Litva: Nước duy nhất trong nhóm Trung và Đông Âu quay lưng với Trung Quốc
Thu Hằng
Đài Loan trở thành yếu tố quyết định đẩy quan hệ Litva [Lithuania] - Trung Quốc đến đỉnh điểm căng thẳng. Bắc Kinh đã triệu hồi đại sứ ở Vilnius và trục xuất đại sứ của Litva ở Trung Quốc ngày 10/08/2021 để phản đối «Văn phòng Đại diện Đài Loan» – mang tên hòn đảo thay vì Đài Bắc như thông lệ – tại quốc gia vùng Baltic này. Chưa dừng ở đó, Bắc Kinh đe dọa phối hợp với Nga và Belarus để trừng phạt Litva.
Ảnh tư liệu: Tổng thống Litva Dalia Grybauskaite và chủ tịch Quốc hội Trung Quốc Trương Đức Giang tại Vilnius, Litva ngày 14/04/2017. AP - Mindaugas Kulbis
Litva định hình lại chiến lược đối ngoại với Trung Quốc
Giai đoạn căng thẳng song phương có lẽ được bắt đầu từ quyết định ngày 22/05 của Vilnus rút khỏi «sáng kiến hợp tác» của nhóm 17 nước Đông và Trung Âu hợp tác với Trung Quốc (17+1), vì cho rằng nhóm hợp tác này «gây chia rẽ». Litva thúc giục những nước còn lại nên rút khỏi nhóm, vì theo thư điện tử ngày 21/05 của Ngoại trưởng Gabrielius Landsbergis khi trả lời trang Politico, «Liên Hiệp Châu Âu mạnh hơn khi toàn bộ 27 nước thành viên cũng hành động với các thể chế của Liên Âu».
Từ quan điểm này, Quốc hội Litva thông qua một nghị quyết bảo vệ người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương và nhân quyền ở Hồng Kông.
Tiếp theo, Litva cũng cấm sử dụng công nghệ của Trung Quốc ở sân bay Vilnius vì, «rủi ro lớn nhất là nguy cơ một vụ tấn công tin học nhắm vào cơ sở hạ tầng của Litva», theo nhận định của giáo sư Kestutis Girnius, Viện Khoa học Chính trị Vilnius. Trả lời trang 15min.lt và được Courrier International trích dẫn ngày 21/07, vị giáo sư này cho rằng dù không rõ Trung Quốc sẽ can dự hay không, nhưng Litva «phải chuẩn bị đối phó với khả năng như vậy».
Ngược lại, với Đài Loan, Litva liên tục có những hoạt động thắt chặt quan hệ ngoại giao song phương. Trước khi «Văn phòng Đại diện Đài Loan» được mở cửa ở thủ đô Vilnius, Litva đã gửi tặng Đài Bắc 20.000 liều vac-xin AstraZeneca ngừa Covid-19 vào mùa Xuân khi Đài Loan bị Trung Quốc o ép về việc nhập khẩu vac-xin và cũng để cảm ơn Đài Loan tặng khẩu trang và sản phẩm y tế vào năm 2020. Theo dự kiến, Litva sẽ mở văn phòng đại diện thương mại ở Đài Bắc vào mùa Thu.
Hệ quả thắt chặt ngoại giao với Đài Loan?
Nhật báo kinh tế Les Echos của Pháp so sánh việc Litva sẵn sàng làm phật lòng Bắc Kinh khi chuyển hướng thắt chặt ngoại giao với Đài Loan như cuộc chiến giữa chàng tí hon David vùng Baltic với gã khổng lồ Goliah châu Á.
Bắc Kinh không chấp nhận hành động «vi phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc và đi ngược với nguyên tắc một nước Trung Hoa duy nhất», theo phát biểu của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh trong buổi họp báo ngày 10/08. Thậm chí, Global Times, cơ quan ngôn luận tiếng Anh của đảng Cộng sản Trung Quốc, dọa «sẵn sàng cắt đứt quan hệ ngoại giao» với Litva, thậm chí hợp sức với Nga và Belarus để trừng phạt Litva.
Tuy nhiên, hậu quả trừng phạt có thể sẽ không nghiêm trọng.
Thứ nhất, do Litva không phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc, nên «quy mô trừng phạt có lẽ không phải là mối đe dọa quá lớn», theo phân tích với báo 15min.lt của bà Linas Kojola, đứng đầu một trung tâm nghiên cứu ở Đông Âu.
Thứ hai, Litva nằm trong số những nước Bắc và Đông Âu «sáng mắt» về chiến lược ngoại giao «chiến lang» thời dịch của Trung Quốc.
Là một nước thành viên của Liên Hiệp Châu Âu và tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương - NATO, nên Litva sẽ được đồng minh hậu thuẫn.
Điều này được người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ, Ned Price, khẳng định ngay sau khi Trung Quốc triệu đại sứ của nước này ở Litva về nước: Washington «sát cánh với đồng minh Litva» và «ủng hộ các đối tác châu Âu trong việc phát triển quan hệ với Đài Loan».
Thứ ba, theo báo Le Monde, không chỉ có chung những giá trị dân chủ, Litva coi Đài Loan là đối tác kinh tế phù hợp hơn về kích thước và trình độ phát triển. Quá phụ thuộc vào Bắc Kinh, Litva có thể sẽ dễ dàng bị Trung Quốc nghiền nát.
Riêng đối với Đài Loan, hiện chỉ còn 17 nước trên thế giới công nhận, việc mở văn phòng đại diện tại Litva là một thành công mới tại châu Âu sau 18 năm chờ đợi kể từ khi Đài Bắc mở văn phòng đại diện đầu tiên tại Cộng Hòa Séc vào năm 2003.
T.H.
Nguồn: rfi.fr
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét