Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Ba, 31 tháng 8, 2021

“Im đi, ta ăn cướp, im đi, ta bỏ tù”

 

“Im đi, ta ăn cướp, im đi, ta bỏ tù”

André Menras

Thư gửi Đảng cộng sản Pháp, trước ngày hội báo L’Humanité.

Sau khi “người điều hành” mệnh danh “Vince Hibou” trừng trị tôi bằng cách cấm tôi tham gia trang “PCF, L’Humain d’abord” (ĐCSP, Nhân tính trước hết) trong một tuần lễ, tôi có mấy câu hỏi xin đặt lại cho ban quản trị trang FB này. Tất nhiên chủ yếu là đặt câu hỏi cho các đảng viên, nếu họ có thể vào trang mạng và trả lời. Tất nhiên, như “người điều hành” đã nói, “ĐCSP không nợ nần gì tôi cả”. Nhưng tôi vẫn cứ xin ngây thơ muốn được nghe đôi điều hợp lẽ trong vấn đề này.

Nhân dịp ra mắt cuốn phim tài liệu “Việt Nam: tiếng gào thét từ bên trong” ở Paris, tôi gửi thông cáo cho báo chí thủ đô: Le ParisienLibérationLe Monde DiplomatiqueLe FigaroL’Humanité… Họ đều im lặng, không đưa một dòng tin nào. Đành là thế. Trong biết bao tiếng gào thét từ khắp năm châu đang xáo trộn vì cơn đại dịch của con vi-rut Trung Quốc, có thể tiếng gào thét đến từ Việt Nam bị coi là không đủ khẩn thiết để đưa một tin ngắn.


Đối với một số báo đài, tôi không mấy ảo tưởng. Những người chưa tiêu hóa nổi sự thất bại của chủ nghĩa đế quốc và thực dân chắc đang kín đáo xoa tay thỏa mãn khi thấy Bắc Kinh chiếm đoạt quần đảo Hoàng Sa, gây hấn nhân dân Việt Nam. “Đáng đời Hà Nội”, chắc họ nghĩ thầm. Nhưng còn những ngư dân, những người dân Việt Nam bình thường, những người đã không có tiếng nói, và tiếp tục không được phát biểu?

Câu hỏi từ lâu khiến tôi băn khoăn và tôi không dám mường tượng ra câu trả lời tồi tệ nhất, là: tại sao “L’Humanité” lại lặng im, lặng im một cách đáng sợ? Có đúng không, những câu hỏi cơ bản trong cuốn phim đã được chiếu ở Paris và có thể vào xem trên youtube là những câu hỏi liên quan trực tiếp tới Việt Nam và Trung Quốc, hai nước nhân danh chủ nghĩa xã hội? Cũng như Đảng cộng sản Pháp. Có đúng không, những câu hỏi ấy liên quan tới 1,5 tỉ người sống ở hai quốc gia dưới sự kiểm soát độc quyền của hai đảng mà tổng số đảng viên lên tới 85 triệu người? Chẳng lẽ chúng đáng để con mắt và ngòi bút bỏ qua, chỉ vì như vậy là “can thiệp” vào chuyện nhân tính của đảng anh em? Có thể nào xóa trắng những vết nhơ trong cái “chủ nghĩa xã hội hiện tồn”, làm ngơ trước những đau khổ mà chúng gây ra, như vậy sao? Quyền tự do ở Trung Quốc hay ở Việt Nam phải chăng đã trở thành khu săn bắn độc quyền của hai đảng cộng sản, và trở thành điều cấm kỵ đối với một Đảng CSP đã bao lần đơn độc, dũng cảm đấu tranh chống lại bất công, đàn áp người yếu hèn, đã không nề hà hy sinh vì những giá trị của sự nghiệp giải phóng và độc lập của các dân tộc? Tôi không còn ở trong Đảng nhưng tôi cũng đã vì tự do mà cống hiến nhiệt huyết và tuổi thanh niên. Và, hồi ấy, ĐCSP đã hoàn toàn ủng hộ việc tôi hành động tố cáo một chế độ đàn áp tự do trong một cuộc chiến tranh bất nhân. Tại sao bây giờ lại im lặng khi sự bất nhân đã đổi phe nhưng vẫn nhắm vào những người nghèo khó nhất? Phải chăng nhân tính cũng mang màu sắc chính trị? Tôi không nghĩ rằng sự im lặng này không làm tổn hại danh dự của ĐCSP. Vậy thì nó có lợi cho ai? Phải chăng nó khuyến khích chính quyền Bắc Kinh triển khai chiến lược bành trướng bạo liệt, gây hấn bốn phương, vừa cứng vừa mềm, chống lại những láng giềng “nhỏ bé”? Câm lặng, chẳng phải là ngấm ngầm ủng hộ Hà Nội tiếp tục đàn áp, tù đày, thậm chí giết người như mới đây?

Thông tin về những sự thật như vậy, phải chăng là theo đuôi đế quốc Mỹ? Hay là một công việc cần thiết, hữu ích, chính đáng? Có gì ngăn cản được điều đó? Tất cả các tài liệu, những chứng từ được đưa ra trong phim, trung thực, hoàn toàn có thể xác định ngày tháng, kiểm chứng. Những chứng nhân Việt Nam đều nói rõ họ tên, chỗ ở… Họ không đóng vai những nạn nhân bị truy bức. Chủ đề lý tưởng cho bất cứ một nhà báo lương thiện nào. Thế mà tại sao, ngoại trừ biệt lệ là nhật báo “La Marseillaise”, không có một nhà báo cộng sản nào viết bài về thảm kịch của ngư dân Việt Nam nạn nhân của những chiến hạm Trung Quốc ở quần đảo Hoàng Sa mà Bắc Kinh đã đổ máu chiếm đoạt? Tại sao chưa có nhà báo cộng sản nào viết được một dòng về thảm kịch của những người nông dân Việt Nam, từ Bắc chí Nam, nhiều người đã chăm nuôi, ẩn giấu, bảo vệ cách mạng, mà nay thì ruộng đất bị cưỡng đoạt bởi những cán bộ tham nhũng ăn cánh với bọn địa ốc tham lam, thậm chí ma-phia, với một lực lượng cảnh sát chiến đấu có thể huy động tới 3000 binh sĩ súng ống đầy minh để tấn công một xóm làng và bắn giết những người chống cự lại? Tại sao chưa thấy một nhà báo cộng sản nào viết bài về những người công dân hòa bình và dũng cảm, trong đó có những nhà báo đã nhiều năm bị tù đày vì đã tố cáo những tội ác ấy, tố cáo những cuộc xâm lược của Trung Quốc trên đất liền và ngoài biển đảo ?

Người điều hành kỳ lạ của nhóm FB – ẩn mình dưới biệt hiệu “Vince Cú Vọ” – không bao giờ trả lời vào nội dung những câu hỏi ấy, những câu hỏi chính trị nhưng trước hết là những câu hỏi liên quan tới con người, nhưng lại sẵn sàng, ngay từ đầu, chĩa khẩu AK47 vào tôi, than “phát chán” về sự ngụy tín thường trực của tôi, nào là tôi “vị kỷ một cách nhem nhuốc”, lý luận và câu hỏi của tôi là “chửi cha thiên hạ”: rằng “chỉ có mỗi một chuyện nói đi nói lại”, rồi “tưởng là sách động được khi mình tố đồng chí đã làm ngơ hay ủng hộ chuyền này chuyện kia”. Sau một tràng lý luận như vậy, cuối cùng là đe : “nếu anh tiếp tục vào đây để công kích đồng chí thì anh sẽ được mời ra ngoài”. Và bản án của ngài chính ủy được tuyên cáo dõng dạc : “Quản trị mạng đã tạm thời gỡ những bình luận ấy”.

Tôi chỉ xin hỏi một câu: người “điều hành” ấy có nhân danh ĐCSP hay không? có phải là đại diện của đảng hay không?

Nếu bài viết của tôi không lọt khỏi lưới kiểm duyệt của Đảng – điều này có nhiều khả năng xảy ra – tôi chỉ xin chúc Đảng thành công mĩ mãn trong các hành động ở Pháp và trên thế giới vì sự thật và vì tự do, hai thứ hiện không có ở hai nước «xã hôi chủ nghĩa» Việt Nam và Trung Quốc.

A.M.

Tác giả gửi BVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét