Xài tiền thuế: điều bất hợp lý duy nhất của báo chí cách mạng
Điều không chỉ cần nói trong ngày 21 tháng 6 – được gọi là “Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam”
Bauxite Việt Nam
Trịnh Hữu Long
Sớm hay muộn, báo chí cũng phải vận hành theo cơ chế thị trường như mọi ngành nghề khác.
Người ta có thể chỉ trích báo chí cách mạng vì nhiều thứ, như đưa tin một chiều, đưa tin vịt, làm loa phóng thanh cho một đảng chính trị, v.v. Nhưng điều đó xảy ra với mọi nền báo chí, dù tự do đến đâu. Trong hầu hết các trường hợp, những điều đó không phạm pháp gì cả, nó chỉ đáng tranh cãi về mặt nghiệp vụ và đạo đức báo chí.
Điều bất hợp lý của báo chí cách mạng hiện nay, mà theo tôi là điều bất hợp lý duy nhất, là nguồn thu nhập của họ.
Với tư cách là các đơn vị báo chí nhà nước, họ nghiễm nhiên nhận ngân sách nhà nước để sống.
Với các tờ báo có cơ quan chủ quản là cơ quan nhà nước như các bộ, viện kiểm sát, tòa án, ủy ban nhân dân và các cơ quan lập pháp trung ương lẫn địa phương, họ nhận tiền trực tiếp từ ngân sách nhà nước.
Với các tờ báo là đơn vị trực thuộc các tổ chức chính trị như Đảng Cộng sản Việt Nam, Đoàn Thanh niên, Công đoàn, họ nhận tiền thông qua các gói ngân sách mà nhà nước dành cho các tổ chức này hàng năm.
Với các tờ báo trực thuộc các tổ chức xã hội như các hội nghề nghiệp và các tờ báo tư nhân núp bóng tổ chức xã hội, họ có thể tự chủ một phần thu nhập, hoặc tự chủ hoàn toàn. Số này chỉ vào khoảng 1/3 tổng số cơ quan báo chí tại Việt Nam. Nghĩa là, vẫn có khoảng 556 cơ quan báo chí khác nhau đang bám vào bầu sữa ngân sách. [1]
Lấy ví dụ (dữ liệu từ Bộ Tài chính [2] và Chính phủ[3]):
Năm 2021, ngân sách nhà nước cấp cho Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) xấp xỉ 228 tỷ đồng, cho Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) hơn 1.000 tỷ đồng.
Năm 2019, ngân sách nhà nước cấp cho hai tờ báo của Bộ Tài chính là Thời báo Tài chính Việt Nam (hơn 16 tỷ đồng) và Tạp chí Tài chính (gần 5 tỷ đồng).
Năm 2019, Báo Phụ nữ Việt Nam được cấp 3,7 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước thông qua Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.
Ngày 18/8/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ra quyết định về danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước trong lĩnh vực thông tin và truyền thông, nói rõ năm lĩnh vực báo chí, truyền thông mà ngân sách nhà nước đảm bảo 100%. [4]
Giả sử tính bình quân mỗi tỉnh mỗi năm chi cho các tờ báo và đài phát thanh, truyền hình của họ 10 tỷ đồng thì con số của riêng các tỉnh đã là 640 tỷ đồng. Cộng với con số tính bằng nghìn tỷ đồng cấp cho các cơ quan báo chí trung ương thì chúng ta có thể thấy mức độ đầu tư dành cho báo chí lớn thế nào.
Nếu cho rằng Việt Nam có 50 triệu người đóng thuế hàng năm, thì số tiền trung bình mỗi người đó phải trả cho VOV đã là 20.000 đ/người/năm.
Nói cách khác, bất kể có mua báo hàng ngày hay không, người dân vẫn đang phải trả tiền mua báo, thông qua việc trả tiền thuế để nuôi hàng trăm cơ quan báo chí nhà nước.
Nếu các cơ quan báo chí này không dùng tiền ngân sách nữa thì họ muốn tuyên truyền cho ai cũng được, muốn viết thế nào cũng được. Khi đó, chuyện họ hoạt động ra sao không còn là một vấn đề công cộng nữa, mà thuần túy là vấn đề thị trường và xã hội dân sự.
Nếu họ muốn tuyên truyền cho Đảng Cộng sản Việt Nam thì Đảng Cộng sản tự bỏ tiền ra cho báo Nhân Dân, Tạp chí Cộng sản và hàng loạt cơ quan báo chí khác xài. Khi đó sẽ không ai kêu ca gì nữa. Không có lý do gì hàng chục triệu người dân đóng thuế phải bỏ tiền ra để vận hành các tờ báo của một đảng phái của hơn 4 triệu đảng viên.
Việc nhà nước độc quyền cung cấp dịch vụ báo chí là tước đi quyền kinh doanh báo chí của thị trường và tước đi cơ hội được mua báo theo nhu cầu của người tiêu dùng. Thay vào đó, người tiêu dùng phải chấp nhận tiêu thụ thông tin do các cơ quan báo chí của một đảng chính trị cung cấp. Hay ít nhất, các cơ quan báo chí này cũng đã thề trung thành với đảng chính trị đó.
Trước năm 1986, Đảng Cộng sản Việt Nam đã quốc doanh hóa tất cả các ngành nghề sản xuất, kinh doanh. Mọi việc mua bán phải đi qua các cửa hàng mậu dịch của nhà nước. Chất lượng và số lượng hàng hóa thời kỳ đó thế nào, chắc lớp trung niên hiện nay còn nhớ rõ. Và chất lượng hàng hóa kể từ năm 1986 đến nay đã tăng cao thế nào, số lượng đã dồi dào ra sao, sự lựa chọn đã nhiều lên thế nào, chúng ta đều hiểu rõ.
Nói vậy không có nghĩa là báo chí cách mạng không có những sản phẩm tốt. Nhưng đó không phải vấn đề bài viết này muốn nói.
Sớm hay muộn cũng phải cắt bầu sữa ngân sách dành cho báo chí và để cho báo chí vận hành theo cơ chế thị trường, như những gì đã xảy ra với các ngành nghề khác từ năm 1986 đến nay.
T.H.L.
Nguồn: Luật khoa Tạp chí
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét