Người dân phải trả tiền tiêm vắc-xin: Chính sách không nhất quán!
RFA tiếng Việt
2021-08-12
Ảnh minh họa: Nhân viên y tế chờ đến lượt tiêm vắc-xin phòng COVID-19tại Bệnh viện Nhiệt đới Hải Dương, tỉnh Hải Dương, ngày 8 tháng 3 năm 2021. REUTERS/Thanh Huệ
Đề xuất mới đi ngược chủ trương?
Trong công văn Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh (UBND TPHCM) trả lời Bộ Y tế về việc mua năm triệu liều vắc-xin ngừa COVID-19 của hãng Moderna vào ngày 11/8, lãnh đạo thành phố lớn nhất cả nước đã kiến nghị Bộ Y tế sớm ban hành quy định cụ thể giá dịch vụ tiêm chủng.
Theo đó, UBND TPHCM đã đề nghị Bộ Y tế cho phép Tập đoàn Vinacapital và Sapharco sau khi nhập vắc-xin Moderna về Việt Nam thì được phép tổ chức thu phí tiêm vắc-xin theo cơ chế ‘mua năm liều tặng xã hội một liều’.
Trao đổi với RFA từ Hà Nội, Tiến sĩ - Bác sĩ Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng (RTCCD), bác sĩ dịch tễ từng làm cho Viện Vệ sinh dịch tễ và Vắc-xin - Bộ Y tế khẳng định đề xuất tiêm dịch vụ của TP.HCM sẽ không được phê duyệt.
“Tôi cho rằng TP.HCM đang đứng trước nguy cơ dịch nên họ đang tìm mọi cách để tiêm nhanh lên thì họđề nghị như thế, họ đề nghị thì cứ đề nghị thôi. Nhưng đứng về mặt dịch tễ học và hệ thống y tế tính hiệu quả thì tôi nghĩ Bộ Y tế không cho.
Bọn tôi ngoài đây cũng đang vận động (không tiêm dịch vụ), cũng biết nhiều ý kiến đề nghị tiêm dịch vụnhưng tôi nghĩ rằng cho đến nay Bộ Y tế vẫn đang khá thống nhất tiêm miễn phí, không tiêm dịch vụ.
Doanh nghiệp thì bao giờ họ chẳng tận dụng cơ hội khác nhau để làm kinh tế, đó là chuyện của họ, còn người làm chính sách sẽ phải cân nhắc”.
Tôi cho rằng TP.HCM đang đứng trước nguy cơ dịch nên họ đang tìm mọi cách để tiêm nhanh lên thì họ đề nghị như thế, họ đề nghị thì cứ đề nghị thôi. Nhưng đứng về mặt dịch tễ học và hệ thống y tế tính hiệu quả thì tôi nghĩ Bộ Y tế không cho.
BS. Trần Tuấn
Một người dân không muốn nêu tên đang sống tại Sài Gòn cũng cùng quan điểm không đồng tình với đề xuất mới của UBND TPHCM:
“Tôi nghĩ rằng một đất nước cách đây khoảng sáu tháng vỗ ngực tự hào có trên 100 tỷ đô la dự trữquốc gia thì không có lý do gì kinh doanh vắc-xin trong thời kỳ đại dịch. Nhà nước và đảng phải có trách nhiệm phải lo cho người đóng thuế, không có chuyện dịch vụ gì ở đây!”.
Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính trong ngày 10/7 đã từng phát biểu:
“Sự ra đời của Quỹ vắc-xin phòng COVID-19 đã nhận được sự đồng lòng, ủng hộ rất cao của nhân dân trong cả nước và kiều bào ở nước ngoài cùng cộng đồng các doanh nghiệp với số tiền ủng hộ lên tới hơn tám nghìn tỷ đồng đang được sử dụng để mua vắc-xin phục vụ nhân dân. Mục tiêu của chiến lược vắc-xin là tiêm miễn phí hàng năm cho nhân dân để đạt được miễn dịch cộng đồng”.
Trước đó, tại tờ trình của Bộ Tài chính trình Chính phủ về việc lập quỹ hợp tác công-tư trong việc mua vắc-xin ngừa COVID-19, Bộ Y tế đã dự kiến mua 150 triệu liều vắc-xin để tiêm cho 75 triệu dân với tổng kinh phí 25,2 nghìn tỷ đồng. Trong đó, nguồn kinh phí mua vắc-xin từ ngân sách trung ương là 16 nghìn tỷ đồng, còn lại hơn 9 nghìn tỷ từ việc huy động đóng góp của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân.
Vắc-xin dịch vụ: thách thức lớn!
Dựa trên phát biểu của người đứng đầu Chính phủ cùng kế hoạch mua vắc-xin như vừa nêu, trên các diễn đàn và mạng xã hội, nhiều ý kiến cho rằng rõ ràng Chính phủ VN đã có chính sách tiêm vắc-xin miễn phí cho dân vậy hà cớ gì lãnh đạo TP.HCM lại đề nghị Bộ Y tế quy định giá tiêm dịch vụ. Phải chăng chính sách vắc-xin của VN trước, sau không nhất quán?
Một phụ nữ được tiêm vắc-xin Covid-19 AstraZeneca tại Hà Nội vào ngày 2 tháng 8 năm 2021. NHẠC NGUYÊN / AFP.
Bác sĩ quân đội Phạm Ngọc Thắng, một nghiên cứu sinh chuyên ngành về truyền nhiễm và chống nhiễm khuẩn, nhìn nhận vấn đề này như sau:
“Theo tôi thì bây giờ bằng mọi giá phải có vắc-xin đểtiêm cho dân, cứu tính mạng dân trước. Tôi biết rất nhiều doanh nhân đã đóng góp nhiều tiền cho Quỹvắc-xin rồi, bây giờ nếu cứ để vắc-xin đi theo một kênh như thế tôi nghĩ tốc độ chậm, xây dựng nhà máy thì 6-9 tháng có vắc-xin cũng không đảm bảo trong khả năng cộng đồng có vắc-xin để dùng.
Cho nên theo quan điểm của tôi, những người có quyền tiêm vắc-xin tốt, người có tiền có quyền được mua loại tốt thì dịch vụ chỉ dành cho những người tình nguyện, không thể nào TP.HCM đòi thu tiền. Tiêm vắc-xin dịch vụ xã hội hóa tùy theo gia đình tựtúc, bệnh nhân tự nguyện. Tôi nghĩ đấy là việc tốt, quyền của người có tiền là được tiêu tiền, không có gì là tréo ngoe”.
Chị Thủy Tiên, sống tại quận Tân Bình, lại cho rằng đề xuất của UBND TPHCM cho phép tiêm dịch vụ hợp lý ở chỗ dân có nhiều lựa chọn hơn và chủ động được tiếp cận nguồn vắc-xin đa dạng hơn.
“Hai messages (thông tin) như vậy mình sẽ thấy nó conflict (xung đột) nhưng mình phải hiểu nó trong context (định nghĩa) khác nhau. Ví dụ UBNDTP kiến nghị như vầy mới conflict: muốn thu phí dân TP.HCM khi tiêm vắc-xin nhưng bù lại thì dân có quyền lựa chọn vắc-xin mà dân mong muốn, cái này áp dụng cho tất cả nguồn vắc-xin mà thành phố có. Như vậy sẽ đi ngược chỉ thị của Nhà nước.
Ở đây người ta đang propose (đề xuất) thêm một option (lựa chọn) là bên cạnh tiêm free (miễn phí) nguồn được phân bổ, vẫn có những tư nhân nếu có nguồn khác thì vẫn có quyền mở dịch vụ tiêm vắc-xin cho những người dân muốn chủ động chọn vắc-xin”.
Đồng quan điểm tán thành, chị Ngọc Hà sống tại quận Bình Thạnh, nêu lên suy nghĩ bản thân cho rằng:
“Chính phủ cấp phép cho tiêm dịch vụ thì mình thấy vẫn rất tốt vì hiện tại đang cấp phép cho rất nhiều loại vắc-xin, có cả của Trung Quốc. Thật sự người Việt đọc tin tức quốc tế cũng khá e ngại phải tiêm vắc-xin Trung Quốc.
Cái chính là dân mình tự muốn bỏ tiền để tiêm đúng vắc-xin mà gia đình họ cần, giá tuy có cao hơn một chút xíu đi nữa nhưng vẫn đúng loại vắc-xin người ta cần và người ta muốn. Nếu đi theo vắc-xin của Chính phủ thì trên quy định thế nào dưới phải nghe theo vậy”.
Tiêm vắc-xin dịch vụ xã hội hóa tùy theo gia đình tự túc, bệnh nhân tự nguyện. Tôi nghĩ đấy là việc tốt, quyền của người có tiền là được tiêu tiền, không có gì là tréo nghoe.
BS. Phạm Ngọc Thắng
Riêng bác sĩ Trần Tuấn, ông cho rằng việc chích vắc-xin COVID-19 cần sự chung sức của toàn bộ hệ thống y tế, nhân lực y tế. Theo bác sĩ Tuấn, VN không nên tiêm dịch vụ vì điều đó hoàn toàn không đúng mục tiêu trong lúc phòng chống dịch hiện nay. Ông nói tiếp:
“Nếu doanh nghiệp nào tự bỏ tiền mua và tự tiêm cho công nhân của họ cũng tốt thôi, nhưng còn lại tiêm dịch vụ cho dân thì chắc không có chuyện đấy.
Doanh nghiệp nào lợi dụng chuyện này để làm kinh tếthì tôi cho rằng sẽ phải chịu trách nhiệm trước thực tế, sau đó sẽ có quyết định đánh giá.
Trừ khi TP.HCM quyết bằng cách nào đấy thì họ chịu trách nhiệm, nhưng tôi chưa thấy tin tức gì”.
Vẫn theo BS. Tuấn, một lo ngại khác khi tư nhân tham gia thu phí người dân nhưng lại sử dụng nhân lực công cho công việc của họ cũng tạo ra những bài toán giải trình về chi phí y tế với người dân, và đây sẽ là một thách thức không nhỏ.
Theo thông tin của Bộ Y tế, đến thời điểm này, các loại vắc-xin Việt Nam đã tiếp nhận bao gồm Pfizer, Moderna, AstraZeneca, Sputnik V và Sinopharm.
Trong đó, lô một triệu liều vắc-xin Vero Cell của hãng Sinopharm Trung Quốc do TPHCM nhập về đã được Bộ Y tế đồng ý để thành phố tiêm cho dân.
Bộ Y tế Việt Nam cũng đã nhận, mua khoảng 19 triệu liều vắc-xin ngừa COVID từ nhiều nguồn khác nhau.
Trong một phát biểu tại cuộc họp khẩn trực tuyến về phòng chống dịch COVID-19 diễn ra vào sáng ngày 12/8, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết trong quý ba, số lượng vắc-xin ngừa COVID-19 về không nhiều, nhưng trong quý tư, số lượng vắc-xin sẽ về dồn dập.
Nguồn: rfa.org/vietnamese
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét