Ai Gián nghị, ai Hòa Thân?
Chuyên chế, độc tài... chẳng ai có thể qua mặt được các ông vua thời quân chủ. Cái gọi là nguyên tắc tam quyền phân lập với sự phân chia các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp để bảo đảm chống lại sự chuyên chế, độc tài thì cả ba quyền ấy đều tập trung vào tay ông vua dưới thời quân chủ.
Nhưng cũng cần biết. Chuyên chế là vậy, nhưng để tránh những hành xử thái quá, chế độ quân chủ vẫn đặt chức quan Gián nghị Đại phu đảm nhiệm việc khuyên răn, can gián vua khi ban hành các quyết định quan trọng. Thời Hậu Lê, khai quốc công thần Nguyễn Trãi đã được phong nhiều chức vị, trong đó, có chức vị Gián nghị Đại phu. Qua đó, giúp cho chúng ta hình dung Gián nghị Đại phu là người như thế nào.
Vua nghe lời phải, thì xứ sở có thể cường thịnh. Vua nghe lời xu nịnh, thì nước mất nhà tan chẳng mấy hồi. Lời phải đôi khi nghe trái tai, khó chịu. Cho nên, người xưa nói “trung ngôn nghịch nhĩ” là vậy.
Bài học thời quân chủ đến nay vẫn còn nguyên giá trị thời sự về cách lắng nghe lời phải và trọng dụng người ngay. Trong dân chúng, có người tán thành chính sách này vì cho rằng hợp lòng dân. Có người lại phê bình quy định kia vì lo lắng chúng đi ngược với lợi ích dân tộc. Điều đó là bình thường, vì chín người thì mười ý, không thể bắt mọi người dân phải “đồng phục” quan điểm. Trăm họ, bách tính, ai cũng có quyền được nói, phê bình, đánh giá, thậm chí phản đối chính sách của chính quyền. Khẩu hiệu “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra” chẳng phải để cho vui. Chính quyền “của dân, do dân và vì dân” chẳng phải chỉ là khẩu hiệu.
Hiện nay, chúng ta theo chính thể cộng hòa không có chức vị Gián nghị Đại phu. Nhưng vẫn mặc nhiên tồn tại hàng vạn, hàng chục vạn Gián nghị Đại phu làm việc không lương dưới màu áo phản biện xã hội. Lời phản biện của họ giúp chính quyền sửa đổi chính sách cho phù hợp, họ hiến kế vì quốc kế dân sinh. Trong cơn đại dịch, họ hiện diện với tư cách những nhà khoa học có tiếng nói độc lập trong buổi làm việc với Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên nhằm góp thêm phương pháp vào chiến lược chống dịch COVID-19 tại TP.HCM...
Phản biện xã hội cần nhìn nhận ra không chỉ là những báo cáo khoa học, những bài phân tích, viết chỉnh chu, đăng tải trên các trang báo, trang mạng xã hội, mà phải bao gồm cả những lời phê bình, phê phán, đánh giá, phàn nàn, chỉ trích...
Với góc độ đó, thì lời của giảng viên T.T. Thơ Trường Đại học Duy Tân cũng chính là lời phản biện xã hội mà cô muốn truyền lại cho sinh viên của mình. Nhưng “Trứng khôn hơn vịt”, sinh viên đã “hạ đo ván" giảng viên của mình.
Cô giảng viên cho rằng “Có dân nước nào chạy 1.500 km về quê. Như vậy hệ thống an sinh xã hội của chúng ta quá kém đúng không?”. Công chúng thử điểm lại đánh giá vừa rồi để thấy cô giảng viên đã đúng sai thế nào?
Tháng 07/2021, khi TP.HCM và các tỉnh lân cận áp dụng giải pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 và 16+, thì hàng vạn người dân nhập cư tại TP.HCM và các tỉnh lân cận chợt thấy mình là người thừa thải, nằm ngoài sự chăm lo của chính quyền.
Các gói cứu trợ hàng nghìn tỷ đồng đã ở đâu trong cái túi rỗng của họ? Biết bao nhiêu nỗi lo lắng về nơi ăn, chốn ở, dịch bệnh đe dọa... sẽ được giải quyết như thế nào đã là những câu hỏi lơ lửng không thể giải đáp.
Họ đành chọn sự tự giải đáp theo cách khó nhất và vất vả nhất là tay xách, nách mang, bồng bế cả con thơ ... chạy xe máy, xe công nông, xe ba gác và đi bộ ... hàng trăm, hàng nghìn km trên các con đường quốc lộ ra miền Trung, lên Tây Nguyên, xuôi miền Tây để hồi hương “tị nạn” là sự vạn bất đắc dĩ.
Khi ly hương đến các đô thị miền nam, chưa một ai trong số họ nghĩ đến viễn cảnh ngày trở về của họ theo cách ấy.
“Nếu hệ thống an sinh” (từ của cô giảng viên T.T. Thơ dùng) chu đáo, hiệu quả, minh bạch và kịp thời ngay cùng lúc với thông báo áp dụng các mệnh lệnh hành chính giãn cách xã hội làm yên lòng họ, thì chắc chắn đã không dẫn đến cuộc “tị nạn” của hàng vạn người dân như vậy.
Vậy đánh giá của cô giảng viên T.T. Thơ về hệ thống an sinh đã sai chỗ nào?
Nhưng rất tiếc, Trường Đại học Duy Tân, đã hành xử đầy thủ cựu, đi ngược với tinh thần Duy Tân lịch sử của cụ Phan Chu Trinh khi sớm ra quyết định sa thải giảng viên T.T. Thơ.
Hạ tuần tháng 05/2016, trong chuyến thăm Việt Nam, Tổng thống Mỹ, ông Obama có lời phát biểu trước cử tọa người Việt “Tôi vẫn nghe những lời chỉ trích hàng ngày. Nhưng chính sự giám sát đó, những cuộc tranh luận công khai, chỉ ra những điểm không hoàn hảo của chúng tôi, và cho phép tất cả mọi người có tiếng nói đã giúp chúng tôi phát triển mạnh mẽ hơn, thịnh vượng hơn và công bằng hơn”.
Ông Obama không phát biểu những điều tương tự khi thăm các quốc gia khác ngoài Việt Nam. Có lẽ công chúng dễ đoán ra lý do.
Trên thế giới, không có dân tộc nào lại không mong muốn được “phát triển mạnh mẽ hơn, thịnh vượng hơn và công bằng hơn” như nước Mỹ của ông Obama. Dân tộc này cũng vậy! Nhưng những ai? Cơ chế nào? Sẽ làm điều đơn giản nhất là bắt đầu lắng nghe những lời “Trung ngôn nghịch nhĩ” để dân tộc này được cất cánh, khi mà sau phát ngôn sẽ không đặt họ sau song sắt nhà tù vì những tội danh "Vi phạm quyền tự do dân chủ", hay "Tuyên truyền chống Nhà nước"?
Trở lại với bạn sinh viên Trường Đại học Duy Tân. Hôm nay, trong cơn say men chiến thắng khi "hạ đo ván" một giảng viên đại học, thì bạn ấy đã không biết đang góp phần tạo nên điều gì cho thế hệ mình: Ngu dân.
Buồn.
Tiên sư cúm Tàu.
---
* Tặng Vy Thục và em gái, như lời chia sẻ buồn cho cô giáo mình.
Đ.Đ.M.
Nguồn: FB Manh Dang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét