơm lên, mời rơi mình một tiếng. Lấy cớ nói nốt câu chuyện, vừa ăn vừa "làm khách" để giữ sĩ diện nên chỉ dám làm một bát. Thôi thì cầm hơi cho qua ngày, vợ con cũng đỡ được một suất. Nhưng xong rồi thì ngượng lắm!

Phạm Tường Vân: Có khi nào ông ước mình là công dân nước khác?

Khi sang Mỹ, tôi thấy đây quả là một đất nước của tự do và có cảm giác là nếu ở đó, mình sẽ làm được nhiều hơn. Nhưng chưa bao giờ tôi ước mình là công dân một nước khác. Tôi không thể sống được ở một nơi nào ngoài Việt Nam.

Phạm Tường Vân: Đã bao giờ ông có ý định tự sát?

Không bao giờ.

Phạm Tường Vân: Khi cực kỳ phẫn uất hay khinh bỉ, ông hành xử thế nào?

Dương Tường Im lặng.

Phạm Tường Vân: Khi thất vọng về ai đó?

Không chơi nữa. Có những người ngay từ đầu đã không chơi được

Phạm Tường Vân: Cảm giác đỉnh cao của sự "không chơi được"?

Buồn nôn.

Phạm Tường Vân: Ông đã gặp mấy người như thế?

Nhiều. Xin đừng bắt tôi phải nêu tên.

Bài do nhà báo Phạm Tường Vân thực hiện ngày 23 tháng chạp Nhâm Ngọ 2001-2002.

-------------

Xem thêm:

Nhà văn Bùi Ngọc Tấn và Người chăn kiến

Một đánh giá mới về Nhân Văn - Giai Phẩm

Nhà văn Vũ Thư Hiên: Vụ Xét lại chống Đảng và vai trò Lê Đức Thọ

Nhà thơ Hoàng Cầm trả lời BBC

Nhà văn Thuận nói về Trần Dần (video)

Nguồn: bbc.com/vietnamese

Nước Nga sẽ đối mặt với ba thời điểm then chốt trong năm 2023

 

Nước Nga sẽ đối mặt với ba thời điểm then chốt trong năm 2023

Tác giả: Tatiana StanovayaCarnegie Endowment for International Peace, ngày 9 tháng 1 năm 2023

Người dịch: Lê Nguyễn

Trong năm 2023, nước Nga sẽ phải đối mặt với ba vấn đề chủ yếu: 1/ về kế hoạch của Tổng thống Vladimir Putin cho tương lai của chính ông, 2/ cuộc chiến giữa phe diều hâu và phe thực dụng trong giới tinh hoa 3/ và những thay đổi nhân sự sắp xảy ra trong chính phủ. Ba vấn đề này có thể sẽ định hình lại đất nước Nga.

Hơn mười tháng kể từ lúc bắt đầu cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine, sự tương phản giữa cường độ của những cú sốc từ ngoài mà nước Nga phải đối mặt và sức ỳ trì kéo tương đối trong nước là rất nổi bật. Bất chấp những thất bại quân sự và các lệnh trừng phạt bởi cấm vận, hầu hết người dân Nga vẫn tiếp tục cuộc sống của họ như thể không có chuyện gì xảy ra, trong khi đó giới tinh hoa cố gắng không muốn nghĩ tới những gì ngày mai có thể mang lại, thay vào đó đã đặt trọn vẹn niềm tin của mình vào Putin.

Tuy nhiên, năm 2023 có thể chứng tỏ là một năm đầy kịch tính đối với nước Nga và là một năm cực kỳ quyết định cho việc phản kháng chống lại thay đổi của giới lãnh đạo nước này về ba câu hỏi nội bộ đặc biệt hứa hẹn sẽ định hình sự phát triển của nước Nga trong nhiều thập kỷ tới. 

Đầu tiên, Putin sẽ phải quyết định có tái tranh cử vào năm 2024 hay không. Hiến pháp Nga đã được sửa đổi vào năm 2020 nhằm cho phép ông được tiếp tục giữ chức tổng thống cho đến năm 2036. Hoặc theo cách khác, ông có thể tìm người kế nhiệm thay thế, nhưng để có đủ thời gian cho chiến dịch tranh cử, ông sẽ phải làm các việc đó vào cuối tháng 12 năm 2023.

Hiện tại, không ai biết chắc kế hoạch của ông ta là gì. Điều này chắc có chủ tâm, vì Putin rất thích giữ thật kín không cho giới tinh hoa biết nhiều về ông. Quả nhiên, như hồi mùa hè năm 2020, ông đã thuyết phục để thay đổi hiến pháp và giúp mở rộng quyền cai trị của mình với tư cách là người bảo vệ chống lại tình trạng bất ổn trong giới tinh hoa, những người mà ông cho là “cần phải làm việc chứ không phải quanh quẩn lo tìm người kế vị.”

Tiếp theo việc sửa đổi hiến pháp, cả thành viên ở phủ tổng thống lẫn giới tinh hoa đều hoạt động dựa trên giả định rằng Putin sẽ nắm quyền vô thời hạn. Ngày nay, câu hỏi then chốt là các tính toán của ông đã bị chiến tranh làm thay đổi như thế nào, đặc biệt qua thực tế cho thấy nó đã không diễn ra theo đúng kế hoạch.

Có một số người tin rằng nếu giải tỏa được các vấn đề và các mối đe dọa nghiêm trọng, chiến tranh có thể củng cố quyết tâm duy trì quyền lực của Putin qua khỏi 2024. Với sự khinh thường của ông đối với những người mà ông gọi là “những kẻ đào ngũ chính trị”—những người đã từ bỏ chức vụ của mình trong thời điểm khó khăn—ông ta khó có khả năng trở thành một người như họ.

Cũng có những người khác lại cảm nhận rằng Putin không chỉ muốn để bỏ ngỏ cho việc từ bỏ quyền lực, mà ông ấy còn có thể xem việc đó là một phần của giải pháp cho cuộc xung đột với Ukraine. Ngay cả khi điều đó có vẻ chỉ là mơ tưởng, một bộ phận của giới tinh hoa rõ ràng hy vọng rằng việc điều chỉnh lại như vậy cũng sẽ đủ để chấm dứt chuỗi thất bại gần đây của Nga.    

Tuy nhiên, cả hai bên đều không có gì chắc chắn về chủ tâm của ông ta. Trong mọi trường hợp, Putin rất nổi tiếng là người thích đưa ra quyết định vào giờ thứ mười một, thường dựa trên các yếu tố tình huống và bất chấp những kỳ vọng phổ biến.

Do vậy, vấn đề năm 2024 đã trở thành nguồn lo lắng chính của giới tinh hoa. Nó sẽ tác động nhiều hơn bất kỳ vấn đề nào khác trong việc ảnh hưởng đến các sự kiện của năm 2023, năm mà giới chính trị hết sức cố gắng muốn tìm ra ý định của Putin và lập kế hoạch xung quanh chúng nhằm giảm thiểu rủi ro.

Vấn đề thứ hai có liên quan là sự chia rẽ ngày càng tăng giữa những người trong giới tinh hoa, một bên ủng hộ việc leo thang chiến tranh và một bên là những người cảnh báo không nên làm như vậy. Sự chia rẽ này xuất hiện sau khi Nga rút quân khỏi khu vực Kharkiv và từ bỏ thành phố trọng điểm Kherson, và được thúc đẩy bởi cuộc tấn công của Ukraine vào cây cầu dẫn đến Crimea, cũng như sau các cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức cho việc sáp nhập các khu vực thôn tính được của Ukraine và đang chiếm đóng, và sau đó là sự mơ hồ của chính quyền về biên giới chính thức của Nga.

Những người theo chủ nghĩa thực dụng, bao gồm các nhà kỹ trị cũng như các quan chức cấp trung trong quân đội và các cơ quan an ninh, thống nhất với niềm tin rằng chiến tranh nên được tạm dừng và suy nghĩ lại, và rằng đất nước nên lựa chọn một chính sách thực tế hơn phù hợp với khả năng khá hạn chế của nó. Phe diều hâu thì kêu gọi Nga không chỉ dốc hết toàn lực sức mạnh quân sự chống lại Ukraine, mà còn tái cơ cấu triệt để hệ thống chính trị và kinh tế của chính họ. Nội dung thứ hai biến phe của họ trở thành một phe cách mạng (dù hiện tại vẫn ít nhất là ủng hộ Putin) với mục đích là thay thế một chính phủ mà họ coi là bị đình trệ.    

Cuộc chiến đấu giành quyền tối cao của họ được coi là một trong những cuộc đấu tranh chính trị quan trọng của năm 2023 và là cuộc đấu tranh chủ yếu xoay quanh các sự kiện xảy ra trên chiến trường: Nga càng tỏ rõ sự yếu kém về mặt quân sự, thì cuộc chiến giữa những người theo chủ nghĩa thực dụng với phe diều hâu sẽ càng ác liệt hơn. Điện Kremlin sẽ tìm ra cơ chế thích ứng để đàn áp bất đồng chính kiến—loại bỏ những cái không thích  hợp, nếu những cái đó được sử dụng để chống lại những người trung thành với chế độ.

Phe diều hâu sẽ tiến hành cuộc tấn công nhắm vào giới quân sự và các chính trị gia, những người như Yevgeny Prigozhin, kẻ khét tiếng đứng đầu công ty quân sự tư nhân Wagner, như họ đã làm. Trong khi đó, những người theo chủ nghĩa thực dụng sẽ tô lên một bức tranh u ám đầy bi quan về chiều hướng của cuộc chiến tranh, tìm cách thu hẹp các mục tiêu chiến tranh của Moscow và buộc một sự thừa nhận rằng chiến thắng là không thể. Thông điệp của họ sẽ được giới tinh hoa phi quân sự đón nhận một cách nồng nhiệt, vì họ là những người đã bị bất ngờ bởi cuộc xâm lược và rất lo sợ cho hậu quả trung hạn của nó.

Tất cả những điều này khiến Nga bị mắc kẹt giữa một bên là sự điên cuồng quân sự và một bên là sự cân nhắc cẩn thận về khả năng giảm leo thang. Putin phải đối mặt với một sự lựa chọn: giữa việc tăng gấp đôi nỗ lực theo đuổi việc đánh bại Kiev cho bằng được hay là quay trở lại bàn đàm phán, với phương Tây nếu như không được với Ukraine.

Vấn đề then chốt thứ ba mà Nga phải đối mặt trong năm 2023 xoay quanh những thay đổi về nhân sự chính phủ, khả năng này xảy ra rất cao, cho dù khó dự đoán được ai sẽ thay thế ai.

Một lý do khiến việc cải tổ gần như chắc chắn xảy ra là nhu cầu ngày càng tăng ở cấp cao nhất vì ý muốn đạt được tính năng động và hiệu quả. Xu hướng mời các nhà kỹ trị vào chính phủ của Putin có thể tăng thêm hơn nữa, với các nhân vật cấp cao trong nội các, quan chức điều hành ở phủ tổng thống và các cơ cấu quyền lực khác đều già cỗi và kiệt quệ vì chiến tranh và những thất bại quân sự buộc Putin phải tìm kiếm những ý tưởng mới. Một điều nữa là với cuộc bầu cử tổng thống sắp tới, dựa vào lịch sử, cho thấy các cuộc cải tổ đều đã diễn ra hầu như trước tất cả các cuộc bầu cử tổng thống Nga, ngoại trừ một lần là không có thôi.  

Sự căng thẳng tích tụ lâu dài trong chính phủ đưa ra thêm một lý do nữa để mong đợi có những thay đổi nhân sự. Bộ trưởng Quốc phòng Sergey Shoigu và Tổng tham mưu trưởng Valery Gerasimov đang bị cáo buộc tham nhũng trong lực lượng vũ trang, trong khi FSB bị chỉ trích vì thất bại trong hoạt động tình báo. Phó Chủ tịch Hội đồng Bảo an Dmitry Medvedev được cho là đã hoàn toàn thất bại trong mưu đồ này, và Thị trưởng Moscow Sergey Sobyanin là người quá thờ ơ với chính trị, trong khi thống đốc ngân hàng trung ương Elvira Nabiullina bị nghi ngờ bí mật phản đối chiến tranh.

Các nhân vật cấp cao của chính phủ đều không hài lòng với nhau: sự không ưa nhau này khiến Putin có lý do để thay đổi mọi thứ. Tuy nhiên, tính bảo thủ và sự e ngại của ông khi sa thải cấp dưới có thể sẽ khiến ông cố gắng đạt được sự cân bằng giữa ổn định và đổi mới. 

Những diễn biến định mệnh này sẽ bị ảnh hưởng sâu sắc bởi các sự kiện trên chiến trường. Nếu đúng như những gì Kiev đã dự đoán, Nga sẽ tiến hành một cuộc tấn công quy mô lớn vào tháng 2 hoặc tháng 3, Nga sẽ có khả năng vấp phải một sự kháng cự đáng kể của Ukraine. Nếu không, Moscow sẽ tiếp tục từ từ bóp nghẹt Ukraine bằng các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng của nước này, và Kiev sẽ đáp trả bằng các cuộc tấn công nghi binh trên đất Nga.

Đời sống chính trị Nga sẽ vẫn chìm đắm trong bầu không khí ngột ngạt và nghiệt ngã của chiến tranh, để lại cho giới tinh hoa thêm nhiều nỗi lo lắng và sợ hãi hơn cho tương lai của họ. Việc giữ tuyệt mật và từ chối giải thích với bất kỳ ai của Putin sẽ chẳng giúp ích được gì cho tình hình. Sự đàn áp chắc chắn sẽ gia tăng, tất cả những người bất đồng chính kiến ​​sẽ bị hình sự hóa, các luật lệ mới của nhà nước sẽ được bổ sung vào, và những cái cớ mới sẽ được tạo ra nhằm tăng những bản án tù dài hạn hơn.

Trong năm 2023, cuộc chiến vốn đã mang tính lịch sử giữa Nga và Ukraine sẽ thể hiện toàn bộ tiềm năng biến đổi của nó, cuối cùng sẽ thay đổi nước Nga từ bên trong và làm căng thẳng thêm khả năng của các nhà lãnh đạo muốn đặt tình hình trong vòng kiểm soát và lên kế hoạch để đưa ra các quyết định.

Tatiana Stanovaya là thành viên cấp cao tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế. Bà cũng là người sáng lập R.Politik, Thực tế  Chính trị Nga, một công ty phân tích chính trị và là thành viên của hội đồng nghiên cứu của L’Observatoire, trung tâm phân tích của Phòng Thương mại và Công nghiệp Pháp-Nga. Stanovaya đã có 15 năm làm trưởng phòng phân tích của Trung tâm Công nghệ Chính trị, một công ty tư vấn chính trị có trụ sở tại Moscow. Bà bắt đầu sự nghiệp của mình tại văn phòng công ty khai thác mỏ và thép Severstal ở Moscow.

Carnegie Endowment for International Peace, có trụ sở tại Washington DC,

Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế cung cấp phân tích về các chủ đề và khu vực chính, bao gồm Đông và Nam Á, Châu Phi, Châu Âu, Nga và Âu Á, Trung Đông, dân chủ và quản trị, hạt nhân, tính bền vững và địa chính trị , các tổ chức toàn cầu, công nghệ và các khu vực địa phương, chẳng hạn như California.

Carnegie là tổ chức không có các quan điểm về các vấn đề chính sách công; các quan điểm trình bày ở đây là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của Carnegie, của nhân viên hoặc của những người được ủy thác.

Nguồn:  Diễn Đàn Khai Phóng

Tập Cận Bình cân nhắc hậu quả của việc hỗ trợ Nga

 

Tập Cận Bình cân nhắc hậu quả của việc hỗ trợ Nga

Katsuji Nakazawa, “Xi ponders ramifications of supporting Russia,” Nikkei Asia, 23/02/2023

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Mỹ có thể coi Trung Quốc là nước tài trợ khủng bố?

Sau vụ Mỹ bắn rơi khí cầu do thám Trung Quốc vốn đã bay qua khắp nước này, căng thẳng ngoại giao đã nổ ra giữa Washington và Bắc Kinh, về khả năng Trung Quốc hỗ trợ vũ khí sát thương cho Nga trong cuộc chiến ở Ukraine.

Trong lúc căng thẳng gia tăng, yếu tố có thể làm thay đổi cuộc chơi sẽ là việc chính quyền Biden chọn áp dụng các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn đối với Trung Quốc – những hình phạt tương đương với việc coi Trung Quốc là nhà tài trợ khủng bố.

Ngay cả khi Trung Quốc không bị nêu đích danh là khủng bố, thì các biện pháp trừng phạt khiến nước này bị xếp ngang hàng với Iran, Triều Tiên và Syria vẫn sẽ tạo thêm một khía cạnh nguy hiểm mới cho quan hệ Mỹ-Trung.

Một nguồn tin quen thuộc với ngoại giao Mỹ-Trung tin rằng điều có thể khiến Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mất ngủ không phải là hậu quả từ vụ khinh khí cầu, mà là khả năng Mỹ có thể áp dụng một đường lối trừng phạt cứng rắn hơn trước.

Trong cuộc gặp ở Đức giữa Vương Nghị, nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc, và người đồng cấp Mỹ, Ngoại trưởng Antony Blinken, Blinken đã cảnh báo sẽ có “hệ lụy và hậu quả” nếu Trung Quốc hỗ trợ quân sự cho Nga hoặc giúp nước này trốn tránh các biện pháp trừng phạt một cách có hệ thống.

Tuyên bố đó có thể còn ẩn chứa nhiều hàm ý.

Vương Nghị, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Ngoại sự Trung ương Trung Quốc, và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã gặp nhau tại Munich, Đức, vào ngày 18/2 để thảo luận về mức độ hỗ trợ của Trung Quốc đối với Nga trong cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine. (Nguồn ảnh: AP và EPA/Jiji)

Như một cách để phản ánh sự ngờ vực của Bắc Kinh đối với Washington, Trung Quốc đã lạnh lùng mô tả cuộc gặp ở Munich là “một cuộc tiếp xúc không chính thức” diễn ra theo yêu cầu của người Mỹ.

Sau cuộc gặp, Blinken đã lên mạng truyền hình Mỹ để trình bày câu chuyện từ góc nhìn của ông.

“Chúng tôi biết họ cung cấp hỗ trợ phi sát thương cho Nga để sử dụng ở Ukraine,” Blinken nói với đài CBS. “Mối lo hiện tại của chúng tôi được dựa trên thông tin mà chúng tôi thu thập được, rằng họ đang xem xét cung cấp hỗ trợ sát thương, và chúng tôi đã nói rất rõ ràng với họ rằng điều đó sẽ gây ra vấn đề nghiêm trọng cho chúng tôi và cho quan hệ giữa hai bên.”

Blinken đã nói rõ rằng Trung Quốc vẫn chưa vượt qua lằn ranh đỏ – tức viện trợ vũ khí sát thương cho Moscow – và bằng cách đó, họ đã để ngỏ cánh cửa cho hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Trung trong tương lai giữa Tập và Tổng thống Joe Biden.

Vài ngày sau, ở Thổ Nhĩ Kỳ, Blinken được các phóng viên hỏi về hậu quả của việc Trung Quốc cung cấp hỗ trợ cho Nga.

“Tôi sẽ không nêu chi tiết những hậu quả sẽ xảy ra,” nhà ngoại giao này nói, đồng thời lưu ý rằng ông đã trực tiếp chuyển những lo ngại của Mỹ tới Vương Nghị ở Munich. “Tôi nghĩ Trung Quốc hiểu rủi ro là gì.”

Theo nguồn tin ngoại giao, nguy cơ đó có thể gồm các biện pháp trừng phạt tương đương với các biện pháp áp dụng cho những nước mà Mỹ cho là tài trợ khủng bố.

Nghị viện châu Âu đã thông qua một nghị quyết với đa số phiếu thuận, xem Nga là nước tài trợ khủng bố, nhưng nghị quyết này không mang tính ràng buộc pháp lý.

Nếu chính quyền Biden tấn công Trung Quốc bằng các lệnh trừng phạt ở cấp độ đó, thì cơ bản là họ đã coi Trung Quốc là đồng phạm của Nga.

Sau khi một máy bay chiến đấu của Mỹ bắn hạ quả khí cầu do thám của Trung Quốc ở vùng trời Bắc Đại Tây Dương, Bắc Kinh đã phản đối rằng đó chỉ là khí cầu khí tượng bị thổi bay lệch hướng và đe dọa sẽ giảm hợp tác với Mỹ. © Chad Fish /AP

Gần đây, sau khi máy bay tiêm kích F-22 của Mỹ bắn hạ quả khí cầu do thám Trung Quốc đang bay ngang qua nước Mỹ, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tạ Phong đã gửi công hàm phản đối tới Washington. Ông là người phụ trách các vấn đề ngoại giao với Mỹ và công hàm phản đối của ông đi kèm một thông điệp thể hiện rằng các biện pháp trừng phạt có thể khiến Bắc Kinh không thể thỏa hiệp về vấn đề Ukraine theo cách mà Washington mong muốn.

Trung Quốc có thể nhận ra rằng Biden đang rất dễ bị tổn thương, khi ông cố gắng đạt được tiến bộ ở Ukraine trước cuộc bầu cử tổng thống năm 2024.

Một trong những lợi ích chính của Bắc Kinh là ngăn chặn các hạn chế sâu rộng của Washington đối với xuất khẩu chất bán dẫn sang Trung Quốc, gồm cả việc thành lập một liên minh quốc tế với Nhật Bản và Hà Lan. Họ đang cố gắng hợp tác để giải quyết tình trạng bế tắc ở Ukraine với điều kiện là Washington phải nhượng bộ về lệnh cấm chip bán dẫn. Đây là một trong những vấn đề được thảo luận tại Munich, trong cuộc giằng co phức tạp giữa Vương và Blinken.

Hôm thứ Tư (22/02/2023), Vương đã đến Moscow và gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin. “Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với Nga để duy trì quyết tâm chiến lược,” Tân Hoa Xã thuật lại lời Vương.

Ngoại trưởng Nhật Bản Yoshimasa Hayashi (trái) gặp Vương Nghị, nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc, tại Munich vào ngày 18/2. © Bộ Ngoại giao Nhật Bản/Kyodo

Lần này cũng có sự tham gia của Nhật Bản. Ngày 18/2, Vương Nghị đã hội đàm với Ngoại trưởng Nhật Bản Yoshimasa Hayashi bên lề Hội nghị An ninh Munich.

Vương khẳng định rằng chủ nghĩa đơn phương và quan điểm phân tách sẽ “không phục vụ lợi ích của bất kỳ ai.” Ông nói với Hayashi rằng Nhật Bản “nên nắm bắt tình hình và đưa ra lựa chọn một cách độc lập.”

Từ quan điểm kinh tế thuần túy, phân tách chắc chắn là điều không được mong muốn, đúng như Vương nói. Nhưng khi tính đến cả an ninh quốc gia – bao gồm Ukraine, Đài Loan, Biển Hoa Đông và Biển Đông – vấn đề chắc chắn sẽ trở nên phức tạp hơn.

Ký ức về chính sách “ngoại giao chiến lang” của Trung Quốc vẫn còn rất tươi mới, và các công ty Nhật Bản có thể phải suy nghĩ kỹ về việc mở rộng hoạt động kinh doanh của họ ở Trung Quốc trong lúc những quả khí cầu gián điệp bị nghi đến từ Trung Quốc bay ngang qua không phận Nhật Bản.

Quan hệ Mỹ-Trung đã trở nên tồi tệ hơn vào ngày 4/2/2022, khi Tập Cận Bình có cuộc gặp với Putin, người đã đến Bắc Kinh để dự lễ khai mạc Thế vận hội Mùa đông. Ngày càng bị cô lập trên trường quốc tế, nhà lãnh đạo Nga đã có mặt ở Trung Quốc theo lời mời của Tập.

Trung Quốc khi đó mô tả quan hệ với Nga là hữu nghị và hợp tác “không giới hạn.” Có lẽ chính nhờ lời trấn an này, Putin đã quyết định xâm lược Ukraine chỉ 20 ngày sau đó.

Chuỗi sự kiện đó rất dễ bị hiểu là bằng chứng về hợp tác quân sự và ngoại giao giữa Nga và Trung Quốc. Bất kể điều đó có thực hay không, hình ảnh quốc tế của Trung Quốc đã bị sứt mẻ đáng kể – đặc biệt là khi Tập không bác bỏ cách giải thích này. Nhà lãnh đạo Trung Quốc tiếp tục duy trì một lập trường mơ hồ.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thể hiện sự ủng hộ hết mình đối với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy bằng chuyến thăm không báo trước tới Kyiv vào ngày 20/02. © Reuters

Chuyến thăm bất ngờ của Biden tới Ukraine vào ngày 20/02, ngay trước lễ kỷ niệm cuộc xâm lược của Nga, đã gửi một thông điệp mạnh mẽ rằng Mỹ kiên quyết sát cánh với Ukraine. Liệu Tập có gửi thông điệp của riêng mình tới thế giới hay không?

Người ta đồn rằng Tập sẽ đến thăm Nga trong thời gian tới. Khi Putin nói chuyện qua điện thoại với Tập vào cuối năm ngoái, truyền thông nhà nước Nga đã đề cập đến chuyến thăm của Tập vào mùa xuân. Putin được dẫn lời rằng ông sẽ tìm cách tăng cường trao đổi giữa quân đội hai nước.

Nếu Trung Quốc và Nga tiếp tục tăng cường hợp tác quân sự và an ninh, liệu chính quyền Biden có coi hai nước là đồng minh về thực chất? Nếu câu trả lời là có, các biện pháp cứng rắn chống lại Trung Quốc có lẽ đang được chuẩn bị.

Katsuji Nakazawa là nhà báo và biên tập viên cấp cao của Nikkei, hiện sinh sống tại Tokyo. Ông đã dành bảy năm làm phóng viên thường trú ở Trung Quốc và sau đó trở thành trưởng văn phòng Trung Quốc. Ông đã nhận Giải Nhà báo Quốc tế Vaughn-Ueda năm 2014.

Nguồn Bản dịch: nghiencuuquocte.org

Điều luật hình sự 331 không chừa một ai! Luật pháp

 

Điều luật hình sự 331 không chừa một ai! Luật pháp

Hoài Nguuyễn

(VNTB) – Dùng Điều 331 Bộ luật Hình sự để trừng phạt một người bịa chuyện nói xấu người khác.

clip_image002

Nhà báo Đặng Thị Hàn Ni đã bị bắt với cáo buộc tội danh theo điều luật Hình sự 331 “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.

Quyền tự do dân chủ ở Việt Nam là một quyền được hiểu ra sao mà đã có khá nhiều công dân xứ này bị vi phạm hình sự thay cho điều chỉnh bằng pháp luật dân sự?

Thời gian qua, bà Đặng Thị Hàn Ni vướng nhiều lùm xùm liên quan đến bà Nguyễn Phương Hằng (tổng giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam) và bị bà Hằng từng có đơn đề nghị làm rõ hành vi vi phạm pháp luật của bà Đặng Thị Hàn Ni liên quan đến hoạt động của quỹ Hằng Hữu.

Được cho là liên quan, luật sư Trần Văn Sỹ cũng bị tạm giam để điều tra theo đơn tố cáo của bà Nguyễn Phương Hằng và ông Huỳnh Uy Dũng. Luật sư Trần Văn Sỹ từng là Chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Vĩnh Long.

Có ý kiến, rằng trong chuyện đôi co của một số cá nhân trên mạng xã hội cuối cùng biến thành án hình sự với nhiều người bị bắt. Người dân – tức những người đóng thuế, coi như phải nuôi cơm tù cho họ một cách vô lý.

Điều 331 “Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”, có nội dung như sau:

Mức hình phạt tại Khoản 1 Điều 331 Bộ luật Hình sự, thì người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Người nào phạm tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

Cái đáng bàn ở đây trong cụ thể vụ án bà Nguyễn Phương Hằng, là vì sao các cơ quan bảo vệ pháp luật đã không xử trí ngay từ đầu khi chớm “dấu hiệu lợi dụng các quyền tự do dân chủ”, mà để nó kéo thời gian rất dài, tạo nhiều hệ lụy có thể đưa đến “gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội”?

Lưu ý, trong các vụ án liên quan điều luật Hình sự 331, lâu nay phía cơ quan tố tụng thường bảo thủ với việc hễ ai đó chỉ cần có bất cứ hành vi nào mà “bề trên” cho rằng có “dấu hiệu lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”, thì vụ án được lập và người phạm tội đã có thể phải chịu hình phạt nghiêm khắc của pháp luật.

“Bề trên” ở đây có thể là quan chức đầu ngành nào đó, hay đại diện cho quyền lực nhóm trong bộ máy chính quyền mà dân gian có lúc ví von rằng “trâu bò đánh nhau, ruồi muỗi chết”.

Trong vụ án bà Nguyễn Phương Hằng, ngay từ lúc ban đầu nhiều người đã hoài nghi cho rằng những mạnh miệng tố cáo hết người này đến người khác của bà chủ thành Đại Nam là do có thế lực chống lưng, với tên tuổi cụ thể luôn đó là một cựu thủ tướng khi ấy đang chuyển sang làm chủ tịch nước.

Nhà báo Đặng Thị Hàn Ni của báo Sài Gòn Giải phóngđược biết đến qua loạt bài về quán phở – cà phê Xin Chào ở trước cổng công an huyện Bình Chánh, TP.HCM. Thời điểm đó, những đồng nghiệp của bà Hàn Ni biết rằng bà có mối quan hệ thân tình với người đang giữ chức thủ tướng, và cả bí thư Thành ủy khi ấy là ông Đinh La Thăng.

Rất nhanh sau đó, cơ quan tuyên giáo đảng đã “đẩy” nhà báo Đặng Thị Hàn Ni lên như một cá nhân tiêu biểu chống tiêu cực với những “danh hiệu” như Bông hồng thép, Người truyền lửa truyền thông, Người dũng cảm đi tìm công lý, Người hùng trong làng báo, Hiệp sỹ công luận…

Nay thì hậu trường chính trị liên tục xáo trộn, và rất có thể để tạo làn sóng tin tức trước lần hội nghị trung ương sắp tới, vậy là “tìm con chốt thí” kiểu đưa ra lệnh trừng phạt một người vì bịa chuyện nói xấu một người khác, họ có thể dùng Điều 331, và như vậy vô hình trung vô hiệu hóa một điều luật sẵn có là tội vu khống.

Điều này tương tự muốn trừng phạt những người biểu tình bên ngoài các khu vực cho phép, gây tắc nghẽn giao thông, họ cũng có thể dùng Điều 331, và phớt lờ một tội danh sẵn có là tội gây rối trật tự công cộng.

H.N.


Nếu là người chớ là người cộng sản Người cộng sản

 

Nếu là người chớ là người cộng sản Người cộng sản

Hà Sĩ Phu

Nhiều người còn đinh ninh chân lý "Nếu là hoa hãy là hoa hướng dương; nếu là chim hãy là chim câu trắng; nếu là đá hãy là đá kim (hoa) cương; NẾU LÀ NGƯỜI HÃY LÀ NGƯỜI CỘNG SẢN !". 

Nhưng tích lũy từ thực tiễn và nhận thức, xin thực tình muốn có lời bàn ngược lại: NẾU LÀ NGƯỜI XIN CHỚ LÀ NGƯỜI CỘNG SẢN !

Tại sao vậy?

clip_image002[1]

Xin nói rõ thêm một chút về Luật “HAI KHỬ MỘT” mà tôi đã viết trước đây (xem hình) Tại sao lại có sự ràng buộc giữa 3 yếu tố Lương tâm-Trí tuệ và Cộng sản?

Con người, với tính “Người”, có 2 đặc trưng là Lương tâm và Trí tuệ (tượng trưng bởi Trái tim và Khối óc, tức TÂM và TRÍ). Nhưng Chủ thuyết CS chống lại cả hai giá trị đó:

- Về lý thuyết thì ảo tưởng phi khoa học nên mâu thuẫn với TRÍ.

- Về hành động thì chủ trương “đấu tranh giai cấp một mất một còn” làm chết 100 triệu người nên mâu thuẫn với chữ TÂM.

Mục tiêu nêu lên vốn là cao đẹp, nhưng biện pháp thi hành trong thực tế đều chống lại mục tiêu. Sai lầm của TRÍ làm cho TÂM cũng dần xấu đi.

Trở thành người Cộng Sàn (CS) là do có Tâm mà thiếu Trí, hoặc có Trí mà thiếu Tâm. Nếu biết bổ sung cái phần mình thiếu, để có đủ TÂM và TRÍ thì không còn là CS nữa. Nhiều người CS về sau đã từ bỏ đảng của mình chính chính là như vậy.

Ngược lại, người suốt đời vẫn tự hào và kiên trì cố thủ CS thì mất cả 2 “tính Người” đặc trưng là TÂM và TRÍ như trên phân tích thì sao còn gọi là NGƯỜI được nữa? Cho nên Liên hiệp các nước Âu châu mới kết luận Chủ nghĩa CS là chống Nhân loại (Nghị quyết 1481). Chủ nghĩa CS không phải một học thuyết khoa học như họ tự nhận mà chính là một Tôn giáo có hại nên là một Tà giáo không hơn [1].

Vậy "Nếu là người thì chớ là người CS", vì đó là cấp bậc thấp hơn so với Con người đúng nghĩa. - HSP-

----------

[1] Xem: Cộng sản chính là một Tà giáo đang lợi dụng sự mê muội của đám đông! (https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=2077064329167334&id=100005913602753

H.S.P.

Nhớ Dương Tường

 

Nhớ Dương Tường

Mạc Văn Trang

25-2-2023

Kết quả hình ảnh cho Ảnh Dương Tường

DỊCH GIẢ, NHÀ THƠ DƯƠNG TƯỜNG
(1932-2023)

Một nhân tài thứ thiệt đã ra đi. Trong mắt không ít người Việt, nhân loại thêm một phần trống vắng.  Đối với Bauxite Việt Nam, không thể nào quên một người bạn quý đã đồng hành trong ngày 12-4-2009 đến Văn phòng Quốc hội trao Kiến nghị đầu tiên phản đối việc nhà nước chủ trương khai thác bauxite ở Tây Nguyên.

Xin chân thành chia buồn cùng gia quyến và cầu mong Ông an nghỉ.

Bauxite Việt Nam

Hôm nay các báo đưa tin Nhà thơ, dịch giả Dương Tường qua đời, ở tuổi 92. Rất nhớ ông, vì tôi có nhiều lần tiếp xúc với ông khi làm việc với nhà giáo Phạm Toàn và nhóm Cánh Buồm.

Có thể nói, Dương Tường (ông họ Trần – Trần Dương Tường) là một tấm gương lao động đặc biệt. Ông sinh 1932 tại Nam Định, cùng tuổi với Phạm Toàn và Nguyên Ngọc. Tôi đã nhiều lần chứng kiến, ba nhân tài này gặp nhau cứ “mày tao” và gọi nhau là ba con khỉ tinh nghịch (tuổi Nhâm Thân).

Tôi biết cả ba ông đều chưa hết trung học thì Cách mạng 1945 nổ ra, các ông tham gia kháng chiến, nhưng với năng lực tự học phi thường đã giúp các ông có vốn văn hóa rất sâu rộng và sử dụng được tiếng Pháp, tiếng Anh, nhất là rất giỏi trong dịch thuật.

Năm 1950-1955 Dương Tường vào bộ đội. Năm 1955-1964 ông làm phóng viên của Thông tấn xã Việt Nam. Năm 1964-1976 làm cán bộ phiên dịch trong Uỷ ban điều tra tội ác chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam. Năm 1979 nghỉ hưu. Nghỉ hưu rồi ông càng có nhiều cống hiến cho lĩnh vực văn học nghệ thuật.

Trong cuốn sách Chỉ tại con Chích chòe, 450 trang, khổ lớn, NXB Hội Nhà Văn, 2022, giới thiệu các bài phê bình Văn học, Nghệ thuật của ông gồm các lĩnh vực: Văn học, Ngôn ngữ (47 bài); Mỹ thuật (36 bài); Sân khấu, Âm nhạc, Điện ảnh (15 bài).

Nhưng lĩnh vực dịch thuật của ông mới thật đáng nể.

Các tác phẩm tiêu biểu ông đã dịch: Anna Karenina(Lev Tolstoi), Đồi gió hú (E. Bronte), Cuốn theo chiều gió (M. Mitchell), Cội rễ (Alex Haley), Cái trống thiếc(G. Grass), Con đường xứ Flandres (Claude Simon), Kafka bên bờ biển (Haruki Murakami), Truyện Kiều, tiếng việt dịch sang tiếng Anh.

Tôi nhớ, một buổi tối năm 2019, tại Trung tâm Văn hóa Pháp ở Hà Nội, Dương Tường có cuộc gặp gỡ với người yêu văn chương nhân ra mắt cuốn sách mới nhất do ông chuyển ngữ: Chết chịu của Louis-Ferdinand Céline. Ông nói đây là cuốn sách dịch cực nhọc nhất, phải đánh vật với từng con chữ, vì tác giả viết thứ ngôn ngữ của dân giang hồ, đủ thứ tiếng lóng “đầu đường, xó chợ”…

Ông nói, tôi đã mắt mờ, tay run rồi, từ nay “rửa tay gác kiếm”. Tôi đã làm việc có thể nói “không ăn gian của Trời một ngày nào”.

Ông cũng làm thơ bằng tiếng Anh và tiếng Pháp đăng trên báo ở nước ngoài.Ở tuổi 92, với những cống hiến như vậy, cầu chúc ông an nghỉ nơi Cõi Người Hiền.

M.V.T.


Thêm cú tát cho Putin

 

Thêm cú tát cho Putin

Tạ Duy Anh

Đại hội đồng LHQ vừa thông qua nghị quyết đòi Nga rút quân ngay tức khắc và vô điều kiện khỏi Ucraina.

141 phiếu ủng hộ, 7 phiếu chống, 32 phiếu trắng, trong đó tiếp tục có Việt Nam.

Điều có vẻ bất thường là đến hơn 8 giờ sáng nay, rất ít báo Việt Nam đưa tin về sự kiện lớn và quan trọng này? Một số báo chỉ nói LHQ thông qua nghị quyết kêu gọi Nga rời Ucraina, không đưa chi tiết số phiếu thuận, chống và trắng. Một số báo đưa nội dung nhưng ẩn dưới mục nói về các nội dung khác. Chưa thấy báo nào trong nước đưa tin VN bỏ phiếu trắng. Nhưng như thế vẫn còn khá hơn Trung Quốc, nghe nói cấm tiệt báo chí đưa tin.

Cú tát lần này nhắm vào mặt Putin, nhưng cũng coi như cú bợp tai Tập Cận Bình, khi Trung Quốc vừa công khai gián tiếp ủng hộ Nga xâm lược Ucraina bằng tuyên bố "mối quan hệ Nga-Trung vững như bê tông" (Thực chất thì hai bên đang rạn vỡ lớn, sau khi Nga mỉa mai kế hoạch hòa bình của Trung Quốc, khi kế hoạch này công nhận chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Ucraina).

Xin gửi lời chúc mừng tới những người bạn tôi, ngài Oleksandr Gaman và phu nhân, cô Nataliya Zhynkinacùng toàn thể nhân dân Ucraina anh hùng. Các bạn đang chống lại những thế lực quỷ dữ, các bạn chiến đấu cho tự do, vì thế các bạn chỉ có một lựa chọn là chiến thắng.

Nguồn: FB Lao Ta

Khi trí thức Dương Tường từng bán máu để sống

 

Khi trí thức Dương Tường từng bán máu để sống

Lê Đức Dục

25-2-2023

Qua nay nhiều bạn đọc, bạn bè văn nghệ bày tỏ thương tiếc trước sự ra đi của cụ Dương Tường, dù cụ thọ 92 tuổi rồi. Mình thì nhớ mãi chuyện thời tráng niên cụ Dương Tường phải đi bán máu để sống.

Có một thời nhiều trí thức thứ thiệt – (không phải trí thức quốc doanh) đã sống như thế. Trích đoạn này của nhà văn Bùi Ngọc Tấn viết về Dương Tường những ngày tháng bán máu mà sống ấy.

***

… “Chuyện bán máu ấy à? Tôi là thằng bán máu đầu tiên trong số anh em mình. Không ai giới thiệu cả. Tình huống những năm 64, 65 ông biết là khó khăn thế nào rồi.

Tôi còn nhớ giỗ ông nội tôi mà cả nhà chỉ còn tiền mua rau, không thể nào kiếm được mấy lạng thịt chui làm giỗ. Ðang bí thì gặp ông Ngô Quốc Hạnh, bạn mình. Hạnh làm giám đốc Sở Công Thương thành phố Hà Nội. Hạnh cho một cái phiếu mua vịt. Mừng quá đem về đưa Trinh. Thế là có giỗ. Ông bố mình lúc bấy giờ còn sống. Cụ cứ cám ơn Hạnh mãi. Cả năm sau vẫn thấy cụ nói: Anh Hạnh tốt thật đấy.

Thì giỗ bố cụ, cụ không nhớ ơn sao được. Tình thế mỗi ngày một căng. Khó khăn quá. Tôi có nghe người ta nói chuyện bán máu. Nghĩ hay là cứ thử xem sao.

Tôi vào bệnh viện Việt Ðức tìm hiểu. Ðúng vào cái hồi tôi xuống ông, gặp ông Hiên cũng đưa cả gia đình xuống, rồi chúng tôi đi nghỉ Ðồ Sơn, sau đợt ấy về là bắt đầu đấy. Tôi đội cái mũ sùm sụp để không ai nhận ra mình.

Vào bệnh viện quan sát. Thấy cũng không có gì ghê gớm, mình làm được. Thế là hôm trước thăm dò, hôm sau vào đăng ký bán máu luôn.

Hôm bán máu phải nhịn ăn, chỉ uống cà phê sữa thôi. Máu của tôi thuộc nhóm máu O, nhóm máu xã hội chủ nghĩa được chuộng lắm.

Số cân của tôi chỉ được bán 150cc thế mà đề nghị bán 200cc cũng gật đầu ngay tắp lự. Ðược tiền và được nhiều phiếu lắm. Thịt, đường, sữa, đậu.

Ra cổng các ông bà phe xúm lại hỏi mua phiếu. Ông Lân bán phiếu chứ mình không bán. Mình cầm về đưa cho bà Trinh mà chưa biết giải thích nguồn gốc mấy cái phiếu ra sao. Sực nhớ đến Ngô Quốc Hạnh đã một lần cho phiếu mua vịt, mình bảo: “Anh Ngô Quốc Hạnh cho phiếu đây này”. Lần sau cũng lại anh Ngô Quốc Hạnh cho phiếu đây này.

Ngô Quốc Hạnh biến thành tiên, thành bụt ở nhà mình. Ông bố mình càng nhắc chuyện năm nọ không có anh Hạnh cho cái phiếu mua vịt thì nguy, mấy bố con không làm nổi cái giỗ cho cụ.

Ðưa tiền cho bà Trinh dễ hơn đưa phiếu, cứ nói đại là tiền nhuận bút, mặc dù dạo ấy có được in gì đâu mà có nhuận bút. Về sau những lúc khó khăn quá bà ấy cứ giục mình: “Anh đến anh Hạnh xin ít phiếu đi”.

Có lần bí quá mà còn hai tuần lễ nữa mới đến kỳ bán máu, tôi than thở với Lê Phát. Ông có nhớ Lê Phát không nhỉ. Lê Phát đài Tiếng Nói Việt Nam cùng dịch Sê-khốp với tôi.

Lê Phát bảo: “Thằng trưởng phòng huyết học là bạn tôi. Ðể tôi viết thư cho nó”.

Tường cười. Anh vừa cười vừa thuật lại câu chuyện “đáng buồn cười” cách đây non nửa thế kỷ ấy.

Tối hôm ấy anh cầm thư giới thiệu của Lê Phát tới nhà ông trưởng phòng huyết học. Ðọc thư tiến cử của Phát, ông trưởng phòng gật đầu xởi lởi:

– Ðược. Sáng mai anh đến. Tôi sẽ bảo chúng nó ưu tiên lấy nhiều cho anh.

Ðó là lần Tường bán được nhiều nhất: 280cc! Ðại thắng trở về đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam. Lê Phát đã đứng chờ ở cổng, hồi hộp:

– Ðược không?

Tường ăn mừng thắng lợi với Phát bằng một bữa bia hơi Cổ Tân.

Phát hai vại. Tường một vại. Uống xong, Phát nói một câu xanh rờn làm các bàn bia khác cùng quay cả lại:

– Hôm nay tao uống máu thằng Tường!

Nguồn: FB Le Duc Duc

Biểu tình ở Nga phản đối việc xâm lược Uk và các cuộc biểu tình phản chiến khác được tổ chức trên toàn thế giới

 


Biểu tình ở Nga phản đối việc xâm lược Ukraine và các cuộc biểu tình phản chiến khác được tổ chức trên toàn thế giới

Cù Tuấn dịch từ Washington Post.

Khi các chính trị gia và người dân trên toàn thế giới kỷ niệm một năm ngày Nga xâm lược nước láng giềng Ukraine vào thứ Sáu 24/2, các cuộc biểu tình lẻ tẻ nhỏ đã nổ ra trên khắp nước Nga, nơi việc chỉ trích quân đội hoặc cuộc xung đột là bất hợp pháp.

Đài tưởng niệm phản chiến đã xuất hiện để ủng hộ Ukraine ở Matxcơva và các nơi khác, và lực lượng cảnh sát đã tăng cường hiện diện ở các thành phố lớn để ngăn chặn tình trạng bất ổn.

Tại Matxcơva, người dân đã mang hoa đến trước bức tượng của nhà văn nổi tiếng người Ukraine, Lesya Ukrainka, nơi đã trở thành đài tưởng niệm tạm thời cho các nạn nhân Ukraine trong cuộc xâm lược của Nga sau vụ tấn công bằng tên lửa vào một tòa nhà dân cư ở Dnipro vào tháng 1 khiến ít nhất 46 người thiệt mạng.

Tại St. Petersburg, thành phố đông dân thứ hai của Nga, cảnh sát đã bắt giữ một số người khi họ cố gắng đặt hoa gần tượng của nhà thơ Ukraine thế kỷ 19, Taras Shevchenko, theo báo địa phương đưa tin.

Tại Kazan, thủ phủ của khu vực bên sông Volga, người dân đã mang hoa, đồ chơi và hình ảnh các thành phố của Ukraine bị quân đội Nga phá hủy đến một tượng đài tưởng niệm các nạn nhân bị đàn áp chính trị.

Ở những nơi khác, áp phích có dòng chữ "Tất cả để làm gì?" hoặc mang những lời tố cáo gay gắt về cuộc chiến đã được đặt trên những hàng hoa cẩm chướng đỏ gần đài tưởng niệm ở Khanty-Mansiysk, phía tây Siberia.

Ở Ivanovo, cách Matxcơva khoảng 200 dặm về phía đông bắc, các nhà hoạt động đã giăng một biểu ngữ bên cạnh cầu vượt đường cao tốc, có nội dung “Quá đủ cho 'cuộc chiến vì hòa bình' thấm đẫm máu này rồi”.

Theo một cách tiếp cận trực quan hơn, tại thành phố Kaluga, phía tây nam Matxcơva, những người biểu tình không rõ danh tính đã sơn một dấu hiệu chữ “Z” lớn, biểu tượng của quân đội Nga, bằng màu vàng và xanh lam – màu của quốc kỳ Ukraine.

Các cuộc biểu tình này hầu như bị đặt ngoài vòng pháp luật ở Nga và sự phản đối chiến tranh của công chúng đặt ra những rủi ro cá nhân lớn, bao gồm cả việc bị truy tố và kết án tù dài hạn, mặc dù phe diều hâu ủng hộ chiến tranh thường được phép phàn nàn rằng Nga không chiến thắng đủ nhanh hoặc đòi hỏi các chiến thuật tàn bạo hơn. Ít nhất 19 người đã bị giam giữ trên khắp nước Nga trong ngày 24/2, theo các nhà chức trách.

Khi các cuộc biểu tình nổ ra vào năm ngoái khi bắt đầu cuộc xâm lược, cơ quan thực thi pháp luật của Nga đã đàn áp, thực hiện gần 20.000 vụ bắt giữ để cho thấy rằng sự phản đối kịch liệt của công chúng sẽ không được dung thứ.

Nga vào thứ Sáu 24/2 đã có một ngày nghỉ quốc gia, một phần mở rộng của kỳ nghỉ "Ngày của Người bảo vệ Tổ quốc" vào thứ Năm để tạo ra một ngày cuối tuần kéo dài bốn ngày. Các thành phố lớn hầu như yên tĩnh và ít có đề cập chính thức nào về lễ kỷ niệm cuộc xâm lược - mà Nga tiếp tục gọi là “chiến dịch quân sự đặc biệt”, mặc dù Tổng thống Nga Vladimir Putin vào cuối tháng 12 đã gọi đó là “chiến tranh”.

Nhìn chung, Điện Kremlin dường như muốn người dân Nga không tập trung quá nhiều vào ngày kỷ niệm, những thất bại quân sự của Nga hoặc tổn thất nhân mạng nặng nề trong cuộc chiến, với những sinh mạng bị mất đi và sự hủy diệt của bom đạn. Truyền thông nhà nước Nga tập trung chủ yếu vào tin tức quốc tế.

Bất chấp những ý kiến phản đối, nỗ lực của Điện Kremlin nhằm coi cuộc chiến của Nga với Ukraine chỉ là tiếng ồn ào trên đường phố Matxcơva hầu như đã thành công – ít nhất là trên bề mặt. Các bảng quảng cáo về các nhân vật quân đội Nga rải rác dọc các đường cao tốc và nhiều người dân coi chiến tranh như một cuộc xung đột xa vời diễn ra trên truyền hình, không có tác động lớn đến cuộc sống hàng ngày của họ.

Người Matxcơva vui vẻ trượt băng trên sân băng Quảng trường Đỏ như thường lệ. Các siêu thị và trung tâm thương mại mà những người Matxcơva giàu có thường xuyên lui tới chật cứng hàng hóa xa xỉ, từ túi xách hàng hiệu của Ý cho đến cá vược tươi từ Thổ Nhĩ Kỳ. Vào các tối thứ bảy, các nhà hàng trong khu phố sang trọng của Hồ Tổ quốc chật ních các nhân viên với nhiệm vụ từ chối những vị khách đến muộn vì quán đã đầy.

Hàng trăm công ty phương Tây đã rời khỏi Nga sau cuộc xâm lược, nhưng không người Nga nào có tiền phải vất vả quá nhiều để có được những sản phẩm có thương hiệu phương Tây mà họ vẫn khao khát.

Vì vậy, các nhóm nhỏ phản đối chiến tranh ở Nga đã rất nổi bật vào thứ Sáu 24/2.

Bên ngoài nước Nga, đã có các cuộc tuần hành, biểu tình, thắp nến và các hành động khác để lên án chiến tranh, một số do các nhà hoạt động người Nga ở nước ngoài tổ chức hoặc tham gia. Nhiều cuộc biểu tình đã được tổ chức bên ngoài các đại sứ quán Nga.

“Vào ngày kỷ niệm đáng sợ này, người Nga hãy xuống đường và biểu tình công khai ở các thành phố châu Âu, châu Á, châu Mỹ… để thể hiện tình đoàn kết với người dân Ukraine và bày tỏ sự phản đối tích cực đối với cuộc chiến tội ác ở Ukraine và các hành động khủng bố của chế độ Kremlin,” một tuyên bố được một trong những nhóm tổ chức khác nhau của phong trào này đưa ra.

Những người tổ chức hành động toàn cầu cho biết họ đang kêu gọi chấm dứt ngay lập tức các hành động thù địch và rút quân hoàn toàn khỏi các khu vực bị chiếm đóng của Ukraine, cũng như đưa ông Putin ra tòa án hình sự.

Tại London, Vua Charles III của Anh đã đưa ra một tuyên bố ca ngợi “lòng dũng cảm và khả năng phục hồi phi thường” của người Ukraine, những người đã “chịu đựng những khó khăn không thể tưởng tượng được”. Thủ tướng Rishi Sunak đã dành một phút mặc niệm bên ngoài dinh thự ở Phố Downing của ông, trong khi những người biểu tình vẽ một lá cờ Ukraine khổng lồ trên đường phố bên ngoài Đại sứ quán Nga và chính quyền đổi tên một con phố ở thủ đô thành “Đường Kiev”.

Tại Đức, các nhóm hoạt động đã đẩy một chiếc xe tăng T-72 của Nga bị phá hủy tới bên ngoài Đại sứ quán Nga ở Berlin, sau khi nó bị phá hủy trong cuộc giao tranh ở Kiev năm ngoái, gần Bucha, theo một tuyên bố của các nhà tổ chức. Người Đức xếp hàng để chụp ảnh tự sướng và giương cờ Ukraine gần Cổng Brandenburg trong một sự kiện kỷ niệm cuộc xâm lược của Nga.

Tại Hà Lan, quốc ca Ukraine đã được vang lên trước Đại sứ quán Nga ở The Hague. Ở Belgrade, Serbia, một chiếc bánh được để bên ngoài Đại sứ quán Nga với hình đầu lâu chết chóc.

Tháp Eiffel của Paris thắp sáng với hai màu xanh và vàng, cũng như Nhà hát Opera mang tính biểu tượng của Sydney, trong khi các buổi cầu nguyện dưới ánh nến diễn ra ở Nhật Bản và người dân ở New Zealand ném hoa hướng dương xuống nước để thể hiện sự ủng hộ của họ đối với Ukraine.

Các nhà lãnh đạo thế giới cũng đưa ra một loạt các tuyên bố hôm 24/2 lên án cuộc chiến của Điện Kremlin, trong số đó có Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz. Liên minh quân sự NATO đã lên án cuộc xâm lược của Nga là “mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với an ninh châu Âu-Đại Tây Dương trong nhiều thập kỷ” và kêu gọi Matxcơva “tham gia một cách xây dựng vào các cuộc đàm phán đáng tin cậy với Ukraine”.

Sự đoàn kết quy mô toàn cầu này diễn ra một ngày sau khi 141 quốc gia bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết không ràng buộc tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào đêm trước ngày kỷ niệm, kêu gọi chấm dứt chiến tranh và yêu cầu Nga rút quân khỏi lãnh thổ Ukraine. Khoảng 32 quốc gia, bao gồm cả các quốc gia nặng ký của châu Á là Trung Quốc và Ấn Độ, đã bỏ phiếu trắng. Bảy quốc gia, bao gồm cả Nga, đã bỏ phiếu chống lại nghị quyết.

Hình ảnh

1: Cảnh sát ở Matxcơva đứng gác hôm thứ Sáu khi một người đến thăm tượng đài của nhà thơ Ukraine Lesya Ukrainka nhân dịp kỷ niệm một năm ngày Nga xâm lược Ukraine.

2: Những bông hoa được đặt vào thứ Sáu tại đài tưởng niệm ở St. Petersburg của nhà thơ Ukraine thế kỷ 19, Taras Shevchenko, để thể hiện sự ủng hộ đối với Ukraine.

3: Cảnh sát trong các cuộc biểu tình phản chiến ở trung tâm St. Petersburg vào ngày 25 tháng 2 năm 2022.

4: Cảnh sát bắt giữ những người biểu tình phản chiến ở St. Petersburg vào ngày 27 tháng 2 năm 2022.

5: Người Ukraine ở São Paulo, Brazil, biểu tình hôm 24/2 bên ngoài Lãnh sự quán Nga. Một người biểu tình cầm tấm biển có hình Tổng thống Nga Vladimir Putin, ám chỉ ông là Adolf Hitler.

6: Hơn 1.000 người biểu tình ở Tokyo phản đối cuộc chiến của Nga ở Ukraine hôm 24/2.

7: Một ngọn nến thắp trên một chiếc xe tăng Nga bị phá hủy bên cạnh Đại sứ quán Nga ở Berlin vào ngày 24/2.

8: Các sĩ quan cảnh sát Serbia đứng giữ trật tự bên cạnh một chiếc bánh có hình đầu lâu được người biểu tình đặt trước Đại sứ quán Nga ở Belgrade, Serbia, ngày 24/2/2023.

clip_image002clip_image004

clip_image006clip_image008

clip_image010clip_image012

clip_image014 clip_image016

C.T. d.

Nguồn: FB Cù Tuấn

Lá phiếu tín nhiệm

 

Lá phiếu tín nhiệm

Nguyễn Văn Đáng

Tiến sĩ Quản trị công và Chính sách

Cuộc gặp gỡ đầu năm nay của mấy anh em “người nhà nước” chúng tôi ngẫu nhiên đi đến một đề tài quen thuộc: kết quả xếp loại lao động năm trước.

Một người trong nhóm kể lại, chị vừa mất danh hiệu "Chiến sĩ thi đua" vì không đủ phiếu bầu, dù kết quả công việc của chị vượt xa đồng nghiệp, và chị không vi phạm gì. Một số người khác cũng chia sẻ những câu chuyện tương tự ở cơ quan họ.

Năm này qua năm khác, tình huống tréo ngoe về những người có thành tích tốt nhưng lại không đạt danh hiệu tương xứng chỉ vì thiếu phiếu bầu, hoặc những người có thành tích mờ nhạt vẫn được vinh danh nhờ đủ số phiếu theo quy định đã không còn là chuyện lạ. Nhưng năm nào chủ đề phiếu bầu thi đua cũng được bàn tán, trong nỗi thắc thỏm biết đâu một ngày mình cũng rơi vào cảnh trớ trêu như vậy.

Chúng tôi đành chấp nhận thực tế, kết quả lao động xuất sắc thôi là chưa đủ. Cá nhân phải đạt được kết quả đó trong sự yêu mến, ghi nhận của tập thể. Vì thế, bên cạnh nỗ lực trong công việc, cần chú ý hơn đến phiếu bầu. Nhưng cũng có người sau nhiều lần trượt danh hiệu, đã cực đoan tuyên bố không quan tâm đến chuyện thi đua nữa.

Những tình huống "trái ngang" liên quan đến phiếu bầu danh hiệu thi đua có thể chỉ là các trường hợp cá biệt, thể hiện sự duy tình của lá phiếu khi nó được trao vai trò quan trọng đối với việc đánh giá quá trình làm việc của công, viên chức. Tâm lý, cảm xúc cá nhân, thậm chí một thông tin lan ra ngay trước ngày bình bầu đều là những yếu tố có thể ảnh hưởng đến hành vi của người bỏ phiếu. Do đó, số phiếu mà cá nhân nhận được có thể là kết quả của vô vàn yếu tố nhất thời chứ không nhất thiết phản ánh chính xác, khách quan về năng lực hay kết quả làm việc trong thời gian dài.

Ngày 2/2/2023, Bộ Chính trị ban hành Quy định 96 về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị, thay thế Quy định số 262, ban hành năm 2014. Điểm mới thu hút sự chú ý của dư luận, đặc biệt là nhóm cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước, là kết quả bỏ phiếu không chỉ dùng để tham khảo, mà còn được sử dụng để làm cơ sở cho công tác quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, miễn nhiệm, và thực hiện chế độ, chính sách với cán bộ.

Điều khoản số 11 của Quy định 96 rất cụ thể và chặt chẽ: những cán bộ có trên 50% nhưng dưới 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp có thể được xem xét cho thôi giữ chức vụ, bố trí công tác khác, đưa ra khỏi quy hoạch các chức vụ cao hơn. Trường hợp có từ 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp trở lên thì có thể bị miễn nhiệm, bố trí công tác khác ở vị trí thấp hơn.

Ưu điểm của việc lấy phiếu tín nhiệm là sẽ buộc mỗi cán bộ lãnh đạo, quản lý phải chú ý hơn đến uy tín, ảnh hưởng, và hình ảnh của mình từ góc nhìn của người khác. Khi biết được tầm quan trọng của kết quả lấy phiếu tín nhiệm, mỗi cán bộ không chỉ phải nỗ lực hơn trong thực hiện nhiệm vụ, mà còn phải coi trọng việc xử lý các quan hệ liên cá nhân, cả trong và ngoài đơn vị.

Tuy nhiên, do tính "phi lý tính" của hành vi bỏ phiếu, người đạt tỷ lệ phiếu cao có thể do được thiện cảm nhất thời, chứ không hẳn phản ánh thành tích của họ trong công việc. Nghĩa là, đơn vị đối diện với nguy cơ người tham gia bỏ phiếu phớt lờ năng lực cá nhân và kết quả thực hiện nhiệm vụ của người được bỏ phiếu.

Từ năm 2018, Nghị quyết số 26 khóa XII nhận định "Đánh giá cán bộ vẫn là khâu yếu, chưa phản ánh đúng thực chất, chưa gắn với kết quả, sản phẩm cụ thể, không ít trường hợp còn cảm tính, nể nang, dễ dãi hoặc định kiến". Bởi thế, Nghị quyết số 28 khóa XIII yêu cầu: "Đánh giá cán bộ phải toàn diện, chặt chẽ, thực chất, khách quan, nhiều chiều... phải đặc biệt chú trọng kỹ năng công tác, chất lượng, hiệu quả công việc được giao, bằng sản phẩm, kết quả cụ thể".

Theo Quy định 96, bỏ phiếu tín nhiệm sẽ được thực hiện như một công cụ cần thiết để điều chỉnh hành vi của cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị hiện nay. Nhưng do mọi cuộc bỏ phiếu đều đứng trước nguy cơ bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố dẫn đến kết quả sai lệch, Quy định 96 "Nghiêm cấm và xử lý nghiêm hành vi vi phạm, làm sai lệch mức độ tín nhiệm hoặc lợi dụng lấy phiếu tín nhiệm để làm giảm uy tín của người khác, gây chia rẽ, mất đoàn kết nội bộ".

Tuy nhiên, thực hiện được yêu cầu này trên thực tế là việc không hề đơn giản.

Theo tôi, để gia tăng tính khách quan và độ chính xác cho các cuộc bỏ phiếu tín nhiệm, yêu cầu hàng đầu là minh bạch thông tin về kết quả, chất lượng công việc của người được bỏ phiếu. Để kiểm soát nguy cơ bỏ phiếu tùy tiện, duy ý chí, cần hoàn thiện quy định về việc giám sát, điều tra các kết quả bỏ phiếu mỗi khi phát hiện dấu hiệu bất thường.

Và điều quan trọng nhất giúp cải thiện chất lượng các cuộc bỏ phiếu tín nhiệm là cung cấp được hệ tiêu chí cụ thể, lý tính, lượng hóa để đánh giá cán bộ gắn với vị trí và vai trò mà họ đảm nhiệm. Theo đó, căn cứ đối với nhà lãnh đạo là những thay đổi tích cực họ tạo ra cho đơn vị, tổ chức, hoặc địa phương. Kỳ vọng với nhà quản lý là các quyết định để đạt được những mục tiêu theo kế hoạch đã đề ra.

Một bản kết quả đánh giá theo vai trò cần trả lời được các câu hỏi cụ thể: trong vai trò lãnh đạo, sau thời gian công tác, cá nhân đó đã tạo ra được những thay đổi gì cụ thể, tác động tích cực thể hiện ra sao... Với vai trò quản lý, cá nhân đã đưa ra những quyết định gì, hành động như thế nào để hiện thực hóa tầm nhìn lãnh đạo.

Sự phát triển của các ngành khoa học quản trị, quản lý hành chính công trên thế giới, tôi tin, đảm bảo cung cấp công cụ để lượng hóa kết quả ở mọi vị trí công việc, giúp gia tăng tính chính xác cho các lá phiếu tín nhiệm.

Vấn đề là lựa chọn của mỗi đơn vị: tìm cách chi tiết hóa và lượng hóa các tiêu chí đánh giá để bỏ phiếu tín nhiệm trở thành hành vi có trách nhiệm hay tiếp tục trao cơ hội cho những lá phiếu duy tình?

N.V.Đ.

Nguồn: VNExpress

Nhìn lại một năm “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Putin

 

Nhìn lại một năm “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Putin

Mạc Văn Trang

Có thể là hình ảnh về 3 người và mọi người đang đứng

Ngày 24/2/2022 vợ chồng tôi đang rong chơi cùng vợ chồng anh bạn Đại tá Cựu chiến binh, tại An Giang. Mấy hôm trước nghe Nga rút quân khỏi cuộc tập trận, thấy mừng; không ngờ 24/2 quân Nga ào ạt tràn vào Ukraine. Lúc xem từng đàn xe tăng, máy bay quân Nga tiến đánh Kiev, chúng tôi đều vô cùng lo lắng. Ông Đại tá bảo, binh lực Nga thế kia, Ukraine khó lòng chống cự nổi. Tôi bảo, nếu Kiev trụ được 10 ngày thì Nga sẽ rơi vào cuộc chiến tranh nhân dân vệ quốc của Ukraine… Nói vậy bằng trực giác, chứ chưa hề hình dung cuộc chiến sẽ diễn biến ra sao.

Từ đó tôi vẫn theo dõi từng ngày cuộc chiến đấu vì Độc lập, Tự do của nhân dân Ukraine và đã có dăm bài viết về cuộc chiến này. Nay nhìn lại một năm nhân dân Ukraine kiên cường chặn đứng mưu đồ chiến lược của Putin và đánh lui từng bước quân xâm lược Nga lùi về quá điểm xuất phát, thử rút ra vài nhận xét.

1. Về V. Putin và nước Nga

Khoảng 10 năm đầu Putin cầm quyền, tôi cũng phục Putin lắm và mừng nước Nga phục hưng. Nhưng sau thấy ông ta tham quyền, tỏ rõ độc tài thì ngày càng chán ghét. Khi Putin đem quân xâm lược Ukraine, dù bịa ra mọi lý do, thì tôi cũng coi nó là tội phạm chiến tranh. Tôi có bài viết “PUTIN CÓ NGU KHÔNG?”(1) và chứng minh ông ta đại ngu, thì bị nhiều người phò Putin chửi ghê quá, nhưng lại được bà cụ Minh 87 tuổi, hàng xóm khen bài rất đúng ý bà và thưởng vợ chồng mình bữa nhậu.

Một người được ca ngợi là vĩ đại, ở đỉnh cao quyền lực như Putin vẫn có thể NGU, mà ở vị trí đó NGU mới tai hại cho dân, cho nước, cho nhân loại. NGU vì quá tham, sân, si, ngã chấp, sinh ra ngã ái, ngã mạn, ngã tướng, ngã si… dẫn đến VÔ MINH, hành động mù quáng.

Vô minh nên quan liêu, ngạo mạn, không “biết địch, biết ta” tưởng 72 giờ là quân Nga “giải phóng” Kiev, chính quyền Zelensky tan rã, lập chính phủ bù nhìn theo Nga, được dân Ukraine chào mừng… Nhưng mục tiêu CHIẾN LƯỢC của Putin đã hoàn toàn thất bại.

Trước thất bại nhục nhã, Putin không nghĩ cách kết thúc cuộc chiến để vớt vát danh dự và bớt gây tội ác cho cả Ukraine lẫn Nga, mà lại điên cuồng như Hitler: Tuyên bố nhập mấy “vùng ly khai” của Ukraine vào lãnh thổ Nga và đe dọa, nếu đánh vào những vùng đó là xâm phạm vào nước Nga, sẽ bị trừng phạt bằng mọi vũ khí kể cả bom hạt nhân!

Rồi Putin động viên 300.000 quân và dùng cả đội quân đánh thuê của tập đoàn Wagner, trong đó tuyển hàng ngàn tù nhân hình sự vào đội quân giết thuê, nhưng vẫn thất bại nặng nề ở chiến trường.

Nếu Putin không đánh Ukraine thì sao? Thì Putin vẫn được coi là Tổng thống quyền uy bậc nhất thế giới; vũ khí và lực lượng quân đội Nga được coi là thứ nhì thế giới; nước Nga có địa vị cao trong Liên hiệp quốc; cả thế giới, nhất là các nước châu Âu nể sợ Nga; các “vùng tự trị” Nga đã chiếm đóng của Ukraine vẫn thuộc Nga; nước Nga rộng lớn giàu tài nguyên tha hồ đào bới, hút nhiên liệu lên mà bán; với gần 150 triệu dân là môi trường đầu tư hấp dẫn cho các doanh nhân toàn cầu…

Nhưng vì Putin ngạo mạn, không hiểu thời thế, vẫn nuôi cuồng vọng đế quốc Nga, muốn phục hồi vị thế nước Nga như thời Sa hoàng, như thời Stalin, Putin đã gây ra tội ác tày trời không chỉ cho Ukraine mà cả cho nước Nga. Quả là u mê, điên khùng!

Sau một năm xâm lược Ukraine, Putin đạt được gì?

Theo thông báo của Bộ Quốc phòng Ukraine, từ 24/2/2022 đến 23/2/2023, Ukraine đã d.iệt của Nga: hơn 145.000 quân; gần 3.400 xe tăng, hơn 6.500 xe thiết giáp, 299 máy bay phản lực, 287 máy bay trực thăng, 873 tên lửa, 18 tàu chiến…

Nga càng thua, Putin càng hiện nguyên hình là tên phát xít, tội phạm chiến tranh; là một trùm xã hội đen, cai quản đất nước như một Bố già, cách chức hết tướng này đến tướng khác; đàn áp, thậm chí thủ tiêu những người phản đối chiến tranh. Hàng triệu người Nga đã chạy trốn khỏi đất nước đang hoà bình…

Putin hiện nguyên hình là kẻ khủng bố, đe dọa hạt nhân; một kẻ cực kỳ dối trá, chỉ biết nói phải một mình, bất chấp tất cả mọi lẽ phải…

Dân Nga u mê bởi tuyên truyền độc quyền nên nghe nói 70% vẫn ủng hộ Putin. Nhưng nhiều nhân sĩ, trí thức Nga đã lên tiếng: Có người nói, Putin chết đi mới có hoà bình; có người thuê 1 triệu đô la để g.iết Putin, có người nói, Putin thất bại trong cuộc chiến này là may mắn cho nước Nga… Nga bị suy thoái kinh tế, bị cô lập trước nhân loại, hơn 140 nước trên thế giới bỏ phiếu lên án, phản đối cuộc xâm lăng của Nga với Ukraine. 

Tội ác, nỗi ô nhục xâm lược của Nga bao giờ rửa sạch? Sự chia rẽ trong xã hội Nga và quan hệ xấu với các nước láng giềng, bao giờ hàn gắn lại được? Hậu Putin, nước Nga sẽ ra sao, chưa biết được…

2. Về V. O. Zelensky và Ukraine

Sau khi Liên xô tan rã vào năm 1991, Ukraine chọn con đường hoà bình, nên đã phi hạt nhân hoá với sự cam kết đảm bảo an ninh của Nga, Mỹ và Anh. Nhưng không ngờ…

Ngày 24/2/2022 Khi quân Nga tràn sang xâm lược Ukraine, nhiều nhà chính trị, quân sự lão luyện cũng không tin Ukraine chống cự được. Một vị tướng của Việt Nam còn khinh miệt nói: Zelensky là thằng hề 47 tuổi sao đọ được với Putin, một KGB lão luyện 70 tuổi (?); Mỹ cũng gợi ý giúp Zelensky cùng gia đình một chuyến di tản ra nước ngoài. Nhưng Zelensky nói, tôi không cần giúp một chuyến xe, tôi cần vũ khí! Tôi ở đây chiến đấu với nhân dân tôi, các bạn có thể nhìn thấy tôi hôm nay là lần cuối… Nếu Tổng thống Zelensky bỏ chạy, chính phủ Ukraine đã tan rã…

Cảm phục trước thái độ bình tĩnh của người Ukraine, tôi đã có bài viết “TÂM HỒN CAO ĐẸP” (2) nói lên sự cảm phục của tôi trước tinh thần của người Ukraine:

“Yêu nước, hy sinh chống ngoại xâm thì thấy ở nhiều dân tộc và trải nghiệm biết bao cảm xúc ở Việt Nam mình. Nhưng cách mà người Ukraine phản ứng trước cuộc xâm lăng ào ạt, vô cùng tàn bạo, khủng khiếp của quân Nga từ ngày 24/2/2022, có một cái gì đó thật đặc biệt. Cái trạng thái tâm lý xã hội Ukraine đặc biệt ấy hẳn là đề tài vô cùng lớn cho các nhà nghiên cứu Tâm lý- xã hội, Văn học, Nghệ thuật, sử học …Ở đây tôi chỉ xin nêu mấy cảm nhận ban sơ từ quan sát những hình ảnh thấy được.

Khi xe tăng, máy bay, tên lửa, lính dù, bộ binh quân Nga ào ạt tấn công vào khắp lãnh thổ Ukraine, rất nhiều người dân bất ngờ, nhưng không thấy cảnh từng dòng người hoảng loạn, dẫm đạp lên nhau chạy thục mạng.

Gia đình Tổng thống, cựu tổng thống và các quan chức không bỏ chạy ra nước ngoài. Họ bình tĩnh cùng quân dân chiến đấu. Những dòng người đàn bà trẻ con di tản khỏi đất nước thì từng đoàn người đàn ông từ nước ngoài trở về bảo vệ đất nước. Không có những lời hô hào, hiệu triệu…, tất cả diễn ra một cách 

khẩn thiết, tự nhiên, bình tĩnh: Cựu Tổng thống, Hoa hậu, doanh nhân, võ sĩ lừng danh, cầu thủ, diễn viên, ca sĩ, giáo sư, sinh viên, công nhân, viên chức… xếp hàng nhận vũ khí ra chiến trường. Nhiều đôi cưới nhau trước khi ra trận”... 

Zelensky ngày càng hiển hiện là người anh hùng của dân tộc Ukraine, sống chết cùng nhân dân và đất nước; lòng chân thành thẳng thắn, trí thông minh, cách giao tiếp giản dị, cởi mở với nhân dân và thế giới của Zelensky ngày càng được mến mộ.

Cuộc chiến này trừ Putin và những kẻ cuồng Putin là mong muốn, còn nhân dân Ukraine bất đắc dĩ phải chiến đấu bảo vệ Độc lập, Tự do của Tổ quốc. Người Việt Nam đã từng chiến đấu “Thà hy sinh tất cả, không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”, đã từng dõng dạc tuyên bố: “Không có gì quý hơn Độc lập, Tự do” thì đồng lòng, thấu hiểu biết bao với nhân dân Ukraine.

Đất nước UKraine bị tàn phá khốc liệt, nhưng đến ngày thắng lợi sẽ xây dựng lại “hơn mười lần xưa”. Điều đau đớn không gì bù đắp được là hàng triệu người dân Ukraine đã và sẽ phải hy sinh hoặc mang thương tật suốt đời bởi sự tàn ác vô hạn của quân xâm lược Nga. Nhưng đó là một cái giá phải trả để một lần và mãi mãi thoát khỏi ách đô hộ của đế quốc Nga, để được sống trong trong Hoà bình, Dân chủ, Tự do.

Ukraine xứng đáng được Châu Âu và nhân loại kính trọng, thương mến và hỗ trợ, vì họ chiến đấu cho Công lý; họ chặn đứng ý đồ của Putin xâm lược các nước châu Âu khác; họ bảo vệ Hiến Chương Liên hiệp quốc về các quốc gia có chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; họ nêu tấm gương chiến đấu vì chủ quyền quốc gia, vì phẩm giá của một dân tộc và tự do cho mỗi con người.

Để bầy tỏ tình cảm với nhân dân Ukraine, tôi đã có bài thơ “GỬI NATALIYA ZHYNKINA: TÔI ĐÃ THẤY UKRAINE”, được chia sẻ rộng rãi.

3. Với Châu Âu và Thế giới

Cuộc xâm lược Ukraine của Nga đã “mở mắt” cho châu Âu; họ quen sống yên thân đến ngây thơ trước mưu đồ đế quốc của Putin; họ lo yên thân đến nỗi sợ hãi Putin và chia rẽ nhau cầu lợi, an phận… Nay thì EU và NATO đoàn kết, mạnh mẽ hơn bao giờ hết trong việc giúp Ukraine đến thắng lợi, khẳng định giúp Ukraine chính là vì mình; họ không còn sợ hãi Putin như trước nữa, kể cả Putin đem vũ khí hạt nhân ra dọa…

Thế giới quan sát từng động thái cuộc chiến ở Ukraine và rút ra bao nhiêu bài học. Trung quốc đưa tay ra giữa lúc Putin lâm nguy, không biết những toan tính gì và rồi sẽ ra sao… Tất cả vẫn còn bất định.

Nhưng cuối cùng, nhất định Ukraine sẽ chiến thắng, có hoà bình, dân chủ, tự do…

Ngày 24/2/2023

=======

CHÚ THÍCH

1. https://baotiengdan.com/2022/04/03/putin-co-ngu-khong/

2. https://www.daovien.net/t14771-topic

3.https://baotiengdan.com/.../gui-nataliya-zhynkina-toi-da...

M.V.T.