Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Ba, 31 tháng 8, 2021

Sài Gòn – Nhìn từ phía đói ăn

 

Sài Gòn – Nhìn từ phía đói ăn

Đỗ Hùng

Với tôi, đợt đại nạn cúm tầu này làm nổi rõ nhiều vấn đề của xã hội Đông Lào:

1. Hệ thống an sinh xã hội yếu kém

2. Đặc tính Sợ trách nhiệm của hệ thống là lực cản lớn nhất.

3. Báo chí nặng phần tuyên truyền, ít có thông tin.

Hieu Tran Nguyen


Em ơi đừng di biến động

Ở nhà kẻo bị thu dung

Một mai hết mùa giãn cách

Anh đưa em ghé phở Hùng

***

Thoạt tiên, mình thấy mình đi ăn phở Hùng như thuở Sài Gòn chưa hề giãn cách. Vẫn là cái dáng hiên ngang bước vào quán, ưỡn ngực gọi to tái nạm ít bánh nước trong. 

Nhưng lần này, trong lúc đang nhìn môi em nhẫy mỡ, đột nhiên giật mình tỉnh giấc. Hóa ra đời còn chưa thể ngọt ngào béo thơm như huyễn mộng.

Hẻm mình đã chuyển từ vùng đỏ qua vùng xanh từ tuần trước. Đổi màu thì dễ chịu hơn chút xíu, người dân thi thoảng có thể ra ngoài nếu có lý do chính đáng. Nhưng để bảo vệ vùng xanh, giữ thành quả hai mươi bảy ngày phong tỏa miệt mài, một chốt thép gai đã được dựng lên, mấy dì mấy bác trong tổ dân phố chia nhau trấn giữ.

Cuộc sống người lao động nghèo, với mọi khoản thu nhập đã bị đình chỉ từ mấy chục ngày qua, theo đó lại càng khốn đốn.

Hơn một tháng sau đợt phong tỏa thứ nhất, buổi sáng mình vừa thức dậy chợt nghe tiếng kêu cửa. Chạy xuống bèn thấy một chị bên xóm nhà trọ cầm xấp giấy thập thò. Chị bảo em sợ làm phiền anh, nhưng bí quá em phải tới gõ cửa.

Đấy là lúc thành phố vừa loan tin sẽ giãn cách thêm một tháng nữa. Trên các bản tin truyền hình và trên facebook đầy cảnh người dân dáo dác bồng bế nhau rời Sài Gòn nhưng bị các hàng rào nhân viên công lực không hề nao núng chặn lại.

- Chị phải quay lại nhà trọ thôi!

- Anh ơi, em không còn chỗ trọ! Cho em đi đi!

- Không! Đây là quy định! Chị phải quay lại!

Trên một bản tin YouTube, mình nghe thấy một mẩu đối thoại như vậy. Ở phía dưới, vài lời bình của “cộng đồng mạng”: Đã cấm rồi mà còn cố ý về làm gì không biết!

Mình đón lấy xấp giấy. Đó là một tờ A4 và vài tờ giấy học trò, viết chi chít nguệch ngoạc những cái tên, số chứng minh nhân dân, số điện thoại.

Mai Thị Huyền, sinh năm 1948, bán vé số.

Nguyễn Thị Gái, sinh năm 1977, giúp việc nhà.

Người lớn tuổi nhất đã bảy mươi ba, người trẻ nhất mới mười tám.

Mình ngồi đếm, tổng cộng có bốn mươi lăm, toàn làm những việc mà người ta gọi là lao động tự do. 

Tự do, cái từ cao quý ấy, ở đây được dùng để chỉ những công việc khó gọi tên, không ổn định, không giao kèo, không bảo hiểm. 

Bà Thu bán bánh ướt. 

Cậu Lộc làm thợ sơn. 

Cô Diễm phục vụ quán nhậu. 

Đâu chừng hai tháng trước, tất cả những con người này đã đình chỉ công việc của mình để cùng hưởng ứng nỗ lực chống dịch như chống giặc của thành phố, của quốc gia. 

Công việc ngưng, thu nhập ngưng, nhưng cuộc sống với muôn vàn nhu cầu giờ đây được thu gọn lại ở những thứ cấp thiết nhất - ăn và ở - vẫn phải tiếp diễn.

Họ đã cầm cự hơn hai tháng, nhờ sự hỗ trợ của cộng đồng nên đôi lúc có được bữa cơm kèm rau tươi, dù những người giúp đỡ chưa hề biết tới khẩu hiệu vận động “lấy sức dân lo cho dân”. Nhưng mỗi một gia đình như thế, ít thì hai người, nhiều thì năm và phía trước là ít nhất một tháng giãn cách nữa. Mà đâu phải hết giãn cách là lại có việc làm ngay. Tương lai gần vì thế đầy thiên tai le lói.

Vừa rồi nghe ti vi bảo thành phố có chi tiền hỗ trợ, mà đợi hoài chẳng thấy đến lượt mình, lại nghe nói có người được nhận rồi, mà khóm mình đi hỏi khắp nơi, nộp đơn đủ kiểu vẫn chưa được duyệt, thế nên các bà, các cô bấn quá bèn gõ cửa nhà mình, vì thấy mình suốt tháng qua chạy tới chạy lui xin và phát đồ cứu trợ. 

Hôm trước mình ra sau xóm Chuồng Gà, bà con ở đấy thậm chí còn giận dữ hơn. Một anh làm thợ mộc cho doanh nghiệp tư nhân, một bà bán cá ngoài chợ kể rằng đến giờ vẫn chưa nhận được gì vì nghe nói không đủ tiêu chuẩn. 

Mình hỏi đã làm đơn chưa, bà bán cá bảo xin mà người ta không cho đơn (?!)

Trong đợt dịch thứ tư, khi thành phố nằm giữa tâm chấn, hàng triệu người rơi vào quẫn cảnh, chính quyền đã triển khai hai gói hỗ trợ, gói đầu 886 tỉ đồng, gói sau 900 tỉ đồng. 

Con số này lớn thì thực lớn, nhưng nhỏ thì vô cùng nhỏ.

Cộng cả hai gói lại bằng khoảng một ngày thu ngân sách của thành phố. (*)

Còn nếu hai gói đó đổ đồng ra cho 1,2 triệu người cực kỳ khó khăn cần được hỗ trợ để duy trì cuộc sống, thì cũng chỉ đâu hơn 1,4 triệu đồng mỗi người. (**)

Chưa đến một triệu rưỡi cho nhiều tháng mất thu nhập, vẫn phải đóng tiền nhà, ăn uống, sinh hoạt, chữa bệnh; chưa kể rủi ro bị dính Covid-19, trở nặng, rồi phải tự chạy chữa trong hoàn cảnh y tế quá tải như hiện nay. Mà số người đâu chỉ có một triệu hai. 

Tất nhiên ở trên chỉ là những con số được đơn giản hóa và tuyệt đối hóa. Tiền từ nghị quyết hội đồng nhân dân tới khi được hiện thực hóa thành chén cơm cứu đói cho mỗi người dân đều phải trải qua một ma trận thủ tục và đôi khi phụ thuộc vào tâm tính của cán bộ cấp cơ sở. Gặp cán bộ nhiệt tình hướng dẫn thì dân được nhờ, gặp người hờ hững thì bó tay.

Gần 1.800 tỉ của hai đợt chia ra, đã có nhiều người nhận được, nhưng tính ra cũng như muối bỏ bể mà thôi, và số người lọt sổ cả hai đợt còn rất nhiều. Sát vách nhà mình mới sơ sơ đã có bốn mươi lăm người mòn mỏi, tính rộng ra cả tổ dân phố, rồi cả khu phố, cả phường, cả quận, cả thành phố thì không biết bao nhiêu mà kể. Lên mạng thấy rất nhiều người kêu ca. Có video người dân kéo đến phường nói chuyện rất căng thẳng.

Hôm rồi mình ra đầu hẻm tán gẫu giãn cách với mấy anh nguyên phụ hồ, mới biết mấy ảnh giờ chuyển qua nghề tát cá. Số là dưới bờ sông Nhà Bè có nhiều vũng nước, chiều chiều mấy ảnh ra đó tát bắt cá về cải thiện bữa ăn.

Mấy hôm rồi, trước cổng nhà mình có một bà bê theo cái chậu nhôm, len lén mời chào mọi người mua cá. Một bận mình liếc nhìn, thấy con cá lóc to và vài con cá gì nho nhỏ. 

Đói thì đầu gối phải bò, lúc còn bò được. Cho nên đừng hỏi tại sao người ta cứ phải ra đường, dù đang thời giãn cách, dù đối mặt với nguy cơ bị phạt hai triệu, ba triệu đồng.

Ở vài nơi khác, không ít người đã trở thành vô gia cư, khi bị văng khỏi phòng trọ, phải qua đêm dưới gầm cầu, cầm hơi bằng suất cơm từ thiện.

Sài Gòn thiếu ăn. Thiếu cả ôxy để thở. Chỉ dư thừa nỗi buồn. Và nỗi sợ. 

Đó là lý do khiến nhiều người, bất chấp lệnh cấm, bất chấp đường sá hiểm trở gian nan, đã tìm mọi cách tháo chạy khỏi thành phố khi vừa có thông báo về đợt giãn cách thứ hai. Họ chạy tìm sinh lộ cho chính mình, khi không còn cách nào khác, chứ không phải rảnh hơi như nhiều người cho rằng.

Những người dân gõ cửa nhà mình vào buổi sáng hôm kia là ở vào hoàn cảnh ấy, khi tiếng kêu của họ không được nghe thấy. Mà đường về quê thì xa tít mù. 

Mới hồi tối lại nghe tin thành phố đang xin trung ương hai mươi mấy ngàn tỉ cứu đói. 

Chỉ mong rằng tiền ấy sẽ không chỉ ở trên ti vi, như đã từng, mà chạm tới được từng phận người, kể cả những người nghèo không mảnh giấy lận lưng.

Không để ai bị bỏ lại phía sau, hy vọng, lần này sẽ không chỉ là khẩu hiệu.

--- 

(*) Bốn tháng đầu năm 2021, dù dịch bệnh, mỗi ngày thu ngân sách TP.HCM khoảng 1.800 tỉ.

(**) Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM Tô Thị Bích Châu đưa ra con số chưa đầy đủ là 1,2 triệu người. Ngày 17.8, TP.HCM đưa ra con số người lao động nghèo cần hỗ trợ là 4.740.330.

Đ.H

Nguồn: FB Đỗ Hùng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét