Đề nghị chiến lược cho Việt Nam nhân chuyến viếng thăm của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris
Luật sư Nguyễn Hữu Liêm
Ý NIỆM TỔNG QUAN VỀ QUAN HỆ SONG PHƯƠNG GIỮA HOA KỲ (HK) VÀ VIỆT NAM (VN)
Mặc dù VN không phải là một siêu cường, nhưng trên bàn cờ chiến lược của HK thì VN là một con cờ thiết yếu không thể thiếu trong thế trận ngoại giao và quân sự đối với Trung Quốc. Vì thế, phải hiểu rằng, hiện nay, HK cần VN hơn các quốc gia Đông Nam Á khác. Có thể nói rằng, VN đóng vai trò chiến lược tối ưu và tối quan trọng, dưới con mắt của HK, ngang hàng với Nhật Bản. Trong các nước có biên giới đất liền với TQ, chỉ có VN là có khả năng quân sự và có tinh thần dũng cảm sẵn sàng đối chọi không nhân nhượng đối với TQ.
Tuy nhiên, nguy cơ tiềm ẩn từ tầm nhìn chiến lược như thế của HK đối với VN là nó sẽ có khả năng đẩy VN vào thế con cờ chiến lược của Mỹ – một sự lặp lại lịch sử tai hại từ thập niên 1960-70 khi Mỹ sử dụng Nam VN làm đơn vị tiền đồn quân sự trong Chiến tranh Lạnh giữa hai khối Tư bản và Cộng sản.
Nhưng VN ta phải biết cách tương kế tựu kế. VN phải tỉnh táo để bắt tay với HK, nhưng cẩn thận để không bị trở nên con cờ chiến lược. VN cần liên minh cao độ về tất cả mọi bình diện, từ kinh tế, ngoại giao đến quân sự, với HK, cho nhiều mục tiêu quốc gia: (a) tạo thế cân bằng chiến lược của VN đối với TQ, (b) răn đe (deter) TQ về mưu đồ bá quyền và xâm lăng biển đảo, và (c) cho nhu cầu phát triển kinh tế nước nhà.
ĐÒI HỎI VÀ NHÂN NHƯỢNG VỀ PHÍA VN KHI PHÓ TỔNG THỐNG HARRIS ĐẾN THĂM
Thực sự các cuộc thương thảo tiền trạm giữa hai quốc gia đã liên tục tiến hành từ nhiều tuần nay cho chuyến đi của Phó Tổng thống Harris.
Trong tiến trình thương nghị này, tôi xin đề nghị phía VN hãy chào mời (offer) bảy (7) điều sau:
1. Sẵn sàng mở hai cảng Đà Nẵng và Cam Ranh cho Hải quân HK tạm trú, bảo trì ngắn hạn. (Trong giai đoạn hiện nay, vì tư thế trung lập, không liên minh quân sự với ai, và với tình thế tế nhị với TQ, VN không thể cho HK đóng căn cứ quân sự bất cứ nơi nào trên lãnh thổ VN – ngoại trừ khi TQ tiến hành phiêu lưu quân sự mới ở Biển Đông).
2. Dành ưu tiên cho HK vào VN khai thác các quặng mỏ Đất hiếm (Rare-earth) – với tiêu chuẩn nghiêm ngặt về môi trường. (HK đang thiếu nguồn cung cấp Đất hiếm vốn quan yếu cho công nghệ quốc phòng HK. TQ đang nắm 80% đầu dây chuỗi cung ứng Đất hiếm trên thế giới).
3. Gia tăng nhập khẩu nông phẩm và công nghệ điện tử HK. (Các nông phẩm như đậu nành, lúa mì… là nguồn xuất khẩu lớn từ các tiểu bang Trung Mỹ, vốn là nơi khối cử tri nông dân HK có vai trò quan yếu trên chính trường nội địa HK).
4. Mời và cho phép HK mở một chuỗi đại học Mỹ American Universities khắp ba miền VN – do chính phủ HK tài trợ, nhưng lãnh đạo và điều hành bởi các công ty giáo dục tư nhân HK. (HK đã làm như thế với các chuỗi đại học tư thục ở các nước Trung Đông, Nam Mỹ và vùng vịnh Caribbean, Đại Tây Dương).
5. VN sẵn sàng hợp tác với hai bộ Lao động và Di Trú HK để tuyển mộ nhân công (nữ) chuyên môn cho thị trường Y tế HK – nhất là ngành Y tá (nursing) vốn đang thiếu hụt nhân công trầm trọng ở HK.
6. Tăng cường hợp tác với HK trong công tác chống các loại tội phạm quốc tế như thuốc phiện, ma túy, buôn người, rửa tiền, truy nã và dẫn độ tội phạm liên quốc gia đang trốn truy nã.
7. Gia tăng kiểm soát hàng hóa xuất khẩu sang HK mang nhãn mác VN nhưng thực sự là hàng của TQ trá hình để tránh các loại thuế quan đặc biệt HK đánh vào hàng hóa TQ.
VN CẦN YÊU CẦU HK TÁM (8) ĐIỀU SAU
1. Viện trợ nhân đạo khẩn cấp bằng thuốc chủng ngừa COVID-19. Số lượng cần ngay là 25 triệu liều.
2. Tuyên bố chính thức công nhận thể chế chính trị VN và không có ý đồ theo đuổi chính sách thay đổi chế độ – regime change – hay là can thiệp vào các vấn đề thuần nội bộ của VN.
3. Yêu cầu HK công nhận chính thức chủ quyền Quốc gia Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa – US to recognize Vietnam's Sovereignty over the Spatly and Paracel Islands and categorically reject China's illegal claims over them as baseless and against international laws and norms.
4. Chính thức nhận trách nhiệm trước công pháp quốc tế và lương tâm nhân loại về hành động rải chất độc Da Cam trong thời chiến vốn gây tác hại khôn lường về môi trường và để lại một di sản y tế, tật nguyền di truyền cho hàng thế hệ người Việt bị nhiễm độc trong và sau chiến tranh. Cùng với điều này, HK hãy bồi thường bằng hiện kim theo số tiền mà VN bấy lâu nay đòi hỏi – tối thiểu là 500 triệu USD. Đây thực ra là một số tiền rất khiêm tốn nhưng mang tính biểu tượng cao trong quá trình hòa giải hậu chiến giữa hai quốc gia.
5. Bãi bỏ phần còn lại các rào cản thuế quan, an toàn đối với hàng hóa xuất khẩu từ VN sang HK. Hỗ trợ các hãng Hàng không VN sớm có đường bay thẳng, không ngừng nghỉ, giữa VN và HK.
6. Cho VN được hưởng tiêu chuẩn ngoại thương Tối Huệ Quốc Toàn diện trong quan hệ ngoại thương giữa hai quốc gia.
7. Bãi bỏ toàn diện các giới hạn về giao thương công nghệ quốc phòng – bao gồm vũ khí sát thương, vũ khí và công nghệ quốc phòng cao cấp, nhất là về công nghệ điện toán, trí tuệ nhân tạo, laser, radar, an ninh mạng…
8. Và cao hơn hết, VN mời Phó Tổng thống Harris đến thăm Nghĩa trang Trường Sơn ở Quảng Trị và Nghĩa trang Biên Hòa của VNCH. Tại Nghĩa trang Trường Sơn, VN mong mỏi, PTT sẽ có bài diễn từ thay mặt nhân dân và chính phủ HK chính thức xin lỗi – to issue a formal apology – về những sai lầm mà HK đã tác hành ở VN trong những thập niên hậu bán thế kỷ Hai mươi.
Trân trọng kính chuyển.
California, Hoa Kỳ
8/8/2021
N. H. L.
Tác giả gửi BVN.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét