Bài đăng nổi bật

Cờ trong tay Trần Cẩm Tú

  Cờ trong tay Trần Cẩm Tú.  Trước cáo buộc liên quan đến trợ lý nhận hối lộ hàng chục triệu usd, Vương Đình Huệ thẳng thừng chối không biết...

Thứ Bảy, 28 tháng 8, 2021

Nanocovax – Ứng cử viên cho vaccine Covid-19 thứ 7 của Việt Nam

 

Nanocovax – Ứng cử viên cho vaccine Covid-19 thứ 7 của Việt Nam

Do vậy, “hồ sơ và dữ liệu nghiên cứu của vaccine Nanocovax sẽ được chuyển sang hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc (Bộ Y tế) để xem xét trước khi Bộ Y tế có quyết định cấp phép khẩn cấp có điều kiện với vaccine Nanocovax. Thời gian tối đa là 20 ngày, tuy nhiên, nếu vaccine Nanocovax đảm bảo mọi yêu cầu đặt ra, thời gian cấp phép có thể ngắn hơn, thậm chí chỉ trong vòng dưới một tuần.”

Vậy thì có nhiều khả năng chúng ta sẽ sớm có vaccine COVID-19 thứ 7 được cấp phép sử dụng khẩn cấp ở Việt Nam. Trong thời gian này tôi nhận được nhiều lời đề nghị từ các bạn về việc “đánh giá” vaccine Nanocovax và các câu hỏi đại loại như: có nên chích vaccine này không? Có an toàn không? Có hiệu quả không? So với các vaccine khác thì thế nào?!

Điều này thực sự làm tôi khá “lúng túng” vì kể từ bài viết phản biện của tôi về Nanocovax vào ngày 28 tháng 7 vừa qua, dựa trên 2 bài báo khoa học của công ty Nanogen đăng tải trên trang BioRxiv (vào ngày 20 tháng 7, cho các kết quả tiền lâm sàng) và MedRxiv (vào ngày 22 tháng 7, cho các kết quả lâm sàng pha 1-2) cho thấy ngoài các khuyết điểm nhỏ thì một số khuyết điểm lớn còn tồn tại trong các số liệu khoa học này nên khó đánh giá được tính “hiệu quả” của vaccine trong việc ngăn ngừa lây nhiễm virus.

Có thể các số liệu mới hơn đã được nhóm thực hiện nhưng chỉ báo cáo trong “Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học Quốc gia” để xin cấp phép sử dụng khẩn cấp, nên tôi cũng như các nhà khoa học khác chưa có dịp tiếp cận để có thể “đánh giá” một cách khách quan.

Do vậy, việc quyết định chích vaccine Nanocovax hiện nay ở người dân có thể dựa vào những điểm sau:

• Niềm tin với các thành viên trong “Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học Quốc gia” đã đánh giá kết quả nghiên cứu khoa học của Nanogen một cách công tâm, khách quan.

• Niềm tin vào những thành viên trong nhóm nghiên cứu của công ty Nanogen.

• Niềm tin vào người Việt Nam và hàng Việt Nam.

Nhưng thực sự dưới góc nhìn của nhà khoa học thì mình thấy khi đặt “niềm tin” vào sức khỏe của mình thì khá mạo hiểm khi còn khá nhiều những thắc mắc chưa lời đáp về các kết quả nghiên cứu này. Mình sẽ hẹn một bài viết đánh giá vaccine Nanocovax khi mình có nhiều số liệu khoa học hơn (số liệu mà mình có thể dựa lên đó phân tích công khai, chứ không phải những số liệu được gửi riêng cho mình mà người gửi không muốn công bố danh tính).

Mình có thoáng thấy một số bạn thắc mắc là TS Vũ cũng đang làm trong một nhóm nghiên cứu về vaccine COVID-19 ở Mỹ, vậy thì TS Vũ có phải là “đối thủ cạnh tranh” hay không?, những lời nhận xét của TS Vũ có khách quan không? hay chỉ là muốn trù dập đối thủ? Mình thấy những thắc mắc này khá hợp lý và cần phải được làm rõ. Đúng là mình đang tham gia trong nhóm nghiên cứu về vaccine COVID-19 nhưng công nghệ của nhóm mình dựa trên virus vector và nhóm Nanogen dựa trên protein tái tổ hợp, là 2 công nghệ hoàn toàn khác nhau.

Việc thành công của nhóm mình ở Mỹ hoặc thành công của nhóm Nanogen ở Việt Nam không làm ảnh hưởng lợi ích gì của nhau về sở hữu trí tuệ, công nghệ, nguồn quỹ đầu tư hoặc thị trường cạnh tranh. Ngược lại, công việc mình đang làm khi tham gia trực tiếp trong nhóm nghiên cứu về vaccine COVID-19, cho mình những kinh nghiệm và cái nhìn khá sắc nét về việc “đánh giá thế nào” về các nghiên cứu vaccine COVID-19, những kết quả nào quan trọng, những điểm nào cần làm rõ, kết quả nào cho thấy lo ngại, v.v…

Đây là lý do mà khi một bài báo được nộp lên các tạp chí chuyên ngành thì các Editor thường mời những nhà nghiên cứu cùng chuyên môn để nhận xét, đánh giá và những nhà nghiên cứu này phải không có “xung đột lợi ích” (conflict of interest) với nhóm nộp bài. Mình cũng từng được mời làm người “nhận xét đánh giá” (reviewer) cho khá nhiều công trình nghiên cứu về ung thư cũng vì lý do này và luôn đứng ở vị trí khách quan nhìn nhận và góp ý để nhóm hoàn thiện hơn, logic hơn cho nghiên cứu của mình.

Việc mình viết một số bài “bình luận, đánh giá” khoa học về vaccine Nanocovax trong thời gian qua là một việc làm tự nguyện và đứng ở vai trò người làm khoa học trong cùng chuyên môn để đánh giá khách quan vì mình muốn người Việt Nam có một sản phẩm vaccine có thể tin tưởng sử dụng dựa trên các bằng chứng khoa học vững chắc (solid scientific evidences) chứ không phải bằng niềm tin. Chính những bằng chứng khoa học vững chắc thế này đã làm cho các vaccine như Pfizer/BioNTech, Moderna, AstraZeneca, v.v… trở thành những vaccine COVID-19 phổ biến nhất hiện nay, độ tin cậy cao, người dùng an tâm về tính an toàn & hiệu quả và “biết rõ” tỉ lệ nguy cơ phản ứng phụ nguy hiểm của nó ra sao.

Mình cũng rất muốn biết vaccine Nanocovax sẽ “nên” đứng ở vị trí nào trong bảng xếp hạng tin cậy trong 7 loại vaccine COVID-19 sắp tới đây ở Việt Nam và mình tin rằng nhiều bạn cũng muốn biết vì đó là quyền cơ bản của con người, quyền được “biết rõ” những gì có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của bạn và bạn tự chịu trách nhiệm điều đó. Bạn nên biết chọn cái tốt hơn cho sức khỏe của mình nếu được chọn và nên biết cái nào là “lựa chọn cuối cùng” của mình khi không có sự lựa chọn.

Bảo trọng nhe bà con!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét