Sài Gòn ngày phong tỏa thứ hai mươi tám
4-8-2021
Tiếp theo phần 1 — phần 2 — phần 3 — phần 4 — phần 5 — phần 6 — phần 7 — phần 8 — phần 9 — phần 10 — phần 11 — phần 12 — phần 13 — phần 14 — phần 15 — phần 16 — phần 17 — phần 18 — phần 19 — phần 20— phần 21 — phần 22 — phần 23 — phần 24— phần 25 — phần 26 — phần 27
Hôm qua tôi có nói đến trường hợp của anh bạn tôi khi cầm giấy cho phép đi chợ phải mất cả một buổi sáng mới vào được siêu thị. Nhưng rồi cũng chẳng có bao nhiêu hàng để mua, các quầy hàng đều trống, nhất là mặt hàng thịt và rau. Điều này trái ngược với các hình ảnh đầy ắp hàng hoá tươi ngon trong các cửa hàng thường xuất hiện trên báo đài hàng ngày. Bây giờ trong dân gian thường có câu: lên ti vi mà mua, lên ti vi mà lãnh.
Có những sự thật diễn ra trong mùa dịch nhưng báo chí không nên đưa lên như cảnh trong các bệnh viện điều trị người bị dịch bệnh, cảnh người chết, cảnh đoàn xe chở những quan tài đi thiêu xác, cảnh những nỗi đau của bệnh nhân. Những hình ảnh sẽ gây hoang mang trong nhân dân, gây dư luận không tốt, không nên đưa lên báo thì cũng đành.
Còn những cảnh xếp hàng chờ đợi đến khi đến lượt thì các quầy hàng trống rỗng, báo chí nên có bài viết, bài phóng sự, hình ảnh để các cấp lãnh đạo có biện pháp tốt hơn, có giải pháp hay hơn trong việc cung ứng hàng hoá thiết yếu cho cuộc sống trong thời gian giãn cách kéo dài chưa biết lúc nào mới chấm dứt. Bởi đó là một sự thật mà người dân thành phố đang trải qua.
Nhiệm vụ của báo chí là phản ánh những hiện thực xã hội, có những hiện thực không tiện nói vì không có lợi, nhưng cũng có những sự thật phải phô bày để người dân còn tin vào các phương tiện truyền thông. Hiện thực việc thiếu thốn hàng hoá trong các siêu thị, cửa hàng được chỉ định là có thật. Hàng hoá, thực phẩm ở các tỉnh lân cận Sài Gòn dư thừa cũng có thật. Nhưng dân lại thiếu hàng.
Những tắc trách và nguyên nhân đưa đến hiện tượng thừa thiếu đấy ai cũng thấy và ai cũng biết, chỉ có báo chí là tránh đề tài này vì nghĩ là nhạy cảm? Việt Nam có 779 cơ quan báo chí trên cả nước. Trong số 779 cơ quan báo chí có 142 tờ báo, 612 tạp chí, 25 cơ quan báo chí điện tử độc lập và có 41.000 người hoạt động trong lĩnh vực nghiệp vụ này. Thế nhưng chưa thấy bài báo nào nói cho chính xác, thể hiện cho đúng những nhu cầu cấp bách của người dân khi thành phố bị giãn cách, cuộc sống bị xáo trộn.
Khi thành phố bị đại dịch, có những góc khuất của số phận bị bỏ quên, những khu nhà ở trong hóc hẻm sâu không được phát hiện, nhiệm vụ của người phóng viên là tìm đến, đưa tin để xã hội quan tâm giúp đỡ, nhà nước lưu ý để hỗ trợ. Lâu nay, những số phận hẩm hiu đó đều do dân tìm thấy, đưa lên mạng và đến khi đó báo mới nhảy vào khai thác, viết bài. Hệ thống báo chí thiếu năng động cũng như thiếu nhiệt tình trong trách nhiệm của mình. Ngày nay, nhiều người không còn tin ở báo chí nữa.
Hôm trước đăng bài toàn nói đến sự không hiệu quả của vaccine Tàu, đưa minh hoạ từ Indo, Thái Lan, Chi lê… Giờ thì quay ngoắt 180 độ, ca ngợi vaccine Tàu theo định hướng. Bản thân và gia đình tiêm chủng thuốc Mỹ, thuốc Anh nhưng viết bài kêu gọi mọi người chích thuốc Tàu. Chán nhỉ! Tôi không có ý kiến gì về Sinopharm, tôi cũng không kêu gọi tẩy chay hay khuyến khích mọi người chích hay không chích, đó quyền và cơ hội của mỗi người, nhưng tôi khinh những người sống hai mặt như thế.
Hiện nay, theo báo cáo của Sở Lao động, theo chuẩn của thành phố thì còn 3.767 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,19% và 22.882 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 1,15% dân số thành phố. Giai đoạn 2016-2020, chuẩn nghèo của TP Hồ Chí Minh là hộ có thu nhập dưới 21 triệu đồng/năm (chuẩn quốc gia là dưới 10,8 triệu đồng/năm), hộ cận nghèo dưới 28 triệu đồng/năm (chuẩn quốc gia là 12 triệu đồng/năm). Đó là con số thống kê trên những hộ gia đình đã định cư chính thức có hộ khẩu ở thành phố.
Bên cạnh đó còn hàng ngàn người từ các nơi đến thành phố kiếm ăn, buôn bán hàng rong, làm công nhân, lao động làm thuê, tìm mọi cách kiếm kế sinh nhai. Họ cũng đều là hộ nghèo. Do đấy, con số người nghèo ở thành phố không phải là ít.
Người nghèo bình thường đã khó khăn, giật gấu vá vai, kiếm sống từng ngày, tay làm hàm nhai. Dịch bệnh kéo dài đã tước mất nguồn sống của họ, một số đã đành gạt nước mắt về quê, số còn lại sống trong điều kiện rất khó khăn rất cần sự giúp đỡ của cộng đồng và nhà nước. Báo chí cần phản ánh những trường hợp đấy để cả xã hội góp tay vào giúp họ qua cơn túng quẫn.
Lực lượng sinh viên các tỉnh đến thành phố học hành cũng không ít, tình cảnh của các sinh viên ấy cũng rất bi đát. Không tiền đóng học phí, không tiền trả tiền nhà trọ, không tiền để ăn uống qua ngày. Nếu không được báo chí hay cộng đồng đề cập đến, họ rất dễ bị bỏ quên. Hàng xóm, người quen, bạn bè có thể giúp đỡ một thời gian ngắn chứ không giúp được mãi. Cánh cửa tương lai đang khép dần lại, những ước mơ, hoài bão đành xếp xó. Đau lắm! Người nghèo thiếu ăn, sức đề kháng yếu, rất dễ vướng bệnh tật và cũng dễ nhiễm virus. Lúc đấy đã nghèo còn gặp cái eo.
Hiện nay, ở Sài Gòn rất nhiều nhóm, nhiều hội đoàn thiện nguyện giúp đỡ rất nhiều cho những người nghèo khổ gặp khó khăn. Nhưng tất cả đều là những tổ chức nhỏ lẻ, tự phát, chỉ hoạt động trong một khu vực, một địa bàn nhất định. Chúng ta thiếu những tổ chức từ thiện có tầm vóc hay có sự giúp đỡ của chính phủ để có thể toả rộng đến khắp nơi, đến với tất cả mọi người. Cho nên, trong mùa dịch dai dẳng này, sẽ có những số phận bị bỏ quên, những vùng đất bị bỏ sót. Và từ đó sẽ có những vùng hàng từ thiện ăn không hết, nhưng cũng sẽ có nhiều nơi không nhận được chút gì.
Ở thời điểm hiện tại, người dân mong ước các chợ được mở lại. Có thể không cần nhiều quầy, hàng hoá phong phú như xưa, chỉ cần thuận tiện mua bán, có chút hàng hoá phục vụ cho bữa cơm hàng ngày. Được như thế, đời sống sẽ giảm nhiều ức chế, không khí bớt căng thẳng hơn nhiều.
Ngày 5.8, Sở Công thương TPHCM cho biết, trong những ngày đầu tháng 8.2021, Sở đã mở lại nhiều chợ truyền thống như chợ Bình Thới, chợ Thới An, chợ Hiệp Thành và chợ Phước Thạnh.
Riêng trong ngày 4.8, hai chợ tại quận 10 là Nguyễn Tri Phương (25 tiểu thương) và Hòa Hưng (15 tiểu thương) cũng đã hoạt động trở lại, chủ yếu bán các mặt hàng thịt, cá, rau, củ các loại.
Tính đến thời điểm hiện tại, thành phố có 33/237 chợ hoạt động. Số chợ tạm ngưng hoạt động là 204/237 chợ, bao gồm cả 3 chợ đầu mối.
Một số địa phương hiện đã đóng toàn bộ các chợ trên địa bàn gồm Thành phố Thủ Đức, quận 3, 4, 5, 6, 7, 8, Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Phú, huyện Hóc Môn, Nhà Bè. Một số chợ sau khi đóng để thực hiện các công tác phòng, chống dịch (như khử khuẩn, xét nghiệm, truy vết…) đã khôi phục hoạt động như: chợ Kiến Thành, chợ Tân Đoàn Việt, chợ tạm ấp 4 Vĩnh Lộc A, chợ Hưng Long, chợ Thạnh Xuân, chợ Thái Bình, chợ Đa Kao, chợ Tân Thông Hội. Hi vọng những ngày tới, sẽ có thêm nhiều chợ được tiếp tục mở, hàng hoá sẽ được thông thương và phong phú hơn cho người dân đỡ mệt mỏi khi thực hiện bữa ăn hàng ngày.
Trong lúc cả nước từ lãnh đạo cho đến nhân dân đang lo âu vì dịch bệnh, lại có những quan chức và một số người tỉnh bơ vi phạm chỉ thị 15 của chính phủ, ung dung vác gậy chơi golf và dính virus Vũ Hán. Theo thông tin từ cơ quan chức năng của TP Quy Nhơn, 4 trường hợp gồm: ông Nguyễn Văn Dũng – Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bình Định, ông Nguyễn Công Thành – công tác tại Cục thuế tỉnh Bình Định và 2 người khác (làm việc tại 2 doanh nghiệp ở TP Quy Nhơn).
Bốn trường hợp kể trên tường trình từ ngày 31.7 đến 1.8, họ chơi tại một sân golf ở TP Quy Nhơn.
Tại đây, 4 người này có tiếp xúc gần với nhân viên sân golf và chị này có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 vào ngày 3.8. Dù trước đó, UBND tỉnh Bình Định đã yêu cầu tạm dừng hoạt động quán ăn uống vỉa hè, hoạt động văn hóa thể thao, giải trí tại các điểm công cộng kể từ 0h ngày 1.6. Từ ngày 1.8, tỉnh này cũng thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn toàn tỉnh theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ để phòng chống dịch COVID-19.
Quan chức kiểu này thì nên cho về vườn là vừa, cách chức tạm thời không phải là hình thức kỷ luật thích đáng. Loại quan chức vô cảm, vi phạm quy định của nhà nước thì phải xử thật nặng để làm gương và để dân còn chút lòng tin. Không thể có kiểu dân đen thì bắt tội mà quan chức thì ung dung. Xui là mấy ông này bị dương tính thì mọi người mới biết mấy quan vác gậy đi chơi, chứ không thì chẳng ai hay.
Và trên cả nước, trong những ngày thê lương và dịch bệnh thế này, còn có biết bao quan chức ung dung, thảnh thơi đi chơi như mấy ông này. Hành vi này vừa xem thường kỷ cương phép nước, vừa vô nhân vì dịch bệnh đang nhiễm hàng trăm ngàn người, cũng đã có hàng ngàn người chết. Đội ngũ bác sĩ, y tá, điều dưỡng, tình nguyện viên căng mình đến kiệt sức, các ông lại vui chơi, hưởng thụ.
Quan thời phong kiến mà lương tâm kiểu đó cũng bị người đời nguyền rủa huống chi là ông quan cách mạng. À mà quan cách mạng bây giờ sang nhỉ, toàn xe hơi, biệt phủ với chơi golf. Lại nhớ đến truyện ngắn “Sống chết mặc bay” của nhà văn Phạm Duy Tốn, bố của nhạc sĩ Phạm Duy. Truyện lên án gay gắt tên quan phủ là quan phụ mẫu cùng với đám nha lại đương vui cuộc tổ tôm ở trong đình mặc cho đê sắp vỡ và đám dân đen đang sầu thảm, lo âu do thiên tai đang ập đến cuốn nhà cửa, sinh mạng xuống sông.
Đó là lối sống vô trách nhiệm đến mức tàn nhẫn của những người làm lãnh đạo. Thì ra luật chỉ dành cho dân đen đi mua bánh mì ăn cũng bị phạt, còn quan mang túi đi chơi thì chẳng sao, quan chức có luật dành riêng chăng?
Người ra đường tập thể dục, đi đường vì những nhu cầu thiết yếu đều bị phạt tiền và bị gọi là vô ý thức. Những người này còn bị Đài Truyền hình Quốc gia gọi là não loại bò sát, não thú. Một kiểu chửi vô văn hoá của Đài truyền hình trong chương trình Chuyển động 24h của VTV.
“Có một điểm chung của tất cả các vận động viên tại giả tranh tài “Vài môn phối hợp” của Hà Nội này đó là, họ không sợ Covid-19 thì phải. Tuy nhiên, nếu mà nghĩ rằng họ không sợ thì chưa được xác đáng cho lắm. Để mà hiểu rõ hơn thì có lẽ chúng ta phải nhìn vào bộ não con người. Về cơ bản thì não con người có thể chia thành ba phần như sau: phần thứ nhất là não bò sát, phần thứ hai là não thú và phần thứ ba là não người. Nỗi sợ của ba khu vực này cũng có những khác biệt riêng. Ở phẫn não bò sát thì nỗi sợ sẽ biến thành bản năng ngay lập tức và vô điều kiện, ví dụ như là nhìn thấy lực lượng chức năng thì chạy ngay chẳng hạn; ở phần não thú thì nỗi sợ sẽ chi phối hành vi của con người ở dạng cảm xúc, ví dụ như là “ở nhà chán quá hay là ra ngoài một tí xem nó như thế nào”; và cuối cùng ở phần não người, nỗi sợ sẽ đi kèm với tuy duy trừu tượng, với ý thức với trách nhiệm với những mối nguy có thể có trong tương lại. Vâng, tóm lại thì mỗi người lại đang dùng một phần não khác nhau để đối diện với covid-19 thế nên là mới có người ở nhà và có người ra ngoài không có lý do chính đáng”.
(VTV, Chuyển động 24h, 11h:15,ngày 31/7/2021)
Ai cho phép Đài VTV dùng những từ ngữ như thế? Và nhân danh cái gì mà Đài truyền hình có quyền mạt sát người vi phạm như thế. Một lối lạm quyền, một kiểu phát ngôn vô văn hoá từ một cơ quan văn hoá của nhà nước. VTV phải có lời xin lỗi công khai trên hệ thống truyền thông dù không nói đến một cá nhân cụ thể nào nhưng kiểu nói năng như thế không bao giờ và tuyệt đối không được sử dụng trên hệ thống của một Đài Truyền hình Quốc gia.
Con số người nhiễm bệnh mấy hôm nay ở Sài Gòn đang là hàng ngang và đang có chiều hướng đi xuống. Tuy nhiên con số tử vong vẫn còn cao. Đó vẫn là nỗi lo. Số người nhiễm giảm chưa hẳn là cơn dịch đang dứt. Chính con số người chết mỗi ngày sẽ nói lên thực trạng. Và nỗi đau còn đó.
Hãy đọc một đoạn ghi lại của một Soeur tình nguyện viên trong một bệnh viện dã chiến:
“Vừa nằm xuống thì cảnh tượng các bệnh nhân thở thoi thóp với bao nhiêu dây nhợ xung quanh lại hiện ra trước mắt. Hơi thở là gì mà khiến cho biết bao người phải khổ sở vì nó? Tiền bạc, địa vị, danh vọng…phải chăng có thể mua được sự sống?
Suy nghĩ đến đây, tôi cảm thấy mình thật hạnh phúc vì được dùng “máy thở tự nhiên” mà Chúa ban tặng; hạnh phúc vì được chứng kiến những hình ảnh cảm động của các bác sĩ thức suốt đêm lo cho bệnh nhân; hạnh phúc vì mình được góp một phần nhỏ bé vào việc phục vụ các bệnh nhân covid. Nơi đây thật sự là gia đình, không phải vì có ba có mẹ, có người thân yêu, nhưng vì nó chứa đựng tình yêu thương nhân loại đong đầy. Đó là nơi các bác sĩ tận tâm vì bệnh nhân, nơi các nhà hảo tâm đổ tràn tình thương bằng cách lo những bữa cơm cho các tình nguyện viên. Đây cũng là nơi các bác tài vui vẻ đưa đón tình nguyện viên đi làm, nơi các bác bảo vệ ngày đêm chờ các đoàn xe đi về, nơi không còn sự phân biệt tôn giáo nhưng tất cả vì bệnh nhân thân yêu, nơi biết bao lời cầu nguyện và lời thăm hỏi từ hậu phương gởi đến để khích lệ tinh thần chúng tôi. Tôi đã lặng người và cảm thấy xót xa khi nhìn thấy túi đồ của bệnh nhân vì bên trong chỉ vỏn vẹn mấy hộp sữa và mấy cái mền có lẽ do quá vội nên chưa kịp xếp gọn gàng. Tôi đã bàng hoàng khi vừa bước vào ca trực thì một bệnh nhân đã ra đi…
Làm sao có thể ngủ khi xung quanh các bệnh nhân còn sống cũng như đã ra đi không có sự chăm sóc hay tiếng khóc than của người thân mà chỉ có tiếng máy “pin…pin..pin”. Tài sản duy nhất của họ chỉ có một chiếc điện thoại bỏ trong túi nilon, không người thân, không địa chỉ. Có những bệnh nhân ra đi mà tìm một lúc mới thấy địa chỉ và số điện thoại, nhưng bác sĩ chỉ kịp báo cho người nhà một câu ngắn gọn: “Bệnh nhân T.. đã ra đi rồi nha”. Khi các bệnh nhân ra đi, họ chỉ được đặt vào một cái túi đựng thi hài rồi chuyển ra xe. Tôi tưởng tượng cảnh người nhà đau khổ thế nào khi đưa bệnh nhân đi là thân hình nguyên vẹn nhưng khi nhận về chỉ là hũ tro. Nghĩ tới đó tôi không dám tưởng tượng tiếp, nước mắt tôi chảy dài trên má mà tôi cứ ngỡ đó là mồ hôi.
Trở về với công việc của mình, tôi nhớ: Mỗi khi tiễn đưa bệnh nhân xong thì ai vào việc nấy. Tôi lau người cho từng bệnh nhân. Khi lau người cho họ, tôi cảm nhận được nhịp thở của họ thật yếu, có người hoàn toàn bất động. Những người này khi còn khỏe đều tự làm mọi thứ, tự tắm rửa, tự ăn uống. Bây giờ, họ phải phó thác số phận cho các bác sĩ và điều dưỡng ở đây chăm sóc. Trong phòng tôi làm có hai người còn tỉnh táo. Một bác nhắn: Nếu nhắn về được cho gia đình, xin báo cho gia đình bác biết là bác vẫn bình an. Tôi thấy thương bác quá! Bản thân bị bệnh nặng mà còn nghĩ cho người khác. Còn một bác khác là cựu chiến binh, bác nói: “Là cựu chiến binh, bao nhiêu khổ cực bác cũng chịu được nhưng nay lại không thể chịu nổi một con virus bé tí. Nó hành hạ bác đau lắm, nóng lắm, trong phổi và cổ họng như lửa đốt”. Hèn chi tôi thấy bác cứ gồng lên từng cơn mỗi khi nhiệt độ tăng. Tôi đã tưởng mình làm bác đau nên hỏi: “Con làm bác đau hả?” Bác trả lời: “Không đau…con làm nhẹ nhàng mà…cảm ơn con nhiều lắm”.
Tôi cũng nhìn thấy hình ảnh của các anh chị em thiện nguyện khác đang lau người bệnh nhân. Hình ảnh ấy thật đẹp, giống như các chị em của Mẹ Thánh Têrêsa Calcutta đang chăm sóc bệnh nhân vậy. Tôi tự hỏi, nếu những người đang nằm đây là người thân hay bản thân mình thì sẽ ra sao nhỉ??? Kì lạ, thay vì cảm giác lo lắng tôi lại cảm thấy thật bình an. Bình an vì tin rằng có Chúa luôn đồng hành. Bình an bởi nơi đây có những người chị em mới, tuy không cùng dòng tu, không cùng tôn giáo nhưng chung một chí hướng. Bình an vì tôi tin ở nhà – “hậu phương vững chắc” – vẫn không ngừng cầu nguyện cho tôi.
Thủ Đức, ngày 25.7
Teresa Nguyễn Thị Vui,
Dòng Nữ Tỳ Chúa Giêsu Linh Mục
Những dòng chữ của Soeur Teresa Nguyễn Thị Vui sẽ khép lại bài viết hôm nay với lòng tin đại dịch sẽ sớm qua đi và sẽ không còn người phải đau đớn vì không còn thở được, những người trong cơn đau chỉ khát khao một hơi thở. Một hơi thở của chính mình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét